"Lý luận phê bình và đời sống văn chương"- một công trình bổ ích (Phạm Ngọc Hiền)

(Đọc sách Lý luận, phê bình và đời sống văn chương - Nguyễn Ngọc Thiện, NXB Hội nhà văn 2010)

 

        Lâu nay, nhắc đến văn chương, người ta thường nghĩ tới việc sáng tác thơ, truyện. Thứ đó là phê bình được coi là công đoạn phụ ăn theo sáng tác. Nguyễn Ngọc Thiện vốn là cây bút phê bình quen thuộc xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1970. Trong quá trình tìm tòi góc độ để thẩm thơ, ông lạc vào kho sách lý luận của các bậc tiền bối. Thấy có nhiều lý thuyết quá hấp dẫn, ông bén duyên với nó và nhờ vậy đã cho ra đời nhiều công trình khảo cứu, lý luận văn chương có giá trị.

       Tính đến năm 2010, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện đã tham gia viết trên 50 đầu sách, trong đó có có 30 cuốn sách in chung. Ông làm chủ biên 19 cuốn, tiêu biểu như: Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1900 - 1945 (1998), Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX (2003), Văn học Việt Nam thế kỷ XX (2005 - 2009)... Nguyễn Ngọc Thiện cũng có nhiều tác phẩm in riêng đáng chú ý như: Văn chương và tác giả (1995), Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (2000), Phong cách và đời văn (2005), Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh ? (2004). Gần đây nhất là Lý luận, phê bình và đời sống văn chương, cuốn sách gần 600 trang, được NXB Hội nhà văn phát hành năm 2010.

      Cuốn sách gồm ba phần, phần thứ nhất: Lý luận, phê bình và đời sống văn chương, bao gồm 25 bài viết, phần nhiều nói về diện mạo lý luận phê bình ở Việt Nam qua các giai đoạn. Ngoài ra còn có những bài viết về các kỷ niệm văn chương và các ý kiến ngắn của tác giả về các vấn đề văn nghệ mang tính thời sự. Điểm đáng ghi nhận của chương này là cung cấp một kho tư liệu bổ ích về đời sống phê bình văn học Việt Nam từ 1930 trở về sau. Tác giả như con ong cần mẫn đi tìm hoa hút mật vườn thơ, mà khu vườn văn chương bao giờ cũng đa dạng phức tạp, đòi hỏi nhà khảo cứu phải có một tư duy dung hợp rộng rãi. Không chỉ có cái nhìn bao quát đời sống phê bình trên diện rộng mà tác giả cũng biết để mắt tới những cá nhân xuất sắc đã làm nên diện mạo văn học mỗi thời kỳ như Hoài Thanh, Lan Khai, Phan Khôi, Phương Lựu...

       Phần thứ hai: Lược khảo 34 tác giả lý luận, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX. Tác giả cung cấp một bức tranh đa dạng về diện mạo các nhà phê bình văn học tiêu biểu. Họ là những nhà văn đã nổi tiếng trước 1945 như Phan Kế Bính, Dương Quảng Hàm, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Hải Triều... Mảng thứ hai là những nhà văn ở miền Nam trước 1975 như Thanh Lãng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung... Nhưng phần đông là các nhà văn cách mạng thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Trong đó có nhiều người đã qua đời như Đặng Thai Mai, Trương Chính, Phan Cự Đệ, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Đinh Gia Trinh, Hà Xuân Trường... Và những "người đương thời" nổi tiếng như Lại Nguyên Ân, Trần Thanh Đạm, Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Phong Lê, Mai Quốc Liên, Phương Lựu, Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Ngọc, Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Hoàng Trinh...

      Ngoài hai chương chính, cuốn sách còn có phần phụ lục: Lời bạn tri âm, giới thiệu bài viết của các văn hữu về những cuốn sách đã xuất bản của tác giả. Nhìn chung, 33 bài viết đáng giá cao những công trình của Nguyễn Ngọc Thiện, xem ông là người có công "nhặt vàng từ thời gian", có một "góc nhìn mới" khi tiếp cận văn học quá khứ...Nhà nghiên cứu Hoàng Trinh nhận xét: "Chọn góc độ tiếp cận từ phương diện bản thể đặc thù (tính nghệ thuật), anh cố gắng khám phá đặc trưng sáng tạo mang dấu ấn phong cách riêng của mỗi nhà văn, bút pháp độc đáo của nghệ sĩ ngôn từ qua từng tác phẩm thuộc thể loại của nó, từ đó, trân trọng những tìm tòi, đóng góp khác nhau của từng bản lĩnh tác giả" (tr. 410)

      Giá trị của cuốn sách không chỉ đóng góp một kho tư liệu bổ ích về lý luận phê bình văn học Việt Nam mà còn hấp dẫn người đọc bởi một văn phong khoa học sáng sủa, đôi chỗ bay bướm theo đúng nghĩa của một công trình văn chương. Ví dụ: "Tiểu thuyết như một con tàu, lúc đầu nhẩn nha rong ruổi, nhưng về cuối đã tăng tốc lao nhanh về đích. (...) Ta yên lòng với sự dẫn dắt của tác giả, nhấm nháp cùng nhân vật những suy tư về nhân tình thế thái, về tập tính tốt / xấu của người Việt xa xứ khi quần tụ trên đất người, về lẽ đời khi con Tạo xoay vần điêu đứng..." (tr. 201 - 204).

     Qua cuốn Lý luận, phê bình và đời sống văn chương, ta thấy Nguyễn Ngọc Thiện tích hợp trong mình rất nhiều nhà: nhà nghiên cứu, phê bình, nghệ sĩ, nhà giáo, nhà báo... Ông từng là Trưởng ban Lý luận văn học của Viện Văn học, tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, thẩm định các công trình khoa học. Nay với cương vị mới: Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam nhưng vẫn tranh thủ thời gian nghiên cứu, viết lách bên cạnh một khối tư liệu đồ sộ. Nguyễn Ngọc Thiện quả thật là con người của công việc, con người của văn chương...

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 05:27 - 21/12/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận