Văn hóa đọc Việt Nam liệu có thay đổi sau "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" ?

Đôi điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân

Kể từ sau cuốn sách 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], chúng tôi đề nghị một khái niệm là tiểu-thuyết-Đặng-Thân, liên quan tới gần như mọi mặt của thi pháp học và trên hầu khắp các lĩnh vực của chữ nghĩa. Hai câu hỏi sinh tử và kinh điển trong lý thuyết văn học - "Văn học là gì?", "Văn học để làm gì?" cùng chuỗi các quan hệ dây chuyền (xã hội và văn học, hiện thực/hư cấu và văn học, hình thức và nội dung, cá biệt và điển hình, dân tộc tính và toàn cầu tính...) - và nhiều nan đề trong lao động nhà văn cũng có dịp được tái thẩm định.

Trong tất cả các cái-gọi-là trào lưu/trường phái văn nghệ, dường như hậu hiện đại gây tranh cãi khốc liệt hơn cả; vì đó... không phải là trào lưu/trường phái! Các chữ "cách tân", "cách mạng" thường dùng những khi có các thay thế, phủ định, phát triển, hoàn thiện trong dòng chảy liên tục của văn nghệ thế giới. Hậu hiện đại không như thế: phủ định (một số phần), khai triển, biến dạng thì có; nhưng nó chẳng thay thế cái gì khác. Vì không cái gì giống nó, xét về chủng loại, giống loài. Vì trong nó ẩn hiện những yếu tố của tất cả các trào lưu/trường phái đã có và chưa có để phát lộ khi gặp điều kiện. Các sắc thái của nó, từ thuở ban sơ của văn minh loài người - có người Việt trong đó! - ẩn náu trong văn hóa và xã hội, âm ỉ từ các thập niên 20-30 và bùng lên cả về lý thuyết lẫn thực hành vào những thập niên 60-80 của thế kỷ trước ở xã hội và nhất là văn học nghệ thuật trong một số nước tiên tiến châu Âu (khởi đầu là Pháp) và Hoa Kỳ; và hai thập niên gần đây ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chỉ riêng việc gọi tên một sáng tác nào đó thuộc về hoặc mang màu sắc hậu hiện đại hay không đã làm nhiễu tạo loạn không ít các trang báo, các cuộc hội thảo.

Hội thảo "3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân" 7.1.2012,
Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace - Hà Nội.

Với 3.3.3.9, tranh luận về danh xưng chắc sẽ không xảy ra, còn ở nội hàm hẳn sẽ có. Hậu hiện đại mà! Lại là hậu hiện đại theo kiểu Đặng Thân đã nổi lên trong văn học Việt gần mươi năm qua ở truyện ngắn, thơ và tiểu luận - phê bình, từ trong ra ngoài nước, cả trong dòng chính ra tới bờ lề...

Cùng một số sáng tác dài hơi hậu hiện đại của các tác giả khác trong thập niên năm qua, quả cân nặng ký nhất từ "trên trời" chính thức ra mắt bằng ấn bản "dưới đất" mang tên 3.3.3.9 đã trình bày một quan niệm khác, một ý niệm lạ trong thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam, và có thể cũng trên thế giới. Khái niệm tiểu-thuyết-Đặng-Thân, qua cuốn sách này, có giá trị lớn nhất là thế. Một cuộc cách tân hoàn toàn về nghệ thuật viết và đọc tiểu thuyết Việt Nam đã được hiển lộ đàng hoàng trên văn đàn qua 3.3.3.9.

Mời đọc bài giới thiệu từ nhà văn - nhà biên tập Đà Linh; sáng và gọn: "Một niềm vui văn học mới" - ở đó có tóm tắt cơ cấu cuốn sách theo 5 nhân vật:1- Ông Bà/A Bồng, 2- Schditt von deBalle-Kant, 3- Tác giả, 4- Mộng Hường (nhân vật nữ), 5- Lời bàn [phím...] của các Netizen với 5 cốt truyện đồng thời, độc lập và xuyên suốt; và liệt kê cả tá đề tài liên hệ của cuốn sách: Một Câu chuyện lớn (từ lịch sử - văn hóa - truyền thống - hiện đại - nhân loại...) chứa đựng nhiều Câu chuyện nhỏ (gia phả, đạo, âm nhạc, kinh doanh, văn học, dịch thuật, phong tục, nhân vật, du lịch, cửa Phật, ngôn ngữ, thời sự trong nước và thế giới...).

Với các độc giả không có nhiều thời gian, không thích triết lý, ngại kiến thức và quen với tiểu thuyết "bình thường", thì chỉ cần đọc 2 mạch truyện của Mộng Hường và của Schditt với cốt truyện, nhân vật, câu chuyện kể có mở có kết trọn vẹn.

Lời bạt, với câu "Đặng Thân là điển hình của văn chương hậu-Đổi mới", cùng bài giới thiệu trên báo Văn Nghệ số 53 (31/12/2011) mang tựa đề "Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp)" với câu "Nói từ Nguyễn Huy Thiệp đến Đặng Thân là nói từ (chủ nghĩa) hiện đại đến hậu hiện đại", của nhà lý luận - phê bình Đỗ Lai Thúy mang ý nghĩa "bắt vít đóng đinh" 3.3.3.9 và tác giả của nó lên bảng giá trị của văn học Việt Nam đương đại.

Phần chúng tôi, đồng ý về nội dung và tinh thần trong cả hai bài và xin bàn lại vài tiểu tiết về hậu hiện đại; tức là làm tơi ra cho rôm rả mà không hòng kết quả! Bởi cái-gọi-là-chủ-nghĩa/phương-pháp/tinh-thần/tâm-thức/triết-học hậu hiện đại luôn chỉ là những con đường; không là thành Rome.

Trường bút và văn phong ở 3.3.3.9 cho thấy thể loại tiểu thuyết mới kham nổi con ngựa bất kham họ Đặng tên Thân. May ra có Từ điển thi x/x loại [chúng sinh] sánh được. Dùng lại cách nói của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Đặng Thân viết tiểu thuyết là "lấy tất cả mình ra làm... diễn đàn".

Về cơ cấu hình thức và cấu trúc nghệ thuật: 3.3.3.9 hậu hiện đại ở nội thất, mà vẫn hiện đại và tiền hiện đại ở mặt tiền cổng vườn ngõ hậu. Và cổ điển, lãng mạn, hiện thực rải rác khắp nơi. Đặng Thân kết hợp hai phạm trù hình thức và nội dung khi kết cấu một tác phẩm hậu hiện đại. Đây là điểm son ít tác giả hậu hiện đại khác làm được. Kết cấu truyền thống (tự sự theo thời gian một chiều) và kết cấu nghệ thuật (không - thời gian quay đảo, đồng hiện) không còn mâu thuẫn nhau như trong sáng tác hiện đại và tiền hiện đại. Văn bản 3.3.3.9 trộn tạp nhiều hình thức ngôn tự với hai dạng chính là văn chương (kể cả văn vần) và báo chí; nhưng có những khoảng trống giữa các thành phần độc lập. Theo René Char về cấu trúc một bài thơ, thì 3.3.3.9như là các tiểu khúc "quần đảo". Vẻ ngoài, cấu trúc truyện thì hậu hiện đại hoa mắt ù tai, dễ làm độc giả bình dân nản lòng; tuy nhiên, nếu bập vào một mạch nhỏ sẽ nhận ra: kiểu dàn binh bố trận của 3.3.3.9 vẫn lấy cách kể tuyến tính làm trọng.

3.3.3.9rất có hơi văn khí truyện - nhận dạng đầu tiên cho sức thu hút của một tiểu thuyết. Hơi thì quá nồng, khí thì thậm đậm. Nhưng có thế mới là con đẻ của Đặng Thân.

Riêng về cấu tứ, không biết trong văn chương thế giới có tác phẩm nào tương tự 3.3.3.9? Hình như không. Dù thế nào, với 3.3.3.9 văn học Việt vẫn có thêm một ấn phẩm đáng giá mang ra trường quốc tế. Bề kích - chứ không phải dung lượng - của các sáng tác bằng tiếng Việt đang thực sự sang trang với 3.3.3.9! Về độ "khủng" trong cấu tứ truyện, rất có thể3.3.3.9 là tác phẩm đầu tiên của văn đàn Việt Nam.

Về thi pháp học hình thức, 3.3.3.9 mang chất hậu hiện đại ngồn ngột và ngùn ngụt. Còn về thi pháp tư duy nghệ thuật, tiểu-thuyết-Đặng-Thân lại thuộc về các khuynh hướng hiện đại và các hình thái trước đó. Cốt lõi dễ thấy: Nội dung của tiểu-thuyết-Đặng-Thân có thể kể-lại-được; nhất là hai mạch chính về Mộng Hường và Schditt. Hư cấu lẫn phi hư cấu, 3.3.3.9 có hàng trăm lớp lang, nhưng bóc đi gọt ra cùi vỏ, cuối cùng độc giả sẽ gặp nhân - đúng ra là vài cái nhân - của tác phẩm. Đấy là nét quảng đại quan trọng nhất không bị các yếu tố hậu hiện đại phá hủy ở tiểu thuyết 3.3.3.9.

Nhà văn Đặng Thân - Khách mời của đài Phát Thanh và Truyền hình Hải Phòng

Thể loại là một trong các phá vỡ thậm tệ nhất về văn bản của cái-gọi-là hậu hiện đại. Sẽ hoài hơi khi cứ khăng khăng đòi phân loại ra môn ra khoai các sáng tác hậu hiện đại. Còn cuốn sách này đúng là thể tiểu thuyết, theo cách hiểu thông thường nhất. Nhưng nó là loại tiểu thuyết gì? Tìm hiểu này sẽ đưa tới nhiều hệ quả đẹp, xác định giá trị mở lối thông đường của 3.3.3.9 trên lộ trình văn học Việt Nam đương đại, nhất là văn học hậu hiện đại Việt Nam.

Khó có một cách gọi "chuẩn không cần chỉnh" cho loại tiểu thuyết của3.3.3.9! Chính tác giả Đặng Thân, về giọng điệu có lúc coi đây là "tiểu thuyết phúng dụ". Nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhìn cấu trúc, thấy "nó vừa giống 'tiểu thuyết tư liệu' vừa không". Được biết với nhà thơ - dịch giả Dương Tường thì là "phi thể loại", với nhà lý luận Trần Ngọc Vương là "tiểu thuyết của học giả". Các mũ đàn hồi quen thuộc khác như "siêu tiểu thuyết", "tiểu thuyết thử nghiệm", "tiểu thuyết mở", "tiểu thuyết tư duy"... cũng thật tiện khi nhiều người đang đội lên đầu 3.3.3.9.

Xung quanh cái siêu, độ thử nghiệm và tính mở, đã có những ý kiến. Xét về chiều kích và độ đa tạp đề tài, nay có kiểu gọi khác, ra dáng toán học: tiểu thuyết cực đại. Và cũng có thể dùng - về hình thức - cách gọi của Bakhtin: tiểu thuyết đa thanh/tiểu thuyết phức điệu.

Xin cập nhật, Đặng Thân vừa tiết lộ: "Hiện nay tôi đang triển khai một cuốn tạm gọi là tiểu thuyết, nhưng thực ra là phi thể loại, không trường phái, có tên là Factum [a] Cave. Nếu ai cần xác định trường phái cho nó thì tôi xin tạm gọi là 'chủ nghĩa nguyên thủy' (có thể hiểu là: originalism/ primitivism/ cave-ism)." (Báo Sài Gòn Tiếp Thị, 24/12/2011).

Ba chương của "tiểu thuyết nguyên thủy" này đã được công bố. Vì Factum [a] Cave chưa hoàn thành, nhưng chính là vì để mỗi cái đầu của chúng ta lúc này không bị nổ tung ra, chúng tôi chưa bàn tới việc so sánh thể loại và thi pháp giữa hai cuốn tiểu thuyết 3.3.3.9 và Factum [a] Cave. Hẹn gặp lại!

Trở lại tên gọi "tiểu thuyết phúng dụ": Danh sách tác giả thành danh của dòng tiểu thuyết này trong văn học Việt Nam, từ nam chí bắc, từ ngày khai thiên lập địa tới nay chắc chưa vượt quá mười đầu ngón tay. Nếu như tiểu thuyết là trận chiến bằng tư tưởng nhân văn và hình tượng ngôn ngữ, làm phản tỉnh xã hội và thế giới, thì tiểu thuyết phúng dụ/hoạt kê là cuộc chiến không cần vũ khí sát thương. Dân tộc Việt có truyền thống "sống tốt" trong các cuộc chiến dựng nước và giữ nước, nhưng lịch sử cho thấy chúng ta "sống tồi" trong thời bình. Biết bao nhiêu nguyên do, trong đó chẳng lẽ không phải là vì công-nghiệp-văn-học-Việt thiếu vắng các máy-cái-tiểu-thuyết lấy tiếng cười là chủ điệu?

Được tôn cao đào sâu ở tiểu-thuyết-Đặng-Thân, chất hài trong văn chương Đặng Thân đến từ khá nhiều yếu tố mà giễu nhại hậu hiện đại là nét chủ. Mong sẽ có nhiều nghiên cứu về đặc điểm nghệ thuật này của tác giả 3.3.3.9trong cao vọng chuyển dạng cải hình cho tiểu thuyết Việt Nam, như GS Phong Lê vừa xướng lên tháng trước tại Hội thảo về cuốn "tiểu thuyết biếm họa" của nhà văn Đỗ Minh Tuấn: "(...) một hình hài của Đôn Kihôtê của Cervantes, một "Gacgăngchuya và Păngtagruyen" của Rabelais (...) Thời đại Phục Hưng khởi động bằng tiếng cười, chứ không phải bằng sầu bi, đời thường đâu. (...) Thời đại mới đòi hỏi một sự khởi động bằng tiếng cười."

Chúng tôi muốn có một gợi ý về cách-nói-trạng, động-thái-cuội của dân gian Việt đã được 3.3.3.9 sử dụng tối đa và hậu hiện đại hóa kỳ cùng. Đây chính "quốc hồn quốc túy"! Vũ Trọng Phụng là tác giả đã hiện đại cách-nói-trạng, động-thái-cuội Việt một cách điển hình và quái kiệt trong tiểu thuyết, phóng sự. Tự Lực Văn Đoàn có một hệ hình trạng-cuội rất hiệu quả, và chia đều ở rất nhiều bỉnh bút. Phải mất gần nửa thế kỷ sau, một tác giả đương đại là Trần Đăng Khoa, và vài năm mới đây thêm Nguyễn Quang Lập, đã thành tựu ở ký, chân dung, tản văn chính là nhờ giọng-hài-trạng, điệu-tiếu-cuội. Lượng-thông-tin của nghệ thuật Trần Đăng Khoa, nhất là của nghệ thuật Nguyễn Quang Lập, không có trọng lượng thông tin. Nhị vị "thành thần" là do thuật kể mẹo dẫn, trên hết cả là phong thái tự tin chân quê, là tình đắm đuối văn nghệ trong sự thẩm văn độc đáo. Văn chương Đặng Thân có hậu ý triết luận, tình chữ nghĩa tưng tửng, thẩm văn quái lạ là nhờ dòng-máu-phóng-dụ chảy từ đỉnh tóc đến gót chân!

3.3.3.9là một sáng tác có ý đồ văn chương rõ, chức năng thẩm mỹ chắc, độ mỹ văn sắc. Những gì, về hình thức, ngoài văn học (triết thuyết, lịch sử, tôn giáo, du lịch, khoa học...) đã được khu biệt sáng sủa về tư duy và bắt mắt về trình bày, nhằm hỗ trợ cho đích văn học. Khó có thể coi 3.3.3.9 thuộc vào kiểu loại cận-văn-học, hay là văn học mang tính báo chí, hoặc văn học đại chúng, phản-văn-học, v.v...

Gọi đấy là "tiểu thuyết đa văn bản" là chuẩn nhất về văn bản. Với mỗi loại văn bản, tác giả có ngôn ngữ trần thuật khác, bút pháp diễn đạt khác, nhất là điểm nhìn nghệ thuật khác nhưng cùng hướng về một quan niệm về thế giới và con người. Kết cục cái Thiện vẫn còn lại trong mỗi người, người Việt hay người Đức, với thế giới này với nước Việt này luôn phải chao đảo - thông điệp nhân bản quen thuộc đó chính là ngọn hải đăng; nhưng của riêng tác giả. Nó không hẳn lóe lên sau mỗi chương đoạn, khiến độc giả dễ chới với trong đại dương chữ 3.3.3.9.

Nhiều mặt đối lập với tiểu thuyết truyền thống mà không là phản-tiểu-thuyết, tiểu thuyết hậu hiện đại theo kiểu Đặng Thân 3.3.3.9 cũng tỏ ra ngược với các loại "tiểu thuyết dòng ý thức", "tiểu thuyết mới": Độc thoại nội tâm thuần túy là xa xỉ; Chống đồ vật là rất rách việc; Tiềm thức ư, có mà rỗi hơi; Giải trung tâm nên giải tán luôn trung tâm ý thức; Hợp lý và khoa học là tư chất của tác giả 3.3.3.9. Phi logic là phi-Đặng-Thân; Có chủ đề: không phải một mà 101; Có cốt chuyện, không chỉ một mà 5; Có nhân vật: 101 mạng chính phụ; Phi văn phong bất thành Đặng Thân; Tình tiết, sự kiện đẻ ra 3.3.3.9; Bảo vệ đến cùng thời gian - không gian vật lý; Thế giới quan này là phải có luận tưởng cụ thể, mời hiện tượng bề mặt đi chỗ khác chơi; Ngôn ngữ "dòng ý thức" (lệch ngữ pháp, loạn ý tứ, không viết hoa, chẳng chấm phảy...) không có đất sống; Cuối cùng, pha trộn thể loại thơ-văn xuôi, tùy bút-tự sự cũng là các trò xa lạ: ở đây thơ là thơ, văn là văn, hòa vào nhau nhưng không tan trong nhau.

Cuối cùng, xin có nhận xét gọn về một số ý, phần cụ thể của3.3.3.9:

+ Việt tính là một nỗi dày vò lớn của cuốn sách. Thực ra là nhân tính được dân tộc hóa, địa phương hóa: từ Mộng Hường, Schditt, Đặng Thân tới hàng loạt nhân vật phụ. Lạnh lùng và táo bạo, tác giả bảo vệ Việt tính bằng các ví dụ phản-Việt-tính. Trong chữ nghĩa, Đặng Thân là một người yêu dân tộc, yêu con người đến khổ sở. Một bảo đảm bằng vàng cho 3.3.3.9: quậy phá văn chương dàn trời, câu lời ngổ ngáo ngập đất tiểu-thuyết-Đặng-Thân vẫn là một sản phẩm đứng đắn.

+ Lối dùng các trích dẫn kinh viện, suy diễn vẻ khách quan của tác giả về học thuyết, tông giáo là thuật áp đặt không khoan nhượng; nhất biên đảo. Áp đảo bằng sự thông minh và tài bắt bẻ, bằng tư duy tinh quái và tốc độ dẫn truyện ào ào hơn thác đổ, bằng kết cấu thiên la địa võng của ngôn từ và văn bản... Giọng chính của tác phẩm là độc đoán, tác giả là Thượng đế, là kẻ biết tuốt. 3.3.3.9 còn giữ đặc điểm át chủ của phương pháp hiện đại và hiện thực, trong mục đích tải đạo lộ liễu.

+ Ngôn-ngữ-Đặng-Thân xứng đáng cho các khảo cứu nhà nghề. Hóm Bắc kỳ và bạo Nam kỳ; khi sâu sắc lúc nhạt phếch; vừa tri thức vừa cà nhây; khó chịu mà không buông được - tất cả dồn vào mục tiêu thuyết phục, dụ mị độc giả. Chất phản biện của tác phẩm cũng hiện rõ trong phản-tu-từ, chơi-xấu-chữ, đảo-điển-tích... Dưới mỗi con tự của Đặng Thân luôn có ít nhất một... cái hố!

+ Kỹ thuật gây cười hậu hiện đại dùng giễu nhại văn bản và tu từ vốn rất cực đoan. Đó cũng là một cản trở cho các độc giả bình thường quen nồng độ pha trò vừa phải. Làm sao có sáng tác hậu hiện đại được nếu tuân lệnh vua hềThời hiện đại Chaplin "Trò đùa phải chấm dứt khi nó thành công nhất"; hay theo phương châm cổ điển "Tiếng cười chỉ là muối của cuộc đời"? Không! Hậu hiện đại là đùa cợt, đùa cợt nữa, đùa cợt mãi! Hậu hiện đại là cả một tô canh muối, một dòng sông muối! Tiểu-thuyết-Đặng-Thân đã không là ngoại lệ.

+ Phần Lời bàn [phím...] của các netizen là một trong các độc đáo; dù nhiều tác giả khác cũng đã làm nhưng không triệt để và dằng dai như Đặng Thân. Trong thủ pháp trò chơi, đây như là phần mạo hiểm nhất. Cái hóm, cái lanh, mà trên cả là cái thiện, cái tâm của tác giả khiến phần Lời bàn cùng cả tập truyện vẫn trôi vào mắt độc giả. Quan trọng: Các netizen không sắm vai đồng tác giả, chỉ làm bình luận viên.

Chúng tôi đang muốn viết tiếp mà e không xuể, xin nêu ra như những gợi ý để chúng ta cùng nghiên cứu tiếp: So sánh vị trí và phong cách viết giữa Đặng Thân với Nguyễn Huy Thiệp (theo Đỗ Lai Thúy); So sánh kỹ thuật viết của Đặng Thân với Phạm Công Thiện, Nhật Chiêu...; Tính văn xuôi; Tính văn hóa đại chúng; Tính trò chơi; Chất hài hước; Chất tôn giáo; Chất "sex";Ngôn-ngữ-Đặng-Thân trong 3.3.3.9; v.v...

Ôi, rất nhiều điều về tiểu-thuyết-Đặng-Thân!

Đỗ Quyên

Lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ "Người trần thuật trong văn xuôi Đặng Thân - từ 'Ma Net' đến '3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" tại ĐHSP Hà Nội 2 ngày 3/8/2014.
Tác giả luận văn: Trần Thị Ban Mai, người hướng dẫn: TS Phùng Gia Thế


Phamngochien.com - 08:27 - 19/08/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận