Nguồn sống từ mái trường thân yêu (Nguyễn Tuấn Anh - SV ĐH Sài Gòn)

Đất nước hiền hòa chở con nước phù sa, miền đất nơi tôi sinh ra mặn mà tình nghĩa, nơi xứ sở tận cùng của Tổ quốc Việt Nam - đất mũi Cà Mau. Đi bằng chiếc tàu cao tốc chạy phăng phăng trên mặt nước, sau khoảng một tiếng đồng hồ tôi dừng lại ở ngôi trường thân yêu: trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân. Nằm tại ven con sông Cái đêm ngày ròng lớn, lòng sông Cái mỗi lúc một rộng ra thêm, con nước mùa ngày dâng cao không kể xiết, ngôi trường Trung học cơ sở ấy vẫn còn uy nghi với dáng đứng vững vàng. Ngôi trường với bề dày lịch sử lâu năm đã góp phần làm nên những chiến công to lớn cho nền giáo dục tỉnh nhà.

Tôi đã từng trụ lại ở "ngôi nhà thứ hai" ấy trong suốt bốn năm học trung học, gắn bó với từng tấc đất, từng bóng cây góc sân trường, từng bãi cát nơi tôi cùng bạn bè chơi trò băn bi, đuổi bắt. Hơn thế nữa, tôi luôn yêu mến thầy cô nơi mái trường thân thương ấy.

Phải chăng là ngôi trường nằm tại chợ Vàm Đầm ngày đêm sầm uất những cuộc mua bán đổi trao, những chợ ngày ồn ào rộn rã mà những thầy, cô ở đây có một cuộc sống sung sướng, giàu sang ?Không phải thế. Là một điểm trường xã nằm ở chợ nhưng đội ngũ cán bộ giáo viên ở đây có một cuộc sống giản dị, đơn sơ. Họ bình thường với những sinh hoạt bình thường, không cầu kì và trang nhã làm sao !

Có lẽ cuộc sống ấy đã tạo ra những người lái đò yêu nghề, yêu trò như thầy Duẩn dạy Lý, thầy Dũng dạy Văn, thầy Thanh dạy Địa,... Nơi ngôi trường ấy có những tên tuổi người giáo viên mà khi đọc lên người ta cảm thấy tiếu lâm, ngộ nghĩnh như thầy Bão, cô Lũ, cô Chiêng, thầy Đủng. Thấp thoáng theo năm tháng là cái dáng đi nhẹ nhàng, thướt tha, mảnh dẻ mà ý tứ của cô Diễm Hồng dạy Anh Văn. Bên bụt giảng cạnh chiếc bàn gỗ, nhìn thẳng một góc bốn mươi lăm độ vẫn còn in bóng thầy Luận dạy môn Giáo dục công dân. Và làm sao có thể quên được hình ảnh người thầy Ninh điểm trai nổi tiếng cả trường trong những tiết dạy Sinh học.Chính tất cả những con người ấy đã vẻ nên bức tranh thủy mặc mang vẻ đẹp thanh sơ, cao cả của một ngôi trường xã tôi yêu.

Đi sâu vào sự giản dị thanh cao ấy, đi sâu vào cái hành lang bên phải dãy A khi bước qua cái cổng trường đề mấy chữ to tướng: "Trường THCS Nguyễn Huân" và qua hàng dâm bụt đỏ hoe khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời. Tiến vào gian nhà số năm tính từ ngoài vào là gian nhà của cô Bắc - người cô tôi yêu tôi kính !

Đã hơn ba mươi năm trong sự nghiệp làm người cầm lái đưa đò, chở biết bao thế hệ học sinh qua bên kia bến bờ tri thức, biết bao học sinh đã tốt nghiệp rồi tiếp tục con đường học vấn của mình. Quá khứ đi qua, tương lai lại đến, không biết còn những ai nhớ đến cô không, nhưng cô vẫn tiếp tục với sự nghiệp trồng người của mình. Cô đảm nhận dạy môn Văn lớp tôi - hồi tôi còn học lớp támA hai. Tôi vẫn còn nhớ như in cái dáng đi của một người nhà giáo đã hơn ba mươi năm cuộc đời tận tụy với nghề, có nhiều cống hiến cho nhà trường.Cô đã truyền đạt cho chúng tôi biết bao tri thức, cô giáo dục nhân cách cho chúng tôi hoàn thiện mình.Cô là "người mẹ hiền" biết nâng niu chúng tôi, cô yêu thương những đứa trẻ vô tư như chúng tôi, nhưng cô cũng nghiêm khắc trong việc dạy dỗ chúng tôi nên vóc nên hình.

Tôi làm sao có thể quên được cái dáng đi cong cong mà thẳng đứng, làm sao quên được giọng giảng bài trầm, ấm, yêu thương.Khuôn mặt cô đầy những nếp nhăn, vầng trán cô lộ đầy vẻ suy tư vì phải soạn từng trang giáo án, mái tóc cô giờ đà điểm bạc hơn xưa.Cô đã làm việc hết mình và chính cái thiêng liêng cao cả của nghề giáo, chính bụi phấn của thời gian, của bảng, của những ưu tư phiền não đã bào mòn thân xác cô.Cô là người từ Bắc vào Nam sống, cô hát những khúc hát quan họ miền Bắc rất hay. Cô Bắc vào đây sống đã lâu rồi, cô yêu xứ sở này, yêu cái nghề giáo này, yêu sự nghiệp này, yêu mái trường này bằng tất cả lòng chân thành, nhiệt huyết của thế hệ thanh niên mà cho đến bây giờ vẫn còn nung nấu trong cô. Đó là cả cuộc đời cô Bắc.

Tôi vẫn nhớ rõ như in giờ học Văn hôm ấy, giờ học như bao ngày khác nhưng lại là một ngày đặc biệt đối với tôi. Một buổi sáng đẹp trời, không gian thoáng đãng, tiếng chim hót ngoài hàng cây bàng chí chóe gọi nhau, một làn gió nhẹ nhàng thổi qua khung cửa sổ làm thoải mái cả con người. Hôm ấy, chúng tôi làm bài viết số ba. Vốn dĩ là những "cây cổ thụ" viết văn, tôi ngồi bàn thứ hai cùng Kim Cương, thằng Thảnh ngồi trên, Diệu Ny ngồi phía dưới tôi. Phía dưới Diệu Ny hai bàn là Ngọc Truyền - đứa học Anh Văn giỏi nhất lớp tôi mà viết văn cũng chẳng vừa. Còn bên tổ một là Minh Đang, một con mọt sách kì khôi. Bên tổ bốn là Công Trình đang ngồi cắm cuối viết không nghỉ tay, cứ như thể văn chương lay lán mà nó thì không kiềm chế được. Và đương nhiên tôi cũng viết.Cặm cuội viết. Bỗng. Sau lung tôi có một bàn tay nhẹ nhàng, êm dịu tuy không trực tiếp chạm vào tôi nhưng tôi cảm nhận rất rõ. Cô Bắc nhẹ nhàng sửa lại chiếc bâu áo dựng ngược của tôi cho nó ngay ngắn lại. Lúc ấy người tôi nóng ran lên. Tôi sợ...!

Tôi trấn tỉnh lại sau vài giây.Tôi vô cùng hạnh phúc và ấm áp. Cô đã gần gũi chúng tôi, yêu thương chúng tôi, giờ cô lại thêm một bước nữa gần gũi tụi học trò chúng tôi hơn. Khoảng cách cô - trò ngắn lại, tôi thấy thương cô tôi hơn. Cô đã dạy cho chúng tôi từng nét chữ nét người, cô dạy cho chúng tôi biết quan tâm tới người khác, biết cách gần gũi với học trò mà bây giờ tôi có thêm kinh nghiệm cho con đường nghề giáo của mình. Cô Bắc cao cả thế đấy, cô đáng kính đáng yêu thế đấy.Tôi cảm nhận như vậy. Bởi lẽ tôi chưa từng cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp như vậy, nhiều nhất thì chỉ là cái nhìn trìu mến, yêu thương, hay cái ánh mắt đầy ẩn ý của người giáo viên thôi. Tôi ngạc nhiên vì điều ấy.Không biết với ai thế nào, nhưng đối với tôi, hành động ấy, sự việc ấy làm cho tôi nhớ suốt cuộc đời mình, nhớ cô Bắc hoài, nhớ mãi.Giờ đây, khi hồi tưởng lại, viết lại, trong tôi vẫn còn cái hơi ấm vừa sợ vừa hạnh phúc ấy - khi tôi viết tôi cũng đang mặc chiếc áo sơ mi có bâu cổ.

Cuộc đời thật to lớn và ý nghĩa biết bao.Cuộc sống này có nhiều sự thành công nhưng thành công và quý báu nhất vẫn là tình người - con đường để đi đến tình người ấy chính là tình thầy trò. Đó là những khoảng khắc con người học hỏi, chia sẻ với nhau, tôn trọng lẫn nhau và truyền cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Đó là hơi ấm của tình thương, là sự nâng niu uốn nắn, đồng cảm để sẻ chia. Sự cho đi và nhận lại sẽ làm cho con người gần nhau hơn. Khoảng cách dù có xa nửa vòng trái đất, có như Vạn Lí Trường Thành dài đăng đẵng, như con sông Trường Giang ngăn cách lầu Hoàng Hạc và Dương Châu thì cũng trở nên ngắn lại chỉ trong gang tấc.

Chính vì thế đừng bao giờ coi thường những ý nghĩ thoáng qua, đôi khi đó là những cái không thể tìm lại được, không tái hiện lại được, không nhớ lại được, khi ta nhớ, ta thấy, ta biết hãy nhanh chóng ghi lại, chép lại.Chỉ có làm thế, cái mới được phát hiện ấy sẽ "đọng" lại trong cuộc đời chúng ta. Đó là những điều đáng quý và đáng trân trọng để làm nên "nguồn sống" cho bất cứ ai, hơn thế nữa là cho những nhà giáo tương lai như tôi.

Nguyễn Tuấn Anh, lớp DVA 1101

Khoa SPKHXH, Trường Đại học Sài Gòn

.

 


Phamngochien.com - 18:20 - 17/11/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận