Hành trình qua Thuận Hải

Trần Thị Thu Hiền

Phạm Thị Kiều

Lê Thị Mùi

Ngày 28/01/2013

Địa điểm tập trung là tại Trường Đại học Sài Gòn! 4h30 sáng ngày 28/01/2013, không khí se se lạnh của những ngày chớm xuân cũng không ngăn trở được sự háo hức trên khuôn mặt của các bạn sinh viên. Ai ai cũng chuẩn bị cho mình những vali thật to, đựng đầy những vật dụng cần thiết cho chuyến đi và đang trong tâm trạng hồi hộp, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.Đúng 5h00, xe xuất phát, những vòng quay của chiếc bánh xe đang dần dần đưa chúng tôi rời khỏi trường trong màn đêm mờ ảo. Điểm dừng chân đầu tiên là nhà hàng Tam Châu (ngã ba Dầu Giây), nơi ăn sáng mà đoàn đã được chuẩn bị từ trước. Sau khi dùng xong bữa sáng, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường đi Nha Trang.

Rời khỏi địa phận tỉnh Đồng Nai, xe bắt đầu lăn bánh vào ranh giới của tỉnh Bình Thuận, cảnh tượng đầu tiên được thu vào tầm mắt chúng tôi khi đến vùng đất này là bạt ngàn rừng Thanh long nối tiếp nhau một màu xanh biếc, những cây Thanh long xếp thành hàng thẳng tắp như chào đón những vị khách tham quan sau một đoạn đường đầy vất vả. Chúng tôi được anh hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về vùng đất này và những địa danh nổi tiếng ở đây.Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt đó là mùa khô và mùa mưa.Nhiệt độ trung bình từ 26-27oC, đây cũng là nơi có lượng mưa trung bình khá thấp và có tổng số giờ nắng cao, là một trong hai tỉnh có khí hậu khô nóng nhất Việt Nam.Mặc dù điều kiện tự nhiên nơi đây khắc nghiệt nhưng với một đường bờ biển kéo dài bao bọc ở phía Đông và Nam đã mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế cũng như văn hóa.

Với cộng đồng người: Kinh, Chăm, Hoa, Rắc-lay, K'ho cùng sinh sống hòa thuận với nhau đã làm nên sự phong phú và đa dạng về mặt văn hóa cũng như phong tục, lễ hội,... tất cả tạo nên những nét nổi bậc của vùng đất này.Bình Thuận có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, nhất là văn hoá Chăm pa với nhóm di tích Tháp Pô Sah Inư, đền thờ Pô Klong Mơhnai và hơn 100 bảo vật hoàng tộc Chăm nguyên gốc quý hiếm được bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ vua Chăm lưu giữ, trong đó có vương miện, áo bào, vòng xuyến của vua và hoàng hậu.Ngoài hệ thống các đền thờ, còn có những lễ hội lớn mang đậm nét văn hóa Chăm pa như lễ hội Ka tê (lễ tưởng niệm đấng cha), lễ hội Ramưwan, (Là một lễ hội có giá trị văn hóa độc đáo của người Chăm Bình Thuận.Lễ hội Ramưwan của người Chăm có nhiều giai đoạn.Mỗi giai đoạn lại gắn với một nghi lễ riêng. Chính thức lễ hội này gồm có những giai đoạn: thứ nhất là lễ Kinh Hội đầu năm (người Chăm còn gọi là Sút Amư Răm); thứ hai là Kinh Hội xoay vòng (Sút Yâng); thứ ba là nghi lễ tảo mộ; thứ tư là tháng ăn chay Ramưwan (không gọi là Ramadan như người Chăm Hồi giáo mới) và cuối cùng là Tết ra (VàHar)...).

Bên cạch đó, Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm Bình Thuận là một địa điểm thu hút lượng khách tham quan du lịch đến Bình Thuận. Tọa lạc ngay bên cạnh Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết hơn 65km về phía đông bắc. Với diện tích gần 3.500m² được mô phỏng theo kiến trúc tháp Chăm, Trung tâm là nơi giới thiệu, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của người Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bao gồm: khu trưng bày di sản văn hóa hoàng tộc Chăm; khu trưng bày hình ảnh và cổ vật thuộc văn hóa Chăm; khu trưng bày nông, ngư cụ truyền thống của người Chăm; khu trưng bày hiện vật và trình diễn làng nghề gốm; khu trưng bày các loại nguyên liệu, công cụ, sản phẩm dệt thủ công cổ truyền; và khu trưng bày nghiên cứu các sản phẩm văn hóa phi vật thể.

Ngoài những "Di tích lịch sử - nghệ thuật" của nền văn hóa Chăm, Bình Thuận còn là nơi lưu dấu những bước chân đầu tiên của chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường tìm đường cứu nước. Trường Dục Thanh, là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Đây cũng là ngôi trường mà Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn.

Tháng 10 năm 1910, Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô - vốn là bạn đồng liêu cũ của cụ Nguyễn Sinh Sắc - giới thiệu với Hồ Tá Bang đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Chữ Quốc ngữ và Hán văn, ngoài ra, còn kiêm nhiệm dạy môn thể dục. Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, Đình làng Đức Nghĩa...

Cuối năm 1911, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn đảm trách Đổng lý phân cuộc Liên Thành ở Chợ Lớn, không còn ai giám hiệu và vì nhiều lý do khách quan khác nên trường đóng cửa vào năm 1912. Liên Thành Thư xã cũng đóng cửa ít lâu trước đó, chỉ còn công ty Liên Thành thì vẫn hoạt động mãi đến hiện tại. Hiện di tích Trường Dục Thanh thành phố Phan Thiết đã được tỉnh Bình Thuận phục dựng theo mô tả của các học trò cũ của trường vào thời điểm thầy giáo Nguyễn Tất Thành tham gia giảng dạy, là một địa điểm văn hóa du lịch của cả nước. Phần di tích cũ còn lại nguyên vẹn gồm có cây khế mà Nguyễn Tất Thành đã chăm sóc và giếng nước mà Nguyễn Tất Thành mỗi ngày lấy nước tưới cây.Ngọa Du Sào trong khuôn viên trường do Nguyễn Thông xây dựng để có nơi làm thơ, đọc sách. Khi Nguyễn Tất Thành đến dạy học, cũng từng đọc sách tại đây.

Khu di tích trường Dục Thanh đã trở thành một trong những nơi gắn liền với thân thế và sự nghiệp cách mạng buổi bình minh trên con đường đi tìm đường cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới, vô cùng gần gũi thân yêu đối với mỗi người Việt Nam.

Đến với Bình Thuận, du khách không thể không choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng của rừng núi bạt ngàn, biển cả mênh mông, non xanh nước biếc. Đó là những đặc ân mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất thân yêu này. Những bãi biển trải dài với bờ cát vàng, suốt ngày đêm ngâm nga tiếng nhạc của "sóng", chỉ vậy mà đã làm xao động biết bao nhiêu tâm hồn "tao nhân mặc khách". Trong đó có cả những nhà thơ nổi tiếng như Hàn Mặc Tử và nữ thi sĩ Mộng Cầm.

Lầu Ông Hoàng chính là nơi lưu dấu mối tình của Hàn Mặc Tử và nữ thi sĩ Mộng Cầm. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005) còn có tên Anh Chương là người sinh ra lớn lên tại Phan Thiết và thành danh tại Sài Gòn, ông là một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975. Trong hàng trăm ca khúc trữ tình của ông, ca khúc "Hàn Mặc Tử" và "Hoa trinh nữ" là hai dấu ấn lớn trong sự nghiệp sáng tác. Ca khúc "Hàn Mặc Tử" là một câu chuyện tình rất đẹp, rất bi thương của nữ sĩ Mộng Cầm với thi nhân Hàn Mặc Tử. Lẩn khuất trong từng giai điệu, từng ca từ dường như ông đã ký thác tâm sự lòng mình vào trong nỗi nhớ da diết, nỗi đau vô bờ bến của thi nhân Hàn Mặc Tử...

"Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò."

"Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa.Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua.Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng.Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương. Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn..."

Lầu Ông Hoàng là một di tích văn hóa lịch sử, một địa điểm tham quan không thể thiếu với khách du lịch đến Bình Thuận ngày nay. Là một trong năm ngọn đồi đẹp nhất ở Bà Nài thuộc phường Phú Hài, thành phố biển Phan Thiết, địa danh Lầu Ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi bật lên với ngọn núi Cố cao cao và bốn ngọn đồi nhấp nhô sát dải bờ biển.

Lầu Ông Hoàng là một biệt thự đứng trên đồi cao, do ông hoàng người Pháp tên là Ferdinand dorléans, là Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp khởi công xây dựng vào ngày 21/2/1911. Chuyện kể lại, khoảng cuối năm 1910 đầu năm 1911, Công tước De Montpensier qua Việt Nam đi du lịch và săn bắn. Nhận thấy phong cảnh tại những ngọn đồi xung quanh khu vực Phan Thiết rất hữu tình, nằm trên cao lộng gió, lại nhìn ra biển xanh, đồi cát, đã khiến ông nảy ra ý định mua mảnh đất đồi Bà Nài, có khuôn viên rộng 5,74 ha, diện tích xây dựng biệt thự là 536m2. Khu biệt thự này nằm cách Tháp Chàm Pôshanư khoảng 100m về hướng Nam, sử dụng làm nơi nghỉ ngơi, vui thú săn bắn, tắm biển của Công tước De Montpensier trong các kỳ săn bắn và du lịch sau này. Thời thuộc địa do người Pháp cai quản, nên nguyện vọng của ông hoàng này đã rất nhanh chóng được nhà cầm quyền Pháp ở Bình Thuận là Công sứ Garnier đồng ý bán quả đồi Bà Nài... Đây là biệt thự đẹp,  xây dựng theo kiến trúc Pháp đặt tên là NiddAigle (Tổ Chim ưng), đầy đủ tiện nghi như một khách sạn, nhà nghỉ cao cấp, hiện đại, phù hợp thời tiết, khí hậu ven biển Thái Bình Dương mà người Pháp xây dựng tại các quốc gia thuộc địa. Móng nền được đúc bằng đá hộc xanh, nền cao tới 2 thước, lót gạch bông láng bóng, dưới thềm là bồn chứa nước mưa rất lớn.Nóc biệt thự được lợp bằng những phiến đá màu xanh, mùa hè dù có nóng nực đến đâu nhưng bên trong vẫn mát lạnh. Nội thất các phòng ngủ được bày trí rất sang trọng, đầy đủ tiện nghi, trần có quạt máy, giường ngủ nệm lò xo có gắn gù đồng, salon, tranh vẽ, các loại đèn treo, đèn để bàn, bàn ghế bằng gỗ quý theo phong cách Âu châu đều được mang từ Pháp, Ý sang. Phía trước biệt thự là một sân rộng trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, cây bóng mát, ghế đá. Từ đường cái quan (đường ra Đá Ông Địa, rừng dừa Rạng và Mũi Né ngày nay), rẽ phải dẫn vào biệt thự là một con đường được rãi đá uốn quanh theo sườn đồi, ngang qua Tháp Chàm Pôshanư ngày nay...Tổng kinh phí đầu tư khoảng 82.000 đồng tiền Đông Dương lúc bây giờ. Khi xây xong, biệt thự được xem là công trình hiện đại nhất của Bình Thuận lúc bấy giờ. Tên gọi Lầu Ông Hoàng xuất phát từ cách gọi của người dân trước sự sang trọng của người Pháp cư ngụ ở đấy. Lầu Ông Hoàng có một vị trí đẹp, cao 105m so với mặt nước biển, nằm ở trung tâm Phan Thiết, rất thuận tiện cho việc đi lại, nghỉ ngơi và có sự bảo vệ rất cẩn mật của người Pháp. Tháng 7/1917, Công tước De Montpensier bán lại biệt thự cho một chủ khách sạn người Pháp tên là Prasetts. Sau khi đã có Lầu Ông Hoàng, còn có một người Pháp tên Bell đã xây dựng Hotel Ngọc Lâm ở quả đồi bên cạnh để phục vụ người Pháp và người ngoại quốc đến Phan Thiết. Về sau, vua Bảo Đại đã mua lại toàn bộ khu vực đồi Bà Nài,nhưng chưa kịp sử dụng thì thời cuộc đổi thay. Vài chục năm sau, khoảng 1936, thi sĩ Hàn Mặc Tử từ Sài Gòn ra Phan Thiết, với khoảng 2 năm hẹn hò với người tình Mộng Cầm, nên từ đó địa danh này đã để lại nhiều kỷ niệm khiến cho Lầu Ông Hoàng càng có ý nghĩa, thi vị hơn qua câu chuyện tình với giai nhân Mộng Cầm.

Trong chiến tranh, biệt thự này đã bị tiêu hủy, ngày nay chỉ còn lại nền móng hầm ngầm chứa nước và những ký ức trong người dân Phan Thiết.Ngày nay, Lầu Ông Hoàng đã trở thành phế tích, phần lớn công trình đã bị mất dấu vết, chỉ còn nền móng.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã trải qua một mối tình trên mảnh đất Bình Thuận này, với chứng tích Lầu Ông Hoàng. Thi sĩ Hàn và Mộng Cầm đã cùng nhau đi chơi bờ biển, họ đi viếng các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng...Sau khi bị bệnh, Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ đau đớn đầy nước mắt về mối tình này như: "Muôn năm sầu thảm" đã kêu tên nàng Mộng Cầm một cách thảm thiết: "Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm/ Nhớ thương còn một nắm xương thôi". Bài "Phan Thiết! Phan Thiết!" nhắc kỉ niệm xưa về Lầu Ông Hoàng:

"Ta lang thang tìm tới chốn Lầu trang.

Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang

Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết.

Ôi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!

Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi."

Nữ thi sĩ Mộng Cầm cũng có bài thơ viết về lầu ông hoàng:Vịnh Lầu Ông Hoàng

"Nước nước non non một cõi này

Lâu đài ai dựng tháp ai xây.

Sương dầm nắng dãi lờ gan đá

Gió dập mưa dồn tuổi phận cây

Tuồng thế tang thương bao lớp sóng

Cuộc đời thành bại mấy chòm mây

Đường lên cõi phúc tìm đâu thấy

Thấy cảnh đau lòng khách tình say".

Không dừng lại ở đó, Bình Thuận còn nổi tiếng với những thắng cảnh tươi đẹp, non xanh nước biếc, thơ mộng và hữu tình như Khu du lịch Mũi Né, núi Tà Cú...

Rời khỏi Bình Thuận, đoàn chúng tôi bắt đầu tiến vào địa phận tỉnh Ninh Thuận. Đoạn đường đi đầy nắng và gió, một bên là bờ biển một bên là đồi núi cùng với những cây xương rồng đang vươn mình chống chọi với cái nắng chang chang càng làm tăng thêm sự cằn cỗi của một vùng đất với những khắc nghiệt mà thiên nhiên đã mang lại. Tiếng sóng biển hòa với tiếng gió vi vu tạo nên không khí mát mẻ và cảm giác buồn ngủ đến lạ! Càng vào sâu địa phận tỉnh Ninh Thuận càng thấy rõ cái nắng nóng vô cùng gay gắt, đây cũng là một trong những đặc trưng của vùng đất này. Xa xa là những cánh đồng muối với những ruộng muối đang dần kết tinh thành những hạt muối trắng tinh khiết.

Bên cạnh những hạn chế về mặt khí hậu Ninh Thuận cũng có những thuận lợi nhất định, do độ mặn của nước biển cao nên nghề làm muối không ngừng phát triển, đưa sản lượng muối của tỉnh Ninh Thuận đứng đầu cả nước với sản lượng 130 nghìn tấn/năm với các nhà máy sản xuất muối lớn như: Cà Ná, Phương Cựu...

Ngoài nghề sản xuất muối,Ninh Thuận còn là tỉnh trồng nho nhiều nhất cả nước với tổng diện tích 1709ha (2004), sản lượng đạt 22 500 tấn (2004). Trong đó, địa phương trồng nhiều nhất là huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam. Phan Rang từng được biết đến là vùng trồng nhiều nho nổi tiếng nhất ở nước ta, nhưng vài năm trở lại đây còn xuất hiện thêm một loại đặc sản khác rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây vì vậy cho năng xuất cao, góp phần phát triển nền nông nghiệp của tỉnh đó là cây táo. Không dừng lại ở đó,hành và tỏi cũng là một trong những thế mạnh trong nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận. Hành, tỏi được trồng nhiều tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Hải. Các loại cây này đóng một vai trò vô cùng to lớn đối với nền nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận. Đưa trái cây miền nhiệt đới trở thành các loại đặc sản không thể thiếu trong những chuyến tham quan du lịch, là những món quà ý nghĩa đến từ vùng đất đầy nắng và gió.Nhờ thế mạnh về trồng nho, rượu nho tại Ninh Thuận cũng có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, lượng nho cho sản xuất rượu chưa nhiều, sản xuất còn nhỏ lẻ và phân tán, sản lượng chưa cao.

Khi đến với Ninh Thuận, ngoài việc được thưởng thức những món ăn đặc sản nơi đây. Du khách còn được tận mắt chứng kiến những bàn tay tài hoa khéo léo của những nghệ nhân đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc trưng của địa phương đó chính là những làng nghề cổ truyền của cộng đồng người Chăm với các nghề dệt thổ cẩm và làm gốm... Phan Rang nổi tiếng với những tháp Chăm huyền bí, những vườn nho bát ngát, ngoài ra người ta còn biết đến Phan Rang thông qua nghề làm gốm đã có từ lâu đời làm nên làng gốm Bàu Trúc, nơi sản sinh ra những sản phẩm gốm tinh xảo, sắc nét và thấm đượm một hồn dân tộc Việt. Từ những mảng đất sét vô tri vô giác qua bàn tay của những nghệ nhân đã biến thành những sản phẩm có hồn và có những công dụng nhất định. Chính những người phụ nữ Chăm đã thổi hồn vào đó, tạo cho những món đồ một hình hài vô cùng tinh xảo và sinh động.

Địa điểm dừng chân tiếp theo của đoàn chúng tôi là Làng gốm Bàu Trúc. Làng gốm Bàu Trúc (tiếng Chăm gọi là Palay Hamuk), thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang 10km về hướng nam.Ở Bàu Trúc có gần 500 hộ với trên 3.000 nhân khẩu người Chăm, đa phần sống với nghề gốm từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết dân gian, Tổ của nghề gốm Bàu Trúc là vợ chồng ông Poklong Chanh, hơn ngàn năm trước, ông đã dạy cho phụ nữ trong làng cách lấy đất, nắn, nung đất sét thành những dụng cụ, vật trang trí mà hiện thời du khách có thể nhìn thấy, sờ nắm được. Nhớ ơn của tổ nghề, bà con làng Chăm gốm Bàu Trúc lập đền thờ, tổ chức cúng tế long trọng Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm, khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch.

Chúng tôi được vào tham quan một hộ gia đình trong làng gốm Bàu Trúc, để tận mắt chứng kiến nghệ nhân làm nên những sản phẩm vô cùng tinh tế, sắc nét. Trong nhà, họ trưng bày các sản phẩm gốm với nhiều chủng loại khác nhau. Nhiều nhất là các bình hoa đủ kiểu dáng, kích thước khá nhau, kế đến là những tháp tượng được mô phỏng, các vũ nữ Apsara, bình, ấm nước, nồi, niêu, chum, vại,... để du khách tham quan cũng như mua làm quà tặng sau chuyến đi.Tất cả các sản phẩm đó được làm từ nguyên liệu đất sét lấy từ mỏ đất, mỏ cát do phù sa sông Quao hình thành nên, thuộc làng Bàu Trúc.Loại đất sét này khi cho ra thành phẩm luôn lên màu đẹp, bề mặt láng mịn. Nước hay thức ăn để trong đó lâu hư và luôn mát hơn nhiệt độ bên ngoài.

Qua lời kể của nghệ nhân Chăm và anh hướng dẫn viên, chúng tôi được biết nhiều hơn về nghề làm gốm của người dân nơi đây. Để làm ra một sản phẩm gốm phải trải qua nhiều giai đoạn vất vả, công phu và tỉ mỉ, phải trau chuốt từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu đến quá trình nung và phun màu. Đất sét phải đập nhỏ. Sau đó, đất được rưới nước vừa phải, trùm ủ trước một đêm. Sáng hôm sau, trộn đất với cát mịn nhào nhuyễn. Các nghệ nhân tạo hình cho sản phẩm của mình nhờ bàn tay khéo léo và những bước chân quanh cột đá tròn làm trụ, chứ không dựa vào bàn xoay như các làng gốm khác trên đất nước ta.Từ những bước chân đều đặn và những động tác "nắn" mềm mại,uyển chuyển, khối đất sét mềm mịn ban đầu dần dần chuyển thành hình một khối rỗng tròn trịa, rồi thành hình thành lọ hoa, bình nước.Sau khi tạo hình xong, sản phẩm được đem phơi nắng 4-6 giờ, sau đó sản phẩm được trang trí hoa văn. Bằng những dụng cụ đơn giản như những chiếc bánh xe đồ chơi, thanh tre, vỏ sò, vỏ ốc,... qua bàn tay tài hoa của những người thợ, những bông hoa, đồi núi, cây cối, sóng biển,... dần dần hiện lên mang những nét đẹp rất riêng, vừa dịu dàng như một cô gái Chăm, vừa mạnh mẽ, sừng sững như những ngọn tháp của vùng đất này. Sản phẩm gốm sau khi phơi nắng, được đem về để ở trong bóng mát khoảng chừng 5-10 ngày rồi sắp vào lò. Lò nung ngoài trời, trên những khoảng, nền đất trống. Gốm được ủ rơm, dùng củi đốt. Sau 4-5 giờ đốt với nhiệt độ khoảng từ 500-6000C, gốm được lấy ra để phun màu (loại màu được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được đốt, nung tiếp, thêm 2 giờ nữa gốm sẽ chín. Khi chín tới, gốm Bàu Trúc sẽ có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, bợt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang dấu ấn, dáng vẻ đặc sắc của văn hóa Chămpa cổ.

Ở làng gốm Bàu Trúc, các cô gái từ 13 tuổi trở lên bắt đầu học nghề gốm, họ phải biết và làm được các sản phẩm từ ấm, niêu đất đến chum, vại đựng nước. Ninh Thuận có khá nhiều làng Chăm, nhưng chỉ có đất sét làng Bàu Trúc mới làm được những đồ gốm nổi tiếng.Người yêu thích gốm Chăm thì thấy được nét đẹp của văn hóa Chămpa trong từng sản phẩm.Gốm Bàu Trúc là làng nghề cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại ở Ninh Thuận.Những nghệ nhân này không ngừng giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa từ lâu đời.Ninh Thuận là tỉnh có hơn 20 làng người Chăm, trong đó có những làng vẫn duy trì các tập quán của chế độ mẫu hệ.Từ những việc làm đó đã mang lại một nét văn hóa riêng của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận.Có nhiều bạn sinh viên mua các sản phẩm gốm để làm quà tặng cho những người thân của mình.

Rời khỏi Ninh Thuận với những vườn nho, vườn táo xanh mướt, những ruộng muối bạt ngàn tiễn chân.Cả đoàn lại tiếp tục lên đường học tập và tìm hiểu tại Nha Trang - Khánh Hòa.

Sau một chặng đường dài trên xe, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi cần đến - Nha Trang một thành phố du lịch nổi tiếng. Chúng tôi nhận phòng tại khách sạn Thành Đạt, nằm trên đường Trần Phú. Chúng tôi có 1h00 để vệ sinh cá nhân, đúng 6h00 tập trung tại nhà hàng để ăn tối. Ăn tối xong, chúng tôi có khoảng thời gian riêng để khám phá Nha Trang. Người thì đi dạo, người thì nằm ngủ (vì quá mệt mỏi). Và lớp tôi cũng không ngoại lệ, cùng nhau dạo quanh bờ biển, lắng nghe tiếng sóng, có nhóm thì dạo quanh thành phố, ăn các món đặc sản nơi đây. Khung cảnh về đêm thật lung linh và huyền ảo, bên cạnh con đường nhộn nhịp là bãi biển dài vô tận với những làn sóng vỗ rì rào tạo nên những âm thanh thật dữ dội nhưng cũng thơ mộng.

Nhưng chúng tôi không thể thức khuya nổi vì cả ngày ngồi xe và ngày mai chúng tôi còn phải đến nơi cần đến. Ai nấy đều tranh thủ về phòng sớm và màn đêm lại trở nên yên tĩnh, mọi người đã ngon giấc.

 

Mời xem phần còn lại trên tapchisongba.com

 


Phamngochien.com - 19:49 - 27/03/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận