Viết cho ngày 20-11 (Cao Vỹ Nhánh)

Chúc mừng ngày nhà giáo (ảnh: An Bang)

Trên những ngả đường sáng nay, ta dễ dàng bắt gặp những chiếc giỏ xe chở đầy những đóa hoa tươi thắm dâng tặng thầy cô của học trò. Yêu kính thầy cô vốn là một tình cảm tự nhiên, một chuẩn mực đạo đức xưa nay thể hiện bằng những hành động cụ thể.

Tựu chung cảm xúc của hầu hết học sinh trong những ngày này là sự kính trọng, quý mến thầy cô, luôn tìm thấy ở cô thầy cảm giác gần gũi và yêu thương, quan tâm, nhắc nhở sẻ chia như mẹ cha ở nhà vậy. Kế hoạch của hầu hết các em học sinh là đến thăm thầy cô nói lời cảm ơn trong những ngày này, không chỉ mang tặng những bó hoa tươi thắm mà còn đền đáp công ơn thầy cô bằng những bông hoa điểm mười đỏ tươi.

Có mặt tại nhiều trường ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) những ngày qua, chúng tôi bắt gặp không khí thầy - trò các trường cùng nhau tập luyện những tiết mục văn nghệ để chuẩn bị cho ngày Nhà giáo Việt Nam. Mặc dù đang ở công đoạn luyện tập nhưng dường như trong mỗi lời ca, điệu múa của các em học sinh đều chất chứa tấm lòng kính yêu dành cho thầy cô.      

Với em Trịnh Minh Huyền Trân, lớp 8A4, trường THCS thị trấn Củng Sơn thì dưới mái trường thân thương này thầy cô đã mở ra cho em vô vàn những điều kì thú, mới lạ, lòng tôn kính thầy cô không thuần túy là sự điều khiển của lý trí mà xuất phát từ sự thức đập tự nhiên của một tình cảm sâu xa. Em Thu Hồng, học sinh của trường THPT Ngô Gia Tự (thành phố Tuy Hoà, Phú Yên) thì chia sẻ, thầy cô đã mang đến cho các em ánh sáng tri thức, là ngọn lửa của nghị lực, niềm tin trong giông bão, là ngọn lửa của yêu thương chia sẻ sưởi ấm buốt giá, luôn nghĩ về thầy cô với tất cả niềm cảm kích, lòng biết ơn vô hạn.

Cô Nguyễn Thị Nhạn

 30 năm công tác tại trường THPT Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) cũng là chừng ấy thời gian cô Nguyễn Thị Nhạn lặng thầm chứng kiến bao sự trưởng thành của học trò. Với cô, bao giờ cũng vậy, tình cảm cô trò luôn giản dị, gần gũi mà ấm áp vô cùng. Kỷ niệm về học trò cứ dày lên theo năm tháng, trong một ngày đặc biệt nhất trong năm, cô bùi ngùi: "Điều ấn tượng nhất của những năm tháng với nghề dạy học là học sinh dù ra trường rồi hay vẫn còn đang học, cứ đến ngày 20.11 các em học trò luôn đến thăm hay gọi điện nhắn tin gửi lời yêu thương, chúc mừng. Từ trong sâu thẳm, tôi luôn mong các em thành đạt để nên người, trở thành người tốt, lo cho cuộc sống riêng cũng như góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn" Nhật ký của em Bích Ly, một cựu học sinh rời trường THPT Phan Bội Châu chưa xa nhưng đã rưng rưng hoài niệm: "Có những mảnh ký ức được chúng ta xếp trải dài theo thời gian lớn lên. Có những sai lầm ta học được từ cuộc đời bon chen vất vả và bài học sau đó rất hiếm lần ta trả bằng sự bình yên mà không phải xây xát, không phải đớn đau và trả giá. Có những người thầy vẫn đứng bên sân trường cũ, chỉ với một mong mỏi duy nhất là những người sang sông sẽ thành công yên ấm".

cô Lý Thị Thủy

Cô Lý Thị Thủy, giáo viên trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (Sông Hinh, Phú Yên) chia sẻ, điều giàu có nhất cô có được từ tình cảm của học trò là niềm tin của các em; học sinh có thể thoải mái tâm sự với cô bất cứ điều gì và có thể đến trước mặt cô khóc khi chúng gặp khó khăn. Với ngày 20/11, cô lại thường thấy tâm trạng mình ở vai học trò nhiều hơn vì nhớ về những người thầy của mình, đó cũng là cách dặn lòng mình đã đi theo nghề giáo thì cố gắng sống xứng đáng với con đường mình đã chọn. Cô Thủy nói, dạy ở trường miền núi nên mong các em không phải gặp những khó khăn thiếu thốn, mong các em đủ niềm tin để vượt qua khó khăn mà đến trường... Tác giả đoạt giải nhất với tác phẩm "Người nâng cánh ước mơ tôi"  trong cuộc thi viết Thầy tôi trên báo Tuổi Trẻ năm 2013 Cô Lý Thị Thủy, thổ lộ về người thầy Trần Quốc Nhuận của mình: "Tôi rất xúc động khi nghĩ về những chuyện đã qua. Nếu lúc đó không có thầy, cuộc sống của tôi đã giống như mẹ đi sớm về khuya, nghèo khó cả đời khác chứ không được tươi sáng như bây giờ. Thầy Nhuận chính là người thuyết phục gia đình nhà chồng tôi cho phép hoãn đám cưới để tôi tiếp tục theo đuổi con đường đại học".  Không phụ lòng thầy, cô Thủy đã thi đậu ba trường đại học và trở thành một cô giáo tiếp tục sự nghiệp gieo chữ, trồng người ở những huyện miền núi Phú Yên. Từ điều này, cô cho rằng mình là một học trò may mắn vì đã được những người thầy cô giỏi hết lòng vì học sinh đào tạo.      

Từ những con chữ i tờ bập bõm đầu tiên đến những kiến thức cao xa sau này, tất cả đều mang đậm dấu ấn truyền dạy của thầy cô. Trong sâu thẳm mỗi người ai mà không có bóng dáng một người thầy người cô đáng kính của riêng mình.

 


Phamngochien.com - 20:52 - 22/11/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận