Văn học dịch: Ra đời lâu nhưng... còn trẻ (Trần Xuân Tiến)

Trong bức tranh đời sống văn học Việt Nam đương đại, văn học dịch là một khoảng không gian lớn với gam màu đa dạng. Tuy nhiên, để những gam màu ấy thật sự lung linh nghệ thuật, lại là vấn đề cần nhiều tranh luận và nhìn nhận.

THỊ TRƯỜNG LẤN ÁT TINH HOA  

Đánh giá một cách công bằng thì chính nhờ nỗ lực và tâm huyết của các đơn vị làm sách, trong đó có đội ngũ dịch giả mà độc giả Việt Nam hiện nay có cơ hội đứng trước một "bàn tiệc" với sự phong phú của vô vàn tác phẩm Đông Tây. "Mâm cỗ" văn học dịch ấy đã bắt kịp đời sống văn học thế giới từ các tác phẩm được những giải thưởng uy tín như Nobel, Goncourt, Booker, Pulitzer đến những tiểu thuyết ăn khách. Tuy vậy, dễ dàng nhận ra "mâm cỗ" ấy lại chưa thật cân đối với tỷ lệ các "món". Có quá nhiều sách mang đậm tính thị trường, đại chúng. Trong khi những tác phẩm kinh điển, tinh hoa lại bị lép vế. Đặc biệt, hiện tượng tiểu thuyết ngôn tình, truyện kiếm hiệp đang được độc giả trẻ nâng tầm lên thành một trào lưu khiến giới chuyên môn lắc đầu ngao ngán.

Không khó để lý giải hiện tượng này khi mà để đáp ứng nhu cầu của phần đông đại chúng, các đơn vị làm sách và dịch giả đã bỏ qua nhiều khâu quan trọng trong một quá trình dịch đòi hỏi nhiều thời gian. Không xem xét kỹ lưỡng nội dung lẫn giá trị nghệ thuật, chỉ cần biết tác phẩm đó đang nổi đình nổi đám ở nước bản xứ. Bỏ qua thao tác tìm kiếm dịch giả phù hợp cho tác phẩm (một ví dụ cụ thể: tác phẩm có nguyên bản là tiếng Hàn, nhưng lại dịch sang tiếng Việt từ bản dịch tiếng Trung. Kiểu dịch hai lần này khiến cho nguyên ý ban đầu có thể bị những sai lệch nhất định). Không đủ thời gian để hoàn thiện công tác hậu kiểm sau khi dịch (đã có nhiều bản dịch bị độc giả phát hiện các lỗi sai). Tất cả những thiếu sót đó được xem là hệ quả từ việc chạy theo thị trường của các nhà làm sách.  

BẾ TẮC Ở CHIỀU NGƯỢC LẠI  

Trong khi tác phẩm nước ngoài dịch sang tiếng Việt còn nhiều điều đáng bàn thì việc đưa văn học Việt ra thế giới càng tỏ ra cấp thiết hơn. Thực tế cho thấy, văn học Việt dịch ra thế giới quá ít. Mặt khác, ngoài đối tượng độc giả là người nước ngoài, với những người Việt hiện đang sống ở khắp nơi trên thế giới thì văn học Việt Nam với họ dường như vẫn còn xa lạ. Văn học là một trong những chìa khóa tốt nhất để người Việt xa quê tìm hiểu về nguồn cội của bản thân và dân tộc. Nhưng xem ra, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.   Một trong những nguyên nhân căn cơ đó là do dịch thuật văn học ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn tiền lý thuyết. Dịch thuật phát triển từ lâu ở nước ta nhưng việc nghiên cứu về dịch thì chưa hình thành. Nghiên cứu dịch thuật văn học chưa trở thành lĩnh vực nghiên cứu độc lập. Việc giảng dạy về dịch văn học chủ yếu chỉ được tiến hành trong các trường đại học chuyên ngành tiếng nước ngoài và được coi như một phần của thực hành ngoại ngữ. Tại các cơ sở nghiên cứu văn học, việc nghiên cứu dịch văn học mới chỉ được tiến hành những bước sơ khởi với một phòng nghiên cứu văn học so sánh duy nhất trên toàn quốc tại Viện Nghiên cứu văn học. Cũng chưa có nhiều dự án lớn về dịch thuật ở cả hai chiều.

XUÂN TIẾN



Phamngochien.com - 06:19 - 11/11/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận