Từ Hoa Quả Sơn của Ngô Thừa Ân đến Linh Sơn của Cao Hành Kiện (phần 1)

TỪ HOA QUẢ SƠN ĐẾN LINH SƠN  

DƯỚI GÓC NHÌN DỊCH CHUYỂN KHÔNG GIAN

Từ Hoa Quả Sơn(1) trong tiểu thuyết thần ma Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đến Linh Sơn(2) trong tiểu thuyết cùng tên của Cao Hành Kiện là một hành trình đậm chất văn hóa. Có thể nói rằng, đây là hai tác phẩm khá nổi tiếng viết bằng tiếng Trung Quốc. Cả hai cuốn tiểu thuyết này đều in đậm dấu ấn của thể loại du ký. Dưới góc nhìn dịch chuyển không gian - một lát cắt trong thi pháp không gian, có thể giúp chúng ta giải mã được nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Hành trình tìm đến Linh Sơn là mục đích chung của những nhân vật chính trong cả hai tác phẩm. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự bất biến của ngọn núi Linh Sơn trong Tây Du Kí khi được dịch chuyển vào trong không gian trong tiểu thuyết cùng tên. Thực tế, ngọn Linh Sơn vẫn chẳng mảy may thay đổi trong khi con người, thời đại đã trải qua biết bao sóng gió, đổi thay. Tác giả thì "kẻ còn người mất"; Giá trị của Linh Sơn là bền vững.  

1. Linh Sơn - Liên văn bản, văn hóa

Ở góc độ tiếp nhận, mỗi văn bản đều đưa chúng ta đến những sự liên tưởng so sánh trong hiện thực ngoài văn bản hoặc giữa các văn bản với nhau - Liên văn bản, liên văn hóa. Li Xia trong tạp chí văn học so sánh Canada năm 2006 với chủ đề: "Sự pha trộn - liên văn bản văn hóa trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện" (Cross-Cultural Intertextuality in Gao Xingjian's Novel Lingshan) Đã đặt ra 5 vấn đề làm nổi bật tính chất liên văn bản và liên văn hóa thông qua các chủ điểm gồm: Điểm nhìn trần thuật trong Linh Sơn (Narrative Perspectives of Lingshan), Cao Hành Kiện và Samuel Beckett (Gao Xingjian and Samuel Beckett), Linh Sơn và kĩ thuật dòng ý thức (Lingshan and the Stream of Consciousness Technique), Linh Sơn và Ludwig Josef Johann Wittgenstein (Lingshan and Wittgenstein), Ngọn núi diệu kỳ của Thomas Mann và Cao Hành Kiện (Gao Xingjian and Thomas Mann's The Magic Mountain).

Đặc biệt trong nội dung "điểm nhìn trần thuật trong Linh Sơn" tác giả đã trình bày một cách khái quát những đặc trưng của văn học du ký truyền thống Trung Quốc với 4 nội dung chủ yếu: những cuộc hành trình, nhiệm vụ, tìm kiếm thiên đườngsự bất tử. Theo đó, tác giả nhấn mạnh, cuốn tiểu thuyết Linh Sơn được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với văn học du ký Trung Hoa truyền thống, tuy vậy sự khác nhau cơ bản nằm ở trọng tâm của sự trần thuật gắn với dịch chuyển của nhân vật trong văn bản Linh Sơn. Không chỉ thế Li Xia còn chỉ ra sợi dây liên văn bản từ cuốn Linh Sơn của Cao Hành Kiện với Lão Tàn du kí của nhà văn Lưu Ngạc (1857 - 1909), nếu nhân vật của Cao Hành Kiện xuống phía nam thì hành trình của Lão Tàn đi về phía bắc, nhân vật Lão Tàn một mặt từ bỏ sự hỗn loạn, suy đồi đạo đức, chính trị thời nhà Thanh, mặt khác viếng thăm những người ẩn dật và tìm đến núi Thái sơn (một trong năm ngọn núi linh thiêng của Trung Quốc) để kiếm tìm sự yên bình cho tâm hồn.

Chuyên luận "Hành trình của người anh hùng trong văn học"(The Hero Journey In Literature) của Evans Lansing Smith - trường đại  học Press, Hoa Kỳ cũng nêu ra mối tương đồng giữa hình tượng thần khỉ Hanuman trong sử thi Ramazana và hình tượng Ngộ Không trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Vai trò tương tác của nhân vật một lần nữa được Cao Hành Kiện sử dụng để xây dựng nên hình tượng và cơ chế hoạt động của các nhân vật kỳ ảo trong tiểu thuyết Linh Sơn. Đặc biệt là hình tượng người phụ nữ đồng hành, người chỉ đường, ông lão ở bên này sông Ô Y...

Yếu tố nguyên mẫu có thực trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa là Trần Huyền Trang cũng được thần thoại hóa và hư cấu làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên hấp dẫn, thú vị gắn với những nội dung tư tưởng tiến bộ của thời đại. Trong công trình "Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc" Lỗ Tấn cũng đã tiến hành khảo sát câu chuyện thỉnh kinh từ Đại Đường Tây Vực đến Tây Du Kí trong mối quan hệ với bút kí của nhân vật lịch sử Đường Tam Tạng. Như vậy, yếu tố nguyên mẫu được thể hiện trong các văn bản còn mang tính chất lịch đại. Điều này càng chứng tỏ, chất liệu văn hóa, tôn giáo đã trở thành một dòng chảy lịch sử từ lâu đời. Nếu như không có sợi dây liên kết văn hóa trong từng tác phẩm chúng ta sẽ khó nhận thấy điểm nhân văn chung đó là: chân, thiện, mĩ trong tâm thức của nhân loại nói chung và dân tộc nói riêng.

Mặc dù có cùng motip du ký, có cùng địa điểm tìm kiếm Linh Sơn nhưng cuốn tiểu thuyết của Cao Hành Kiện mang màu sắc hiện đại đã cách biệt rất xa với lối tiểu thuyết chương hồi truyền thống trong Tây Du Ký. Mặc dù vậy, nếu xét ở góc độ tiếp nhận thì sức cuốn hút, sự hấp dẫn và lí thú của mỗi văn bản thì khó có thể đem ra so sánh được. Hơn thế, ngôn từ và kỹ thuật trần thuật độc đáo in đậm dấu ấn phương Tây đã khiến cho Linh Sơn của Cao Hành Kiện trở thành những mảnh vỡ tự sự độc đáo chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh.

2. Giải mã văn học từ góc nhìn Dịch chuyển không gian

Dịch chuyển không gian, có thể được xem là một cách kết hợp giữa "thi pháp không gian" và "giải mã văn hóa" để cùng soi chiếu và làm nổi bật nội dung, tư tưởng nhân văn của tác phẩm. Nếu khái niệm dịch chuyển không gian được nhìn nhận từ phía hiện thực với: du ký, kinh lịch thì đó là cách lí giải từ mã văn hóa. Bên cạnh đó dịch chuyển không gian nghệ thuật đã được mở rộng nội hàm và được nhìn nhận dưới góc độ thi pháp văn học. Suy cho cùng, không gian hiện thực và không gian nghệ thuật đều nằm trong "thi pháp về không gian". Văn hóa có bề dày, từ văn hóa đồ sộ phong phú có thể giải mã những hình tượng văn học cá biệt, từ việc hiểu được cái cũ sẽ làm nền tảng cho cái mới, bồi đắp thêm trầm tích văn hóa chung của nhân loại.

2.1. Dịch chuyển không gian và không gian dịch chuyển

Dịch chuyển không gian là cách thức, phương pháp chiếm lĩnh không gian gắn với nhân vật trong tác phẩm. Nhân vật ấy đã dịch chuyển bằng phương tiện gì? Những sự cản trợ và hỗ trợ diễn ra như thế nào? tần số, tần suất dịch chuyển ra sao? Cách thức dịch chuyển chủ yếu là gì? Dịch chuyển từ đâu đến đâu? Phương hướng, tư thế, tâm trạng khi dịch chuyển? Cuối cùng là cuộc hành trành đã đem lại những giá trị nhận thức gì cho nhân vật?

Nếu như dịch chuyển không gian gắn với hành trình của nhân vật thì không gian dịch chuyển lại gắn liền với điểm nhìn và nghệ thuật xây dựng không gian của tác giả. Hai vấn đề này tồn tại độc lập nhưng luôn trong sự tương tác lẫn nhau để làm nổi bật vấn đề con người vì sao phải dịch chuyển? Phải làm gì để đến đích? Và đã trải qua bao nhiêu thời gian và địa điểm dịch chuyển? Nhân vật đã vượt qua thử thách hay bỏ cuộc trong hành trình đó? Từ đó rút ra một quan niệm toàn diện hơn về con người. Tư tưởng, ước mơ của nhân vật hay quan niệm của tác giả đều được kiến tạo và phóng chiếu từ tác phẩm.

2.2. "Du  ký- một hành trình" dưới góc nhìn dịch chuyển không gian

Có thể nói rằng vấn đề "dịch chuyển không gian gắn với nhân vật trong văn học" đã được chú ý từ việc phân loại và hệ thống hóa trong văn học dân gian các dân tộc qua công trình "hình thái học truyện cổ tích" của V.Propp và "bảng mục tra cứu type và motif văn học dân gian" của S. Thompson. Vấn đề phân loại này chỉ ra một thực tế, đó chính là việc dịch chuyển không gian có tầm bao quát rộng và mang tính chủ đề tiêu biểu cho hàng loạt nhân vật truyện cổ tích. Bên cạnh đó, vấn đề "du kí" trong văn học với đặc trưng gắn với các cuộc hành trình, những chuyến phiêu lưu thám hiểm vốn là một đề tài truyền thống khá quen thuộc trong cả nền văn học phương Đông lẫn phương Tây.

Năm 1997, Evans Lansing Smith của trường đại  học Press, Hoa Kỳ có chuyên luận "hành trình của người anh hùng trong văn học"(The Hero Journey In Literature) đã trình bày một cách khái quát "lịch sử du ký" trong văn học. Công trình này bao gồm 5 chương, chương 1 và chương 2 là hành trình của những anh hùng thời cổ đại đến trung cổ và thời phục hưng. Từ chương 3 trở đi là hành trình của người anh hùng trong văn học từ chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa tự nhiên và  sau cùng là chủ nghĩa hiện đại với các tác giả tiêu biểu như : Eta. Hoffman, Rabindranath Tagore, Nathaniel Hawthorne, Herman Melville, Walt Whitman, Mark Twain, Thomas Mann, Joseph Conrad, James Joyce, D.H. Lawrence. Công trình này giúp chúng ta có một cái nhìn khái quát về motif cuộc hành trình hay những chuyến phiêu lưu chinh phục đầy thú vị của những người anh hùng từ khắp các nền văn minh: Hy Lạp, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Trung Quốc...

Đối với thể loại du kí ở Trung Quốc phải kể đến tiểu thuyết tiêu biểu Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân. Bên cạnh đó, vấn đề dịch chuyển không gian gắn với hành trình của các nhân vật có công trình "Nguyên mẫu và biểu trưng trong Tây Du Ký" của nhà nghiên cứu Khai Trương - giáo sư trường đại học Victoria, Mĩ. Hành trình của người anh hùng được nhìn nhận từ lúc "khởi hành" cho đến khi "trở về" trong chuyến hành trình sang phương Tây thỉnh kinh muôn vàn vất vả. Vấn đề nhân vật hỗ trợ trong chuyến hành trình được nhìn ngắm dưới góc độ tâm lí học ở chương 2 với tên gọi "vô thức tập thể và đơn huyền thoại" The Collective Unconscious and Monomyth) tác giả làm thao tác giải mã biểu tượng và biểu trưng của các lực lượng siêu nhiên có vai trò hỗ trợ người anh hùng trong suốt cuộc hành trình gian nan và nguy hiểm; các nhân vật siêu phàm nổi bật hẳn lên như: bồ tát, chư phật, sơn thần, thổ địa... Đặc biệt là sự phò tá của Tôn hành giả  thần thông quảng đại.

Ở Việt Nam, nghiên cứu văn học dưới góc nhìn "những chuyến đi", "những hành trình" hay "dịch chuyển không gian" chưa thực sự được chú ý". Số ít có thể kể đến: luận văn thạc sĩ của Phạm Vũ Lan Anh - Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (2009) mang tên "Không gian lữ thứ trong thơ Đường", tác giả dẫn luận rằng, hoàn cảnh đặt nhà thơ vào  trong  không  gian lữ thứ đã làm cho "thuộc  tính  cố  hữu" của nhà thơ bộc lộ nhiều tâm tư, xúc cảm: "ở lữ thứ mười năm đã than thở quan hà đầu bạc, lìa nhà mười dặm đã bùi ngùi mưa gió hoa vàng..."  Đó những xúc cảm khi nhà thơ mới rời khỏi không gian gia đình, bản xứ; bởi thi cử đỗ đạt, được bổ nhiệm làm quan; khi đã làm quan được ít năm bị biếm trích, lưu lạc nơi góc biển chân trời; cũng có khi là những người chinh chiến nơi trận mạc, khi binh giáp tả tơi, dựng lều hạ trạm không khỏi bơ vơ nơi đất khách mà mong nhớ gia đình...

Tiếp cận với vấn đề "dịch chuyển không gian" mang tính trực tiếp hơn là luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Vân Anh - Đại học sư phạm Hà Nội (2010) với tên gọi "sự dịch chuyển không gian trong Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân". Công trình này đã kế thừa và phát triển lí thuyết về không gian nghệ thuật, được soi chiếu từ mô hình không gian trong thần thoại, cổ tích, tiếp đó bắt đầu xác lập lí thuyết dịch chuyển không gian trong thể du kí và trình bày cụ thể nó trong trường hợp tác phẩm Tây Du Kí. Năm 2013, tiếp nối cách thức khai thác xem "dịch chuyển không gian" là yếu tố then chốt trong việc khám phá nội dung tư tưởng của tác phẩm có công trình do PGS.TS. Trần Lê Bảo hướng dẫn với tên gọi "dịch chuyển không gian trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện".

Hai công trình này đã nghiên cứu dưới góc độ vi mô, đã phóng chiếu yếu tố không gian làm trọng tâm để khai thác nội dung tư tưởng của tác phẩm và đã có những thành công nhất định. Các tác giả luận văn đã làm thao tác thống kê, phân loại, so sánh loại hình và dùng phương pháp liên ngành để khám phá nội dung tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Ths. Nguyễn Công Cảnh

(Buôn Ma Thuột)

Còn nữa


Phamngochien.com - 16:33 - 29/01/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận