Phòng trọ (Hà Kiều My - cựu SV ĐH KHXH & NV TP.HCM)

-"Tao đi nấu đồ ăn. Hai đứa mài (mày) phân công nhau nấu cơm và gửa (rửa) chén." Thằng Bi cầm bịch ni lông đựng rau củ, lững thững bước xuống bếp.

Thằng Thanh ba chân bốn cẳng chạy tới chỗ nồi cơm điện: - "Tao nấu cơm".

Thằng Bình cũng không chịu để yên. Nhanh như chớp, nó phi thẳng lên xô đựng gạo, ngồi yên vị ở đó, ra giọng thách thức: "Ta không cho mi lấy gạo đấy, làm gì ta. Mi phải đi rửa chén". Thanh trợn mắt dứ dứ nắm đấm vào mặt Bình, rồi lao tới, chấn chỏ nó (đánh giỡn thôi) trong khi Bình cười sằng sặc rối rít xin tha.  

Nghe tiếng hai thằng bạn la chí chóe, Bi nhỏen miệng cười, nhưng cũng cố tỏ ra "chững chạc nhất" bằng cách quát lên: "Dỡn cho sập phòng đi".

Thanh là một đứa đặc sệt giọng xứ Nẫu, lúc nào cũng "Lấy dùm tao cái chẩu (chổi)", hay những lúc nó dặn dò thằng Bi đi chợ "Mày nhớ mua khớ (khế), hay xòi (xoài) nghen" rồi có khi, cả phòng cùng đi xem Noel trên Phố Tây, nó lại xuýt xoa "Trầi âi, ngừ gì đông quá trầi" (Trời ơi, người gì đông quá trời). Những lúc ấy, cả bọn lại thi nhau nhại cái giọng đặc sệt địa phương của nó. Thương nhất là mỗi lúc thằng Bi cất tiếng. Cái giọng pha lẫn hai miền Trung Nam của ba mẹ nó, cứ như canh thập cẩm tứ xứ: "Mài rửa tai đi rầu vô ăn cơm, tai mà dơ thì ăn đao bụng đó" (Mày rửa tay đi rồi vô ăn cơm, tay mà dơ thì ăn đau bụng đó). Những khi ấy, thằng Bình sẽ lại ranh mãnh trêu:"Tai dơ thì vẫn nghe bình thường còn chỉ có tay dơ mà ăn thì mới đau bụng thôi cụ Bi à". Thỉnh thoảng, khi thằng Bình cất tiếng gọi "mi - ta", "răng", "rứa"...Tất nhiên, lúc ấy, Bi cũng nhanh chóng chợp lấy cơ hội để trả đũa "Răng mi ngu rứa".

Minh, Thanh, Bi và Bình đến từ bốn vùng quê khác nhau. Không hẹn mà gặp, bốn đứa đều hỏi thuê chung một căn phòng trên đường hoa vàng. Vậy là từ cảnh không quen, bốn đứa ở ghép thành người một nhà.

Từ ngày Minh xa cả bọn qua Mỹ du học, phòng trọ yên ắng hẳn. Bi ít nói hơn, Thanh cũng lầm lì. Chỉ có Bình là phải luôn gợi chuyện để hâm nóng không khí cho căn phòng. Nhớ những ngày còn Minh, ba đứa lúc nào cũng nghe lời răm rắp. Chẳng phải vì Minh cao to hơn bọn nó, gia đình khá giả hơn, mà vì tính Minh chững chạc. Nên lúc nào lời Minh cũng có uy Ngày Minh chia tay cả phòng đi tìm một tương lai tươi sáng hơn ở bên kia Trái đất, ba đứa ra tận sân bay tiễn. Đứa nào cũng gặng cười, những cái cười méo xệch và đầy tâm trạng. Hình như nước mắt đang chảy ngược vào tim. Chiếc máy bay cất cánh, đưa Minh lao thẳng vào vùng trời thăm thẳm, có làn khói nào chưa kịp tan, làm cay xòe mắt ba đứa.

Minh đi rồi, căn phòng trọ không tuyển thêm thành viên mới. Ba đứa muốn níu kéo những hình ảnh thân quen và không khí gia đình bấy lâu.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn trong những sắc màu đặc biệt, với những người còn lại trong căn phòng ấy.

Bình và giấc mộng "mùa thu giữa Sài thành"

Bình là một đứa nhiều dí dỏm, cởi mở và nhiều mơ mộng. Vì chân tay lêu nghêu dài, nên nhìn Bình, người ta luôn thấy sự ẻo lả và mềm yếu. Có đứa còn bạo mồm phan cho một câu: -"Chị Bình". Mà cũng đúng, những ngày đầu chưa vào căn phòng trọ này, Bình rất thích mượn điên thoại của bạn bè để "tự xướng" về sự "xinh đẹp" của bản thân. Có thời, nó cũng đã mơ mộng về một anh chàng phục vụ tốt bụng và đáng yêu của khóa trên.

Bình gặp nhỏ trong một cuộc thi ở trường. Nụ cười mỡ màng nắng của nhỏ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nó. Bình lục tung tất cả những nguồn quen biết bấy lâu để tìm dấu vết của nàng. Bình bắt đầu vẽ hình bóng của nhỏ trong giấc mơ đi tìm hạnh phúc. Nàng giống như một mùa thu, rất dịu dàng, rất khẽ khàng nhưng thật khó quên. Mùa thu nàng cứ lùa những đợt heo may làm rung cửa tim nó.

Không như những lần trước, lúc này, trái tim nó đang rung lên những nhịp yêu thương của một đứa con trai rất bình thường với một cô gái. Và cũng là lần đầu tiên, nó không tự tin khi xuất hiện trước nàng với vẻ ngoài ốm yếu, gầy đét của mình. Bình muốn lần đầu tiên, khi nàng gặp nó, nó cũng sẽ thật đẹp, thật ấn tượng như nàng đã từng xuất hiện trước nó.

Từ một đứa con trai không có một dấu hoa tay cho sự khéo léo, Bình thức cả mấy đêm để tập tành gói tặng nàng quyển sách yêu thích. Nó nắn nót ghi cả những dòng chữ mơ ước.

Buổi sáng hôm ấy, Bình đi học thật sớm, để món quà vào ngăn bàn của nàng. Nó tự cười với sự lãng mạn và "ngớ ngẩn cần thiết" của mình. Chắc nàng sẽ rất bất ngờ về món quà và rối rắm tìm "người bí mật" là nó.

Bình quyết định hẹn gặp nàng tỏ tình. Hôm ấy là một ngày đầu hạ. Nắng thật vàng và gió cũng rất ngoan. Nó đã tưởng tượng ra bao viễn cảnh tươi đẹp về một tương lai có nàng và nó, cùng tay trong tay, bay giữa vùng trời chấp chới những cánh hạc mơ ước. Hôm ấy, nàng sẽ mặc chiếc áo vàng mơ như cái lần đầu, nó gặp nàng, và ấn tượng bởi màu áo đó. Hôm ấy, nàng sẽ xõa mãi tóc dài, nhìn rất thơ, bồng bềnh như một dòng suối. Và nàng sẽ lại cười, nụ cười chan chứa nắng mà nó mong đợi bấy lâu.

Đúng là hôm ấy, nàng mặc chiếc áo vàng mơ. Suối tóc dài bay bay những sợi tơ mong manh trong gió. Môi nàng vương nụ cười của nắng. Nhưng không phải là nó nắm tay nàng chạy giữa vùng trời chấp chới những cánh hạc, mà là một chàng trai khác, một chàng trai ốm yếu hơn nó, không bảnh trai bằng nó. Nàng bảo: Anh ấy đã bên cạnh khi nàng cô đơn nhất.

Bình nghe khoảng trời xanh trên cao như vỡ vụn, vang từng tiếng lách cách trong lòng. Gía như, nó tỏ tình với nàng vào những ngày cuối thu ấy, thì bây giờ, người nắm tay nàng lang thang trên con đường râm ran tiếng ve kia, đã có thể là nó. Bình vẫn cố gặng hỏi nàng để hy vọng một sự trở về. "Khi nào heo may choàng chiếc áo lên lưng Sài thành, có thể mình sẽ...". Sài Gòn đi qua bao thăng trầm, vẫn chỉ có hai mùa mưa nắng. Sài Thành chưa bao giờ có thu và sẽ không bao giờ có thu, nó ạ. Nàng sẽ chẳng đến bên nó, mãi mãi.

Bình khép trái tim lại, cuộn mình trong những suy nghĩ, lớn lên...

Bình của hôm nay chững chạc và sâu sắc hơn, không còn ôm những "nỗi sầu" lang bạc, đi tìm mùa thu giữa Sài Thành. Nó đã biết đi tìm người tạo ra mùa thu cho lòng mình và cho Sài Gòn.

Thanh và cơn bão lòng

Ngày Minh đi, Thanh là đứa nhiều tâm sự nhất. Suốt dọc đường về nhà, nó không buồn mở miệng một câu. Buổi chiều hôm đó, nó trốn học lang thang trên cầu Gío. Thanh bảo: "Muốn để gió thổi tốc đi những ý nghĩ". Cả Bình và Bi đều biết nó đang nghĩ gì. Chỉ có người ra đi là vẫn rất vô tư trong những kỉ niệm đẹp nhất, trong sáng nhất.

Thanh là một đứa nhã nhặn, điềm đạm và khá bảnh trai. Trong lớp, nó thuộc loại dễ mến, dễ chơi. Mấy đứa con gái thường xếp hạc, và viết thư tỏ tình với nó. Nó chỉ thản nhiên cười, một nụ cười hiền như cơn mưa đầu hạ.

Trong ví tiền của Thanh, có trưng hình ảnh của một đứa con gái tết hai bím tóc rất xinh. Bạn bè trêu. Nó cười, bảo bạn gái. Đứa nào cũng tin răm rắp.

Cuối tuần nào, Thanh cũng vác ba lô, đáp xe về quê. Cả phòng thường chọc nó: "Nhớ nàng không chịu nổi nên phải đi theo tiếng gọi của con tim". Không thấy Thanh nhảy dựng lên phản đối như những chuyện khác, nên cả bọn đinh ninh nó đã có người thương. Thằng Bình thường ganh tỵ: "Số thằng Thanh ngó vậy mà hên, mấy em theo đầy".

Cuối tuần, Thanh lại về quê, trong ý nghĩ "về thăm bạn gái" của mọi người. Dòng tin của Thanh đến trong điện thoại của Bình vào những ngày Minh đã rời phòng trọ về nhà, chuẩn bị hành trang sang xứ người. Dòng tin như có tiếng uất nghẹn của trái tim và những cái thở dài của bế tắc, tuyệt vọng: -"Hình như tao yêu Minh mất rồi. Ánh mắt ấy, khuôn mặt ấy...nó làm tim tao đau nhói mỗi lần nghĩ tới". -"Tại sao mày lại trở nên như thế? Còn bức hình trong ví mày?". Giọng Bình trở nên gắt gỏng vì quá bất ngờ. - "Chỉ là của một con nhỏ trên mạng. Tao sợ bọn mày phát hiện ra, bọn mày chọc. Tao sợ...". Tiếp nối những dấu chấm lửng ấy là tiếng khóc của Thanh. Lần đầu tiên, Bình thấy Thanh khóc. Những giọt nước mắt của Thanh tứa ra ướt cả suy nghĩ của Bình về một thằng con trai rất chi bình thường bấy lâu.

Sự ra đi của Minh sẽ tốt hơn với Thanh lúc này. Nó cần thời gian để tìm lại chính mình. Thanh sẽ lại ra cầu Gío để thả hết những nỗi buồn, sẽ lại bình tâm hơn khi đi qua mùa bão lòng.

Bi và "hạnh phúc bất ngờ"

So với ngoại hình của Thanh và Bình, có thể nói Bi là một đứa kém may mắn nhất. Nó có một tấm lưng to quá cỡ và một thân hình quá khổ.

Cuối tuần, khi Thanh và Bình cuốn vào những chạy nhảy của chuyến lang thang nho nhỏ, thì Bi nằm nhà đọc sách. Thanh cứ hăm he Bi: -"Mày mà ở nhà quài, riết rồi thành ông cụ non đấy".

Không ai nghĩ Bi có nổi người thương. Vậy mà, một chiều cuối tuần, Bi bảo đi thư viện, rồi đưa về phòng một nàng tóc dài, da trắng, môi son hẳn hoi. Nó bảo bạn gái, quen được 3 năm rồi. Hai thằng ngớ ra, chẳng hiểu mô tê.

Nàng của Bi tên là Thắm. Cái tên nghe duyên và mặn mà hết biết. Nàng cùng quê với nó. Hai đứa học chung lớp phổ thông và cùng hẹn nhau tại một trường Đại học trên Thành phố. Nàng học khoa Văn, còn Bi bên khoa Toán. Nàng nói nhiều, đến nỗi lấn át cả tiếng Bi. Nó luôn cười nhiều hơn là nói khi ở cạnh nàng, nó bảo "Lắng nghe nhỏ nói, với tao, là một hạnh phúc vô bờ". Những lúc ấy, thế nào Thanh và Bình cũng nhìn chằm chằm vào mắt nó, lắc đầu: "Ôi, khuôn mặt đần ra của kẻ đang chìm đắm trong tình yêu". Nhưng trong lòng, hai đứa vui lắm vì "ông cụ non" của mình cuối cùng cũng tìm được bến đậu.

Từ ngày Minh đi, căn phòng có vắng lặng hơn, yên ắng hơn. Nhưng cũng đã qua cái thời "bỡ ngỡ" lạ cái lạ nước của ngày đầu vào Sài Thành nhập học, mỗi đứa giờ đã lớn hơn trong suy nghĩ của chính mình.

Buổi trưa đi học về, Bi mở cửa, xông thẳng vào phòng: - "Cuối tháng sau, thằng Minh được nghỉ hè. Nó bảo, sẽ về với tụi mình". Thằng Bình và Thanh đồng thanh: - "Thiệt hả?". Những tiếng cười lại vang lên. Căn phòng trở nên ấm áp hơn, như những ngày còn Minh.

HÀ KIỀU MY


Phamngochien.com - 20:37 - 25/04/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận