Nhật ký thực tế Nam Trung Bộ (Nguyễn Thị Thùy - SV ĐH Sài Gòn) (2)

Đà Lạt, 30 - 01-  2013.

     Khoảng 12h trưa đoàn lên đến trung tâm thành phố Đà Lạt, đây là giờ ấm cao điểm trong ngày, một chút nắng, một chút gió lay nhẹ hàng cây bên đường như chào đón, gọi mời đến với thành phố ngàn hoa thơ mộng. Sau khi ăn trưa và nhận phòng nghỉ ngơi tại khách sạn Tâm Dung, 3h chiều đoàn khởi hành khám phá đỉnh LangBiang và nghe câu truyện cảm động về chàng Lang và nàng Biang, một trong những địa danh không thể bỏ qua nếu đã đặt chân đến Đà Lạt.

     "Ngày xưa tại vùng núi này, có người con trai tên Lang, tù trưởng bộ tộc Lát, thương người con gái tên Biang, con gái tù trưởng bộ tộc Chil. Do khác bộ tộc nên nàng Biang không cưới được chàng Lang, vì vậy hai người đành lấy cái chết để giữ trọn tình và phản đối luật tục khắt khe. Khi Lang và Biang mất, cha của Biang hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré...thành chung một dân tộc K'Ho. Từ đó thanh niên nam nữ các bộ tộc dễ dàng yêu nhau, cưới nhau và lấy tên đôi nam nữ này đặt tên cho ngọn núi cao nhất ở đây - núi LangBiang để minh chứng cho tình yêu cao đẹp, vĩnh cửu của hai người".

     Chưa đầy 10 phút trên chiếc xe "Jeep" cổ, đoàn đã có mặt trên độ cao 2000m so với mực nước biển, gió mát lộng mang một chút se lạnh, một đặc trưng rất Đà Lạt.

      Sau khi xuống núi, đoàn đã có một quãng thời gian rất thú vị khi được giao lưu, tìm hiểu về bộ tộc Lạch, thuộc dân tộc C'Ho, một trong những bộ tộc đầu tiên và lâu đời nhất của vùng cao nguyên này.

     Người Lạch là một bộ tộc cổ có đời sống mang đậm nét đặc trưng của dân tộc vùng núi nước ta. Trên trần nhà, người Lạch cất thóc, bắp, dây mây, thịt trâu, heo, nai xông khói. Buôn làng là đơn vị hành chính quan trọng nhất. Người có quyền lực cao nhất trong buôn là trưởng buôn hay chủ làng. Ngoài ra còn có một hội đồng già làng gồm chủ nhà và tộc trưởng họp với sự tham gia của trưởng buôn để giải quyết những trường hợp nghiêm trọng.  Người Lạch theo chế độ mẫu hệ và một vợ, một chồng. Họ cũng được phép đa thê nhưng rất hiếm, chỉ xảy ra trong các gia đình giàu có hay trưởng buôn. Hôn nhân giữa các thành viên trong cùng một dòng họ bị coi là loạn luân và cấm triệt để. Con gái lớn lên phải đi cưới chồng. Trong lễ cưới, nhà gái phải nộp một số tài sản cho nhà trai để "bắt" chồng, sau đó chú rể phải ở lại lao động cho nhà cô dâu. Đại gia đình người Lạch rất thương yêu, chăm sóc trẻ em. Con gái được chuộng hơn con trai vì nhờ con gái về sau sẽ có thêm chàng rể, tăng thêm người lao động trong gia đình. Con trai được dạy về nghề nông, săn bắn, bắt cá, trong khi con gái học những công việc hằng ngày của người phụ nữ như nấu ăn, dệt thổ cẩm... Về y phục, trước kia đàn ông đóng khố, phụ nữ chỉ mặc độc nhất chiếc "sa rông" là một loại váy làm bằng một mảnh vải quấn ngang thắt lưng. Thân thể họ nâu sậm, đầy sinh lực vì thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nắng gió, với thiên nhiên, chỉ những lúc trời thật lạnh họ mới cần đến một tấm chăn khoác.

    Tình cảm của những con người mang dòng máu Việt Nam thật ấm áp như những người anh em yêu thương, những nụ cười tươi mến khách, những cái nắm tay thật chặt gắn bó keo sơn hát vang bài ca "Nối vòng tay lớn"

    Buổi tối, sau khi dùng cơm mọi người rủ nhau thuê xe đạp đôi chạy hết 5km vòng quanh Hồ Xuân Hương - trái tim của thành phố rồi đi "ăn hàng" trong chợ đêm Đà Lạt. Ở xứ lạnh này, đồ chiên và sữa đậu nành là hai món được ưa chuộng nhất.

Đà Lạt 31- 01- 2013.

         Sáng sớm trời Đà Lạt như ẩn trong một lớp sương mù với chút giá lạnh còn vương lại của đêm, những giọt sương lung linh trên tán lá như những hạt ngọc mượt mà, trong veo mời gọi, dù trời lạnh nhưng ai cũng cố gắng dậy sớm cùng đoàn ăn sáng và bắt đầu hành trình một ngày thăm quan mới. Trên đường đi, khi đi ngang qua Đồi thông hai mộ, các bạn được nghe kể về câu chuyện tình đầu xúc động giữa cô giáo Thảo và chàng Tâm, một câu chuyện đã lấy đi nước mắt của bao người thương cảm.

         Chuyện kể về chàng trai tên Tâm sinh viên trường Võ bị Đà Lạt, sau một lần tình cờ gặp cô giáo Thảo xinh đẹp, dịu dàng họ đã tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết và thề non hẹn biển. Tốt nghiệp, chàng về xin cha mẹ trầu cau cưới hỏi nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt vì gia đình nàng không "môn đăng hộ đối" và bắt đi cưới người con gái mà chàng không hề yêu. Chàng đã xin chuyển đến một vùng tuyến đầu lửa đạn để tìm quên và rồi nàng nhận được tin báo tử của chàng từ chiến trường, đau khổ, nàng tìm đến khu đồi thông bên bờ hồ Sương Mai, nơi hai người xưa kia từng hò hẹn, tự vẫn chết. Thuận theo nguyện vọng, gia đình đã chôn cất nàng ngay dưới khu đồi thông, nhưng thật ra người ta đã nhầm khi báo tử, chàng không tử trận mà đang trở về thăm nàng. Hay tin nàng chết, Tâm tìm đến mộ nàng vật vã khóc than. Sau đó chàng không trở về Tiền Giang mà tiếp tục ở lại chiến trường lửa đạn để rồi anh dũng hi sinh, trước khi chết, chàng để lại bức thư tuyệt mệnh với mong ước được yên nghỉ bên cạnh mộ nàng để giữ trọn lời thề mãi mãi được gần nhau.Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì cha mẹ chàng đã cho bốc mộ anh đưa về quê, dù hài cốt chàng đã được dời đi nhưng cảm thương mối tình của hai người, người thân của nàng vẫn để ngôi mộ đôi như một lời cầu chúc cho đôi trai gái mãi mãi được bên nhau.

Giờ đây, khách du lịch đến thăm quan Đồi thông hai mộ này đều được nghe ngâm nga về bài thơ tình yêu chung thủy:

Non xanh nước biếc dù thay đổi

Chuyện tình chung thủy Thảo bên Tâm

Chiều chưa xuống mà nắng vàng đã vụt tắt

Đêm chưa về mà cỏ đã ướt sương

Cả núi rừng như nhỏ lệ tiếc thương

Cho mối tình ngang trái

Cho đôi uyên ương không thành.

         Đầu tiên đoàn thăm quan nhà thờ Domain De Marie, hay Lãnh địa Đức Bà, là một cụm kiến trúc tôn giáo theo phong cách Châu Âu, bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà của tu viện với tổng diện tích là 12ha nằm trên đường Ngô Quyền cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 1 km về phía tây nam.

         Phía trước được thiết kế là một hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn của nóc mái có gắn một cây thánh giá, phía trước được tô điểm bởi các cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác. Chính giữa mặt đứng, phía gần đỉnh mái có một cửa sổ hoa hồng hình tròn Phía sau nhà thờ là phần mộ của bà Decoux, để hoàn thành tâm nguyện của Bà và để ghi nhớ công ơn của Bà, người có công chính trong việc giúp xây dựng Nhà thờ. Bà đã bị tai nạn trong một chuyến đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt để giải quyết mâu thuẫn giữa Nam Phương Hoàng Hậu và thứ phi Mộng Điệp, Bà đã bị tai nạn tại đèo Prenn, sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhưng vì vết thương quá nặng nên Bà Đã qua đời tại đó (năm 1944) và theo tâm nguyện bà đã được chôn cất tại nhà thờ này.

         Hôm nay trông ai cũng khác mọi ngày, các bạn nam lịch sự với sơ mi - quần tây, các bạn nữ xinh đẹp trong tà áo dài, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, một màu xanh mơ mộng như chính những người dân văn vậy.

         Rời nhà thờ Domain De Marie, các bạn cùng nhau đến thăm Dinh Bảo Đại, nơi sống của vị vua cuối cùng trước khi chấm dứt chế độ phong kiến nước ta. Điều ngạc nhiên ngay từ khi bước vào là tất cả mọi người đều phải mang một loại vớ giày để tránh làm hư thảm, sàn cũng như bảo vệ nguyên giá trị của dinh.

        Dinh Bảo Đại từng là trung tâm chỉ huy của Hoàng triều cương thổ - vùng đất do hoàng đế kiêm quốc trưởng Bảo Đại nắm toàn quyền được xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Dinh được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm giữa một rừng thông thuần chủng, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng.

         Về hình thức kiến trúc, dinh Bảo Đại là một trong những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân về kiến trúc ở châu Âu. Điểm đáng lưu ý ở đây là phía bên phải cổng vào và phía sau dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện của Pháp, bố cục theo hình kỷ hà. Tại đây trồng nhiều cây cảnh được cắt tỉa đẹp, những cụm hồng quý nở quanh năm theo những bố cục đối xứng qua hai trục. Có một bồn hoa rộng phía trước dinh được chăm sóc chu đáo. Những con đường đi dạo nhỏ quanh dinh nằm ẩn mình dưới những tán lá thông, xen kẽ giữa các đám cỏ xanh.

         Dinh là một công trình đồ sộ với hệ thống mái bằng, các mảng - khối được bố cục cân đối nhưng không đối xứng một cách cứng nhắc. Phía trước sảnh chính cũng có mái hiên đưa ra che vị trí đậu xe. Tầng trệt là phòng khách, các phòng làm việc, văn phòng của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn. Đặc biệt, các phòng làm việc đều được gắn với các tiểu cảnh kiến trúc, các không gian trong và ngoài liên hệ với nhau qua các cửa đi và cửa sổ bằng kính khung thép, tạo ra một khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên.

         Toàn bộ tầng hai được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lầu. Đứng ở đây có thể ngắm nhìn vườn hoa, đường đi dạo, đồi thông và cả thung lũng phía xa xa. Du khách đến đây ai cũng ngạc nhiên về như nội thất sang trọng mang phong cách Châu Âu hết sức sành điệu mà đến ngày nay vẫn dược coi là hiện đại bậc nhất. Ván gỗ vẫn là vật liệu chính để ốp cầu thang, sàn lầu và làm các vật dụng nội thất của dinh.

         Dinh Bảo Đại  là một công trình kiến trúc đẹp, được ví như một nhân chứng gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta.

Buổi sáng cùng ngày, đoàn cũng đi thăm Thiền viện Trúc Lâm - viện nghiên cứu Thiền Tông lớn nhất Việt Nam. Thiền viện tọa lạc trên một quả đồi bên cạnh hồ Tuyền Lâm ở ngoại ô thành phố.

        Thiền viện được chia ra làm 4 khu vực: khu vực ngoại viện, khu tịnh thất hòa thượng, hòa thượng viện trưởng, khu nội viện tăng và khu nội viện ni. Thiền viện do Hòa thượng Thích Thanh Tự  thành lập. Đây chính nơi mà hòa thượng Thích Thanh Từ hiện nay cư ngụ chính và thường xuyên đi giáo hóa và tu hành.

         Đây là một công trình kiến trúc độc đáo bên cạnh hồ Tuyền Lâm. Đi lên từ phía hồ Tuyền Lâm là một con đường dốc có 140 bậc thang bằng đá, hai bên là những rặng thông cao vút dẫn qua 3 cổng tam quan để vào chính điện. Chính điện có diện tích 192m2, bên trong thờ tự đơn giản, nhưng mang đầy ý nghĩa của nhà Phật, giữa điện thờ tượng Phật Thích Ca cao khoảng 2m, tay phải cầm cành hoa sen đưa lên gọi là bức tượng "Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu". Bên phải đức phật là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử, bên trái là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Chung quanh phía trên chính điện là các bức phù điêu chạm khắc 8 tướng thị hiện của đức phật và các bao lam, án thờ bằng gỗ được chạm khắc rất công phu. Hành lang phía trước chính điện là hàng cột gồm bốn cột tròn giả gỗ. Trần được lợp bằng ngói tráng men sáng loáng, mái ngói uốn nhẹ toát lên nét khiêm cung của người Việt, nét thanh thoát của nhà thiền. Phía bên phải của chính điện là lầu chuông được chạm khắc phù điêu mang ý nghĩa sâu sắc của Phật giáo rất tinh xảo và đẹp mắt. Bên trong là quả đại hồng chung nặng khoảng 1,1 tấn, trên mình khắc chạm những bài kệ có ý nghĩa thanh thoát mang đầy đạo lý.Từ trên chính điện nhìn xuống là hồ Tuyền Lâm, phong cảnh ở đây rất đẹp, hồ nước trong xanh in bóng rặng thông bên đồi Thanh Lương, bên dưới lưng chừng đồi, gần hồ Tĩnh Tâm là nhà khách 2 tầng nằm gọn trên một ngọn đồi có khu vườn xanh mát. Đây là nơi những phụ nữ đến xin tập tu ngắn hạn tại thiền viện. Phía trước nhà là rừng trúc xanh tươi, đứng trước sân nhà có thể thấy đỉnh núi voi phục soi bóng xuống hồ Tuyền Lâm hùng vĩ.

         Chiều nay là buổi chiều cuối cùng đoàn ở lại Đà Lạt nên sau giờ nghỉ trưa bạn nào cũng tranh thủ thỏa sức khám phá, tìm hiểu những cảnh đẹp nơi đây.

         Trên đường di chuyển đến địa điểm thăm quan, đoàn dừng lại bên cửa hàng Quỳnh Mai để thưởng thức những hương vị rất Đà Lạt. Lúc đầu bạn nào cũng ngần ngại vì sợ khu du lịch nên đồ ăn sẽ rất mắc nhưng thật bất ngờ vì tất cả đều miễn phí, các bạn tha hồ thưởng thức các loại mứt trái cây như mứt dâu, khoai môn, nho, kiwi...và trà tươi Đà Lạt mà không nhất thiết phải mua sản phẩm của cửa hàng. Phải công nhận mứt và trà xứ sở cao nguyên rất tuyệt vời, có gì đó rất ngọt ngào, tự nhiên trong mỗi hương vị, khí hậu trong lành, mát mẻ con người thì hiền hòa, mến khách khiến lòng người đến luôn luyến lưu mỗi khi ra về.

 Từ cửa hàng Quỳnh Mai chỉ cần đi qua một con dốc đoàn đến thăm quan khu du lịch Rừng hoa Đà Lạt, nơi chuyên trồng, chăm sóc các loại hoa tươi và đặc biệt nghiên cứu về cách giữ hoa theo năm tháng mà không hề phai sắc.

          Showroom hoa tươi rộng 1.200m2, đây là lần đầu tiên du khách và người dân địa phương được thưởng lãm nhiều chủng loại hoa tươi, cây cảnh độc đáo như vậy. Tại đây trưng bày trên 1.000 chậu hoa tươi của trên 60 chủng loại hoa, lá, cây cảnh đặc trưng của xứ ngàn hoa Đà Lạt và Hà Lan như hoa tuylip, lyly, cúc, đồng tiền, trầu bà, mai xanh.. Showroom được trang trí khá đẹp bởi những bức ảnh một số kỳ quan trên thế giới và thắng cảnh nổi tiếng như Vạn lý trường thành, tháp Eiffel, cảnh rừng hoa ở Hà Lan, Đà Lạt... được phóng lớn theo kỹ thuật hiện đại khiến người xem có cảm giác như đang lạc vào thế giới của muôn hoa với những cảnh quan sinh động và lộng lẫy.

         Sau khi thỏa thích với muôn vàn sắc hoa, đoàn tiến đến thăm quan địa điểm cuối cùng trong ngày hôm nay, đó là một chùa Thiên Vương Cổ Sát, hay còn goi là chùa Tàu, một nơi linh thiêng nằm trên ngọn đồi Rồng tại số 385 đường Khe Sanh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km về hướng Đông Bắc.

          Từ cổng chính sau khi leo lên các bậc tam cấp khá cao của chùa và gần như xe không thể lên được. Du khách đi bộ lên cổng Tam Quan, vào cổng Tam quan là đến toà Từ bi và ngay ở trung tâm này là pho tượng Ðức Phật Di Lặc cao 3m, được sơn son thiếp vàng. Hai bên là bốn bức tượng Tứ đại Thiên Vương vô cùng to lớn và tượng thần Thiện và Ác vô cùng oai nghiêm.

         Tiếp đến là sân trong có đặt ba cái đĩnh bằng bê tông tiến vào Quang Minh bảo điện là kiến trúc chính của chùa cao 12m hình tứ giác có cạnh dài 15m với hai tầng chông mái, các đầu đao của hai tầng mái đều có trang trí các cặp lưỡng long đầu vươn ra ngoài, trên đầu đỉnh mái có đắp hình hai con rồng chầu vào.

    Phía bên trái của Từ Bi Bảo Điện là bàn xoay kỳ diệu. Đây cũng chính là điều thu hút du khách bốn phương vì sự đặc biệt  của nó.Trong đoàn hôm nay, có rất  nhiều  bạn vào thử nhưng chỉ có mình, một bạn  lớp cao đẳng và anh Triều hướngdẫn viên là làm cho bàn xoay "hoạt động", phải  chăng mình có "nội lực" đặc biệt ???

      Phía sau chùa, sau Quang Minh Bảo Điện - nơi trước đây là cốc của nhà sư Thọ Giã, là một pho tượng Phật Thích Ca đồ sộ, cao trên 10m, đang tọa thiền trên đài sen. Còn tầng dưới là nơi nghỉ ngơi cho khách thập phương tới vãn cảnh chùa

          Chùa mang đậm giá trị và phong cách kiến trúc chùa Hoa và hội quán. Đây là điểm tham quan vô cùng hấp dẫn của thành phố Đà Lạt. Chùa mang một phong cách riêng bởi chùa nằm trong không gian vô cùng rộng rãi, thoáng mát, nằm trên một ngọn đồi cao, tách biệt với thành phố Đà Lạt ồn ào, náo nhiệt.

         Vậy là buổi chiều cuối cùng ở Đà Lạt đã kết thúc, mọi người lên xe quay trở về mà trong lòng vẫn luyến tiếc bao cảnh đẹp, bao điều lý thú vừa khám phá, nhưng rồi chỉ là nỗi buồn thoáng qua vì ngay bây giờ thôi, một buổi tối gala tổng kết chuyến thăm quan thực tế đầy hứa hẹn đang chờ đợi các bạn.

         Khoảng 17h30, toàn đoàn có mặt tại nhà hàng Long Nga, điểm tổ chức gala tổng kết về hành trình tham quan Nha Trang - Đà Lạt những ngày qua, một buổi tối đầy ý nghĩa với những hoạt động sôi nổi, tích cực của các bạn sinh viên dưới sự chỉ đạo tổ chức của hai anh hướng dẫn viên hài hước, năng động, thầy cô và toàn thể các bạn sinh viên. Buổi gala với sân khấu hoành tránh, những món ăn hấp dẫn cùng tiếng nói cười ròn rã bên vòng tay bè bạn, ai cũng hết mình đùa vui, nâng ly chúc nhau những lời chúc kết thúc chuyến đi tốt đẹp.

Hai lớp đại học và cao đẳng thay phiên nhau đăng cai biểu diễn những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn hết sức ấn tượng, vui nhộn mang tính chất "hát hay không bằng hay hát". Để thay đổi không khí đêm gala, anh Huy và anh Triều đã tiến hành tổ chức một hoạt động hết sức ý nghĩa đó là tổ chức sinh nhật cho những bạn trong tháng này, hoạt động đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của tất cả sinh viên, đây có lẽ sẽ là một sinh nhật không thể quên, một kỉ niệm đáng nhớ của thời sinh viên tươi đẹp.

Tiếp theo đó là những cuộc thi hết sức đặc biệt, đầu tiên là cuộc thi mang tính chất rất nghề nghiệp, cuộc thi "thi làm thơ". Mỗi lời thơ dù thuộc trường phái "lãng mạn" hay "hài hước" đều là tình cảm thân thương các bạn dành cho hai anh hướng dẫn viên, tình bạn dành cho nhau, sẻ chia những tháng ngày cùng nhau gắn bó và cuối cùng giải nhất thuộc về nhóm có tên rất đặc biệt "làm thơ quên đói", một cái tên rất thích hợp với hoàn cảnh bị "ép buộc" làm thơ lúc bấy giờ. Và không thể quên được phần thi hóa trang cho "phái mạnh". Cả sân khấu cười nghiêng ngả vì những trò khôi hài khi hóa trang thành những người mẫu "xinh đẹp" dựa trên ma-nơ-canh nam giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, những chàng trai sinh viên đã trở thành những "cô" người mẫu sáng giá, "tuổi đã lên mà tên chưa thấy" khiến cả nhà hàng cười "say đắm" vì sắc đẹp trời ban cho các "cô".

Đêm gala kết thúc với lời phát biểu đầy ý nghĩa của cô trưởng đoàn Huỳnh Thống Nhất, những lời nhận xét ưu, khuyết điểm, những mặt tích cực, hạn chế cũng như thiếu sót cần khắc phục để hoạt động tập thể những lần sau đạt kết quả tốt hơn. Lời cảm ơn, lời chia tay như vang vọng, đọng mãi trong lòng bè bạn, những cái ôm thật chặt dang rộng vòng tay hát vang bài ca chào mừng xuân sang  "nối vòng tay lớn" đã kết thúc đêm gala đầy tiếng cười và đâu đó còn có những giọt nước mắt yêu thương về những tháng ngày kề vai chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/ 02/2013.

     Sáng sớm, đoàn lên xe khởi hành rời Đà Lạt, một số bạn tranh thủ nào dâu tây, nào hoa tươi... như những đặc sản của xứ sở ngàn hoa sẽ theo về thành phố. Hôm nay là chặng đường cuối cùng trở về nơi xuất phát, trên chặng về này, đoàn sẽ ghé thăm thác Dalanta, một trong những thác nước tự nhiên rất đẹp của cao nguyên Lâm Đồng.

    Vào thăm thác, thay vì đi bộ, một số bạn đã thử cảm giác mạnh bằng cách thuê xe trượt dốc, những tiếng hét vang thanh sảng khoái như sắp rơi khỏi đường ray cùng những phen trượt dài đã khiến nhiều bạn như đứng tim giữa "trận địa".

     Vậy là hành trình trở về chính thức bắt đầu, rời thác Datanla, đoàn sẽ lên đường chạy theo hướng Quốc lộ 1A về lại trường đại học Sài Gòn. Trước khi bắt đầu một hành trình dài chạy thẳng về, đoàn ghé thăm siêu thị Cà phê - trà Tâm Châu ăn trưa và mua sắm lần cuối. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đến đây mọi người lại được thưởng thức trà và cà phê miễn phí, ai cũng tranh thủ chọn cho mình những đặc sản tiêu biểu hấp dẫn của xứ cao nguyên mộng mơ về làm qua cho người thân, bè bạn.

     Khoảng 17h đoàn về đến trường đại học Sài Gòn - điểm xuất phát ban đầu, mọi người thu dọn hành lý trong bao nhiêu luyến tiếc chào tạm biệt chúc nhau về đón tết hạnh phúc bên gia đình và hứa hẹn ngày gặp lại cùng nhau bước tiếp trên giảng đường đại học.

 

Lời kết

       Khi tôi viết những dòng này thì đêm cũng đã bắt đầu buông xuống, khoảng tĩnh lặng của đêm tích tắc tích tắc chỉ có ta với ta mênh mông đến vô cùng. Cảm giác giờ đây vẫn còn tràn đầy hạnh phúc khi nhớ về những ngày bên nhau vừa qua, năm ngày, một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để chúng ta tìm hiểu thêm bao điều thú vị về phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống con người Việt Nam mỗi vùng miền khác nhau, đủ để ta nhận ra tình yêu thương bạn bè quan trọng biết nhường nào. Nhớ lắm những khoảnh khắc ấm áp bên nhau, những cái nắm tay chia sẻ khi có ai đó mắt chợt ngấn nước lần đầu đi xa nhớ nhà, nhớ tóc ai bay nhẹ nhàng trong gió trên biển xanh Nha Trang hay những đôi bàn tay xuýt xoa giữa sương lạnh Đà Lạt.

         Vậy là chuyến đi đã kết thúc nhưng những kỉ niệm đẹp vẫn luôn còn đó, luôn sáng mãi trong suy nghĩ, tâm hồn của mỗi chúng ta. Không chỉ được thăm quan, học tập, trau dồi kiến thức mà chuyến đi còn rèn luyện cho chúng ta tính tự lập, tự chăm sóc cho bản thân và cách yêu thương bè bạn. Cảm ơn thầy cô đã tạo điều kiện đưa chúng em đến với những trang sách kiến thức thực tế đầy bổ ích, cảm ơn bạn bè đã cùng tôi xây đắp lên những kỉ niệm tươi đẹp của ngày qua. Những kỉ niệm sẽ mãi theo chúng ta trên suốt con đường dài phía trước, sẽ là dấu ấn đẹp của quãng đời sinh viên để mai này trên đường đời tấp nập khi vô tình chợt nhớ về nhau ta nhận ra rằng mình đã sống những ngày hạnh phúc nhất.

        

         Nhớ thương

Bắt đầu nhớ và bắt đầu từ giã

Áo trắng học trò vất vả những âu lo

Ngày mai xa ai khóc để vu vơ

Ai đó nấc nghẹn ngào không thể nói.

 Một chút thôi thời gian xin đừng tới

Em góp nhặt những kỉ niệm không tên

Ngày mai xa xin hãy nhớ đừng quên

 Hoa phượng cháy, sân trường im nhức nhối.

Ve òa khóc như biết mình có lỗi

Đem hạ đến làm gì cho nỗi nhớ rưng rưng

Chia tay nhau dòng lưu bút ngập ngừng

Niềm thương nhớ hẹn về không nét chữ.

Bạn bè ơi, mai có còn cất giữ

Chút kỉ niệm tha thiết nhớ này không...

 

 

 

 

Nguyễn Thị Thùy

(lớp DVA 1111 - ĐH Sài Gòn)

 

Mitsumi - (vào lúc: 14:08 - 08-05-2013)
Kỉ niệm về thời trẻ thật ngọt ngào và đáng nhớ :)
Nguyễn Thùy - (vào lúc: 22:04 - 04-20-2013)
Em cảm ơn thầy đã tạo điều kiện đưa bài viết của em đến với bạn đọc, do đợt vừa rồi nhiều hoạt động quá nên em quên không gửi thêm hình ảnh để thầy tổng hợp cho bài viết thêm sinh động, thầy thông cảm cho em nhé ^_^

Phamngochien.com - 07:51 - 27/03/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận