Nhật ký thực tế Nam Trung Bộ (Nguyễn Thị Thùy - SV ĐH Sài Gòn) (1)

Nguyễn Thị Thùy mặc áo vàng

TP. Hồ Chí Minh 27/ 01/ 2013.

     Khác với mọi đêm, đêm nay văn phòng khoa Sư phạm khoa học xã hội - ĐH Sài Gòn được thắp sáng, trở thành nơi nghỉ ngơi của các bạn sinh viên chuẩn bị cho chuyến đi thực tế bộ môn các tỉnh miền Trung. Do ở xa, tôi và một số bạn được tạo điều kiện nghỉ lại trường để đảm bảo giờ khởi hành cũng như tránh những khó khăn trong quá trình tập trung di chuyển.

    Văn phòng khoa hôm nay thật vui bởi tiếng nói cười của những cô cậu sinh viên tinh nghịch, không chỉ riêng lớp Đại học mà còn có các bạn lớp Cao đẳng nên ai cũng tranh thủ làm quen, nói chuyện trường lớp, bài vở rồi chuyện chuẩn bị đón tết khiến cô Quỳnh, người "tình nguyện" ở lại giúp đỡ các bạn phải yêu cầu "tắt đèn, đi ngủ".

    Đêm xuống, bạn nằm cạnh tôi mà không sao ngủ được, cứ thao thức mong chờ ngày mai đến thật nhanh để thấy bầu trời bên ngoài kia rộng lớn. Không phải đêm đầu tiên xa nhà nhưng trong tôi có cảm giác rất lạ, có gì đó xốn xang, hồi hộp không tả được thành lời, chỉ biết nắm tay bạn thật chặt xua tan lo lắng, ru mình vào giấc ngủ để chuẩn bị cho một hành trình mới sắp bắt đầu. Chỉ ít giờ nữa thôi, tất cả các bạn sẽ cùng nhau bước trên chặng đường hứa hẹn đầy mới lạ, chặng đường không chỉ mới mong chờ ngày hôm qua mà mong chờ ngay từ khi còn là tân sinh viên vưà bước vào cánh cổng Đại học. Ngủ đi, ngủ thật ngon nhé các bạn của tôi vì ngày mai, một ngày mới sắp bắt đầu.

Ninh Thuận 28 - 01 - 2013.

         Vậy là chuyến đi đã chính thức khởi hành, ai nấy đều phấn khởi vì điều chờ mong đã tới, trong suốt buổi sáng nay mọi người hào hứng làm quen với bác tài và anh hướng dẫn viên, hai người sẽ theo các bạn suốt hành trình.

        4h30 xe khởi hành từ trường Đại học Sài Gòn đưa các bạn đến nghỉ ngơi ăn sáng tại nhà hàng Tâm Châu, ngã ba Dầu Giây, Đồng Nai. Trên đoạn đường này, cả lớp được thầy cố vấn giới thiệu về nguồn gốc tên địa danh Đồng Nai và một số nhà văn vùng đất này như Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm... cùng với một số tác phẩm tiêu biểu như Cây nhị trên sông Phố, Trên mảnh đất này... Tiếp theo đó, xe lăn bánh di chuyển đến làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận, ai cũng ngạc nhiên vì lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến nghệ thuật làm gốm thủ công của những nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm.

LÀNG GỐM BẦU TRÚC - NINH THUẬN

     Nằm ven quốc lộ 1A, làng gốm Bầu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng nam.

     Làng gốm Bầu Trúc là một trong hai làng nghề truyền thống nhất khu vực Đông Nam Á và mang những đặc điểm làm gốm truyền thống của dân tộc Chăm được nhà nước hết sức quan tâm bảo tồn. Đây là vùng đất có nguồn nguyên vật liệu sản xuất gốm rất đặc biệt, đất, cát dẻo và mịn là những yếu tố không thể thiếu tạo nên những sản phẩm gốm chất lượng cao.

    Để có được những sản phẩm gốm tinh tế, không chỉ có nguyên vật liệu phù hợp mà còn cần sự khéo léo, điêu luyện từ đôi bàn tay của những người thợ lành nghề. Đến với làng gốm Bầu Trúc, các bạn sinh viên được hướng dẫn cách làm gốm hết sức tỉ mỉ, đất, cát phải trộn như thế nào, quá trình nặn, nung gốm phải ra sao, có những khi tưởng chừng đơn giản nhưng lại là cả một vấn đề chỉ cần một chút bất cẩn sản phẩm sẽ không thành công. Điều đặc biệt của gốm Bầu Trúc chính là những sản phẩm hoàn toàn được làm thủ công bằng tay và không hề sử dụng phương pháp tráng men tạo nên tính chân thật cũng như tính nghệ thuật cao của mỗi sản phẩm.

     Đến với làng gốm Bầu Trúc ai cũng xuýt xoa về tài nghệ của các nghệ nhân, bạn nào cũng dành riêng cho mình những sản phẩm yêu thích, người thì mang tặng bạn bè, người thì giữ làm kỉ niệm, ai cũng nhận ra rằng đây là làng nghề truyền thống rất cần được bảo tồn, phát triển góp phần đa dạng, phong phú, đặc sắc của văn hóa Việt Nam, hãy đến để cảm nhận " Làm gốm là một nghệ thuật và người làm gốm là một nghệ sĩ".

     Chia tay với làng gốm Bầu Trúc, đoàn xe lại tiếp tục lên đường đi Nha Trang. Có đi mới biết đất nước Việt Nam có biết bao cảnh đẹp và những điều lý thú, lần đầu tiên nhìn thấy nhà máy phong điện, những cánh đồng lúa bao la, những giàn nho trĩu quả với cát trắng, nắng, gió rất miền Trung. Cả lớp được anh hướng dẫn viên nói rất cụ thể, chi tiết về đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của những tỉnh xe đi qua khiến hành trình thêm hấp dẫn bởi sự mới lạ mà các bạn được giới thiệu. Sau giờ ăn trưa ở Cà Ná - Ninh Thuận, xe đi qua Vịnh Cam Ranh, một bãi biển đẹp cát trải vàng còn giữ nguyên vẹn giá trị của tự nhiên hết sức thơ mộng và thật bất ngờ khi được giới thiệu đoạn đường xe đang đi qua là đoạn đường duy nhất ở nước ta có đường sắt cách đường bộ 5m, đường bộ cách đường biển 5m, thật là một điều lý thú.

     Khoảng 17h chiều xe đến Nha Trang, các bạn nhận phòng tại khách sạn Thành Đạt trên đường Trần Phú - con đường trung tâm của phố biển Nha Trang, một địa điểm lý tưởng khi ở sát mặt biển mát lộng. Sau giờ ăn tối có lẽ là khoảng thời gian được chờ đợi nhất trong ngày, đó là hoạt động dạo biển đêm Nha Trang. Biển Nha Trang đẹp và thơ mộng, sóng vỗ hiền hòa bên bờ cát trải dài cùng những rặng dừa lao xao trong gió, cả lớp ùa ra như vỡ tan cùng biển, những tiếng cười ròn rã, những bước chân tung tăng kéo vạt áo nhau, biển đêm nay thật đẹp.

Nha Trang 29 - 01 - 2013.

    Sáng nay đoàn đi thăm Viện Hải Dương học, nơi được trung tâm sách kỉ lục Việt Nam xác nhận là nơi "lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất". Tại đây, các bạn được tham quan, giới thiệu về sự đa dạng của các loài sinh vật biển cùng rất nhiều mẫu vật phẩm phong phú, đa dạng ví như "đại dương trên đất liền".

    Viện Hải dương học là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á.

    Đến thăm Viện, đoàn được tận mắt xem Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh đó là những mẫu vật sống được nuôi thả tự nhiên trong những bể kinh. Ngoài ra, nhân viên bảo tàng còn giới thiệu với đoàn các đặc điểm tự nhiên của vùng biển Đông, giới thiệu những khoáng sản, quý giá, những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái giàu có như rừng ngập mặn, rạn san hô... để chúng ta thấy sự phong phú, đa dạng của tài nguyên biển Việt Nam.

    Cùng trong buổi sáng, sau khi rời Viện Hải dương học đoàn lên đường "tiến quân" trên du thuyền vòng quạnh vịnh Nha Trang, từ biển bao la nhìn về bờ thấy đất liền ở thật xa, thật nhỏ bé. Đoàn ghé thăm bãi tắm Nhũ Tiên, một bãi tắm đẹp nơi diễn ra rất nhiều cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng, mặc dù trời nắng nhưng ai cũng hết mình đùa nô, chụp hình kỉ niệm với lớp.

     Chiều nay, đoàn thăm tháp Bà Ponagar bên dòng sông Cái nơi có cây cầu Bóng thơ mộng bắc qua, một kiến trúc cổ rất độc đáo của người Chăm. Các bạn được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về đặc trưng văn hóa cũng như những nét tiêu biểu độc đáo của các tháp này, ngoài ra còn được thưởng thức đường cong vũ điệu uyển chuyển của những người con gái với điệu múa Chăm.

THÁP BÀ PONAGAR

    Tháp Bà Ponagar nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc, tháp được xây dựng trên một khoảng đất khá bằng phẳng, rộng rãi của một quả đồi đá hoa cương, cao hơn 10m so với mặt nước biển có lối kiến trúc độc đáo thể hiện sự phát triển hoàng kim một giai đoạn của dân tộc Chăm.

    Tháp Bà Ponagar là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm. Kỹ thuật xây dựng giai đoạn từ thế kỷ thứ VIII đến XIII cho đến nay vẫn là điều bí ẩn dù nhiều nhà nghiên cứu đã vào cuộc, nhiều công trình khoa học đã được thực hiện. Người ta vẫn chưa hiểu được người Chăm đã làm cách nào để những viên gạch với kích cỡ 20x20cm cứ chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một chất kết dính nào. Đó là nét độc đáo khiến du khách thêm phần yêu thích ngôi đền tháp này.

    Về kỹ thuật, tất cả tháp này được xây bằng gạch và trang trí nghệ thuật bằng các chất liệu đá - gốm, nội dung thể hiện cũng gắn liền với các vị thần được thờ ở đây. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá thể hiện các chủ đề khác nhau theo tôn giáo Bà-la-môn, như các pho tượng tròn gắn liền với khu đền tháp tạo thành mảng kiến trúc nghệ thuật tuyệt mỹ...

     Rời kiến trúc cổ tháp Bà Bonagar, cả đoàn cùng lên xe khởi hành ra thăm thắng cảnh Hòn Chồng. Theo lời anh hướng dẫn viên, mọi người hăng hái "chạy đua" tìm dấu năm ngón tay mà theo như truyền thuyết thì người chồng đã bám vào đá cứu vợ. Sau một hồi tìm kiếm, dấu tay hiện ra dưới sự hò reo thích thú của tất cả mọi người, ai cũng tranh thủ cùng nhau tạo dáng trước biển đẹp đầy gió mát và nắng chiều nghiêng bóng..

Nha Trang - Đà Lạt, 30 - 01-  2013.

         Sáng nay, sau khi trả phòng khách sạn đoàn cùng nhau thăm chùa Long Sơn, một trong những điểm đến không thể bỏ qua nếu đã đặt chân đến Nha Trang.

        Tọa lạc ở số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, dưới chân núi Trại Thủy, thành phố Nha Trang, chùa được dựng trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, nằm bên cạnh đường giao thông và phố xá đông đúc mà giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch. Những dãy nhà làm học viện, văn phòng, tịnh thất hợp với ngôi chùa đồ sộ, tạo thành một cấu trúc hoàn chỉnh ẩn bóng dưới những hàng cây bồ đề cao lớn, cành lá sum suê cùng những cây ăn quả bao quanh.

         Và khi lên đến đỉnh đồi Trại Thủy, ai cũng có cảm giác thanh thản bình an khi nhìn thấy bức tượng Phật trang nghiêm ngồi thuyết pháp hiện lên giữa trời xanh mây trắng và một không gian khoáng đạt mênh mông. Bức tượng cao 21m, bên dưới là đài sen cao 7m, xung quanh đài sen là chân dung bảy vị hòa thượng và đại đức đã tự thiêu để chống lại chế độ đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ai về viếng cảnh Nha Trang

Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên,

Kim thân Phật tổ nhớ lên,

Có ông Phật trắng ngồi trên đỉnh trời.

Kết thúc chuyến thăm chùa Long Sơn, điểm đến cuối cùng của Nha Trang, chia tay phố biển xinh đẹp với nhiều kỉ niệm, đoàn khởi hành lên thành phố Đà Lạt mộng mơ, thành phố tình yêu và nỗi nhớ, một trong trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách mọi nơi.

Nguyễn Thị Thùy (lớp DVA 1111 - ĐH Sài Gòn)

Còn tiếp

 


Phamngochien.com - 07:57 - 26/03/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận