Mã Viện và Trưng Nhị Vương (Kim Dung)

Tác giả: Kim Dung (1)

Người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa

Trưng Nhị Vương là những người đã phải hy sinh dưới chủ nghĩa nước lớn do Hán Quang Vũ thi hành, họ là hai nữ anh hùng của dân tộc Việt Nam bị quân xâm lược Trung Quốc giết hại.

Trưng Nhị Vương là hai chị em, người chị tên Trưng Trắc, người em tên Trưng Nhị, người huyện Mê Linh (nay là lân cận Hà Nội), thuộc Giao Chỉ lúc bấy giờ (Chú thích của tác giả: Tra cứu trong hồi thứ hai mươi sách "Hậu Hán diễn nghĩa" của Sái Đông Phiên thấy viết rằng: hai bà là con gái của Lạc Tướng huyện Mê Linh, Giao Chỉ. Giao Chỉ là một vùng đất xa xôi ở Nam Hải, xưa nay chưa hề đặt chế độ quận huyện, người dân địa phương sinh sống ở đâu thì theo đó mà khẩn hoang ruộng đất), phụ thân của hai bà là lãnh tụ một vùng. Chồng của Trưng Trắc tên Thi Sách, còn Trưng Nhị có lập gia đình hay không thì chưa rõ.

Giao Chỉ là một quận do nhà Tây Hán thiết lập, gồm cả vùng Bắc Bộ Việt Nam và một phần thuộc Nam Bộ tỉnh Quảng Tây. Vì sao lại gọi tên là Giao Chỉ? Cổ thư có mấy cách giải thích như sau. Có thuyết nói là do người địa phương ở vùng này khi nằm ngủ thì đầu hướng ra ngoài còn hai chân để bên trong thì bắt chéo nhau. Có thuyết nói, ngón chân cái của họ mở ra rất dài, khi đứng thẳng thì ngón cái ở hai chân giao nhau. Lại có thuyết nói, chữ "chỉ" (cái chân, ngón chân) thông với chữ "chỉ" (nền móng), Hán Vũ Đế đặt Sóc Phương ở phía Bắc, đặt Giao Chỉ ở phía Nam, ngụ ý là "giao" lại cái "nền móng" phúc lành cho con cháu (2). Còn theo sự suy đoán của riêng tôi thì đây có lẽ là tiếng địa phương của người dân gọi vùng đất nơi mình ở, "Giao Chỉ" có thể chỉ là chữ ghi âm mà thôi. Những cách giải thích trên của cổ thư đều là gán ghép, nghe kiên cưỡng.

Vùng đất này sau khi bị nhà Hán chinh phục thì nhà vua đặt chức Thái thú Giao Chỉ để lo liệu việc cai trị. Quyển 86, "Nam Man Tây Nam Di liệt truyện", trong sách "Hậu Hán thư" của Phạm Diệp thời Tống (Nam Triều) có chép rằng: "Trung Quốc vì tham lam sản vật, từng bước khinh mạn xâm lấn, cho nên cứ vài năm thì xảy ra một cuộc phản kháng". Mấy câu này viết rất rõ ràng, dễ hiểu, tức là địa phương đó (Giao Chỉ) có sản vật rất phong phú, người Trung Quốc tham lam vật chất, ức hiếp bóc lột người dân, đến lúc người dân không chịu nổi nữa thì cách vài năm lại đứng lên khởi nghĩa. Quyển 43 sách "Tư trị thông giám" viết về khởi nghĩa của Trưng Nhị Vương thì chỉ nói: "Con gái của Lạc Tướng huyện Mê Linh đất Giao Chỉ là Trưng Trắc rất hùng dũng, Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật để câu thúc, Trưng Trắc phẫn nộ và căm thù". Đây là sự kiện trong năm Kiến Vũ thứ 15 đời Hán Quang Vũ (năm 39 sau Công Nguyên), cái gọi là "dùng pháp luật để câu thúc", chắc chắn là lấy pháp luật của dân Hán để ức hiếp, khinh miệt người ta rồi. Đến mùa xuân, tháng Hai năm sau (năm 40), Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa, dân tộc thiểu số các nơi ở khắp phương Nam cùng nhau hưởng ứng, 65 thành trì thuộc Cửu Chân (vùng Thanh Hóa phía Nam Hà Nội của Việt Nam ngày nay), Nhật Nam (vùng Thuận Hóa ở Việt Nam ngày nay), Hợp Phố (vùng Tây Nam của tỉnh Quảng Đông tiếp giáp với Việt Nam) đều bị hai bà lấy được, Trưng Trắc tự xưng vương, đóng đô ở Mê Linh. Các đại quan do nhà Hán phái đi đều lũ lượt trốn chạy, có mấy tòa thành thì các quan tự thủ không dám ra (3).

Cuộc khởi nghĩa của hai người phụ nữ trẻ tuổi mà đạt tới quy mô và thanh thế lớn như vậy, hơn 1900 năm trước cố nhiên là một sự kiện chưa từng có, mãi đến ngày nay, lịch sử thế giới cũng chưa thấy xuất hiện một trường hợp nào khác tương tự. Đáng tiếc là những ghi chép trong sử sách còn lưu truyền quá ít ỏi, chúng ta không thể biết nhiều về diện mạo, tính cách lẫn ngôn hành của chị em hai bà.

Trong hai năm tiếp theo từ sau cuộc khởi nghĩa của Trưng Nhị Vương, nhà Hán không thể làm được gì. Phải đến cuối năm Kiến Vũ thứ 17 (năm 41), Hán Quang Vũ Đế mới quyết định tổng tấn công. Ông ta biết rõ với một lượng quân nhỏ bé thì không sao đánh bại quân khởi nghĩa, nên dốc sức cho công tác chuẩn bị, ra lệnh đóng xe, đóng thuyền, dựng cầu, mở đường, tích trữ lương thảo,... suốt từ Hồ Nam thẳng đến Bắc Bộ Việt Nam, người nhận mệnh là viên tướng tài năng nhất đương thời, Phục Ba tướng quân Mã Viện, cùng phó tướng là Phù Lạc Hầu Lưu Long dẫn đại quân Nam hạ. Trong tháng Tư năm Kiến Vũ thứ 18 (năm 42), Mã Viện men theo đường biển tiến vào Việt Nam, ngày nay là một dải từ Hà Nội đến Thuận Hóa, đại chiến với Trưng Trắc. Lúc đó binh lực nhà Hán hùng mạnh, Trưng Nhị Vương thua trận, phải chạy vào vùng núi, đến tháng giêng năm sau (năm 43) thì bị quân Mã Viện giết hại (Sách "Thủy kinh chú" nói: "Trưng Trắc cuối cùng chạy vào Kim Khê, phải ba năm sau mới bắt được" là có nhầm lẫn về thời gian) (4).

Khi Mã Viện đánh Giao Chỉ, biết rõ sự tình hung hiểm, từng nói lời vĩnh quyết với người nhà, nhưng kết quả lại may mắn được chiến thắng trở về. Có người tên là Hư Ký đón tiếp ông, ủy lạo những vất vả mà ông đã trải qua, Mã Viện đắc ý nói: "Là nam nhi thì phải chết ở sa trường, dùng da ngựa bọc thây mang về mai táng, há chịu nằm yên trên giường cho con cái chăm sóc ư?". Thành ngữ "Mã cách khỏa thi" (da ngựa bọc thây) chính là xuất xứ từ đây (5).

Mã Viện thật sự rất có tài năng, những kiến giải quân sự của ông rất hợp với ý vua, tài kể chuyện cũng cực kỳ xuất chúng, từ vương tử cho đến lão bá tánh dân thường, ai ai cũng thích nghe ông kể chuyện. Ông cũng rất hài hước, thường kể chuyện vui cho nhà vua nghe nên rất được vua yêu mến. Ông không những giỏi đánh trận mà còn rất nhạy bén khi đưa ra các kiến nghị về kinh tế (như khôi phục đồng tiền năm thù), sau khi vua tiếp nhận ý kiến của ông thì mang lại nhiều tác dụng tích cực cho kinh tế xã hội. Ông có nhãn quan sắc sảo, phán đoán chuẩn xác, vốn phải đem lại lợi ích cho bản thân, nào ngờ cuối cùng ông lại chết trong một cuộc chiến tranh xâm lược, đã vậy sau khi chết còn bị vua xóa bỏ tước phong, vợ con không dám an táng ông chính thức, bạn bè cũng không dám đến phúng điếu. Rốt cuộc nguyên nhân là gì vậy? Chuyện này có liên quan tới việc ông đi đánh Việt Nam.

Bảy năm sau khi giết hại Trưng Nhị Vương, Mã Viện lại đi đánh các tộc người Miêu ở Nguyên Lăng, Tương Tây, do dòng nước chảy xiết (đây chính là vùng sông nước Thanh Long trong tiểu thuyết "Biên thành" của Thẩm Tùng Văn, chàng trai yêu Thúy Thúy đã chết vì bị lật thuyền), thuyền không thể tiến, khí trời lại oi bức, bệnh dịch hoành hành trong quân, Mã Viện cũng lâm bệnh rồi chết. Vua sai phò mã Lương Tùng đi điều tra. Lương Tùng vốn có thù với Mã Viện, sàm tấu những lời không hay khiến nhà vua nổi cơn thịnh nộ. Thì ra lúc Mã Viện ở Việt Nam, trong lá thư gửi cho các cháu ở xa hơn ngàn dặm, ông phản đối việc bọn họ bắt chước một nhân vật hào hiệp nổi tiếng lúc bấy giờ là Đỗ Quý Lương (thành ngữ "họa hổ bất thành phản loại cẩu" (vẽ hổ không ra hổ mà lại thành ra chó) (6) xuất xứ từ trong lá thư này), mà Lương Tùng lại là bạn thân của Đỗ Quý Lương. Nhà vua sau khi biết chuyện thì đã mắng cho Lương Tùng một trận.

Ngoài ra còn có một nguyên nhân nữa. Khi Mã Viện ở Việt Nam, thường ăn hạt bo bo để tránh chướng khí. Lúc ban sư hồi triều, ông có chở một xe hạt bo bo đem về nước để trồng. Sau khi ông chết, có người vu cáo với nhà vua, nói trong xe ông chở về chính là minh châu, sừng tê giác, do đó mà cơn giận của nhà vua lại càng dữ dội hơn (7).

Ngày 28 tháng 11 năm 1956

Chú thích:

(1) Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924. Ông là một nhà văn và cũng là một học giả lớn ở Hong Kong, có nhiều ảnh hưởng đến các nhà văn Trung Quốc đương đại.

(2) Đây là cách thường dùng trong Hán văn cổ, những chữ đồng âm, hài âm, viết gần giống nhau hoặc có nghĩa liên tưởng thì đôi lúc có thể dùng thay thế cho nhau.

(3) Sách "Tư trị thông giám" chép như sau: "Năm Kiến Vũ thứ 16, Canh Tý, mùa xuân, tháng Hai, Trưng Trắc và em là Trưng Nhị nổi dậy, dân Man ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, chiếm được 65 thành trì, tự lập làm vương, đóng đô ở Mê Linh. Quan Thích sử Giao Chỉ và các viên Thái thú chỉ đành tự thủ".

(4) Sử sách Trung Quốc đều chép là Hai Bà Trưng bị quân Hán giết.

Thiên "Mã Viện liệt truyện" trong sách "Hậu Hán thư" chép: "Năm (Kiến Vũ) thứ 18, mùa xuân, quân (Hán) kéo đến Lãng Bạc giao chiến với phản tặc (đây là cách nói của sử sách Trung Quốc phong kiến), phá tan và chém hơn ngàn thủ cấp, hơn vạn kẻ ra hàng. Mã Viện truy đuổi bọn Trưng Trắc đến tận Cấm Khê, nhiều lần đánh bại chúng, quân phản tặc chạy tan cả. Tháng giêng năm sau, chém được Trưng Trắc, Trưng Nhị, đem đầu về Lạc Dương".

Sách "Tư trị thông giám" cũng chép: "Năm Kiến Vũ thứ 19, Quý Mão, mùa xuân, Mã Viện chém Trưng Trắc, Trưng Nhị".

Còn "Đại Việt sử ký toàn thư" thì chỉ chép rằng: "Nhâm Dần, năm thứ 3, (năm Kiến Vũ thứ 18 nhà Hán). Mùa xuân, tháng giêng, Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành, gọi là Lãng Bạc) đánh nhau với vua. Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê (sử chép là Kim Khê). Quân chúng cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất".

Theo truyền thuyết của nhân dân ta thì hai bà đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn để bảo toàn khí tiết.

(5) Mã Viện thực sự là một danh tướng, chí hướng "tử ư biên dã, mã cách khỏa thi" (chết ở sa trường, da ngựa bọc thây) của ông được nhiều thế hệ tướng quân ở Trung Quốc lẫn Việt Nam học tập. Trong "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo có câu: "Tuy dư chi bách thân cao ư dã thảo, dư chi thiên thi khỏa ư mã cách, diệc nguyện vi chi" (Dù trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này bọc trong da ngựa, ta cũng cam lòng) chính là lấy ý từ câu nói của ông.

Tuy vậy nhân dân ta luôn có thái độ rạch ròi giữa công nhận tài năng của ông và phản đối việc ông dẫn quân đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

(6) Đây là một thành ngữ trong Hán văn, tương tự câu "Lợn lành chữa thành lợn què" trong tiếng Việt.

(7) Bo bo (tiếng Hán là "ý dĩ"), là một loại hạt có thể dùng làm lương thực. Từ câu chuyện của Mã Viện mà có thêm một thành ngữ "ý dĩ minh châu" (hạt minh châu bo bo), ý nói vu oan giá họa cho người khác.

Người dịch và chú thích: Ngô Trần Trung Nghĩa

ngotrantrungnghia@gmail.com


Phamngochien.com - 06:47 - 19/08/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận