Má tôi (Ngô Thị Học)

Má người nhỏ nhắn và thấp.

Má năm nay đã ngoài sáu mươi năm.

Tôi nhiều lần nhìn má cắp cái nón mê đội đầu và xách một chiếc rổ lớn. Nhà tôi theo lối mòn ở gần một cái miếu thiêng, có cây hoa gạo đã cằn. Mảnh đất vườn nhỏ nhà tôi lại có thể nhìn xéo mắt sang phía kia là những dãy ruộng trồng cỏ và lúa nước.

Tôi, ngày hồi còn để truồng vẫn cùng má đi cắt cỏ ở đồng. Thuở đó, bé đến nỗi tôi có thể nằm vừa trong một cái rổ mà má mang đi vớt rau bèo cho lợn nhà ăn.

Tôi nhiều lần ngã xuống bùn nhà. Má đeo tôi về tắm rửa, giặt giũ bên sông cho sạch.

Ở cái xóm tôi sống, có mẹ con bác Tư nghèo sinh ra thằng cu Lủng. Nó không có chân và mặt mũi thì ngớ ngẩn như con nít cỡ tầm tuổi lên ba hay bốn gì đó. Lủng ngố, cười suốt. 

Má tôi, thường sang thăm. Khi ghé qua, cho nhà bác Tư mớ rau hay rổ khoai tía để luộc. Tình cảm chị em làng xóm gắn bó cùng nhau, có khổ thì gánh khổ, có phước thì hưởng cái phước ở lành.

Cái xóm nghèo như một bãi gò hoang bỏ trống. Đất chẳng trồng được gì ngoài lúa và cỏ chân vịt.  

Nhiều lần qua chỗ lội để đến cánh đồng lúa là mỗi dịp tôi phải đòi má hái bông so đũa vàng chum chúm ở gần cầu đi xuống.

Ruộng lúa bao giờ cũng ngập tiếng vịt kêu mỗi chiều và tiếng những đứa con nít đuổi vịt ngoài sông là vui lên. 

Những trái bông so đũa làm tôi nhớ sau mỗi khi đi cùng má ra đồng cắt cỏ chân vịt. Tôi hái một lùm bông so đũa nấu canh cá lóc đồng. Món ăn má nấu thấy ngon và nhớ lâu. Tôi hay đòi má gọi ba về cùng ăn. Má buồn, ngày đó buồn. Một chuỗi nỗi buồn đau ấy, tôi nhỏ đâu hiểu gì giọt nước mắt của má đang lặng lẽ rơi xuống trước khung ảnh của một người thân quen...

 

[...] Tôi nhớ, năm tôi còn nhỏ: chập chững bò, chập chững biết bước đi, gọi câu đầu tiên là "má Năm''.

Má Năm là người má của tôi và cũng là vợ của ba tôi.

Má Năm sinh ra là con của ngoại mù. Một người dưng làm má. Má Năm kêu tên người ta khi còn nhỏ.

Người dưng nhận má làm con rồi nuôi má thành khôn. Người đàn bà có chấm ruồi sau gáy đã dạy má cách hát, cách ở và sống.

Má tôi đi hát cho người giàu từ năm mười tuổi. Hát trong cánh cải lương của dân nghèo.

Má Năm tôi người thấp, chừng chưa được mét năm mươi sáu nhưng má có mái tóc đen dài thật đẹp!

Tôi thích gọi là má Năm, bởi má là người từ trong Nam ra ngoài Bắc. Má đâu có người quen thuộc. Ngày má đi xa quê cũng chỉ gót ghét được mấy trăm ngàn bỏ túi trống. Má mê hát cải lương như mê mẩn tình - khi người ta yêu điên dại một người. Yêu đến điên cuồng, đau khổ. Mù loà...

Má khóc. Khóc sau mỗi lần giở vai diễn ở nhà.

Bây giờ, người ta còn nghe giọng hát của má làm gì đâu. Người ta đâu còn thích cái gương mặt già nua đến u sầu đó đâu. Chẳng ai còn nhớ về tên "Hoa Đỏ'' ngày ấy, cái tên một thời đã từng làm danh giá cho thân phận của má. Rồi má yêu. Má yêu một gã khác, gã làm nghề may. Má dành chọn tình cảm cho người ta mà người ta đâu có yêu má thật lòng. Giờ má khổ, má khóc thôi...

Gã làm má rời bỏ cánh cải lương hát, làm má từ bỏ hết những vai diễn của mình trên sân khấu. Từ bỏ nghiệp cầm ca đi biệt xa xứ.

 

... Tôi thỉnh thoảng vẫn nghe má hát xướng. Má hát giọng ngậm ngùi, đau xót quá!

Má vẫn chưa quên được sâu khấu, chưa quên được những vai diễn của đời mình khi tuổi còn trẻ.

Má lang bạt nơi đất khách quê người. Không một chốn nương thân. Má đã có ý định tử tự. Sau này, khi nhắc lại chuyện "má ân hận, vì má mà gần hại chết đứa con trong bụng, chưa đầy sáu tháng''.

Má lấy chồng vì trả ơn cứu mạng. Thật tình trong lòng má chưa quên được gã, người đã làm má đau suốt đời.

Má khóc rũ người bên chiếc bàn trước di ảnh của người đã chết. Người mà má đã nợ một ân tình khó trả trong đời. Người đàn ông đã che chở cho hai mẹ con.

Má khóc gào lên thảm thiết. Má khóc như người ta chưa từng bao giờ được khóc. Mỗi lần xong, má lại hát, ca bài cải lương "chuyện tình Lan và Điệp'', nghe sao nó não nề, bi đát quá trời ơi...

Tôi nấc nghẹn không thành tiếng, cố giấu chặt nỗi đau trong trống ngực mình đang run lên thành tiếng khóc than van.

Tôi chưa từng được ba bế ẵm, chưa được ba dành yêu thương cho đứa con, chưa một lần gọi "ba ơi!''.

 

Má Năm rũ bỏ hết nghiệp cầm ca. Má theo người ta về ở khổ, cái khổ đâu làm má buồn mà rứt tình bỏ đi. Vì má không yêu người ta thôi.

Vết thương người xưa cũ chưa lành. Má đâm ra hận. Má hận vì mình đã không thương, không ở bên người ta. Má có lỗi với người đàn ông của má, có lỗi với đứa con má đã sinh ra.

Má bỏ người ta mà đi, gần sáu năm má mới trở lại. Vậy mà người ta vẫn yêu, vẫn chờ đợi má suốt bao tháng năm qua.

Nghe ai hát điệu ca cải lương: "Em lên xe hoa bỏ bến theo người...''. Lòng má đau như cắt, má đâu còn dư nước mắt để khóc nữa.

Ngày má bỏ về, tôi cứng họng, không một tiếng gọi "má ơi!''. Má ẵm tôi từ lúc tôi sinh ra và chập chững những bước đi đầu tiên của đứa bé khi vừa một tuổi. Má gửi tôi cho một bà cô nuôi hộ.

Hôm, má gói ghém quần áo ra đi thì người đàn ông của má cũng đâu biết.

Người ta vẫn đi làm ruộng, vẫn đi chăn vịt, đến tối thì trở về nhà cùng má và con.

Người đàn ông rớt nước mắt đắng khi thấy bộ quần áo cũ của má vất chỏng chơ ngoài sào phơi trước cửa, thấy đôi dép Lào cũ rách còn lại ở ngoài cửa giếng. Không có tiếng khóc của trẻ sơ sinh, không có tiếng hát của bà mẹ nuôi con thơ. Người ta gục mặt xuống hũ bao đựng thóc mà rấm rứt than lời đắng đót: "Kiếp nghèo làm khổ người ta quá! Nghèo chẳng vợ chẳng con, thân đây một mình...''.

Má bỏ đi gần sáu năm dài dằng dặc của đời người thì quay lại bến cũ. Thân má giờ đã xác xơ như lá lúa khô và gương mặt nổi nhiều nốt tàn nhang, chấm rỗ. Má suy sụp hoàn toàn, cái khát vọng được trở lại đoàn ca hát hò xưa giờ đã vỡ vụn rồi. Má Năm không còn chỗ dựa. Má trở lại tìm đứa con nhỏ. Má ôm chầm lấy nó khóc thống thiết khi biết nó vẫn còn khoẻ mạnh, khi biết nó vẫn còn biết yêu thương má.

Cái hôm nhìn thấy má, nó đứng ngơ ngác nhìn lạ lùng một người đàn bà. Má đã muốn ôm chặt lấy nó mà rưng rức khóc. Má muốn kêu tên nó như một người mẹ xa con bấy lâu...

 "Má Năm à. Cuộc đời con người ta có ai được hưởng phước hết đâu. Mình vì nghèo nên muốn giàu mà ông trời đâu có cho mình được sự may mắn. Má không yêu người ta, sao má trở về đây gặp người ta làm gì nữa, hả má?...

Gặp lại chỉ tội, chỉ làm khổ, giày vò nhau mà thôi!

Người ta đã chờ má, hi vọng má sẽ về. Người đàn ông nhìn má bình an, nhìn má chan chứa tình yêu thương. Sao má không yêu người ta từ ấy? Sao đến giờ, má mới biết đau đến nhiều như thế?

Má à! Lỗi chẳng là lỗi của ai. Người ta yêu thì đâu có lỗi...''.

 

Người đàn ông ấy đã chết. Người ta là chồng của má và cũng là ba của tôi. Một tiếng ba tôi chưa gọi. Một tiếng ba thân thương của tuổi thơ tôi khao khát có ba.

Nhiều lần đứng ở cửa hiên, nắng chênh chếch chiếu vào nhà. Tôi vận bộ áo màu vàng cũ nhìn trộm má hái rau : Má đội cái nón lá cũ rách mèm, mặc áo nâu ngả màu. Má buồn lặng lẽ. Tôi thở dài nặng nề, nhìn má trách hờn xót xa : Má có buồn gì khi má bỏ con cho người khác nhận ? Má có đau hơn khi một người đàn ông yêu má chân tình mà người ta đâu có nhận được tình yêu của má. Má biết đau khi người ta bỏ mặc má nhưng má sao không đau khi bỏ người yêu mình mà đi... ?.

Phải chăng những đứa con như tôi và Lủng cũng thiếu đi một tình yêu thương của người ba?

 


Phamngochien.com - 05:26 - 16/08/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận