Kiến nghị học sinh phổ thông học theo tín chỉ (+ lời bình của PNH)

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo "Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 5-7 với sự tham gia của lãnh đạo sở GD-ĐT và giáo viên các tỉnh thành phía Nam đã đưa ra nhiều ý kiến cho việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015.

Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện đã có những đổi mới tích cực. Tuy vậy nó vẫn còn nặng, quá tải, thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và nhân cách học sinh. Chương trình chưa thể hiện đầy đủ và rõ nét mức độ hiện đại, cập nhật cần thiết, tính tích hợp, phân hóa trong xây dựng chương trình còn yếu. Chất lượng giáo dục phổ thông tuy có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là so với trình độ của các nước đang phát triển trong khu vực.

Tại hội nghị, TS Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - kiến nghị: "Việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa sau năm 2015 không nên theo cách làm cũ của bộ sách hiện hành. Theo tôi, nên thực hiện cơ chế tín chỉ ở giáo dục phổ thông: với 40 tín chỉ trong suốt ba năm THPT như nhiều nước đã làm, học sinh được chọn tín chỉ về các lĩnh vực khác nhau. Yếu tố này sẽ làm nhẹ chương trình và thi cử đánh giá, thay vì thi tập trung một lần cấp quốc gia tốn kém, nặng nề; học sinh sẽ làm bài 40 lần trong nhà trường, áp lực căng thẳng sẽ giảm đi rất nhiều".

TS Nguyễn Kim Dung - phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) - cũng đề xuất: "VN có thể học tập các nước việc xây dựng hệ thống tín chỉ ở THPT. Các kỳ thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thí sinh". 

HOÀNG HƯƠNG

Nguồn Tuổi trẻ

Lời bình của Phạm Ngọc Hiền

Phần lớn các nước trên thế giới đều theo hình thức đào tạo tín chỉ từ bậc học phổ thông. Học sinh được chọn học những môn mình thích nhưng vẫn đảm bảo được  chuẩn kiến thức chung. Không cần phải phân ban mà học sinh vẫn có điều kiện nghiên cứu sâu những chuyên đề mình thích. Nhưng vậy tránh được chuyện thầy cho gì, trò ăn nấy, nhiều lúc phải ăn hoài những món mình không thích mà không có lối thoát nào khác.

Nếu chọn hình thức đào tạo tín chỉ từ bậc phổ thông và triệt để theo mô hình giáo dục các nước tiên tiến thì ta còn phải thay đổi nhiều thứ nữa. Chẳng hạn như thay đổi hình thức độc quyền sách giáo khoa. Nghĩa là, sách giáo khoa không phải là pháp lệnh bắt thầy và trò cả nước phải răm rắp tuân theo. Trên thị trường có nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên và học sinh có quyền chọn những bộ sách giáo khoa có chất lượng và hợp với khẩu vị của mình.

Ở miền Nam Việt Nam trước 1975 cũng đã có hình thức này, nghĩa là nước ta cũng không đến nỗi "không biết gì" như nhiều người lầm tưởng. Còn ngày nay, tôi có hỏi vài học sinh Việt Nam học phổ thông ở Mỹ, Úc... họ nói học theo các tài liệu của thầy hướng dẫn chứ... không có sách giáo khoa thống nhất và bắt buộc (hiểu theo nghĩa Việt Nam). Khái niệm "sách giáo khoa" ở các nước cũng tương đương với khái niệm "sách tham khảo" ở nước ta vậy thôi !

 Cầu mong cho nền giáo dục nước mình cũng "sánh vai" cùng với người ta !

 


Phamngochien.com - 15:19 - 06/07/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận