Đêm xuân hái lộc trên đồi (Võ Thị Hà - SV ĐH Văn hóa Hà Nội)

 

Mùa xuân về trên đồi núi, cây lá non nõn nhựa tràn. Có loài cây ngọn tía, có loài ngọn xanh non, có loài nảy mầm từ nách lá, có loài vươn búp chồi lên. Nhớ mãi những đêm ba mươi chị em ríu rít dắt nhau lên đồi hái lộc...

Trên đồi có ngôi miếu thiêng, trước giao thừa bao giờ cũng náo nức mùi trầm, mùi hoa quả vườn nhà thơm tho bình dị. Mọi người, ai cũng ấm áp, hiền lành và trầm tĩnh, nói khe khẽ như sợ gió mang lời bay đi mất. Đêm xuân đồi núi thơm thơm và tĩnh lặng. Những dãy đèn tròn nối song song lên tận đỉnh đồi, cũng là nơi miếu ngự. Người dân xóm núi còn nghèo nhưng tấm lòng thơm thảo và lòng thành kính đậm sâu.

Người ta nói, có gắn bó mới biết thương biết quý, mỗi người chỉ bẻ một vài nhành lộc nhỏ, mang về cắm trong cắm trong cái lọ đất sét vẽ hoa, để đến tận mùa xuân năm sau. Tôi nhớ mãi cái năm tôi tám tuổi, lần đầu tiên theo chân các chị lớn lên đồi hái lộc đêm giao thừa. Tôi hái được một nhánh chền nhỏ lá tròn, cũng chỉ vì nó rất nhiều, lại rất giòn, dễ bẻ. Mang về, cả nhà cười ồ lên, cũng vì chẳng mấy khi người ta hái lộc chền vì ít chồi búp, màu lá lại xanh sẫm. Thế nhưng, ba mẹ tôi cũng kính cẩn cắm nhành chền của tôi giữa những nhành lộc mơn mởn khác của các chị, rồi mang chưng trên ban thờ.

Năm đó, chị em tôi đều học hành tấn tới, chị hai vào đại học, chị ba đỗ trường chuyên của tỉnh, chị tư chị năm thì đều là học sinh giỏi. Riêng tôi, các năm học trước ì ạch là học sinh trung bình vì cái tật hay lơ tơ mơ trong lớp, cuối năm cũng được học sinh tiên tiến. Ba mẹ tôi mừng lắm. Mùa xuân năm sau, khi đông đủ cả nhà trên mâm cỗ giao thừa, sau khi đã lì xì hết tất thảy chị em tôi, kể cả mẹ, ba cất giọng trầm trầm "Trong năm qua, ba rất tự hào vì các con gái của ba đều chăm ngoan, học giỏi. Các con là những lộc trời cho ba mẹ, sang năm mới cần cố gắng hơn nữa nghe các con". Chị em tôi dạ ran, đứa nào cũng thấy vui mừng vì ba dịu dàng và tâm lý, không như chú Ngọc, chú Tâm, suốt ngày cằn nhằn vì vợ sinh con một bề.

Ba tôi là thương binh. Để nuôi chị em tôi ăn học, suốt bốn mùa, không kể nắng mưa, ba cần mẫn trên đồi, chăm sóc cây tràm, cây bạch đàn, trồng dứa, trồng keo, chẳng bao giờ ba phàn nàn vì công việc mệt nhọc hay rầy la chị em tôi vì học hành tốn kém. Cứ nhìn ánh mắt ba đứng trên đỉnh đồi ngắm bạt ngàn cây lá xôn xao khi mùa xuân đến thì mới hiểu được hết công sức và tấm lòng của ba.

Những mùa xuân qua, ba mẹ tôi âm thầm bên thềm nhà chờ chị em tôi mang lộc trên đồi về, mỗi năm mắt ba mẹ thêm nhiều nếp nhăn, tóc đã thành hai màu rõ rệt và nụ cười, vẫn hiền từ nhưng đã nhuốm màu thời gian. Năm chị hai tôi ra trường và tìm được việc làm. Đêm giao thừa trên đồi, chị em tôi mỗi người cầm một cành lộc nhỏ, đứng bên nhau ngắm pháo hoa mà không hề hay biết ba đang phải chống chọi với vết thương cũ hoành hành vì thời tiết giáp Tết quá lạnh. Trước đó, cả năm chị em đều nhất quyết không lên đồi vì thấy ba đang mệt, nhưng ba nhất quyết bảo cứ đi, nên đành chịu. Khi năm chị em hớn hở mang lộc về nhà cũng là lúc ba phải bị đau nặng, phải chuyển đi viện. Và rồi, ba mất trong Tết năm đó, năm tôi mười hai tuổi, mới học lớp sáu.

Ba mất đi, những mùa xuân năm sau, chị em tôi cũng không còn vẹn nguyên nỗi háo hức lên đồi hái lộc, hầu như chỉ ở nhà phụ mẹ làm mâm cơm cúng đêm giao thừa. Ba đi, đồi cây dường như cũng kém sắc và ít lộc hơn. Xa nhà, mỗi lần về, tôi lang thang trên đồi, nghe gió rượt trên tóc mình, buồn bã.

Lại một mùa xuân sắp đến, chiều đi trên phố, nghe cô bé con nói với ba nó "Ba mua tặng con một chậu xương rồng đi, nhà mình ít cây quá à, con sẽ nhân thành một vườn xương rồng cho ba coi", vừa phì cười, lại chợt chạnh lòng. Tôi đâu còn ba để nói những lời nịnh khéo kiểu trẻ con như vầy, thật tủi! Nhưng đêm về nằm nghe mưa phùn se se ngoài cửa sổ ký túc xá, tôi lại có ước muốn như những năm nào, được cùng các chị gái lên đồi hái lộc về chưng trong cái lọ đất sét vẽ hoa từ lâu bụi phủ.

Không biết thực hay trong mơ tôi gõ lên bàn phím những dòng như vầy "Ba ơi! Giao thừa này chị em con lại lên đồi hái lộc nha ba, rồi cùng về sớm thắp hương lên ban thờ mời ba về ăn tết với mẹ con con. Đã lâu lắm rồi không biết trên đồi lộc chền có còn nảy không ba nhỉ?...".

VÕ THỊ HÀ
(ĐH Văn hóa Hà Nội)

 


Phamngochien.com - 21:10 - 11/03/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận