CƠM CHIỀU - BUỔI SÁNG BIẾN MẤT (Ngô Phan Lưu)

CƠM CHIỀU


Làng Thạch Thổ chừng hai mươi nóc gia, rải rác triền chân núi Cảo. Ở đây, chuyên nuôi bò đàn. Ở đây, bò nhiều hơn người. Ở đây, đã có thời nổi tiếng về cái " chuồng bò tháng". Đó là loại chuồng bò lộ thiên, rất rộng, không mái, không nền, chỉ có trụ đứng và róng ngang, ngăn bò không phóng ra. Trong chuồng bò này, phân tươi, phân khô, lớp lâu lớp mới hoà trộn cùng nước tiểu ngập đến gối! Bò không thể nào nằm được, vậy mà bò vẫn lớn, vẫn mập, vẫn tiền. Khi phân nhiều quá, sợ lút mất bò, người ta bỏ chuồng, dời sang chỗ khác. Đất đai ở đây, mênh mông, tha hồ...
Núi Cảo có thác Đá Mài, vào mùa mưa lũ, thác tung "nước khách", xốc thẳng vào làng Thạch Thổ. Sở dĩ gọi "nước khách" vì nước cứ như khách, không mời mà đến ở vài giờ, rồi đi biệt. "Nước khách" quả là nguy hiểm. Nó vồ ra thình lình, khi sâu trong núi Cảo có ba tiếng nổ vang rền, vồ ra với tốc độ cuồn cuộn hung dữ. Đó là lý do khiến nền nhà ở Thạch Thổ, người ta đắp rất cao và chất đá xung quanh, vừa giữ nền, vừa làm tam cấp trèo vào nhà. Người lớn đứng dưới sân, nền nhà cao ngang tầm mắt.
Đất đai làng Thạch Thổ cũng hung dữ như thác Đá Mài. Mùa mưa dẻo như keo dán, sang mùa nắng quánh cứng như đá. Đất có thể xé rách bàn chân như bom sót mảnh.
Làng Thạch Thổ vừa có điện sáng năm ngoái.
Nhà anh Lân ở làng Thạch Thổ. Hộ anh có 7 khẩu. Năm ngoái mất một khẩu. Đó là khẩu bà nội anh. Bà mất vì đã biến thành trẻ con. Vào một sáng, bà nghe anh Lân từ cổng vào, gọi to: "Có bánh Nậm đây! Mẹ của cha ơi!". Bánh Nậm bà rất thích. Nghe thế, bà mừng quýnh, lều khều bước nhanh ra thềm cao, sụp chân té văng xuống sân, va vào đá lổn nhổn. Gãy chân, móp đầu, ba ngày sau bà đi! Bánh Nậm vĩnh viễn chưa ăn!
Sổ hộ khẩu anh Lân, đã gạch tên bà. Hiện nay còn 6 khẩu:
- Cụ Ông: Bố của Lân. Tóc lác đác vài sợi rất dài và trắng. Trông ma quái thần
tiên. Suốt ngày ngồi thần người, không hở môi nơi cuối hiên nhà, mắt đậu dính vào đỉnh núi Cảo, chìm đắm hồn vào chín tầng trời Tiên giới.
- Cụ Bà: Mẹ của Lân. Nhỏ thó. Mặt vô số nếp nhăn rối rắm, sâu như dao cứa ...
Tiếng nói khàn đục, loại giọng thổ đàn ông. Trò chuyện thường liếc ngang liếc dọc, khiến người gần bên cảm giác bà thuộc phe mình.
- Anh Lân: Chủ hộ. Con bí mật cụ bà. To con, vạm vỡ. Tánh lửa. Nóng lên,
hai phao mũi phập phồng, sẵn sàng thô bạo. Dị ứng chữ nghĩa. Thích rượu và cả đánh lộn.
- Chị Thuỳ: Vợ Lân. Mảnh mai, dễ vỡ. Da trắng bạt lạt. Cổ nổi nhiều gân xanh.
Nhìn chị, người ta ái ngại không biết có sống nổi qua con Trăng này không. Siêng năng, im lìm, cần cù làm việc. Nhiều lúc ngỡ là cái bóng.
- Cu Còm: Con. Đang theo lớp 5. Ngày không học, phụ trách chăn bò thay bố.
- Gái Tý: Con. Theo lớp 4 . Chuyên quét sân, quét nhà, rửa bát và đập vỗ vào vai ông Nội mời cơm.
Đàn bò nhà anh Lân 16 con lớn nhỏ.
*

Lúc này, 5giờ 30 chiều. Nền trời rực màu cà-rốt. Nhiều đàn chim bay về núi Cảo
theo đội hình , trông thật ngoạn mục. Gió đứng yên, không khí còn nóng. Nhà anh Lân cơm chiều đã dọn ra hiên. Hôm nay Rằm, cụ Ông ăn chay, cả nhà cũng theo cho tiện việc nấu nướng. Trên bàn gỗ vuông thấp, đã đặt nồi cơm bốc khói. Một đĩa rau Dền luộc, một tô xác đậu xào giá, hai chén xì-dầu: một ớt, một không. Cụ Bà, chị Thuỳ, cu Còm, gái Tý ngồi bằng đòn kê quanh bàn. Họ chờ anh Lân gài cổng chuồng bò, nên chưa động đũa. Gài cổng xong, anh vào bếp, giắt chiếc roi mây củ sáp lên líp tre, đoạn ra vò nước rửa tay, rửa mặt. Trông anh mệt mỏi, bực dọc. Trời còn sáng. Nhà chưa bật điện. Cụ Ông vẫn ngồi bất động nơi cuối hiên, mắt đậu lên đỉnh núi Cảo, lưng quay về phía bữa cơm.
Lân vừa ngồi xuống đòn, cáu kỉnh:
- Lạc mất tiêu con nghé lang!
Nghe câu Lân vừa nói, mọi người chìm hẳn. Nếu mất thật con nghé lang là mất 3
triệu! Chị Thuỳ vừa bới cơm, vừa bảo nhỏ gái Tý:
- Tý! Con đến mời ông nội.
Gái Tý phụng phịu:
- Mẹ không sai anh Còm, sai con hoài!
Chị Thuỳ nhìn gái Tý, ngạc nhiên một thoáng, đoạn nói:
- Còm! Con mời Ông nhanh lên!
Còm vùng vằng:
- Sai Tý không đi, mẹ lại chuyền sang con.
Lúc này, cụ Bà vừa so đũa, vừa chen vào:
- Thì, thằng Lân mày đi mời cũng được. Để bọn nó ăn cơm.
Nghe thế, đột ngột một cơn nóng giận xoè cánh dập phừng phực trong người Lân.
Hai phao mũi anh, lập tức phập phồng báo hiệu một biến cố.Nhanh như cắt, anh bốc thằng Còm quăng sân, chân xoạt thẳng, đạp gái Tý ngã ngửa. Chân gái Tý móc chiếc bàn ăn đổ ngã. Còm té sấp xuống sân, mồm bê bết máu. Nước chấm xì-dầu tung toé ngực cụ Bà. Nồi cơm lăn lóc xuống bậc tam cấp. Đĩa rau Dền luộc, đĩa giá xào xác đậu tấp vào bụng chị Thuỳ và gái Tý. Còm, Tý hốt hoảng bật phóng dậy, chạy trốn sau hè chuồng bò. Cụ ông vẫn ngồi bất động nơi cuối hiên, không hề hay biết. Lân vụt đứng phắc dậy, vớ cái chổi nắm chặt, mắt lia nhanh về phía cụ Ông, tiếp đến xẹt sang cụ Bà...Chị Thuỳ sững người. Chị điếng người. Chị vừa gặp ánh mắt chồng. Một ánh mắt rực lửa căm ghét, sắc như dao cạo. Ánh mắt kinh khủng đến nỗi, chị lạnh toát xương sống! Trong một thoáng, nhanh hơn một thoáng, ánh mắt của chồng đã nói tất cả. Sự bạo động vừa nổ ra là dành cho cụ Ông đang ngồi cuối hiên. Tay cầm cán chổi là để quét cụ Bà. Gái Tý và Còm chỉ là cái cớ hy sinh. Đột ngột, chị đứng phóc dậy, ưỡn ngực, nhìn thẳng vào mặt chồng, đôi mắt nẹt lửa. Lân vụt tay lên cao toan tát, nhưng trước cái nhìn đầy dũng mãnh thách thức ấy của Thuỳ, bàn tay anh thõng xuống, rơi cái tát. Bàn tay tự nó thả rơi cái tát. Anh chưa hiểu được tại sao lại đầy sức mạnh trong đôi mắt vợ. Bực tức, anh quăng chổi ra sân, phóng xuống thềm, bước nhanh ra cổng...
*
Lúc này, cụ Bà đấm hai tay vào ngực, tức tưởi:
- Nó lấy chổi quét tao! - Giọng thổ khàn đục của bà rít lên ma quái như từ âm phủ
- Còn giả nhân giả nghĩa quăng Còm, đạp Tý. Đồ mất dạy! Loài bất hiếu! Biết thế, bóp mũi chết ngay mới lọt!
Cụ vịn gối đứng dậy, lê chân vào nhà trong thay áo. Khuôn mặt cụ nhăn nhúm như tờ giấy bạc Pô-ly-me rớt vào chậu lửa. Cụ vừa đi vừa chửi rủa trong nước mắt: "Quân đồi bại!". Vừa nghe tiếng chửi rủa của mình vang lên, đột ngột mắt cụ ráo hoảnh. Ráo hoảnh ngay trong nước mắt. Cụ giật mình...Thì ra, tiếng chửi rủa vừa rồi là để chửi rủa mình! Cụ vừa gặp một thứ ánh sáng của đèn chai, loại ánh sáng cong, đã len lỏi vào tâm hồn cụ. Ừ, có thời gian dài, cụ ông bỏ nhà, mê đắm theo phái tu Tiên đỉnh núi Cảo. Áp lực của sự đè nén dục tình lâu ngày đã nhấn chìm cụ. Bố thật của Lân, cái thằng khồn kiếp ấy, cụ không bao giờ hé răng. Thằng ấy buộc phải làm hòn sỏi chìm sâu đáy biển tâm hồn. Đang lê bước, cụ khựng lại đột ngột như chiếc xe thắng gấp. "Quân đồi bại!" đúng là tiếng tự rủa mình. Cụ mím môi. Cụ đóng chặt cánh cửa quá khứ. Quăng chìa khoá xuống vực. Cụ lê bước đi tiếp vào phòng...Ừ, một khi con người đã tự ghét mình, khó mà thương ai nổi nữa! Cụ bà âm thầm thay quần áo ướt xì-dầu, im lặng, không khóc.
Nhà có chó nhưng bị bắt trộm, thức ăn vung vãi còn đấy...
Bên ngoài, chị Thuỳ tay nắm cán chổi mà kiệt sức. Chị thu sức lực nhấc lên để quét gom thức ăn vung vãi, hốt đổ cho heo. Dọn dẹp xong, chị rửa tay, rửa mặt cho Còm và Tý. Còm bị dập môi. Tý không sao, chỉ đau ê ê nơi bụng. Chị vào giường, trùm kín mền, tay bưng mặt khóc. Một trời tủi thân tràn ngập người chị. Giờ đây, dưới áp lực của sự tủi thân thấm đẫm, cơn giận ghét chồng đã biến mất. Nó biến mất để nhường chỗ cho một căm ghét khác, đó là nỗi căm ghét con Tình, chủ sạp tạp hoá đầu làng Thạch Thổ. Khúc phim ký ức được nhúng vào thuốc hiện thực, đã hiện hình tươi màu sắc nét. Cái bản mặt vênh váo cười cợt của con Tình hiện ra: " Thím Lân xinh đẹp ơi! Trắng trẻo ơi! Hai ống quần lò-xo của thím, đúng mô-đen phải đeo hai cục đá vào chớ? Hai cục đá của thím đâu nào?". Cái hôm xa lắc ấy, Thuỳ mặc bộ đồ đi làm nương rẫy. Bộ đồ lao động vất vả , bạc màu, lam lũ. Hai ống quần ngồi đứng lâu ngày, cứ xoắn tít lên đến nửa ống chân. Chiếc quần một đời chưa trông thấy chiếc bàn là! Câu nói mỉa mai cũ của con Tình, giờ này lại bồi thêm một nhát dao mới rướm máu. Máu ấy nghe đắng nghét và tanh tưởi cổ họng. Ở đời, không có gì mất cả, cho dầu là một câu nói. Đặc biệt, câu nói mỉa mai có tuổi thọ ngang bằng sự căm thù! Và, cả cái cười mỉa mai cũng thế!
Thấy bố đi khỏi, Còm, Tý bật máy TV xem hoạt hình Tom và Jerry.
Bóng tối đã lả tả trùm xuống...
Đột ngột, chị Thuỳ tung mền ngồi dậy. Chị toan xếp quần áo, bỏ về nhà mẹ đẻ. Nhưng, chị lại cau mày, bởi hành đọng này là sự châm ngòi cho một vụ nổ lớn hơn. Chị biết tính chồng. Chị lại thôi. Chị lại khóc...
Cụ Ông vẫn ngồi bất động, im lặng nơi cuối hiên. Cụ ngồi trên một chiếc đòn nhỏ, đóng bằng ván Cà Ná, đầu gối quá tai. Dường như, đó là một hình khối có dáng hình nhân, vừa chồm tới vừa ngã sau cùng lúc. Vừa chồm tới vừa ngã sau, thực ra đó là một thế vững chải, rất vững chải trong bấp bênh. Trong tư thế ấy, cụ ông nhớ ra, không có ai lay gọi mình ăn cơm cả. Cụ chép miệng. Tiếng chép miệng ngắn ngủn, đục và dứt khoát buồn. Thế cũng chẳng hề gì. Cụ nghe trong cổ họng có một thứ hiu hắt quánh lại thành cục. Cụ nuốt ực vào bụng. Cụ đổi thế ngồi. Cụ ngồi xếp bằng, hai bàn tay cùng ngửa lên, đặt lên đùi trái. Cụ điều tức...Cụ thiền định về "cơm"! Một chặp sau, cụ táp nuốt sương đem của rừng núi vừa tạt vào...Cụ biến thành một con cóc ăn sương!
Làng Thạch Thổ đã sáng điện cùng khắp. Những vùng sáng rải rác, vẽ một đường cong cong...
Còn, anh Lân chủ hộ, bước nhanh ra cổng, đi đâu? Đi đâu?...Giờ này ở đâu?

Tp. Tuy Hoà 19-1-2007

Ngô Phan Lưu

 

BUỔI SÁNG BIẾN MẤT

 

Xóm Ao hiện có hai người bệnh trầm trọng. Rất nặng. Nặng đến mức, giờ đây cái chết nhẹ ngang bằng hơi thở. Đó là chú Khiêu chồng thím Xanh. Đó là bà Mển vợ lão Sùng. Cả hai đã là trái banh trong chân đội banh Nhà Thương. Đội banh ấy đã cố gắng chuyền nhau, không cho lọt vào "gôn" Tử Thần, nhưng đều thất bại, để trái banh bị lủng, và cũng vì đá quá, cuối cùng xẹp hơi...Ruộng rẫy, bò trâu đã bán sạch. Gia đình họ đang trên bờ vực thẳm...Chú Khiêu ung thư gan thời kỳ chót! Bà Mển ung thư phổi thời kỳ chót! Chờ chết!
Tổng quát, tình hình là như vậy, bi thảm là vậy. Đó là lý do sáng nay, Thuỳ đưa hai túi ny-lông đựng cam sành và sữa hộp cho Thuấn:
- Anh đi thăm họ nhanh lên...Chần chừ sẽ không kịp thăm!
- Họ ăn được gì mà cam với sữa. Tiền tốt hơn.
- Họ ăn bằng mắt.
Thuấn nín lặng trước câu nói của vợ. Phải! Người sắp chết không ăn gì, nhưng phải
có đồ ăn để thấy!
Thuấn xách hai túi cam, sữa, vội vàng ra khỏi nhà, quyết định đến chú Khiêu trước. Anh bước nhanh, tâm trạng bồng bềnh...
*
Vừa bước chân vào thềm nhà, Thuấn đằng hắng mấy cái...Thấy Thuấn, thím Xanh lật đật bỏ cái thúng đan dở, đứng dậy thoăn thoắt ra cửa, xìa tay đỡ cả hai túi cam và sữa, đặt lên chiếc bàn gỗ tạp xiêu vẹo nơi hiên, miệng phát tía lia như súng liên thanh khạc đạn:
- Chú mày cứ đòi chết, đòi chết, đòi chết...ăn được gì mà mua nhiều thế này, thế
này...Cứ đòi chết, đòi chết...không muốn sống, không thèm sống...Cứ đòi chết...
Xổ xong tràng âm thanh khoẻ mạnh ấy, thím nhanh nhẹn chuyển hai túi quà, vào đặt lên bàn thờ tổ tiên, đoạn trở lại nơi góc phòng, đan tiếp cái thúng dở dang, dường như Thuấn không có mặt ở đấy, bình thản đến lạnh lùng. Thuấn chưa kịp mở miệng nói gì được. Gặp thím là anh câm luôn!
Chú Khiêu được đặt nằm trên chiếc chõng tre sát cửa sổ không cánh, trông thật hoang vu. Da chú màu vàng pha xanh như màu trái bưởi non. Có mấy chiếc lá vàng bị gió quật bay vào đậu trên ngực chú. Anh kéo chiếc ghế đẩu vuông nhỏ, ngồi cạnh giường. Vừa nhặt mấy chiếc lá trên ngực chú quăng ra ngoài, vừa nói động viên:
- Chú lạc quan lên coi nào! Cứ đòi chết, đòi chết...chết thật đấy! Cái chết mà bực
lên, nó không tha ai đâu!
Chú Khiêu nhăn nhó, miệng móm riết, nói đứt quãng:
- Sống mà đòi chết...là người ngu! Sắp chết mà đòi sống...là ngu hơn! Chú
không phải người ngu!
Thuấn sững sờ nhìn chú Khiêu...Dường như đằng sau câu nói của chú là một khoảng mênh mông cay đắng. Mà cũng dường như câu nói ấy, không phải nói với anh, nó dường như một tảng băng trôi về hướng thím Xanh đang ngồi thản nhiên đan thúng. Khuôn mặt vàng pha xanh hốc hác, đôi mắt lõm sâu không nhìn ai cả của chú Khiêu khiến anh nao lòng. Đôi mắt nhìn vào bên trong, thấy sự tan tành kiếp người một cách kiên cường tuyệt vọng. Nó ráo hoảnh đến se sắt! Đột ngột, chú Khiêu oằn người, mặt nhăn riết, mồm méo xệch, mắt nhắm nghiền, tay ôm bụng. Có lẽ có một cơn đau vừa dấy lên nơi bụng, từ gan...Thuấn luống cuống...Phải! Chú Khiêu nói phải! Đau đớn mà đòi sống, đúng là người ngu! Phải đòi chết cơ, như chú đã đòi! Có lẽ, cạnh những chân lý tháng năm dài hạn, còn có chân lý phút giây ngắn hạn. Mà cái chân lý phút giây ngắn hạn ấy lại có thể là chân lý vĩnh hằng! Một màn sương hiu hắt vừa rớt phủ vào Thuấn, anh thấy chú Khiêu mờ đi...Ở đấy, trong cái màn sương hiu hắt ấy, sự háo hức, cái vui hơn hớn, cái kiêu hãnh, những tự xưng giá trị...không dám bước vào, bởi chúng bé mọn quá, tầm thường quá!
Biết làm sao được, Thuấn cũng lại phải an ủi, động viên chú Khiêu với một ý thức rõ, mình đang đuổi trung thực ra khỏi mình:
- Nói thế sao được, hả chú? Cứ xem lão Phiệt đấy, cũng trầm trọng chí tử liên
miên, mua hòm trước có đến ba lần, đều cất đấy chờ mọt ăn. Vậy mà nay vẫn sừng sững chén thịt chó...
Chú Khiêu quay mặt lơ đãng ra cửa sổ, nơi có tiếng hót trong veo, ríu rít của mấy
chú chim sâu trong khóm lựu xơ xác. Chú lại nói, giọng yếu ớt:
- Mua hòm trước là người khôn! Không mua hòm trước...là người dại! Chú đã
dại! Chết rồi, ai mua?
Thuấn lại nín lặng. Cái nín lặng buộc anh nín lặng. Lại cũng tầng sâu câu nói ấy,
trùng trùng cay đắng oán hờn! Thì ra, tất cả những gì không phải xương thịt trong chú Khiêu, đã tan vỡ! Ừ, phải và có thể, chân lý mà không riêng lẻ, là không chân lý nữa rồi! Làm gì có chân lý ngắn ngày, dài ngày, làm gì có vĩnh hằng, giây phút, có lẽ chỉ có chân lý riêng tư mà thôi! Lại một màn sương hiu hắt đậm đặc hơn, tiếp xuống! Câu nào anh thốt ra đều hỏng trước chú! Ngồi cạnh chú, anh thẫn thờ...
Lúc này, có chú y tá bước vào nhà. Đã tới giờ chích mọc-phin giảm đau. Thuấn hỏi vu vơ, không nhìn chú ta:
- Không có ánh sáng à?
- Tối thui! Gan trầm trọng!
Nghe thế, Thuấn quay lại, xua tay...Nhưng, chú y tá đã cười:
- Chú ấy rõ rồi! Vợ con chú ấy đã nói vào tai chú ấy: "Gan ông đã nát rồi"!
Nghe thế, Thuấn hụt hẫng, đột ngột chơi vơi vào một vùng mênh mông im lặng.
Một vùng không tên. Một vùng chết. Một vùng tê liệt...Như một phản xạ, Thuấn nhìn chăm vào chú Khiêu...Trên khuôn mặt gần như đầu lâu, không có gì xảy ra cả. Cái chết đã là bạn thân quí của chú rồi! Và, rõ ràng chú chờ người bạn ấy. Không những chờ, mà còn quí người bạn ấy. Một người bạn im lặng âm u, không hình hài, vậy mà rộng lớn vô cùng, chân thành thân thiết với bất kể ai, bất kể tuổi nào!
Chú y tá đóng xong mũi moc-phin, xách túi ra về, chẳng nói gì, cũng không chào ai. Rõ ràng là chú ấy không muốn nán lại.
Có lẽ đã bớt đau, chú Khiêu thều thào:
- Có ai đưa tôi chai dầu!
Thuấn vội hỏi:
- Ở đâu? Tôi lấy cho.
Nghe thế, thím Xanh từ góc phòng, ngừng đan thúng, móc trong túi áo chai dầu lèo
xanh, quăng đến cho anh. Anh không ngờ thím lại quăng, nên chụp không kịp, chai dầu lèo rớt ngay trên bụng chú Khiêu. Quả là nó rơi trúng ngay vùng gan đau. Mặt chú Khiêu méo mó, xám trắng vàng xanh lẫn lộn, mắt cụp lại, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cố chịu đựng cơn đau, không cho bật ra một tiếng rên la đau đớn nào! Thuấn hốt hoảng nhặt chai dầu xanh lên. Anh sững sờ. Chai dầu còn mới nguyên, vỏ giấy bóng chưa bóc, loại dầu xanh con ó, giá thị trường khoảng bốn chục ngàn đồng. Cổ họng anh đắng nghét, khô khốc, anh nuốt nước bọt hơi đau, như vừa bị viêm họng. Một tia sáng vừa xoẹt ngang, tia sáng xuất phát từ chai dầu gió xanh: Có lẽ vì có anh, nên thím Khiêu mới quăng ra chai dầu, mà có lẽ cũng vì có anh, nên chú Khiêu mới đòi thoa dầu! Trong anh, tất cả nhà này đều rơi lả tả, vỡ tung...Làm gì có chân lý chung, riêng, ngắn hạn, dài hạn. Chúng đã thành rác rồi!
Ngay lúc này, vang tiếng chân nặng nhọc bước vào nhà. Đó là anh Nam, con trai chú Khiêu. Anh đang vác một bao lúa trên vai, mồ hôi chảy như suối. Có lẽ anh ta đã đi vay mượn từ khá xa đem về. Trông anh rất mệt. Anh không chào Thuấn, nhưng Thuấn lại vụt đứng dậy, hỏi một câu ngớ ngẩn đến lợm giọng:
- Sao? Bác sĩ bảo sao?
Thuấn biết câu hỏi của mình là câu hỏi thừa thãi, chức năng của nó chỉ là biểu hiện
sự luống cuống để thay lời chào vô duyên. Nếu chẳng có ai trả lời, nó sẽ rơi vào lại chính anh, để không biết ném đi chỗ nào! Anh Nam quăng bịch bao lúa xuống nền nhà, bui lúa bay vất vưởng. Giọng anh khô khốc:
- Bảo sao à? Như chiếc xe trành! Chế chút xăng vào, lại rống lên! Chờ ra bãi thải!
Câu trả lời anh Nam tuôn ra, mang một sức nặng lạ thường, đã ấn nhẹp Thuấn
phịch lại xuống ghế đau điếng! Đó là sức nặng của một tan rã giá trị, tan rã tiệt để! Anh thần người! Sao lại thế nhỉ? Ai bắt anh ta nói câu ấy? Ai bắt anh ta nói? Thuấn méo mặt, như có ai đó vừa thọc vào tim...
Vẫn không nhìn ai, anh Nam cởi áo lau mồ hôi mặt, đi thẳng ra hè sau. Thuấn ngơ ngác, nhìn quanh quất căn nhà trống trơn của chú Khiêu. Trên tường nứt nẻ kia, móc một tấm lịch hình ba ông Phúc, Lộc, Thọ cứt ruồi đầy mặt, áo xống loang lổ bụi thời gian, "lốc" lịch vẫn còn nguyên không ai xé. Bên này, sót lại bàn thờ tổ tiên hoang lạnh, nơi có hai túi quà cam sữa của anh chễm chệ như khách quí! Đột ngột, trong một tích tắc như có một sức mạnh vô hình lôi anh, anh nhoài người về phía ấy. Anh nhoài người về phía ấy, để làm một tên tiểu nhân hèn mạt, một gã vô liêm sỉ, một thằng côn đồ táng tận lương tâm, để giật lại hai túi quà đem đi chỗ khác. Đem đi chỗ khác cho dù quăng đi cũng được, bởi thế nào, thím Xanh và anh Nam cũng sẽ ăn! Nhưng không, một tích tắc qua rồi, anh đã ngồi thẳng lại. Anh đã không làm được! Cho dù có rứt xé, anh vẫn là anh, một người tên Thuấn! Cái tên là ngôi nhà của anh, cũng là ngôi mộ của anh! Rồi cũng thật đột ngột, anh quay nhìn chú Khiêu để xem chú còn hay mất. Chú Khiêu vẫn còn...Chú đang cắn chặt hai hàm răng, quai hàm nhô ra như lưỡi xẻng, có lẽ răng chú đã lún mất vào nướu, đôi mắt nẹt lửa. Trông chú như vừa run, vừa cười, vừa khóc. Tất cả những cái ấy chú đã nuốt vào bụng, vào ngay nơi cái vùng gan đau nơi bụng! Chú cuộn người như cái lò-xo trong sự yên lặng cực kỳ! Từ người chú, không phát ra bất kỳ một âm thanh nào, cho dù âm thanh hơi thở! Anh đang xem một đoạn phim câm cực kỳ câm lặng! Cái nghèo bọc lấy sự hoạn nạn đã bốc khói! Tại sao bốc khói? Tại vì những thứ đẹp đẽ đã cháy rồi! Và, cũng thật đột ngột, anh cũng y như chú Khiêu, răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, môi mím lại, anh vụt đứng dậy, quăng chai dầu gió xanh lại cho thím Xanh, bước nhanh ra khỏi nhà, mang theo một lòng thương kỳ lạ đến ác độc, là thương...tại sao chú Khiêu không chết đi, để ra được khỏi nhà!
Anh loay hoay với lòng thương kỳ lạ ấy, buổi sáng đã biến mất, quên cả thăm bà Mển như chương trình...


Ngô Phan Lưu

 


Phamngochien.com - 11:35 - 27/12/2009 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận