Cảm hứng văn hóa dân tộc trong truyện ngắn Khái Hưng

.

CẢM HỨNG VỀ VĂN HÓA DÂN TỘC

TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA KHÁI HƯNG

 

NGUYỄN THỊ THU TUYẾT

    Khái Hưng là nhà văn trẻ trung, yêu đời và lãng mạn nhất trong các nhà văn lãng mạn. Đặc điểm này thể hiện rõ không chỉ qua cảm hứng nghệ thuật ngợi ca tình yêu mà còn ở cảm hứng đề cao giá trị văn hóa dân tộc của nhà văn trong truyện ngắn. Hướng về cội nguồn, truyện ngắn lãng mạn của ông xoay quanh và thấm đậm một chữ tình: tình yêu, tình quê, tình người, tình với nền văn hoá dân tộc.

     Sinh trưởng trong một gia đình nho giáo, tâm hồn Khái Hưng đã sớm yêu mến cái đẹp huyền diệu của Đông phương và học vấn phương Tây chắc chắn đã bổ sung vào cái căn bản nho học cổ xưa ấy. Ở ông, hai nền học thuật và tư tưởng gần như tương phản đó đã dung hoà nhau một cách nhịp nhàng để tạo nên một tâm hồn vừa mở rộng lòng để chào đón những cải cách tốt đẹp từ bên ngoài đưa đến, vừa ưa giữ gìn những cái đẹp xưa cũ sẵn có của mình. Một ví dụ, trong truyện ngắn Khái Hưng, mặc dù khen những cô gái mới mặc áo tân thời, cạo răng trắng, tóc rẽ đường ngôi lệch là đẹp, nhưng rất nhiều lần ở các nhân vật nữ khác nhau, tác giả vẫn không thể không thừa nhận chiếc áo tứ thân, mái đầu chít khăn vuông the mỏ quạ, đôi môi cắn chỉ, hàm răng hạt huyền là xinh xắn (Tuất trong Cô hàng nước, vợ anh thợ rèn trong Bên đường dừng bước, Mơ trong Đào Mơ, Nấm trong Lòng tốt, Hiên trong Biến đổi,...)  

     Xét về cực truyền thống trong con người văn hóa Khái Hưng, Vương Trí Nhàn có ghi: Những người thân trong gia đình từng kể, trước lúc ngồi viết, Khái Hưng có thói quen ngâm nga mấy câu chèo cổ hay trống quân. Có dịp theo chân mấy anh em trong Tự lực văn đoàn, một lần hứng lên kéo nhau xuống xóm ả đào, Hoài Điệp Thứ Lang (tức Đinh Hùng) đã phác họa hình ảnh một Khái Hưng vùng vẫy giữa môi trường nghệ thuật đó như sau:

     "Khái Hưng đón lấy trống và roi chầu ở tay Nguyễn Tuân một cách thành thạo. Với một dáng điệu ra phết lạc phách giang hồ, anh ngồi vắt chân chữ ngũ rất gọn (rung đùi cẩn thận), tay cầm roi chầu đúng kiểu phong lưu tài tử, và đầu nghiêng nghiêng, anh đánh liền một hơi cả ba khổ trống sơ cổ, tòng cổ, trung cổ - tiếng trống ròn tan dõng dạc khiến đào với kép đang dừng phách, buông đàn để uống rượu, hút thuốc lào, bỗng giật mình sửa lại điệu ngồi cho tề chỉnh và Nguyễn Tuân khoái chí, vỗ đùi la lên:"Hay quá ! Hay quá! Không ngờ trống anh chàng "Nửa chừng xuân" này nghe hào hùng đáo để" [4,68].  

    Đương nhiên, vai trò quan trọng của chủ thể sáng tạo là điều kiện cần, nhưng còn phải chú ý đến sự chuyển hóa của tâm hồn, tình cảm của nhà văn vào quá trình sáng tạo nghệ thuật. "Sức sống của dân tộc quyết định sinh mệnh của văn hóa, cũng như sức sống của con người quyết định bộ mặt tinh thần của nó"[5,415]. Trước sự xâm lăng của văn hóa phương Tây mà trong đó không ít những cái không hay, không đẹp, thì ý thức trở về cội nguồn, tìm về cội rễ để bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc là điều tự nhiên với những ai có lòng yêu đất nước. Cho nên, cái lý tưởng xã hội thể hiện qua tôn chỉ của Tự lực văn đoàn là "ca tụng những nết hay, vẻ đẹp của nước ta mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân" chính là cơ sở giúp cho cảm hứng của nhà văn nảy sinh để tạo nên tác phẩm. 

    Edouard Herriot có lý khi cho rằng: "Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả". Câu chuyện "nhớ nguồn", "về nguồn" của cậu bé mồ côi mẹ ở bãi biển Sầm Sơn trong truyện ngắn Biển đã chuyển tải thông điệp đó. Vì cuộc sống, Tuất rời quê, theo hầu bà chủ giàu có tận Hà Nội. Những tưởng thời gian xa cách và cái văn hóa vật chất khá đủ đầy so với sự cơ hàn thuở trước sẽ làm cậu bé chóng quên, mà vui với cuộc sống mới. Thế nhưng, cái tình quê còn lại đọng mãi trong lòng khiến Tuất quay quắt nỗi thiếu quê. Cho nên, dù "yêu Hà Nội như người ta yêu thiên đường, nhưng nó cũng sợ Hà Nội như người ta sợ địa ngục"[3,176]. Bởi vì, thành phố tráng lệ ấy không còn sức hấp dẫn đối với khối óc ham muốn, "không còn đủ mãnh lực để đè át cái tình nhớ quê hương vẫn âm thầm, ẩn náu trong lòng thằng bé con vùng biển"[3,178]. Tuất "nhớ biển, nhớ núi, nhớ ...nhớ hết cả mọi thứ" [3,179]. Đêm nào cũng như đêm nào, Tuất thức trong những mơ tưởng mình đang ở nhà, đang chạy nhảy, đánh cờ ngoài bãi với bạn bè. Xe ôtô chạy rầm rập dưới đường mà bên tai, Tuất chỉ nghe tiếng sóng biển réo ầm ầm. Cái văn hóa ứng xử với quê hương, với cội nguồn sinh ra đã đưa cậu bé trở về đường xưa quê cũ. Về, chỉ để được ra biển, chỉ để được "ngồi xuống cát khóc, khóc mãi"[3,180] dưới ánh trăng khuya cho thỏa nỗi niềm.

    Có thể thấy, đề cao giá trị văn hóa dân tộc như một cảm hứng, một phẩm chất độc đáo, thậm chí, như một góc tiếp cận hiện thực đời sống trong truyện ngắn của Khái Hưng. Dù vậy, đường "về nguồn", người nghệ sĩ vẫn có lối đi riêng. Nếu Nhất Linh nặng lòng với những giá trị đạo đức truyền thống kiểu Người quay tơ, thì Khái Hưng lại trân trọng nét đẹp phong tục văn hoá dân tộc. Cùng hướng đến những truyền thống tồn tại trong nghệ thuật, nhưng, trong khi Nguyễn Tuân say mê với những "nhã thú" như uống trà, nhắm rượu, chơi hoa, chơi chữ, đánh thơ, thả thơ, ... thì Khái Hưng lại mặn mà với những sinh hoạt văn hóa của lễ hội dân gian như đánh cờ, cờ người, hát trống quân, hát chèo,... Nếu vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của một thời vang bóng trong truyện ngắn Nguyễn Tuân chỉ có ở những con người xuất chúng, thì những con người tài hoa đó trong truyện ngắn Khái Hưng lại là những nghệ sĩ dân gian đương thời.

    Với ý thức nâng niu, trân trọng và tình cảm tha thiết đối với những giá trị văn hóa truyền thống, Khái Hưng đã đưa người đọc tìm lại một không gian văn hóa cổ và cũ, như một ngày bạc tóc trần gian, trải bao dặm đường dâu bể, bỗng được nhảy lên chiếc xe thổ mộ với nhịp gõ bình yên của vó ngựa, với tiếng lăn khô ấm của vòng bánh gỗ quay về cố quận. Hình như trong mỗi tâm hồn người, có một góc nhỏ cho ta sống cùng nhớ nhung, kỷ niệm. Chùa Hương của Khái Hưng là cõi nhớ giữa cõi người ta, như cái góc nhỏ dịu dàng của hồn người vậy. Nó "sẽ mãi mãi là một cảnh bồng lai huyền ảo, mịt mùng trong tưởng tượng dễ dàng của tuổi thơ và âm thầm trong đêm trăng trên sông Đáy, lẫn với kỷ niệm tươi đẹp của thời xấp xỉ hai mươi"[2,41]. Ở đó, trong suốt những ngày hội, ai cũng có phần riêng của mình: tuổi trẻ có sự nồng nhiệt, bậc cao niên có sự thành kính, nam phụ lão ấu đều tìm thấy niềm hoan hỷ. Ở đó, trên những triền núi thấp cao, những rừng cây, rừng mơ... là những đoàn người trẩy hội. Kẻ ra, người vào, kẻ lên, người xuống bồng bềnh vào những đám mây bay. Họ gặp nhau, quen hay không quen cũng vui vẻ chào bằng một câu: "Nam mô a di đà Phật" nhẹ nhàng, thân ái.

    Chùa Hương còn gợi lại nét độc đáo của lễ hội là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh - một dạng văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Trên chiếc tam bản mỏng mảnh từ bến Đục qua suối Yến, nhà văn có cảm giác "trong tâm não tôi, những cảnh liêu trai đã từ lâu biến thành cảnh thực"[2,46]. Trong tâm thức Khái Hưng, trẩy hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc, hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng, là hành động giải tỏa, hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là ước vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận, hành động và trao truyền.

    Cũng bằng tấm lòng trân trọng như thế, trong truyện ngắn Trăng thu, Khái Hưng tiếp tục dẫn người đọc đến một đêm hát trống quân trên con thuyền xuôi dòng sông Nhuệ. Dưới trăng thu trong vắt, dòng nước thu lặng lờ bao phủ một làn ánh sáng dịu dàng, huyền diệu, điệu hát trống quân cất lên mượt mà, êm ái không chỉ khiến những chàng trai, cô gái xích lại gần nhau, trao gửi cho nhau những tình cảm đẹp đẽ, mà còn làm cho con người như được "cảm thấy mình sống trong một thế giới lạ lùng, một thế giới khác hẳn với cái thế giới bùn lầy nước đọng, làm ăn vất vả mọi ngày"[3,165].

    Và đây nữa, từ Dọc đường gió bụi đến Đào Mơ, lần giở những trang sách cũ, chúng ta thấy dường như cái không gian văn hóa hội hè ở khắp vùng đồng bằng Bắc bộ với tiếng trống chèo, tiếng hát chèo như len lỏi vào máu thịt và hoá thành tình yêu trong trái tim người nghệ sĩ tự thuở nào. Trong kí ức của cậu bé Linh, cứ mỗi độ xuân sang "những phường chèo kế tiếp nhau đến, tựa bầy chim én trở về cùng với những ngày quang đãng, ấm áp, vui tươi"[2,125]. Khi phường hát đi rồi, "tôi ngao ngán, khổ sở", "sự thất vọng của tôi mênh mang không biết đến đâu. "Chẳng bao giờ tôi cảm thấy trơ trọi như lúc ấy". Rồi tôi "mong nhớ âm thầm buồn bã", "ngơ ngẩn như người mất linh hồn"[2,125-126-127] chẳng khác gì kẻ ốm tương tư.

    Không phải đã quên, nhưng, truyện ngắn Lên sĩ, xuống sĩ đã nhắn gửi một lời nhắc cho những ai sống mà như chưa từng nhớ : có một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã truyền thống đặc sắc, rất bản địa, hết sức hiếm quí mà ngày nay ít người chú ý : đánh cờ người. Đấy không chỉ là những cuộc cờ tỷ thí cao thấp, mà còn bao nhiêu ý nghĩa, bản sắc dân tộc. Những người đóng vai quân cờ gồm "mười sáu cô quân cờ" bên trắng và "mười sáu cậu quân cờ"[1,286] bên đen hàm chứa ý nghĩa âm dương. Khi đánh cờ, các quân cờ di chuyển trên bàn là biểu hiện sự chuyển hóa âm dương ngũ hành. Nước cờ càng hay, thế cờ càng biến hóa, cũng có nghĩa là âm dương ngũ hành chuyển động thuận chiều, thông tỏ. Các kỳ thủ vào cuộc đấu, ai cũng trổ hết tài năng, cố gắng đoạt giải, nhưng không phải để ăn thua. Điều quan trọng là làm sao có được những nước cờ hay, sáng tạo độc đáo chuyển đổi cả cục diện. Có như vậy mới thể hiện được ước nguyện của mọi người, mong muốn cho trời đất vận hành thuận lợi, thế cuộc hanh thông thịnh đạt, đời sống yên vui phát triển. Thông điệp này, người đọc ắt hẳn cảm nhận được qua tiếng trống thúc quân ròn rã cộng hưởng với tiếng hò reo khích lệ và lời trầm trồ khen ngợi của người xem làm nền cho cuộc đấu. Tất cả những âm thanh sôi động và không khí rạo rực đó, tựa như vũ trụ vận hành ở quanh, hỗ trợ cho thế cuộc đang diễn ra sôi nổi. Và, cái kết của cuộc cờ với nước cờ lên sĩ, xuống sĩ "độc chiêu" của Hai Phùng khiến "ông chánh hội cười rũ rượi" [1,291] cũng chính là lối sáng tạo thông minh, dí dỏm của Khái Hưng trên cái nền văn hóa dân gian đó.

    Mang ý thức của một tâm hồn Việt "tồn tại như là cây có cội, nước có nguồn"[6,238] Khái Hưng không chỉ yêu say mê, sống hết mình với những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mà còn bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với tài năng, nhân cách, tâm hồn của những nghệ sĩ dân gian - người góp phần sáng tạo, lưu truyền và gìn giữ nền văn hóa ấy. Ông dùng những ngôn từ hết sức trân trọng để gọi họ là "nhà tài tử", "nhà âm nhạc"(Tiếng khèn, Véo von tiếng địch), "một ông tiên"(Tương tri), hoặc trìu mến hơn là "anh Mèo của tôi"(Tiếng khèn). Cảm xúc ấy đã truyền vào những trang viết của Khái Hưng niềm hứng khởi thấm đẫm nỗi tự hào.

    Cụ Tú trong Tương tri dù đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng niềm say mê cờ vẫn không vơi. Nghe tiếng ở Sầm Sơn có cụ Ký là một tay cao cờ, cụ Tú không quản đường xá xa xôi, hiểm trở, đem cơm nắm muối vừng, chống gậy đi nửa ngày trời, trèo non vượt suối tới nơi, chỉ để được hầu một ván cờ. Cứ mươi mười lăm hôm cụ lại đến chơi như thế. Cái thú mê cờ của ông lão cao cờ đã thành một giá trị có ý nghĩa văn hóa. Bởi quá trình khám phá những nước cờ cũng là quá trình thể hiện "bản chất người": Bình dị bao nhiêu thì tài năng và cốt cách hơn người bấy nhiêu. Người làm sao nước cờ hiện ra làm vậy.

    "Người bủn xỉn, bẩn thỉu, nhỏ nhen thì nước cờ giữ gìn, bo siết từng tí: đó là nước cờ của các bác nhà nghề đi giựt giải ở các đám hè, đám hội. Những người rộng rãi, phóng túng, liều lĩnh, anh hùng, nước cờ cũng rộng rãi, phóng túng, liều lĩnh, anh hùng. Những người nhã nhặn có lễ độ, nước cờ không bao giờ lấc cấc, du côn. Những người quân tử không thèm đánh trộm, những kẻ tiểu nhân lừa lọc từng miếng. Nước cờ cụ tú tỏ ra rằng cụ là một ông tướng can đảm sáng suốt, có mưu trí lúc lâm nguy hay lúc khởi thế công"[3,26].

     Từ nước cờ ấy của con người ấy, nghe tiếng gõ mạn thuyền như một điệu nhạc chất phác nghìn xưa của người dân chài dọa nạt cá, cụ Ký nghĩ : "Hẳn ông cha ta về thời Trần, thời Lý, thời Đinh cũng dọa nạt quân địch như thế. Và đoàn thuyền đánh cá kia so với thuyền trận của các cụ ta nào có khác nhau mấy tí?"[3,28]. Một sự liên tưởng khiến người đọc không khỏi hoài nghi : Phải chăng cụ Tú cũng là hình ảnh người về từ nghìn trùng xa xưa đó ?

    Ai đã từng một lần đọc qua Trăng thu, chắc hẳn đều có cảm tình với lão Nhiễu - người nghệ sĩ dân gian vùng sông Nhuệ, Hà Đông. Nổi tiếng từ năm mười bảy tuổi về tài hát trống quân, Nhiễu đi đến nơi nào là phá giải trống quân nơi ấy. Cũng nhờ tài hát hay mà Nhiễu lấy được Tâm, cô gái xinh đẹp vốn là danh ca trong làng. "Chị quanh năm làm việc ngoài đồng, anh tháng ngày theo nghề nung gạch"[3,162], ấy vậy mà, cứ đến mấy ngày tết trung thu, đôi vợ chồng lại háo hức trước niềm vui : đi hát trống quân. Đó là món ăn tinh thần đặc sắc không thể thiếu của trai gái vùng quê hai bên bờ sông Nhuệ. Đồng bệnh tương liên, chính cuộc hát trống quân trong đêm rằm năm nao đã giúp anh Nhiễu duyên dáng, tài hoa trong câu hát trở thành người chồng độ lượng, biết tôn trọng niềm say mê nghệ thuật của vợ. Tâm trạng ghen tuông khi nhìn vợ hát thi với bọn trai tân thuở trước đã nhường chỗ cho sự thấu hiểu, Nhiễu "để mặc vợ được tự do kén chọn tri âm trong mấy ngày hội Trung thu"[3,167]. Ba mươi bốn năm trôi qua, chẳng năm nào lão Nhiễu không đi hát và giọng tuy sặc mùi rượu "nhưng vẫn trong trẻo"[3,156], "nghe sang sảng như tiếng chuông vàng" [3,157]. "Thân thể vạm vỡ, nở nang trong bộ quần áo trắng dài", lão Nhiễu hát bài ca trống quân xưng danh để tự giới thiệu

                        Sa la lão Nhiễu là tôi

                        Cơm ngày hai bữa rượu thời vài be.

                        Rượu xong lão Nhiễu say nhè.

                        Nghêu ngao là nghêu ngao miệng hát bài vè khi một khi

            Dứt lời, Nhiễu cười giọng tuồng :

      - Ha ha ! hơ hơ ! hi hi ...he he !

Chúng tôi đều phải bật cười theo. (...) Lúc đó thuyền đi sát một làng ở ven hữu ngạn. (...)Văng vẳng từ trong luỹ tre um tùm đã bay ra câu vãn giọng the thé non nớt, giọng người còn ít tuổi và mới tập hát :

            Này tri âm ơi,

            Thuyền tình sao vội xuôi dòng

            Cho ruột em héo, cho lòng em đau

Nhiễu lấy tay bịt mũi hát đáp lại liền :

            Cá nhớn bỏ cả đi đâu ?

            Để đàn rô nhép cắn câu dỗ mồi.

Thuyền đi khỏi một quãng, Nhiễu mới phá lên cười bảo chúng tôi :

-          Chỉ cho một câu là tịt. Chúng nó địch thế nào được với lão Nhiễu ? [3,156 -157-158].

    Chỉ là hát vui chơi trong đêm rằm, chưa phải hát thi lấy giải, nhưng qua lối giao duyên ứng tác, qua thái độ đúng mực, lời không sàm sỡ, lố lăng, ta thấy cái tài mẫn tiệp, xuất khẩu thành thi, đột xuất nhanh trí của lão Nhiễu. Giọng hát của người nghệ sĩ dân gian ấy quả là viên ngọc sáng làm đẹp thêm sinh hoạt văn hóa truyền thống ở làng quê.

    Về nguồn, Khái Hưng không chỉ tôn vinh mà còn thấu hiểu khát vọng được sống trong suối nguồn nghệ thuật của những người nghệ sĩ dân gian. Đào Mơ là một trong số đó. Đây cũng là nhân vật chính được Khái Hưng "thiên vị" ở cả hai truyện ngắn Dọc đường gió bụi Đào Mơ. Là cô gái quê vừa chừng mười tám tuổi, năm lên tám, chủ một phường chèo thấy Mơ có tư chất nên mua về nuôi, dạy nghề xướng ca. Sau năm năm học tập, Mơ trở thành đào hát tài danh. Công chúng ca tụng hết lời về cái giọng véo von bổng trầm đúng bậc và nhan sắc diễm lệ của Mơ : "Chị Mơ hát hay lắm, có lẽ hay nhất "Bắc cờ". Mà chị ấy cũng đẹp hơn hết các cô đào hát "Bắc cờ"[2,128]. Người xưa có câu "nhất cử động giai điểm vũ". Điều đó biểu hiện nét đặc trưng của nghệ thuật chèo là "tính múa". Cho nên, những cử chỉ, động tác diễn xuất tinh tế làm toát lên cái "thần" của nhân vật đem đến thành công cho đào Mơ đều ở điểm này mà ra. Sắm vai Vân Dại trong tích chèo Kim Nham, "dưới ánh đèn măng xông, đôi mắt long lanh hoạt động, cặp môi đỏ thắm nhoẻn nụ cười ngây thơ, bàn tay mềm mại xoè mạnh cái quạt tầu xương trắng, tay vờ rung rung tháo đường chỉ viền tà áo, hai chân thoăn thoắt khi tiến khi lui, khi bắt chước con gái bơi nước té bèo, bao điệu bộ, bao ám hiệu khuôn sáo để tả một cô gái điên, đã khiến Mơ trở nên muôn phần diễm lệ"[1,15]. Nói không ngoa, dù đóng các vai Thị Mầu, Châu Long hay khi chỉ là một vai hoạt tượng như Phật Bà trong bản Quan Âm Thị Kính suốt nửa giờ ngồi im không khúc nhích, thì thần thái nơi khuôn mặt, cặp mắt, cặp môi của Mơ cũng "thu hết tinh thần của khán giả"[1,11]. Bởi vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi trong những phường chèo, mọi người mê nhất là phường Mơ, vì lý do phường hát có cô Mơ.

     Đam mê với nghiệp cầm ca là vậy, mà vẫn có lúc Mơ tưởng đã bỏ được nghề hát để yên ấm với hạnh phúc tình yêu. Nhưng, "cái thời kỳ đằng đẵng Mơ lăn lóc với nghề đã cùng hồi trống đến làm rối loạn lòng nàng"[1,17]. Tiếng trống chèo đổ hồi thúc giục, làn điệu chèo duyên dáng thiết tha đã níu giữ trái tim Mơ. Hóa ra, "hạnh phúc của ái tình, mãnh lực của kim tiền đều không thắng nổi" tình yêu nghệ thuật trong tâm hồn người nghệ sĩ. Tận tụy với nghề, Mơ đi, đi mãi trên con đường gió bụi. Có thể rồi đây "Mơ sẽ già đời là một tấm linh hồn phiêu lưu nay đây mai đó"[1,18], nhưng với tác giả, Mơ mãi là "hình ảnh một cô gái quê xinh đẹp, hình ảnh vai Vân Dại lẳng lơ, vai Thị Mầu nhí nhảnh" như "những con chim sơn ca cùng mùa xuân, đem cái vui tới nơi thôn dã"[2,130].

     Cảm nhận một loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa, đôi khi phải có cảm xúc để thẩm thấu, chứ không đơn giản là chúng ta có tri thức mới có thể hiểu được chúng. Tiếng khèn là một thứ văn hóa vật thể được gìn giữ bền vững qua nhiều đời cùng với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc thù của ngưòi Mèo. Họ quan niệm rằng : đã là con trai Mèo, thì dù còn trẻ hay đã già thì trên người lúc nào cũng phải có cây khèn. Qua cây khèn, tiếng khèn, cách chàng trai đó thổi khèn mà cho thấy được sức mạnh về thể chất cũng như thể hiện được rằng người con trai đó có đời sống văn hóa tinh thần mạnh mẽ đến nhường nào.

    Đêm chợt thức. Vô tình được nghe tiếng khèn "ở dưới đường đưa lên rầu rĩ, trầm và dài"[2,100]. Nỗi nhớ không gọi mà về. Vẳng xa xa, tiếng khèn như nối những bến bờ của nhớ, của thương, của vấn vương tơ lòng. Truyện ngắn Tiếng khèn được bắt đầu như thế. Nó là câu chuyện tình được tác giả kể bằng âm thanh. Đi trong đêm mưa lạnh, chàng trai Mèo thổi khèn đưa cô gái mình yêu đi lấy chồng, rồi năm sau cũng vào đêm mưa, anh lại thổi khèn tiễn người ấy về cõi thiên thu. Chỉ có vậy. Nhưng, tác giả nghe như âm thanh ấy khêu gợi, khơi mở, dồn nén biết bao cảm xúc. Nếu tiếng khèn không thể là chiếc cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa, thì giờ đây nó sẽ là sợi dây tâm linh nối người sống và người đã khuất. Nỗi niềm tâm sự của anh như thổi vào những giai điệu trữ tình lạ lùng, hoang dã, rời rạc, nguyên khôi.

            Tsè tsè tsè ... phình ! tsè tsè tsè tsè phình ! [2,110]

            Ưn... ưn ưứt ! ... Ưn ... ưn ưứt ! [2,112]

     Những lời tha thiết ấy không thành ca từ, chỉ có những thanh âm bập bùng riêng biệt kéo dài trong đêm vắng, nửa như mời gọi, nửa như chia ly, có lúc dồn dập, lại có khi miên man một nỗi sầu không đáy. Có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu được khèn nói gì. Riêng mình, nhà văn nghe "tiếng khèn buồn thảm như tiếng rền rĩ của kẻ bị thương"[2,111], và sự buồn nản, ghê sợ ấy "dần dần thấm từng giọt vào tâm hồn tôi, như nước mưa thấm qua núi đá mà tí tách rơi vào trong hang"[2,112]. Rồi đêm đi qua, nhưng tiếng khèn vẫn đuổi theo hút bước chân tác giả giữa bảng lảng sương mai, giữa nắng sớm đang bừng lên sau khe núi. Tiếng khèn chênh vênh vách đá, vút lên tiếng tsè tsè "vẫn còn như vương vấn ngân nga, nho nhỏ tựa tiếng ve từ nơi thung lũng xa xăm nào bay tới"[2,101].

     Đêm huyền diệu của tiếng khèn, đêm thổn thức của tiếng lòng, đêm của những khát khao mang vị đắng của tình yêu, chất chứa trong đó là những cảm xúc tha thiết, bồi hồi mà rạo rực của những chàng trai cô gái người Mèo trong những vũ điệu xoay tròn quấn quýt bên nhau. "Và từ đó, tiếng khèn trong chiều tà, tôi nghe ai oán, như tiếng than khóc của một linh hồn trơ trọi"[2,114]. Tình yêu của người Mèo là vậy, bắt nguồn từ tiếng khèn thật giản dị nhưng cũng vô cùng lãng mạn. Nó tạo nên nét văn hóa trữ tình độc đáo trên những vùng đất nơi rẻo cao, tạo nên những đêm huyền diệu, khó quên trong lòng người khi đến với Sapa. Hãy nghe tiếng khèn một ngày, để nhớ tiếng khèn một đời !

    Tóm lại, lòng yêu mến, trân trọng giá trị văn hóa dân tộc là cảm hứng trong truyện ngắn của Khái Hưng. Nói cách khác, cảm xúc tha thiết về nguồn ở Khái Hưng mãnh liệt đến mức chuyển hoá thành cảm hứng nghệ thuật. Những trang viết của ông là bằng chứng hùng hồn cho con người văn hóa ấy. Nó khẳng định có một Khái Hưng hiện đại mà vẫn truyền thống, một Khái Hưng luôn cổ xuý cái mới nhưng vẫn bảo lưu những vẻ đẹp nghìn đời của dân tộc. Bằng tác phẩm của mình, nhà văn không chỉ làm sống dậy những cảnh sắc quê hương, những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian quen thuộc từng nuôi dưỡng đời sống tinh thần của bao người dân Việt mà còn tạo dựng nét tài hoa, cái cốt cách mang bản sắc, tâm hồn Việt cao quí mà ông hằng ngưỡng mộ.

 

Chú thích

1.  Khái Hưng (2002), Truyện ngắn Khái Hưng, tập 1, (Hoàng Bích Hà sưu tầm, Vương Trí Nhàn biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn

2.  Khái Hưng (2002), Truyện ngắn Khái Hưng, tập 2, (Hoàng Bích Hà sưu tầm, Vương Trí Nhàn biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn

3.  Khái Hưng (2002), Truyện ngắn Khái Hưng, tập 3, (Hoàng Bích Hà sưu tầm, Vương Trí Nhàn biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn

4.  Vương Trí Nhàn (2001), Cánh bướm và đóa hướng dương, Nxb.Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh

5.  Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương, thẩm mỹ và văn hoá, Nxb.Giáo dục.

6. Hoàng Phủ Ngọc Tường, (Trần Thức tuyển chọn) (2002), Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 1, Nxb.Trẻ và Công ty Văn hoá Phương Nam, TP.HCM.

 


Phamngochien.com - 19:29 - 27/01/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận