Cảm hứng thiên nhiên trong thơ văn Trương Hán Siêu

Đinh Thị Phương Dung - Nguyễn Thị Hồng Vân

SV Ngữ văn khóa 08 - Đại học Văn Hiến

   Thơ văn trung đại thường mượn hình ảnh thiên nhiên để bày tỏ tình cảm, tư tưởng. Trong Lịch sử văn học Việt Nam (tập 2), Bùi Văn Nguyên viết: Một điểm đặc biệt trong thơ văn đời Trần là cảnh trí thiên nhiên muôn hình vạn trạng: Có thể nói thiên nhiên hiện hình hầu hết dưới ngòi bút của các thi sĩ. Thi sĩ yêu thiên nhiên, mô tả thiên nhiên và cũng có khi ký thác ở đó một ít tâm sự của mình, hoặc vui, hoặc buồn tùy lúc, tùy nơi. [3, 79 - 80].

    Khi tìm hiểu về thơ văn Trương Hán Siêu, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của hồn thiêng sông núi Đại Việt. Ngoài tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc vốn có của một nhà Nho chân chính, trong ông còn có cái chất lãng mạn của một thi sĩ. Chính vì vậy, yêu nước với ông còn là tình yêu với thiên nhiên sông núi, ông gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ, ông nhìn ngắm và cảm nhận thiên nhiên tạo vật để có thể hoà mình vào đất nước đẹp tươi mà ông tự hào. Ông họa hồn mình vào cảnh để cảnh trở nên một thực thể sống, để có thể hiểu hết những thi vị của non sông quê hương.

1.  Tác giả Trương Hán Siêu

     Trương Hán Siêu ( ?- 1354)  tự Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, Người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh phủ Trường Yên (sau là xã Phúc Am huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) là người chính trực, bài bác dị đoan, có tài văn chương và chính sự, vua gọi bằng thầy chứ không gọi tên. [2, 380].

     Ông xuất thân là môn khách của Trần Quốc Tuấn, về sau ngài tiến cử ông với triều đình, năm Hưng Long thứ mười sáu (1308), Trần Anh Tông cho làm chức Hàn lâm học sĩ. Dưới các triều đaị từ Anh Tông (1293 - 1314) đến Dụ Tông (1341 - 1370) ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng. [4, 730].

Các tác phẩm của ông hiện còn lại không nhiều, gồm 17 bài thơ: Cúc hoa bách vịnh (Vịnh hoa cúc còn 4 bài), Hoá Châu tác (Thơ làm ở Hoá Châu), Dục Thuý sơn (Núi Dục Thuý sơn), Quá Tống đô (Qua kinh đô nhà Tống). Về văn xuôi ông có 2 bài: Khai Nghiêm tự bi ký (Văn bia chùa Khai Nghiêm) và Dục Thuý sơn linh tế tháp ký (Bài ký tháp linh tế núi Dục Thuý sơn), hai bài đều được viết bằng chữ Hán. Riêng hai quyển Hoàng triều đại điểnHình thư soạn chung với Nguyễn Trung Ngạn, bài biểu Tạ trừ Hàn lâm viện trực học sĩ được dẫn trong Đại Việt sử ký toàn thưKiến văn tiểu lục hiện nay vẫn lưu lạc và chưa tìm thấy.

     Thơ văn Trương Hán Siêu đậm chất yêu nước và lòng tự hào về lịch sử với những chiến công oai hùng của dân tộc ta, ở đó là những suy tư của bản thân ông trước thời thế hiện tại. Và hơn hết, ở đó còn là bức tranh thiên nhiên muôn màu muôn vẻ mang đến cho độc giả nhiều xúc cảm khác nhau.

     Cảm hứng về thiên nhiên, với sự đẹp đẽ thơ mộng làm tâm hồn nhạy cảm của người thi sĩ thăng hoa, do đó, hiếm có thi sĩ nào có thể thờ ơ trước vẻ đẹp của một thiếu nữ đang xuân thì mang tên: Thiên nhiên.Với Trương Hán Siêu cũng vậy, ông đi nhiều nơi và biến mình thành một lữ khách để có thể cảm nhận cảnh đẹp non sông như những bậc tiền nhân xưa kia. Nhưng với ông, trong tình yêu thiên nhiên không đơn giản chỉ là việc thưởng nguyệt xem hoa, là túi thơ bầu rượu mà đó là một tình yêu mang nỗi niềm khát khao. Ông muốn hoà mình vào thiên nhiên để có thể cảm nhận đầy đủ mọi cung bậc tuyệt vời của tạo hoá

      2.  Một thiên nhiên thơ mộng, tươi đẹp

     Thiên nhiên trong mắt Trương Hán Siêu đều là cái hữu thực, không chỉ là cảnh trí giăng bày ra trước mắt, mà nó chính là cái đẹp mà thiên nhiên tạo dựng qua ngàn đời. Như chính ông phô bày trong vai một người "khách" ở bài Bạch Đằng giang phú, hầu như cả một đời, ông đã coi lẽ sống của mình là ngược xuôi đi tìm đến mọi danh lam thắng cảnh. Con sông Bạch Đằng hiện hữu ra trước mắt, nó mềm mại đắm mình trong sương khói mờ ảo, tất cả như ngừng đọng trước thời gian bất diệt và đâu đây chỉ còn lại yên tĩnh thanh bình cùng người lữ khách:

                                    "Khách hữu:

                                    Quải hãn mạn chi phong phàm;

                                    Thập hạo đãng chi hải nguyệt.

                                    Triêu dát huyền hề Nguyên Tương;

                                    Mộ u thám hề Vũ huyệt.

                                    Cửu Giang, Ngũ Hồ; Tam Ngô, Bách Việt,

                                    Nhân tích sở chi; mị bất kinh duyệt.

                                    Hung thôn Vân - Mộng giả sổ bách,

                                    Nhi tứ phương chi tráng chí do khuyết như dã."

                                    (Khách có kẻ,

                                    Giương buồm giong gió khơi vơi;

                                    Lướt bể chơi trăng mải miết.

                                    Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,

                                    Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt;

                                    Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,

                                    Nơi có người qua đâu mà chẳng biết.

                                    Đầm Vân - Mộng chứa vài trăm trong dạ đã nhiều,

                                    Mà tráng chí tứ phương vẫn còn tha thiết.)

 (Bạch Đằng giang phú)

     "Khách có kẻ" trong Bạch Đằng giang phú là nhân vật trữ tình, và đó không ai khác mà chính là Trương Hán Siêu. Xưa nay, tác giả các bài Phú thường gắn mình vào nhân vật "Khách" để có thể đứng ở cương vị một người thưởng thức mà giãi bày tâm tình.

      Chín câu đầu cho thấy "khách" với tâm hồn phóng khoáng, "chơi vơi" theo cánh buồm, làm bạn với gió trăng qua mọi miền sông nước, sống hết mình với thiên nhiên, du ngoạn thăm thú mọi cảnh đẹp xa gần.Đêm thì "chơi trăng mải miết", ngày thì "gõ thuyền chừ Nguyên Tương, lần thăm chừ Vũ Huyệt".

     "Khách" đã đi nhiều và biết nhiều. Các danh lam thắng cảnh như Nguyên Tương, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt... Tất cả đều ở trên đất nước Trung Hoa mênh mông và dường như đều đã được "khách" biết đến. Tất cả đã nói lên một cá tính, một tâm hồn: Yêu thiên nhiên tha thiết, lấy việc du ngoạn làm niềm lạc thú ở đời, tự hào về thói giang hồ của mình rằng:  "Nơi có người qua, đâu mà chẳng biết", bản thân đã đi rất nhiều nơi và biết nhiều chỗ.

                                    "Hung thôn Vân - Mộng giả sổ bách,

                                    Nhi tứ phương chi tráng chí do khuyết như dã."

                                    (Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều
                                    Mà tráng chí bốn phương vẫn c
òn tha thiết.)

     Các địa danh xa lạ không chỉ là cảnh đẹp mà còn gợi ra một không gian bao la, chỉ có những người mang hoài bão và "tráng chí bốn phương" mới có thể "giương buồm...lướt bể" đi tới. Đầm Vân Mộng là một thắng cảnh tiêu biểu cho mọi thắng cảnh ở Trung Quốc. Thế mà "Khách" đã "chứa vài trăm trong dạ", tức đã thăm thú nhiều lần, đã từng thưởng ngoạn bao cảnh đẹp tương tự, nhưng dường như bấy nhiêu vẫn chưa đủ, vẫn chưa thoả lòng của "khách" và vẫn còn rất tha thiết với bốn phương trời.

     Phần đầu bài phú với ngôn từ, lời lẽ khoáng đạt nhẹ nhàng khiến cho độc giả cảm nhận được rằng vịthi sĩ đang rất thư thái thả mình, để cảm nhận vẻ đẹp của non nước hữu tình. Từ đó nói lên cốt cách kẻ sĩ: Chan hoà với thiên nhiên, lấy chữ "nhàn" làm trọng, gián tiếp phủ định lợi danh tầm thường ở đời mà hướng tới cái thanh cao thuần khiết.

     Nhưng liệu rằng Trương Hán Siêu đã đi hết qua các danh lam thắng cảnh trên chưa hay chỉ là sự tìm hiểu, hiểu biết qua sách vở, qua những dòng lịch sử ? Hay có lẽ đó chỉ là cách phô diễn quen thuộc có tính chất ước lệ để tác giả gían tiếp nói về cái chí khí của mình, để nhấn mạnh hơn đặc điểm thích du ngoạn của nhân vật "khách". Có lẽ chính vì vậy mà thiên nhiên như cái đích tìm kiếm của ông.

                                    "Nãi cử tiếp hề trung lưu,

                                    Túng Tử Trường chí viễn du.

                                    Thiệp Đại - Than khẩu; tố Đông - Triều đầu.

                                    Để Bạch  Đằng giang, thị phiếm thị phù"

                                    (Bèn giữa dòng chừ buông chèo,

                                    Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.

                                    Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,

                                    Đến sông Bạch Đằng, nổi trôi mặc chèo.)

    Đến giữa con sông, vị thi nhân thả con thuyền mình theo nhẹ trôi làn nước, mặc cho mái chèo bồng bềnh, như muốn đắm mình trong dòng chảy thời gian. Ông bắt chước "thú tiêu dao" của Tử Trường tức Tư Mã Thiên, một nhà viết sử nổi tiếng của Trung Quốc trước khi bắt tay cầm bút đã đi khắp mọi nơi đầu sông cuối bể nhằm nuôi dưỡng tình cảm và thu nhận kiến thức. Trương Hán Siêu giong thuyền "Qua cửa Đại - Than, ngược bến Đông - Triều/ đến sông Bạch Đằng", ngược xuôi khắp mọi nơi và dừng chân cảm nhận vẻ đẹp sơn thủy hữu tình nơi đây.

    Ta để ý nếu ở phần trên, các địa danh có lẽ chỉ mang tính tượng trưng ước lệ, hư ảo thì đến đây mới là địa danh thực, hiện hữu trước mặt. Tác giả đã đưa ra một cái tên Bạch Đằng, một con sông đang hiển hiện trước mắt với tất cả vẻ đẹp và sức thuyết phục, một con sông mang rất nhiều màu sắc.

                                    "Tiếp kinh ba ư vô tế,

                                    Trảm chiêu vĩ chi tương mâu.

                                    Thuỷ thiên nhất sắc; phong cảnh tam thu."

                                    (Lớp lớp sóng kình muôn dặm

                                    Xanh xanh đuôi trĩ một màu

                                    Nước trời một sắc: phong cảnh ba thu.)

      Bằng ngòi bút điêu luyện tác giả như đang dần vẽ lên một bức tranh phong cảnh hữu tình tuyệt đẹp làm đắm say lòng người. Tác giả rất tinh tế khi sử dụng từ láy "lớp lớp", "xanh xanh" để hoạ lên con sông Bạch Đằng mềm mại với cái màu dịu dàng xanh mướt của núi non xung quanh. Tất cả vẻ đẹp như lớp lớp, tầng tầng nối tiếp nhau không bao giờ dứt. Trước mắt người "khách" bây giờ con sông Bạch Đằng cùng trời nước mây núi đã hoà làm một tạo nên vẻ đẹp lung linh thơ mộng.

       Các câu chữ mượt mà lắng đọng trong khung cảnh "nước trời một sắc", rồi bất chợt, như quay ngược dòng thời gian, trong mắt tác giả không còn là con sông mượt mà sắc hương mà là:

                                    "Chử địch ngạn lô; sắt sắt sâu sâu.

                                    Chiết kích trần giang; khô cốt doanh khâu.

                                    Thảm nhiên bất lạc; trữ lập ngưng mâu."

                                    (Bờ lau xào xạc, bến lách đìu hiu

                                    Sông chìm giao gãy, gò đầy xương khô

                                    Buồn vì cảnh thảm đứng lặng giờ lâu.)

     Khung cảnh bỗng chốc biến đổi, bức tranh thơ mộng thay thế bằng cảnh sầu thương của một thời, "khách" đứng lặng hồi lâu rồi như chìm về dòng quá khứ năm xưa:

                        "Thử Trùng Hưng nhị thánh cầm Ô Mã Nhi chi chiến địa,

                        Dữ tích thời Ngô thị phá Lưu Hoằng Thao chi cố châu dã."

                       (Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
                       Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.
)

      Thì ra Bạch Đằng hiện diện trước mắt không phải chỉ chứa đựng vẻ đẹp trữ tình man mác gợi bao nhiêu nỗi niềm cho du khách, mà nó còn tiềm ẩn cả vẻ đẹp hào hùng, dữ dội của hai trận thắng oanh liệt trong hai thời đại. Quả một bức tranh sóng đôi của lịch sử đất nước chống xâm lăng, một bức tranh vừa đẹp vừa tình những cũng không kém phần oanh liệt hào hùng.

      Trương Hán Siêu đã lột tả con sông với hai màu sắc, hai vẻ đẹp khác nhau. Ở đó không chỉ là vẻ đẹp mang sự gợi tình, làm lắng đọng lòng người, cũng không chỉ là những lớp sương khói hư ảo với những nét cổ kính hoang sơ mà còn là sự oai hùng một thời, là nhân chứng sống, là bức tranh lịch sử về hai cuộc kháng chiến oanh liệt của nước nhà. Và phải chăng ở đây tác giả cũng đã thấy được sự đồng điệu với Tử Trường, du lịch thăm thú mọi nơi không chỉ để ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của tạo hoá, không chỉ để ngắm hoa thưởng trăng mà còn là để hướng về cội nguồn, hướng về lịch sử để từ đó ngợi ca những trang vàng của lịch sử nước nhà.

       Cùng một mạch suy nghĩ, Trương Hán Siêu từng viết trong bài Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký rằng: "Ngô hương đa thắng cảnh, thiếu thời du lãm, túc tích đãi biến..." (Quê ta nhiều cảnh đẹp, thuở thiếu thời dạo chơi in dấu chân hầu khắp). Dấu chân ấy đi nhiều nơi, để thoả mãn thú "tiêu dao" để đưa tầm nhìn vượt lên rất xa, qua khỏi con mắt thế tục để tìm thấy mối tương quan giữa tạo tác của thiên nhiên và sự hiện diện của con người, đó như là một sự bổ sung, tiếp nối, qua lại giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, cái chốc lát và cái trường tồn theo năm tháng:

   ...Nhất bộ tiến nhất bộ, nhất trùng cao nhất trùng, dĩ chí ngột nhiên đặc lập, thế ỷ khung thương, tăng quan hà chi tráng quan, dữ tạo vật nhi luận công ..."

     (...Từ một tấc đến một thước, từ một thước đến một nhân, một bước tiến thêm một bước, một tầng cao thêm một tầng. Tới lúc tháp cao sừng sững, thế chạm trời xanh, tô thêm vẻ đẹp của non sông, tranh công xây dựng cùng tạo hóa...) (Băng Thanh, Huệ Chi dịch)

     Trong con mắt Trương Hán siêu bây giờ, mọi thứ như hoà làm một, ngọn tháp trên núi Dục Thuý cao sừng sững, như in vào nên trời xanh, hoạ thêm cho vẻ đẹp non sông. Ông tin rằng, mọi sự biến diệt cứ diễn ra theo quy luật của dòng thời gian, nhưng theo đó con người sẽ không bao giờ chịu đầu hàng để cho hóa công đào thải theo quy luật tang thương dâu bể vốn có:

      "Y, hậu thử giả hựu kỷ bách niên, phủ ngưỡng biến diệt, trùng hữu phát dư trường khái, ninh vô Nhu đẳng bối sổ nhân, hà khả tất dã!"

     (Than ôi! Mai sau mấy trăm năm nữa, chốc lát cảnh tượng biến đổi; nếu lại có kẻ buông lời than thở như ta lẽ nào không có vài người như sư Nhu xây dựng lại? Việc ấy không đoán trước được.)

      Ông đã có tầm đứng của một tư cách kép: một triết nhân và một thi nhân, có tư duy triết lý quyện lẫn với cảm xúc trữ tình:

    "Nhược phù thúy nghiễn thương ba, giang không tháp ảnh, nhật mô biêu chu, phiêu nhiên kỳ hạ, thôi bồng ngạo nghễ, dát thuyền huyền nhi ca Thương lang, tố Tử Lăng nhất ti chi thanh phong, phỏng Đào Chu Ngũ chi cựu ước; thử cảnh, thử hoài, duy dư dữ thử giang sơn tri chí"

     (Non xanh nước biếc, bóng tháp in dòng, lúc chiều tà buông chiếc thuyền con lênh đênh dưới núi, nâng mái bồng nhìn quanh ngạo nghễ, gõ mạn thuyền ca khúc Thương Lang, thử sợi dây câu tìm phong cách thanh cao của Tử Lăng, dạo chơi Ngũ Hồ hỏi ước cũ của Đào Chu thì cảnh này tình này duy có ta với non sông này biết nhau mà thôi.)

     Cảnh đẹp sơn thủy hữu tình hiện ra trước mắt, phơi bày sự thanh bình, êm dịu, non xanh nước biếc bóng tháp in dòng thật lung linh huyền ảo. Giờ đây, vị thi nhân cũng nhẹ nhàng thả mình trong buổi chiều êm ả với thuyền con câu cá. Ánh chiều tà phảng phất, như nhuộm thêm vẻ lung linh, huyền ảo của ngọn tháp sừng sững oai nghiêm kia, như khẳng định mình trong núi non đất nước. Trước vẻ đẹp ấy, Trương HánSiêu học thú vui của Tử Lăng, "thử sợi dây câu tìm phong cách thanh cao" để vứt bỏ mọi thứ lại sau lưng, để đắm mình trong thanh bình êm ái. Dường như cảnh đẹp này, tình này chỉ có ông "với non sông biết" với nhau mà thôi.

    Xưa nay, thiên nhiên luôn là người bạn tri âm tri kỷ của các vị thi sĩ nói chung cũng như Trương Hán Siêu nói riêng, vì vậy, thiên nhiên trong ông mang một vẻ đẹp trong sáng, hữu tình. Ở đó là vẻ đẹp oai hùng kỳ vĩ của đất trời Đại Việt, là cảnh núi sông, gió mây, là chiếc thuyền con in dòng bóng nước cùng tất cả vẻ đẹp mà đất mẹ đã tạo dựng để tô đậm thêm cho cảnh sắc nước nhà.

     Trong bài Dục Thuý sơn, một lần nữa Trương Hán Siêu lại phóng bút vẽ nên ngọn núi xanh mướt hữu tình:

                            "Trung lưu quang tháp ảnh,

                             Thượng giới khải nham phi..."

                             (Sóng in bóng tháp bồ đề

                             Mở toang cửa động liền kề chân mây...)

 (Trần Văn Giáp dịch)

      Sông, núi, mây trời như hoà làm một, chân mây liền kề sông nước, có lẽ nào nơi đây là bậc thang giao hoà giữa trời và đất, giữa cảnh thần tiên và trần thế. Tất cả đan xen nhau tạo nên bức tranh thuỷ mặc tuyệt đẹp, có lẽ non sông gấm vóc hữu tình cũng chỉ đến nhường này mà thôi:

                           Nước non Non Nước như thơ,
                          Ai về Dục Thúy chẳng ngơ ngẩn l
òng

                          Trên thì núi, dưới thì sông
                          Cúc vàng còn
đó, hương nồng còn đây

      Theo sử sách, Trương Hán Siêu chính là người đặt tên cho núi Non Nước là núi Dục Thuý và ông chính là người khai thác ra vẻ đẹp mà tạo hoá đã ban tặng cho nơi đây. Bài thơ Dục Thuý sơn được tác giả khắc hoạ vào đá như một công trình điêu khắc tuyệt vời, đây cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao thi nhân sau này đến đây thưởng ngoạn ngao du và làm thơ.

      3.  Một thiên nhiên dịu buồn, sâu lắng

     Đứng trước con sông Bạch Đằng, tác giả như quay ngược thời gian để trở về với quá khứ. Từ miêu tả trữ tình cảnh thiên nhiên đất trời thơ mộng, "khách" chuyển sang tự sự, ngôn ngữ sống động biến hoá hẳn lên, cảm hứng lịch sử mang âm điệu anh hùng ca dâng lên dào dạt như những lớp sóng trên sông Bạch Đằng:

                        "Giang biên phụ lão, vị ngã hà cầu?

                        Hoặc phù lê trượng, hoặc trạo cô châu.

                        Ấp dư nhi ngôn viết:

                        Thử Trùng Hưng nhị thánh cầm Ô Mã Nhi chi chiến địa,

                        Dữ tích thời Ngô thị phá Lưu Hoằng Thao chi cố châu dã"

 (Bạch Đằng giang phú)

                        (Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu.

                        Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau.

                        Vái ta mà thưa rằng:

                        Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,

                        Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.)

     Nơi đây đã bao lần quân thù tan tác bỏ chạy, đầu hàng trước một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường. Oai phong là thế, hào hùng là thế, tưởng chừng như mọi vật còn trường tồn mãi mãi, thế mà phút chốc, tất cả tan biến, chỉ còn lại sự cô quạnh hiu vắng cùng thiên nhiên sông nước với con người mang nặng tâm tư:

                         "Chử ngạn lô: sắt sắt sâu sâu,

                          Chiết kích trần giang: khô cốt doanh khâu."

                         (Bờ lau xào xạc bến lách đìu hiu

                         Sông chìm giáo gẫy, gò đầy xương khô.)

     Thực tại phũ phàng, giờ đây tất cả chỉ còn lại tro tàn của cuộc kháng chiến oanh liệt khi xưa. Hai bờ sông, lau lách xào xạc mang một vẻ đìu hiu buồn bã, và trong cái không gian mờ ảo như hiện lên bãi chiến trường xưa kia đang phơi bày những "giáo gãy", "xương khô" mọi thứ tiêu điều biết bao. Phải chăng tất cả đều đã bị lớp bụi thời gian phủ lên mất rồi, vị thi nhân chỉ còn có thể thốt lên rằng:

                       "Thảm nhiên bất lạc, trữ ngập ngừng mâu.

                       Niệm hào kiệt chi dĩ vãng,

                      Thán tung tích chi không lưu!"

                      (Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu

                      Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá

                      Mà nay dấu vết luống còn lưu.)

     Một tâm trạng buồn, thương tiếc, một cảm xúc "đứng lặng giờ lâu" của "khách", tất cả đều biểu lộ sự xúc động, lòng tiếc thương và biết ơn sâu sắc đối với nhân dân, với những anh hùng khi xưa đã đem xương máu bảo vệ dòng sông và sự tồn vong của dân tộc. Đó là tình nghĩa thuỷ chung "Uống nước nhớ nguồn" xuất phát từ tâm hồn đồng cảm nơi tác giả.

      Hiện tại và quá khứ cứ đan xen nhau, khiến thi nhân như rơi vào trạng thái mơ màng, bâng khuâng. Sự vấn vương ở đây có chút gì đó làm lòng người nặng trĩu khi nghĩ đến dòng chảy của thời gian và thói vô tình dễ quên của người đời. Những âm hưởng trữ tình đối lập trong tác phẩm đã tạo nên một ngân vang sâu thẳm, rồi bất giác, tác giả nhận ra rằng, sự sống là một tiếp biến không ngừng không nghỉ, cái đang diễn ra và cái đã đi vào vĩnh cửu cứ đan quyện lấy nhau, hiện tại không hẳn đã trôi về quá khứ tất cả, mà có phần nào đó còn trôi theo chiều ngược lại, vì lẽ đó mà đâu đây trên con sông "dấu vết luống còn lưu" lại với hậu thế cho đến ngày hôm nay.

      Vẻ đẹp thiên nhiên dưới con mắt Trương Hán Siêu không phải lúc nào cũng một màu xanh tươi mát, không phải lúc nào cũng bồng bềnh lãng du cảnh thần tiên và không phải lúc nào cũng oai nghiêm hùng vĩ, mà nó còn thoáng đượm một màu sắc buồn dịu nhẹ. Trong bài Hoá Châu tác ông viết:

                                    "Ngọc kinh hồi thủ ngũ vân thâm,

                                    Linh lạc tàn sinh khổ bất câm (cấm).

                                    Dĩ biện hoang giao mai bệnh cốt

                                    Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm."

                                    (Ngoảnh lại năm may phủ đế đô,

                                    Hồn tàn bao xiết khổ bơ vơ.

                                    Thôi đành cõi rậm vùi xương bệnh,

                                    Cây cỏ chung sầu cũng hoạ thơ.)

 (Hoa Bằng dịch)

     Như đã nói ở phần trên, bài thơ này được sáng tác lúc ông làm chức Chiêu dụ đại sứ Hoá Châu, nay là đất thuộc Bình - Trị - Thiên. Lúc này ông mang trong mình trọng bệnh, phải chăng vì thấy trước cảnh "ngày tàn" của mình và sự suy vong đang diễn ra của triều đại hưng thịnh một thời nên trong mắt vị thi sĩ lãng tử ngày nào, đất trời giờ đây chỉ còn lại một màu tiêu điều ảm đạm của cỏ cây xơ xác. Phải chăng thiên nhiên như đang đồng cảm, đang "chung sầu hoạ thơ" cho số kiếp của vị thi nhân nên đã khoác lên mình một màu áo ảm đạm u hoài. Như cảm thấu điều ấy, ông đã có sự chuẩn bị trước cho mình cái "chốn hoang vu để chôn vùi nắm xương ốm yếu", lời thơ nhẹ nhàng mang tâm sự u hoài, đượm buồn biết bao.

     Bên cạnh việc miêu tả vẻ đẹp của đất trời đại việt, Trương Hán Siêu còn miêu tả những khung cảnh đất nước Trung Quốc trong lần ông phụng mệnh đi sứ.

                                    "Cấn nhạc Thần tiêu thất cố ky,

                                    Mang mang yên thảo một hồ li..."

 (Qua Tống đô)

                                   (Núi cấn cung thần đã mất rồi,

                                    Mênh mông cỏ biếc cáo chồn chui.)

 (Đào Phương Bình dịch)

      Đứng trước phong cảnh mênh mông bao la, thiên nhiên như tác nhân gợi lên nỗi niềm tâm sự với thi sĩ. Tác giả ngậm ngùi trước bức tranh đẹp xưa kia giờ chỉ còn một màu hoang sơ, tiêu điều, cung Cấn núi Thần đã biến mất mà thay vào đó là cảnh đồng hoang mênh mông khiến lòng người dấy lên niềm cảm thương, tiếc nuối.

       Kết luận

      Thiên nhiên trong thơ văn Trương Hán Siêu không cầu kỳ, kiêu sa ước lệ như thơ Đường Trung Quốc mà đó là những hình ảnh rất bình dị, nhẹ nhàng và gần gũi với nhân dân ta. Bức tranh thiên nhiên mà ông họa nên cũng là những bức tranh tậm trạng của chính bản thân ông về thời thế. Cảnh và tình luôn hài hoà làm một, tạo nên những câu chữ nhẹ nhàng nhưng mang đầy ý nghĩa sâu lắng.

       Bên cạnh tình yêu nước và tự hào dân tộc, thơ văn Trương Hán Siêu còn thể hiện một tình yêu tha thiết với thiên nhiên đất trời. Ngòi bút tài hoa của ông như vẽ lên những khung cảnh thiên nhiên với núi sông thật thơ mộng thướt tha, với những vùng quê bình yên dịu dàng lãng mạn nhưng cũng không kém phần hùng vĩ với dòng sông Bạch Đằng một thời oanh liệt cùng nhân dân, với những ngọn núi cao sừng sững mà đất trời ban tặng cho núi sông Đại Việt mà tô điểm trên đó là những ngọn tháp oai nghiêm do con người tạo dựng, như gián tiếp khẳnh định sức mạnh của dân tộc ta.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), (1998), Thơ văn Lý - Trần, quyển thượng, Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Ngô Sĩ Liên (1967), Đại Việt sử ký toàn thư, (bản in Nội các quan bản - Mộc bản khác năm Chính Hòa thứ 18), tập 2, Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Hà Văn Tấn hiệu đính, tái bản 2004, Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Bùi Văn Nguyên (chủ biên), (1989), Lịch sử văn học Việt Nam, (tập 2), (thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIII), Giáo dục, Hà Nội.

4. Trần Mạnh Thường (2008), Các tác giả văn chương Việt Nam, tập 2,Văn hoá, thông tin.

5. http://baoninhbinh.org.vn/news/46/2DE209/Nui-Non-Nuoc-va-sac-vang-hoa-cuc.

6. http://songvan.net/Thread-Nui-tho-Duc-Thuy.

.


Phamngochien.com - 08:46 - 14/12/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận