83% sinh viên thiếu kỹ năng sống

Báo Pháp luật TP. HCM, số 10 / 12 / 2009

(PL)- Không thiếu kiến thức hàn lâm nhưng hơn 1/3 sinh viên ra trường thất nghiệp vì quá "nai" trước cuộc sống. Đã đến lúc các trường ĐH-CĐ phải đề ra kế hoạch dạy kỹ năng cho sinh viên.

37% không tìm được việc làm do yếu thiếu yếu tố kỹ năng thực hành xã hội (làm việc theo nhóm, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, giao tiếp...). 83% sinh viên ra trường bị các nhà tuyển dụng đánh giá là thiếu kỹ năng sống, con số giật mình này được nêu tại buổi tọa đàm "Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho sinh viên" do Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam tổ chức vào ngày 9-12. Thành công mà không thành đạt

Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Tập đoàn Trí Tri, cho biết: Ở châu Âu, ngay cả nông dân đi đâu cũng thấy họ cầm quyển sách để đọc khi rảnh nên họ có kiến thức tổng quát tốt. Các nước ấy không có nhiều trường chuyên, nhiều giải thưởng quốc tế như học sinh Việt Nam nhưng công dân của họ tự tin và linh hoạt một cách chủ động trong cuộc sống, có tư duy và có khả năng giao tế rất thuyết phục. Sinh viên hãy thôi đổ thừa cho thiếu thốn, cho số phận. Hãy tích cực suy nghĩ để làm cho mình hiểu biết hơn, thông thái hơn, khi đó chúng ta sẽ hiểu rõ giá trị của mình và của người khác.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý Hồn Việt, chia sẻ: Biết và hiểu giá trị sống của mình thì sẽ miễn nhiễm các thói hư tật xấu luôn rình rập. Sinh viên bây giờ quá nhiều tham vọng và luôn chạy đua với cuộc sống nhưng đa phần lại thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống. "Kiếm được nhiều tiền, của cải chỉ là thành công chứ chưa gọi là thành đạt khi đời sống tinh thần nghèo nàn, tâm lý bất an" - Thạc sĩ Tâm nói.

Cần nhận biết mình là ai

Thạc sĩ Tâm nhìn nhận: Điều sinh viên hay thiếu là khả năng khám phá ra của chính bản thân mình, bởi trong mỗi người đều có khả năng nhất định. Do đó, viên gạch đầu tiên xây dựng nên sự thành công chính là phải biết được một cách rõ ràng, chính xác tài năng và thiên hướng của mình (sở trường, sở đoản, sở thích).

Khi còn ngồi trên giảng đường là lúc sinh viên cần có các chuyên gia tâm lý tư vấn để giúp các bạn ứng dụng các giá trị tâm lý vào cuộc sống. Họ sẽ biết gỡ rối, phân tích đúng sai, khơi dậy những khía cạnh tâm lý sâu kín. Và quan trọng là những niềm tin còn ẩn giấu, những tiềm năng trong chính các bạn được khơi dậy. "Điều này sẽ giúp hóa giải bất lợi trong đời sống tâm lý cá nhân trong bối cảnh nền kinh tế thị trường "đổ bộ" vào mọi ngõ ngách, tạo ra những "cú sốc" cho các quan hệ" - Thạc sĩ Tâm đưa ra lời khuyên.

Theo Thạc sĩ Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ công chúng (ĐH Nông lâm TP.HCM), sinh viên ngày nay thiếu hẳn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đặt câu hỏi và cả kỹ năng lắng nghe. Nhìn ra các nước láng giềng, người làm công, nhân viên các công ty đều được trang bị khá tốt các kỹ năng thiết yếu nói trên. Ở châu Âu, có rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận đang làm công việc tập huấn, trang bị kỹ năng cho thanh niên, cho người mới vào nghề với khẩu hiệu "Kỹ năng tốt, công việc tốt, cuộc sống tốt hơn".

Thạc sĩ Lý nhận định, chính những chương trình đào tạo các kỹ năng này đã giúp cho người lao động bộc lộ được khả năng tiềm ẩn làm cho đất nước thịnh vượng. Đã đến lúc các trường ĐH-CĐ, THPT cần quan tâm vấn đề này" - Thạc sĩ Lý nói.

Nguyễn Thị Kim Khuyên, sinh viên năm ba ĐH Ngoại thương TP.HCM:

Học giỏi nhưng thiếu kỹ năng vẫn... thất nghiệp!

Sinh viên sau khi ra trường dù điểm số có cao đến mấy đi chăng nữa mà thiếu các kỹ năng cơ bản thì cũng không được tuyển dụng. Các doanh nghiệp vẫn phải đầu tư thêm một khoản khá lớn để đào tạo lại nguồn nhân lực cho mình. Rất nhiều sinh viên chúng tôi vẫn cho rằng nhiệm vụ chính của mình là học để lấy kiến thức.

Nhiều bạn đến giảng đường học, về nhà học mà không hề tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào được tổ chức trong trường. Chính vì không có sự nhận thức đồng bộ trong sinh viên về tầm quan trọng của các kỹ năng mà việc trang bị các kỹ năng cần thiết cho sinh viên diễn ra khó khăn.

Theo tôi, ngoài các giờ học trên lớp, sinh viên, học sinh cần được giao nhiệm vụ nhóm, các bài tập thực tế mà phải tìm kiếm thêm thông tin trong xã hội mới hoàn thành được. Trong kết quả điểm số cuối học kỳ cần có tính cả điểm tích cực sáng tạo để xây dựng bài giảng trên lớp theo hướng gắn liền với thực tiễn hơn. Nếu không thì việc thiếu thông tin thực tiễn sẽ khiến sinh viên suy nghĩ máy móc, thiếu ứng dụng sáng tạo, trở nên thụ động trước sự thay đổi quá lớn sau khi ra trường

 


Phamngochien.com - 14:23 - 17/12/2009 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận