"Ngày xửa, ngày xưa..." (Thu Thảo - Sài Gòn)

Dạo này Sài Gòn mưa lớn, mưa nhiều, mưa triền miên. Mở mắt dậy đã nghe rỉ rịch ngoài hiên tiếng mưa tí tách, định bụng ngồi dậy đưa tay ra khung cửa sổ hít hà vài ngụm mưa thì ngoài trời đã vỡ òa ầm ập những nước trút, bong bóng nổi lềnh bềnh, trôi theo dòng nước vội vã rồi lại vỡ tan. Có những cuộc đời ngắn ngủi vội vàng hệt những chiếc bong bóng trong mưa, chưa nở đã tàn, một đời yêu thương biết bao nhiêu gọi là đủ.

Có cái tánh chỉ thích hứng mưa nhẹ hạt mà hôm nào mưa cũng xối xả quá, đành nằm lại xuống giường, chùm chăn, lặng lẽ nghe tiếng mưa lí lắc chuyện trò trên mái tôn. Những hạt mưa chắc đang nói với nhau về niềm vui khi được gặp lại, hoặc giả chúng đang tự hào vì chúng đang được cống hiến cho đời những mầm cây xanh tốt mơn man.

Người ta nói mưa là lúc dễ khiến con người trở nên buồn, mưa mang về nỗi nhớ, mưa mang về niềm thương, mưa khơi lòng không biết bao dòng kỉ niệm, chắc cũng vì thế mà khi trời mưa biết bao nhiêu người xốn xang cõi lòng.

Để rồi...

Có cơn mưa chiều nào rớt qua vai em, thoáng giận thoáng buồn.

Có cơn mưa chiều nào xuyên qua tay em, thoáng nhớ thoáng thương.

Có cơn mưa chiều nào không? Để em nhớ về chùm kí ức ngày đó, về những đêm mưa mùa tháng chín, có một đứa trẻ thích vùi đầu vào lòng bà, nằn nọc bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích. Những câu chuyện tưởng chừng giản đơn, trong vắt vậy mà lại theo người ta đến cả một đời. Những câu chuyện được bắt đầu bằng cụm từ cực kì quen thân "ngày xửa ngày xưa..."

Em tự cảm thấy đó là niềm hạnh phúc, bởi không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có những đêm mưa nằm nghe bà kể chuyện như em, vậy nên tất cả những đêm mưa nằm bên bà ngày đó, em cố gom nhặt không sót mảnh nào và cẩn trọng cất vào ngăn kí ức. Cố gom nhặt thật kỹ để không phải tiếc nuối một thứ gì.

Bà em bây giờ không kể chuyện cổ tích nữa, bà không nhớ nhiều. Thời gian quả thật khắt nghiệt đến nỗi nó sẽ cuốn trôi của người ta rất nhiều điều, cuốn trôi thanh xuân, cuốn trôi tuổi trẻ, cuốn trôi cả những miền kí ức, để rồi có một chiều thành phố  mưa bay, chạy về thăm quê, em òa khóc như một đứa trẻ khi nhận ra bà không còn nhớ em, bà không còn biết em tên gì, không còn gọi thương em, không còn mắng yêu em, thậm chí không còn nhớ được bà là bà của em. Thời gian đã ăn mòn mất những kí ức ngọt ngào của bà.

Bà em lúc nhớ lúc quên. Lúc quên thì bà chỉ gọi mỗi tên chú út. Bà gọi thân thương như thể chú út vẫn còn sống, như thể chưa từng có chiến tranh và chú út chưa từng hy sinh nơi chiến trường. Bà gọi chú út về ăn cơm, bà trách chú út đi đâu mà để bà ngóng, rồi bà khóc, bà nói bà nhớ chú út, bà cứ một mình gọi vọng "út ơi", "út à", rồi có khi một mình trả lời "thằng út tánh ham chơi, chắc lại đi bắt dế ngoài đồng rồi". Ba và các cô, ban đầu cứ cố giải thích "thằng út hy sinh rồi má à", nhưng về sau thì đáp lại bà như một vở kịch chưa từng có sự thật chiến tranh và mất mát nào xảy ra "thằng út lại đi chơi rồi má ơi".  Đó là lúc bà quên, nhưng có lúc bà  minh mẫn và những lúc minh mẫn như vậy bà hay gọi đàn cháu vào cho tiền chúng. Bà bảo "bà già rồi, có cần gì đến tiền đâu, chúng bây cứ giữ lấy mà mua tập, mua viết", rồi bà xoa đầu từng đứa, cười hiền hệt một bà tiên. Nụ cười để lộ vài chiếc răng còn sót lại trên đôi môi thắm đỏ vị trầu và trên đôi mắt vẩn đục màu năm tháng.

Trong đám cháu chi chít lớn bé, em có lẽ là đứa may mắn được cạnh bà nhiều nhất. Hồi đó quê còn nghèo, ba mẹ em phải đi làm ăn xa nên em về ở với bà. Từ cái thưở còn ở truồng tắm mưa đến những năm mười tám, đôi mươi, không biết em đã được nghe bà vỗ về bằng những câu chuyện cổ tích bao nhiêu lần. Không hiểu những câu chuyện đó thật sự hấp dẫn hay vì cách truyền cảm của bà khiến em thật sự bị thu hút mà mãi cho đến bây giờ, khi thật sự không còn được nghe bà kể chuyện nữa, em vẫn bồi hồi nhận ra âm thanh qua từng lời kể của bà ngày ấy vẫn còn thật vẹn nguyên và tròn đầy trong em. Hồi đó em thủ thỉ với bà em muốn thành một người viết, để sẽ có một ngày bà kể về những câu chuyện em viết với đám cháu nhỏ hơn em, hoặc giả với những đứa con của em sau này. Em muốn những câu chuyện của em viết sẽ được truyền tải bằng một người dẫn chuyện quá đổi lão luyện như bà. Ước mơ trở thành một người viết của em vẫn còn nằm đó, bà đã chẳng kể thêm một câu chuyện nào nữa rồi.

Vào những đêm Sài Gòn mưa âm ỉ, ngoài trời xào xạc vài tiếng lá rơi, em thương nhớ nghĩ về bà và những câu chuyện cổ tích của bà. Em ước thời gian được trở lại, để một lần thôi, em lại vùi đầu vào lòng bà, nài nỉ bà về những câu chuyện thi vị. Em đâu biết rằng những đêm mưa nghe bà kể chuyện cổ tích ngày đó lại chính là vùng kí ức mang nhiều trọng lượng đến vậy, cho tới khi em rời xa vòng tay bà để đi tìm ước mơ, những kí ức đó lại bình yên không tưởng. Bình yên như giấc mơ về cánh cò bay lả, dập dờn, bình yên như mái tóc bạc trắng của bà, bình yên như những đêm mưa ngày đó, có tiếng côn trùng kêu ngoài vườn, bình yên như bầu trời xanh biêng biếc không một gợn mây...

Em nhớ những câu chuyện trong vắt của bà thưở ấy,  nhớ mùi trâu , nhớ những lúc lăn xăn lấy cho bà hủ vôi, ra vườn hái cho bà nắm lá trầu, nhớ mùi ổi thơm lừng phía vườn mà ngày đó mỗi lúc đi học về lại chạy ra xem hôm nay có quả nào chín chưa. Trời ơi, tuổi thơ ấy trôi đi bình yên, dịu dàng tựa một áng mây để rồi thương nhớ tiếc nuối mãi vào những đêm mưa không còn cạnh bên bà.

Và những đêm mưa nào đó, em lại nghĩ về bà em, nghĩ về những năm thơ bé được sống bên bà, nghĩ về những nhân vật trong hàng vạn những câu chuyện cổ tích bà kể, nghĩ cả giấc mơ trở thành người viết em đã từng nói với bà. Và những đêm mưa đó, trong tâm tưởng và hoài niệm em vẫn nghe tiếng bà ấm áp "ngày xửa, ngày xưa..."

Sài gòn tháng 10/2017

Thu Thảo


Phamngochien.com - 07:12 - 10/10/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận