Kính viếng linh hồn thầy Nguyễn Văn Giai (Phạm Ngọc Hiền)

Được tin thầy Nguyễn Văn Giai qua đời, tôi bàng hoàng cả người. Dẫu biết rằng ai cũng sẽ về cõi vĩnh hằng nhưng không ngờ thầy ra đi đột ngột thế. Tôi cứ tưởng thầy vẫn còn khỏe, vẫn còn cái phong thái đạp xe tới thăm tôi dạo nọ. Nhưng... tôi thật bất ngờ...

Thầy quê ở Quảng Ngãi, ra Bắc từ thuở nhỏ, học ở Đại học Lô - mô - nô - xốp (Nga). Về nước, ban đầu, thầy dạy ở ĐHSP Vinh, sau chuyển vào làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn ĐHSP Huế, rồi vào làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn đầu tiên của trường ĐHSP Quy Nhơn. Cuộc đời thầy giống như một cánh chim bay hoài không mỏi, "đâu khó khăn là ta cứ đi". Và bây giờ, cánh chim ấy đã ngừng bay vào ngày 2 / 10 / 2010, ở cái tuổi 78. Sự ra đi của thầy chắc hẳn gây sự tiếc thương cho đông đảo các thế hệ học trò cũ đang là giáo viên Văn trung học dọc theo dải miền Trung mưa gió sụt sùi. Các đồng nghiệp và học trò cũ của thầy ở Sài Gòn cũng truyền tin nhau nhanh chóng, ai cũng sững sờ, thương tiếc...

Tôi là cựu sinh viên Ngữ văn khóa 13 trường ĐHSP Quy Nhơn (1990 - 1994). Khi tôi vào học năm một, chủ nhiệm khoa là thầy Nguyễn Xuân Nhân, còn các năm sau, chủ nhiệm khoa là thầy Nguyễn Văn Giai. Tôi và thầy có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Khi tôi học năm thứ hai, Trường có tổ chức cuộc thi sáng tác thơ văn với quy mô lớn dành cho cả sinh viên và cựu sinh viên. Ban Giám khảo có cả văn nghệ sĩ ngoài Trường, thầy Giai làm chủ khảo. Một bạn của lớp tôi xuống văn phòng Khoa, tình cờ nghe được cuộc họp bàn của Ban Giám khảo, về nói lại với tôi: "Thầy Giai khen truyện ngắn của Hiền, ổng nói sinh viên mà viết được như vậy là khá lắm !". Trong cuộc thi đó, tôi giật luôn cả hai giải Nhất ở cả hai thể loại thơ và văn xuôi. Tôi lọt vào mắt xanh của Chủ nhiệm Khoa từ đó.

Sang năm ba, Đoàn trường cử tôi đứng ra thành lập Câu lạc bộ thơ văn. Hôm tổ chức lễ ra mắt, thầy Giai dẫn tới mấy nhà thơ của tỉnh Bình Định. Thật trang trọng, tôi không ngờ cái CLB của mình lại có giá thế ! Lúc ấy, thầy Giai (với bút danh Việt Thương) là chủ nhiệm CLB Văn học Xuân Diệu (của Nhà văn hóa trung tâm TP. Quy Nhơn). CLB này muốn lôi kéo sinh viên trường ĐHSP Quy Nhơn về phía họ. Trong khi đó, thầy Võ Lý Hòa (bút danh Phổ Đồng) cũng định hướng cho tôi sang sinh hoạt với CLB Thơ Trẻ của Hội VHNT tỉnh Bình Định. Lúc bấy giờ, các CLB và bút nhóm văn chương mọc lên như nấm sau mưa. Bút nhóm Biển Xanh của anh Nguyễn Thanh Xuân (Hạt Cát) cũng vào giao lưu. Tôi giới thiệu một số bạn gia nhập nhóm Gia đình Áo Trắng Quy Nhơn (tổ chức văn chương của tờ báo Áo trắng do nhà văn Đoàn Thạch Biền ở Sài Gòn phụ trách)...

Tôi vốn là người thích giải pháp dung hòa nên chơi với tất cả các nhóm văn chương, ai coi trọng mình thì mình chơi với họ, vậy thôi. Mỗi lần CLB Văn học Xuân Diệu có tổ chức sinh hoạt thường kỳ, thầy Giai đưa hàng loạt giấy mời nhờ tôi phát cho sinh viên đến dự. Năm 1992, CLB này có tổ chức bình các tác phẩm đoạt giải của sinh viên trường ĐHSP Quy Nhơn. Tối đó, nổ ra một cuộc tranh luận xoay quanh truyện ngắn "Khoảng vắng trên sân trường" của tôi. Nhiều cụ chê tác phẩm của tôi vì lý do nói về một chuyện tế nhị là thầy giáo yêu nữ sinh và họ đề cao truyện đoạt giải nhì vì có nội dung trong sáng, phù hợp với tuổi học trò. Rất tiếc là hôm đó tôi không dự nhưng có nghe các bạn kể lại. Sau này, tôi hỏi thầy Giai có suy nghĩ gì về vấn đề trên. Thầy nói: "Mỗi tác phẩm văn học có nhiều cách đánh giá khác nhau, đấy là chuyện bình thường, anh đừng bận tâm làm gì".

Nhân tiện, tôi mời thầy làm cố vấn cho CLB Thơ văn của trường để đỡ đầu, truyền đạt kinh nghiệm và giúp cho các hội viên có bài đăng báo. Thầy nhăn mặt: "Có gì quan trọng lắm đâu mà phải cố vấn. CLB thơ văn là một tổ chức chơi cho vui, ai thích thì chơi, không thì thôi. Còn bài đăng báo thì vấn đề cơ bản là phải có chất lượng và hợp với tạng của tờ báo. Có khi người ta không đăng thơ của giảng viên nhưng đăng thơ của sinh viên, đấy là chuyện bình thường". Tôi nuốt từng lời của thầy và ngẫm nghĩ nhiều lắm. Có nhiều giảng viên "làm le" với sinh viên bằng câu nói: "Tôi quen với rất nhiều báo, các em cứ gửi bài cho tôi đi, tôi sẽ gửi đăng cho". Sinh viên tưởng thầy đó là "thánh" nên hớn hở gửi bài ào ào nhưng chờ dài cổ vẫn chẳng thấy bài nào đăng. Trong khi đó, tự mình gửi bài qua bưu điện thì lại được đăng. Sau này đi dạy, tôi không bao giờ dám hứa với học sinh những gì nằm ngoài khả năng giúp đỡ của mình.

Năm học thứ ba, tôi có một chuyện gây khổ sở cho thầy Giai. Số là tôi có bài phóng sự nói về một số biểu hiện chưa tốt của cuộc sống sinh viên. Đây là một nội dung tương đối mới mẻ vì thời điểm này vẫn còn tư duy thời bao cấp, báo chí chỉ viết về cái tốt chứ không viết về cái xấu. Bài viết của tôi gây dư luận trong ngành giáo dục và cũng tạo nhiều quan điểm trái ngược nhau trong nội bộ Trường. Ý định tốt nhưng kỹ thuật viết còn non tay nên tạo nhiều kẽ hở. Thầy Giai lúc ấy như một trọng tài điều hòa các quan điểm. Có lẽ thầy cũng bực mình khi thấy một bông hoa nở trái mùa nhưng cũng phải giang tay che chắn bão giông để mầm non ấy phát triển thành một cái cây ngay thẳng chứ không uốn éo theo chiều gió. Sau vụ ấy, tôi ngại gặp thầy nhưng tôi luôn đón nhận nụ cười trìu mến của thầy và tôi biết thầy có nhiều câu nói khen tôi một cách bóng gió...

Năm thứ tư, tôi học môn Văn học Nga - Xô viết của thầy Giai. Phải nói thầy dạy rất hay, kiến thức uyên bác. Thầy đã từng tham gia biên soạn giáo trình Văn học Nga - Xô viết dùng trong các trường ĐHSP ở Việt Nam. Ngoài ra, thầy còn là một dịch giả nổi tiếng một thời. Mặc dù thầy không có học hàm nhưng chúng tôi vẫn xem thầy là giáo sư. Thầy đã từng có hai lần ra tranh cử chức Hiệu trưởng trường ĐHSP Quy Nhơn nhưng chỉ đứng thứ 2. Có lẽ mục tiêu của thầy là muốn có cơ hội giúp ích cho xã hội theo đường lối của mình chứ không phải vì những quyền lợi cá nhân. Suốt cuộc đời dạy học, thầy vẫn ở nhà tập thể, về hưu mới xây được nhà riêng. Thầy thích sống giản dị, bất cứ sinh viên nào cũng có thể tới nhà thầy chơi thỏa mái. Thầy pha trà mời sinh viên, ăn nói nhỏ nhẹ, tự xưng hô là "mình", gọi sinh viên là "anh chị"...

Tôi ra trường và đi dạy, vẫn thỉnh thoảng gửi thư cho thầy. Một buổi sáng nọ ở khu nội trú, đang ngủ bỗng có tiếng gõ cửa. Tôi bất ngờ khi thấy thầy đến thăm. Tôi ngạc nhiên quá, không nói được lời nào và cũng không còn đủ bình tĩnh để nấu nước pha trà mời thầy. Được biết thầy đã về hưu, vào Phú Yên dạy lớp Đại học tại chức, hỏi thăm nơi tôi dạy rồi mượn xe đạp đi 10 km đường sỏi đá tìm tới tôi. Thầy trò hàn huyên khoảng nửa giờ, chỉ nói chuyện đời sống và văn hóa phong tục địa phương. Khi thầy về, tôi đứng lặng ở cổng trường nhìn theo không biết đây là mơ hay thực.

Trong thời gian làm luận án tiến sĩ, tôi cần người dịch dùm các tài liệu tiếng Nga. Trước đây, tôi cũng học môn này ba năm nhưng sau này quên hết để nhường dung lượng bộ nhớ cho tiếng Anh. Tôi ra Quy Nhơn định nhờ thầy dịch dùm nhưng thầy đã chuyển nhà ra ở ngoài phố. Hỏi mấy người quen thì người ta nói chỉ biết đường đi nhưng không rõ số nhà. Điện thoại thì người nhà nói thầy đi vắng nên tôi không còn gặp lại thầy nữa. Như vậy, lần gặp cuối cùng là lúc thầy tới thăm tôi...

Bây giờ thầy đã đi xa, mang theo bao ước vọng chưa thực hiện, mang theo cả một kho kiến thức văn học Nga mà ở Việt Nam rất hiếm người sánh kịp. Thầy để lại cho đời nhiều thứ, trong đó có nhân cách sống mà rất nhiều cựu sinh viên đang học hỏi noi theo. Thầy mãi mãi sống trong lòng của bao thế hệ sinh viên...

 

Sài Gòn, chiều mưa 12 / 10 / 2010.

 

PHẠM NGỌC HIỀN


 

Xem thêm bài về cái mất của thầy Giai

http://cuongdequynhon.wordpress.com

http://vank9dhqn.blogspot.com

http://suphamnguvank28.vnweblogs.com

http://clbxuandieu.vnweblogs.com

http://tieuphong.vnweblogs.com

http://my.opera.com/vank16

http://vn.360plus.yahoo.com/tungsonbtv

Hà Tùng Sơn - (vào lúc: 20:10 - 10-12-2010)
Bài viết của anh PNH về Thầy Nguyễn Văn Giai rất xúc động, đã dựng được chân dung về một người thầy đáng kính và đáng nhớ.

Phamngochien.com - 18:36 - 12/10/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận