Thi pháp ca dao qua bài Hôm qua ra đứng bờ ao (Phạm Ngọc Hiền)

 

THI PHÁP CA DAO QUA BÀI HÔM QUA RA ĐỨNG BỜ AO

 

Ca dao là tiếng nói tâm tình của người bình dân, là thông điệp yêu thương của những đôi trai gái. Mỗi bài ca dao ẩn chứa nhiều tín hiệu tình cảm rất kín đáo, tế nhị. Ta có thể thấy rõ điều đó qua một tác phẩm khá tiêu biểu cho thi pháp ca dao Việt Nam là Hôm qua ra đứng bờ ao.

Hôm qua ra đứng bờ ao

Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ

  Buồn trông con nhện giăng tơ

 Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai ?

Buồn trông chênh chếch sao Mai

Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ ?

Bài ca dao mở đầu bằng một mô típ quen thuộc: "Hôm qua". Ca dao không có mô típ "Hôm nay", bởi chủ thể phát ngôn đang ở thời hiện tại, người nghe đã biết chuyện "hôm nay" rồi, không cần kể lại làm gì. Điều mà người nghe quan tâm là những chuyện họ chưa biết của thời gian qua. Từ "hôm qua" thực chất cũng là khoảng thời gian phiếm chỉ, nói đến sự việc trong quá khứ gần, có liên hệ tới hiện tại. Trong những ngày hôm qua ấy, nhân vật nhớ nhung người yêu suốt cả ngày lẫn đêm. Ban ngày, trông cá, trông nhện, ban đêm trông sao, và thức trắng đêm đến khi sao Mai ló dạng, báo hiệu trời sáng. Qua thời gian sự kiện như vậy, ta thấy nhân vật có nỗi nhớ nhung người yêu rất tha thiết.

Không gian quen thuộc trong ca dao Việt Nam là cây đa, giếng nước, sân đình, cánh đồng, sông lạch, bờ ao... Hình ảnh bờ ao rất quen thuộc với người nông dân, hằng ngày, người ta ra đây để giặt giũ, tắm rửa, hái rau, vớt bèo, bắt cá... Và đây cũng là cái cớ cho những người đang yêu ra đây buồn tình mà không bị người khác để ý, trêu chọc, bắt bẻ. Bờ ao vắng vẻ, dễ tập trung suy nghĩ chuyện yêu đương. Ao hồ có khung cảnh đẹp để nhìn ngắm trong lúc buồn. Đó là một khung cảnh hấp dẫn bởi có nhện chăng tơ, có cá đớp bèo, có mặt nước dịu dàng mát mẻ, lãng mạn. Nước là ngọn nguồn của sự sống, là người bạn tâm tình của những đôi lứa yêu nhau. Nước khơi dậy những cảm xúc trữ tình, là nguồn thi hứng vô tận cho thơ ca và là một hình ảnh rất quen thuộc trong ca dao. Nhân vật trữ tình nhân cái hứng đó làm thơ, nên có thể nói, bài ca dao này làm theo thể hứng - một trong ba thể phổ biến của ca dao: phú, tỉ, hứng.

Ta hãy tìm hiểu điểm nhìn của nhân vật để xem thử nhân vật quan tâm tới những gì và vì sao quan tâm như vậy. Nhân vật nói tới cá, vì đây là hình ảnh quan trọng của ao hồ, là yếu tố làm nên tính sinh động của không gian sông nước. Nhưng nếu cá quanh quẩn, lượn lờ thì có thể làm vơi bớt nỗi buồn của con người. Đằng này, cá lặn mất. Đưa ra chi tiết này, nhân vật muốn nói rằng, mình đang rất cô đơn, không biết tâm sự cùng ai ! Nhân vật lại nhìn nhện giăng tơ, gợi nhớ đến dây tơ hồng của ông Tơ bà Nguyệt. Nhân vật hỏi nhện chờ mối tơ duyên của ai, nhưng nhện không biết trả lời, càng buồn. Thực ra, nhân vật tự hỏi: dây tơ có chắp mối cho mình đến với người yêu không ? Chủ thể trữ tình ngổn ngang trăm mối tơ vò nhưng không nói thẳng ra mà người nghe vẫn hiểu được, thế mới hay.

Nhân vật thoát ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp của cái ao, ngước nhìn bầu trời bao la như để tìm lời giải đáp cho những điều khó hiểu về tình duyên. Biết đâu, lại muốn hóa thân thành một vì sao để có tầm nhìn bao quát, tìm kiếm hình bóng người yêu ? Nhưng lại bắt gặp hình ảnh sao Mai mọc "chênh chếch" ở nơi xa xôi, lạnh lẽo. Từ "chênh chếch" gợi tả một không gian nghiêng, không vững vàng, như một nỗi nhớ không xác định phương hướng rõ ràng. Từ sao Mai, gợi nhớ đến sao Hôm, mọc ở vị trí đối lập về không gian, thời gian. Người ta thấy hai ngôi sao này không bao giờ gặp nhau nên thường lấy nó để chỉ sự xa cách. Nhân vật đã thức trắng đêm để rồi bắt gặp nỗi buồn khi trời rạng sáng. Nên có một chút bi kịch, nỗi lo lắng, một niềm yêu thương da diết, khắc khoải mong chờ, chưa biết tương lai sẽ ra sao ? Hai câu hỏi tu từ vương vấn, bám lấy người nghe, đối tượng tâm tình nào mà không mềm lòng khi nghe những lời yêu đương cảm động như vậy.

Ngôn ngữ của bài ca dao này cũng giàu hình ảnh và sử dụng nhiều biện pháp tu từ vốn phổ biến trong ca dao như: câu hỏi tu từ, nhân hóa, ẩn dụ, điệp, đối. Hai câu hỏi tu từ dùng để hỏi nhện và sao, nhân vật lấy cái cớ đó để giãi bày những khúc ẩn trong lòng. Tác giả đã nhân hóa sự vật, xem nhện và sao cũng có đời sống tình cảm như con người. Thực ra, nhện và sao cũng là hình ảnh ẩn dụ. Lấy việc nhện chăng tơ để chỉ tình duyên con người. Lấy sao Mai để chỉ thời gian rạng sáng và sự xa cách trong tình yêu. Việc sử dụng cách nói nhân hóa và ẩn dụ có tác dụng làm cho câu thơ giàu hình ảnh và hàm súc, diễn đạt được nhiều điều tế nhị mà nhân vật không tiện nói thẳng ra.

Biện pháp tu từ quan trọng nhất trong bài là phép điệp. Việc lặp bốn từ "trông" cho thấy nhân vật có khao khát được giao hòa với cảnh vật xung quanh. Điều này dễ hiểu vì những người đang cô đơn bao giờ cũng muốn chia sẻ tâm sự với người và vật. Cụm từ "buồn trông" lặp lại hai lần để khắc sâu nỗi buồn nhớ của chủ thể trữ tình. Một số hình ảnh cũng được lặp lại nhiều lần: cá (hai lần), nhện (bốn lần), sao (sáu lần). Hình ảnh sao được lặp lại nhiều nhất nên có thể xem đó là hình tượng quan trọng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Tác giả lặp cú pháp hô gọi: "nhện ơi nhện hỡi", "sao ơi sao hỡi" để nhấn mạnh nỗi nhớ nhung da diết và khát khao giao hòa với sự vật. Trong câu "Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ" không chỉ có thủ pháp điệp mà còn có sự đối xứng cú pháp của hai vế câu. Rồi trong mỗi vế lại có sự tương phản nhau giữa hai nội dung: hy vọng và thất vọng. Thủ pháp điệp, đối có tác dụng khắc sâu tâm trạng bi kịch của nhân vật trữ tình.

Cũng như nhiều ca dao khác, bài này làm theo thể lục bát, một thể thơ rất giàu tính dân tộc. Cấu trúc bài thơ gồm ba câu, chia làm sáu dòng, gồm ba dòng lục và ba dòng bát xen kẽ nhau, rất hài hòa, cân đối. Các tiếng thứ 2 - 4 - 6 tuân thủ đúng luật đòn cân B - T - B, các tiếng 6 và 8 khác dấu thanh. Bài thơ có nhịp chẵn, cũng như nhạc điệu quen thuộc của ca dao người Việt. Cũng sử dụng vần bằng, bao gồm cả vần lưng và vần chân. Vần đầu tiên của bài là vần "ao" (cuối dòng một), nó buộc tiếng thứ sáu của câu tiếp theo phải vần "ao" (hoặc cùng khuôn vần). Tác giả đã chọn từ "sao" vì nó diễn tả được thời gian ban đêm, không gian xa vắng, thích hợp với tâm trạng cô đơn buồn bã. Cứ theo cách thức như vậy, từ "mờ" ở cuối dòng hai kéo theo từ "tơ" ở cuối dòng ba và "chờ" ở giữa dòng bốn. Từ "ai" ở cuối dòng bốn liên kết móc xích với từ "mai" ở cuối dòng năm và từ "ai" ở giữa dòng sáu. Sự kết dính, hô gọi của hệ thống vần điệu thể lục bát cộng với ngôn ngữ đời thường quen thuộc đã làm cho bài ca dao dễ nhớ, dễ thuộc, có sức lan truyền mạnh mẽ.

Cách lựa chọn các từ ngữ theo trục ngang (kết hợp, ngữ đoạn) cũng rất công phu. Chẳng hạn, khi sáng tác tới từ "chờ", tác giả đứng trước sự lựa chọn hai từ tiếp theo với điều kiện từ cuối phải là thanh bằng. Nhưng từ nào đứng vào vị trí này là thích hợp ? Hàng loạt "ứng cử viên" từ ngữ xếp chồng nhau theo trục thẳng đứng (trục lựa chọn, liên tưởng). Như: mối ai, duyên ai, duyên chăng, mối chăng, duyên anh, duyên em, làm chi, ai đây... Cuối cùng, tác giả đã chọn từ "mối ai", vì từ "mối" chỉ mối tơ duyên đang là sự qua tâm của nhân vật. Từ "ai" là một từ phiếm chỉ thường thấy trong ca dao. Vì lý do tế nhị, người ta không muốn nói thẳng tên thật hoặc các đại từ nhân xưng khác. Từ "ai" không xác định giới tính nên nam hay nữ đều có thể dùng để nói với người yêu. Bởi vậy, bài ca dao càng được nhiều người sử dụng.

Bài Hôm qua ra đứng bờ ao là một thông điệp tình cảm của những người đang yêu. Mặc dù bài ca dao chỉ nói đến nỗi buồn nhớ của chủ thể trữ tình nhưng ẩn đằng sau nó là lời ngỏ ý yêu đương, mong đối tượng hiểu được lòng mình để kết nối tơ duyên. Tác giả dân gian đã rất tài tình khi sáng tạo ra bức thông điệp kín đáo tế nhị như vậy. Nhưng những tín hiệu này có phát huy tác dụng hay không còn chờ đợi khả năng giải mã của đối tượng tâm tình. Bởi vậy, ca dao dân ca là sân chơi của những những giàu tình cảm nhưng phải am hiểu nghệ thuật ngôn từ.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Nguyễn Xuân Đức - Thi pháp ca dao - T/c Văn học, số 9 / 2005

2. Nguyễn Xuân Kính - Thi pháp ca dao - NXB Khoa học xã hội, H. 1993

3. Bùi Mạnh Nhị - Thời gian nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ tình - T/c Văn học, số 4 / 1998

4. Lê Trường Phát -  Thi pháp văn học dân gian - NXB Giáo dục, H. 2000

5. Trần Nhật Tân - Đi tìm tâm thức ca dao trên trục tọa độ không - thời // sách Dư vang nghệ thuật - NXB Hạnh, S. 1967.

 

ko có ai - (vào lúc: 19:11 - 11-13-2018)
hay lắm thanks bạn
pham ngoc huyen - (vào lúc: 20:01 - 01-04-2017)
cô giáo bảo về viết bài "Đêm qua ra đứng bờ ao" thành đoạn diễn dịch

Phamngochien.com - 21:24 - 24/11/2011 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận