NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA LỬA (Phạm Ngọc Hiền)

Lửa và các dạng tồn tại khác của nó có vai trò rất quan trọng đối với con người và vạn vật. Nhiều người cho rằng: "Lửa là nhân tố đầu tiên của mọi hiện tượng" (G.Bachelard), "Mọi vật chỉ là giới hạn của ngọn lửa, nhờ có lửa mà mọi vật tồn tại" (Max Scheler) [3, tr173] . Lửa không chỉ kiến tạo ra vũ trụ mà còn có công tách con người ra khỏi loài vật. Nó gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của nhân loại từ hàng triệu năm nay. Nó ăn sâu vào trong tiềm thức con người và làm sản sinh ra trên trái đất này một nền văn hóa mang tính chất của lửa.

Lửa là đấng sinh thành ra vũ trụ này. "Tất cả các thiên thể đều được sáng tạo ra từ cùng một thiên chất duy nhất của ngọn lửa tinh khiết" (Joachim Poleman). Chúng ta hãy nhìn lên bầu trời ban đêm và nhìn thấy hàng triệu ngôi sao chi chít, đó là những quả cầu lửa. Mặt trời cũng là một quả cầu lửa khổng lồ, ánh sáng của nó đã làm nảy sinh sự sống trên hành tinh chúng ta. Trái đất trước kia cũng là một quả cầu lửa nhưng đã nguội tắt (ở bề mặt). Các nhà nghiên cứu cho rằng, các sinh vật đầu tiên của trái đất được tìm thấy ở những nơi từng có núi lửa hoạt động. Ngọn lửa tiềm ẩn trong tất cả mọi sự vật hiện tượng trên trái đất và tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau. Thần thoại Ấn Độ kể rằng: Thần lửa (Anhi) là con của Cha Trời và Mẹ Đất. Thần được sinh ra trên trời, tạo ra sấm sét và theo nước mưa xuống đất, hòa vào đất đá, cây cối, muôn thú, con người. Thần được mệnh danh là "Đấng thâm nhập khắp nơi". Khi các vật cọ xát nhau sinh ra lửa thì thần Anhi thoát ra từ các vật đó để bay trở lại trời. Sau đó lại xuống mặt đất theo chu kỳ như vậy. Từ thời cổ đại, người Trung Quốc quan niệm rằng, lửa là một trong năm chất kiến tạo ra vạn vật: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy. Cũng theo thuyết âm dương ngũ hành thì mọi sự vật được hình thành từ sự kết hợp hài hòa giữa âm (nước) và dương (lửa). Như vậy, tính chất của lửa có trong tất cả các dạng của vật chất.

Lửa có trong đất đá. Lửa cuộn mình trong lòng đất và phun ra ở các miệng núi lửa mà tạo thành lớp đất đỏ Badan màu mỡ thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp. Tro than cũng thường được dùng phủ lên các cánh đồng để làm phân bón cho cây. Lửa có trong đá. Nhờ biết cách đập hai hòn đá để tạo ra lửa mà thức ăn được nấu chín, trí não con người trở nên thông minh và dần dần con người tách ra khỏi loài vật. Lửa kết tinh trong than đá - một loại nguyên liệu rất cần thiết cho nền văn minh công nghiệp. Nhà thơ Novalis đã nói: "Người thợ mỏ trong tĩnh mạch  của mình có ngọn lửa bên trong của quả đất". Còn nhà phân tâm học Bachelard cũng hết lòng ca ngợi sự kỳ diệu của ngọn lửa trong lòng đất ''Trái đất là bầu vú mẹ nóng ấm như bàn tay người mẹ dành cho đứa trẻ thơ".

Lửa có trong kim loại. Hai thanh kim loại khi đập vào nhau sẽ toé ra lửa. Khi thỏi sắt bị nung đỏ, nhìn vào đấy ta chỉ thấy một cục lửa đỏ rực. Kim loại đồng có màu sắc giống như lửa, "tính chất của vàng là toàn bộ lửa" . Khi các vật ma sát nhau sẽ sinh điện. Dòng điện được dẫn trong kim loại. Lúc bấy giờ, lửa được chuyển hoá thành điện năng để rồi có thể đốt nóng mọi thứ hoặc phát những tia lửa điện như hình dạng ban đầu của nó. Điện có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện đại.

Lửa cũng tiềm ẩn trong cây cối. Có khi ta thấy màu đỏ rực của lửa trong những cánh hoa hoặc trái chín. Đã có vô số những bài thơ nói về những cánh hoa thắp lửa trên cây, rực cháy trong ánh mắt và trái tim con người. Khi hai mẫu gỗ khô cọ xát nhau, lửa hiện nguyên hình và đốt cháy thân xác của kẻ sinh thành ra chúng. Từ hàng triệu năm nay, lửa và gỗ đi với nhau như hình với bóng. Nhưng hiện nay gỗ trở nên khan hiếm và không vào được các thành phố lớn, con người đành chia tay với gỗ và làm bạn với dầu hoả, khí đốt, nhiệt điện...

Lửa tồn tại ở dạng hơi nóng, có thể đốt chín thức ăn. Có khi lửa làm đám ma trơi phát sáng trong bầu khí quyển. Nó ẩn dấu trong các đám mây tích điện chờ cơ hôi phát  lửa. Sấm sét cùng với những cơn mưa đã đem đến cho đồng lúa những mùa bội thu ("Lúa chim lấp ló đầu bờ. Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên"). Khi sét đánh xuống đất tức là lửa trở về với đất mẹ. Không khí là môi trường dẫn điện tốt. Những hiện tượng chữa bệnh bằng nhân điện hoặc thần giao cách cảm cũng truyền bằng sóng điện qua không khí. Chẳng hạn một người con ở xa nhà không hề hay tin mẹ bị nạn, nhưng đúng lúc ấy bụng anh ta như có lửa đốt. Phải chăng lửa truyền từ mẹ sang con qua không khí ?

Lửa cũng tiềm ẩn trong nước dưới dạng xăng dầu, gas, nước sôi, rượu....Rượu mạnh có thể bốc cháy. Chúng ta đã nghe nói đến  hiện tượng người tự bốc cháy, một trong những nghi phạm là rượu. Những người nghiện rượu giống như một cái kho chứa cồn. Trong niên giám Luân Đôn năm 1763 (chương XVIII, tr 78) thuật lại cái chết của một phụ nữ bị nghiện rượu nặng. Từ một năm rưỡi nay luôn uống rượu mạnh với liều lượng cao. Rồi toàn cơ thể bị bốc cháy thành than khi ở bên cạnh lò sưởi mà các vật xung quanh không bị hư hại gì [3, tr 238]. Trong một cuốn sách xuất bản ở Amsterdam, Herri Cohensen kể rằng:"Một nhà quí tộc vào thời nữ hoàng Bona Sforza, sau khi đã uống một lượng lớn rượu, nôn mửa ra những ngọn lửa và bị ngọn lửa ấy thiêu cháy" [3, tr236] có khi xoa bóp rượu để chữa bệnh cũng sinh nhiệt. Năm 1749, nhà vật lý học Jallabert đã xuất bản một cuốn sách về điện, ông kể rằng: Một phụ nữ bị đau khớp nên hằng ngày xoa bóp chân bằng tinh chất rượu vang có pha long não. Một buổi sáng nọ, người ta thấy bà bị cháy thành tro, mà thủ phạm không phải lửa trời hay lửa công cộng. Có thể là do "Chất lân tinh trong cơ thể bị khuấy động mạnh do việc xoa bóp và trộn lẫn với những phân tử tinh tế nhất của tính chất rượu vang có pha long não" [3, tr236]. Nhà thơ Appolinnaire nói "Anh nâng cốc rượu trong tay, vang sóng sánh như ngọn lửa". Do trong rượu có chất lửa nên vào mùa đông, người ta thường uống rượu cho ấm ("Văn hóa rượu" thực chất là một dạng của "văn hóa lửa"). Một người có làn da trắng khi uống rượu say, cơ thể anh ta đỏ rực như một ngọn lửa. Thực ra trong cơ thể con người đã có sẵn lửa. Nhiều người có khả năng phát sáng hoặc đốt cháy các vật khác. Dòng máu nóng đỏ rực là một dòng lửa. Thức ăn bị đốt cháy ở dạ dày rồi chuyển hóa thành năng lượng để nuôi cơ thể. Mọi vận động của con người được thúc đẩy từ lửa. Cơ thể con người giống như một cỗ máy chạy bằng nhiệt, nhưng là cỗ máy chứa tới 65% là nước ở dạng nóng ấm. Qua thiết bị hiện đại, người ta thấy cơ thể người  luôn tỏa ra hơi nóng ngùn ngụt. Như vậy có thể nói con người là một khối lửa tiềm ẩn.

Khi nói đến lửa trong con người, ta thường hiểu nó theo nghĩa bóng, chỉ một xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động của con người. Những người có nhiều lửa, tức là có bầu máu nóng, là những người ưa hoạt động, tính cách mạnh mẽ. Theo cách phân loại của các nhà tâm lý học thì họ thuộc kiểu khí chất Xangganh (kiểu hoạt bát, hăng hái) và kiểu Côlêríc (kiểu nóng chảy). Trái ngược lại là kiểu Phlêcmatic (bình thản) và Mêlăngcôlíc (ưu tư). Con người có thể giải thoát lửa bằng nhiều cách: trong thời chiến tranh thì hăng hái chiến đấu. Một chiến sĩ căm thù giặc cao độ nhưng chưa có cơ hội trút lửa lên đầu giặc thì ngọn lửa căm hờn ấy bị nén lại trong người như một khối thuốc nổ. Lửa bị giam càng kín thì sức công phá càng mạnh. Những người nhỏ con thì sức nén của lửa cao hơn những người to con. Bởi thế có câu: "nhỏ con ngoan độ". Trong thời bình có thể tham gia các hoạt động thi đấu thể thao, lao động tay chân, hoạt động xã hội (để tránh trường hợp "nhàn cư vi bất thiện"). Họ có thể vùi đầu nghiên cứu khoa học hoặc sáng tạo nghệ thuật để giải thoát lửa qua hoạt động trí óc. Lửa ngùn ngụt trong đầu các nhà văn làm cho trán họ luôn nóng, mắt luôn đỏ. Có nhà thơ đặt tên cho tập thơ của mình là "sự mất ngủ của lửa". Người càng có nhiều lửa thì càng dễ thành công trên đường đời. Bởi vậy Bachelard có câu nói nổi tiếng "Siêu lửa báo trước siêu nhân".

Theo xu hướng tự nhiên, lửa thường được giải thoát qua hoạt động tình dục. Trong trường hợp này, tác dụng của nó giống như cái xung lực tình dục bản năng (Libido) mà Frớt miêu tả. Lửa được khởi phát từ cơ quan sinh dục cho nên lẽ tự nhiên là nó được ưu tiên thoát ra theo đường giao hợp. Nhưng nếu con đường này cũng như các con đường khác (hoạt động cơ bắp, trí óc) bị chặn đứng, lửa không thoát ra được thì nó sẽ đốt cháy cơ thể, con người dễ sinh bệnh, tính tình cáu gắt, bực bội. Bởi vậy mà các bà cô lớn tuổi chưa chồng thường rất khó tính. Những người độc thân có ngọn lửa thầm kín mạnh nhất. Những người đa tình hoặc các thiếu nữ mới lớn có một thân hình bốc lửa. Ngọn lửa dục tình bên trong phóng xạ ra ngoài qua các hình ảnh: má hồng, môi đỏ, đôi môi cháy bỏng là một lời mời gọi dục tình. Sự thèm khát tình dục thể hiện qua ánh mắt hừng hực lửa yêu đương. Mắt luôn thắp lửa nên để tự bảo vệ mình, mắt phải thường xuyên tiết ra nước. Dân gian cho rằng, những người mắt ướt là đa tình. Xét ngoại hình con người, những bộ phận mang màu đỏ đều là những cơ quan có thể đem lại khoái cảm tình dục, như môi, má, dái tai, núm vú, cơ quan sinh dục... Một truyền thuyết Châu Úc kể rằng, có một người đàn ông đã giết chết một con vật tổ tên là "euro" có mang lửa trong người. Ông ta giật đứt dương vật rất dài của nó, chẻ đôi ra và thấy trong đó chứa một ngọn lửa đỏ rực. Còn truyền thuyết Nam Mỹ kể rằng, có một anh hùng đuổi theo một phụ nữ và đe dọa sẽ chiếm đoạt chị nếu không cho anh ta bí mật của lửa. Bí thế, chị đành giang rộng hai chân ra, ấn mạnh vào bụng cho cục lửa phun ra từ âm hộ. [3, tr143]. Trong một cuốn kinh cổ Ấn Độ có đoạn" "Người đàn bà là ngọn lửa: bộ phận sinh dục là nguyên liệu, lông là khói, âm đạo là lửa, sự kết hợp của than, dục vọng và khoái lạc là những tia lửa. Trong ngọn lửa này các vị thần ban phát tinh dịch. Con người sinh ra từ  tặng phẩm này của thần linh" [3, tr312]. Như vậy, khi nam nữ giao hợp, hai cục than hồng cọ xát nhau làm thổi bùng lên ngọn lửa yêu đương nồng cháy. Danh ngôn có câu: "Tình yêu chỉ là một ngọn lửa để chuyển giao. Ngọn lửa chỉ là một tình yêu để chộp bắt lấy". Lửa tình càng cao, khoái cảm càng mạnh, kích thích sự rụng trứng. Cái nóng của cơ thể và khí hậu có tác dụng tương hỗ cho việc sinh nở. Điều đó có thể lý giải vì sao từ xưa đến nay, dân xứ nóng bao giờ cũng sinh con đông hơn dân xứ lạnh. Người Iếc- lăng có kinh nghiệm chăn dắt những súc vật vô sinh đi qua đống lửa trong ngày hạ chí và đông chí để kích thích  những con vật ấy sinh đẻ. Ở một số dân tộc, người đốt đống lửa hội sẽ là một nam cộng với một nữ, tốt nhất là những người mới cưới (lửa tình đang mạnh). Đám  thanh niên thi nhau nhảy qua đống lửa để mong được mau lập gia đình và có nhiều con. Có nơi, người ta còn cho phép kèm theo các cuộc truy hoan trong ngày lễ hội lửa. Ca dao Việt Nam có câu: "Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/ Vui thì vui vậy không tày rã La", vì khi kết thúc hội La, người ta tắt hết nến, cho trai gái muốn làm gì thì làm thỏa mái. Họ quan niệm, mùa xuân âm dương tương hợp, lửa tình càng mạnh, vạn vật sinh sản càng nhiều, mùa màng càng tươi tốt.

Lửa không chỉ có trong thiên nhiên và cơ thể con người, nó còn giữ vai trò quan trọng đối với văn hóa nhân loại. "Lửa là một bản thể xã hội hơn là một bản thể tự nhiên" (Bachelard). Đất nước Hy lạp cổ đại, nơi khởi đầu của văn hóa Châu Âu, đã có nhiều thần thoại nói về vai trò của lửa đối với văn hóa tâm linh con người. Họ cho rằng người cha của lửa là Prômêtê. Trước kia, ngọn lửa thiêng liêng chỉ dành cho thần thánh. Nhưng vì thương loài người nên Prômêtê đã ăn cắp lửa của thần linh đem xuống trần gian cho con người. Chàng bị thần Jớt phạt phải xoay một tảng đá lớn lên đỉnh núi cao rồi để nó lăn xuống lại, cứ như thế mãi mãi. Từ đó, tạo ra chủ nghĩa phi lý trong triết học, nghệ thuật phương tây. Ngọn lửa thiêng liêng nhất là ngọn lửa của thần thánh trên đỉnh Ôlimpơ, cho nên trong các lễ hội Olimpíc, người ta phải lấy lửa từ nơi này và giữ cho chúng cháy suốt lễ hội để sưởi ấm và làm tăng thêm sức mạnh các vận động viên. Thần thoại Hy Lạp cũng nói đến giàn hỏa thiên của thần Hecculơ. "Tiếng gọi của giàn hoả thiêu vẫn cứ là một chủ đề thi ca văn bản" (Bachelard). Có rất nhiều nhà thơ viết về lửa và dưới sự thôi thúc của lửa: G.H.Von Schubert, Novalis, Hoffmann, O'Nedly, Edgar Poe, L.Aragông... Đối với dân xứ lạnh, lửa rất quan trọng, trong những tháng ngày dài lạnh giá, ngọn lửa bập bùng đã kích thích những suy tư triết học và sự mơ mộng của các nhà thơ. Rabelais nói: "Lửa là vị đại sư của nghệ thuật". Ta thường gặp màu đỏ trong văn học nghệ thuật cách mạng. Ở Việt Nam, có nhiều nhờ thơ sáng tác rất hay về những hình tượng mang tính lửa: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu, Nguyễn Mỹ, Bằng Việt, Lê Thị Mây ... Trong ngôn ngữ người Việt ta gặp rất nhiều từ ngữ nói về lửa trong con người như: Ánh mắt rực lửa căm thù, cú đấm nảy lửa, đốt cháy tim gan, nóng lòng như lửa đốt ...: Nụ hôn nồng cháy, một cơ thể đẹp bốc lửa, ngọn lửa dục tình, tắt lửa lòng... hoặc: Người đã thắp lửa cho nhạc sĩ  sáng tác, người giữ lửa cho làng nghề truyền thống, đi nhóm lửa cho người nghèo ... Lửa xuất hiện trong màu cờ, tranh cổ động, các hoa văn trang trí ở những nơi thờ cúng.... Lửa xuất hiện trong hầu hết các lễ hội, có khi là một đống lửa, một ngọn đuốc hoặc một tràng pháo. Trong những dịp thờ cúng của người Việt, không thể thiếu ngọn đèn và nhang khói. Đèn được thắp suốt những ngày tết. Trong khi thắp nhang, nếu đầu cây nhang có ngọn lửa thì chỉ được huơ cho tắt chứ không được dùng miệng thổi vì sợ làm ô uế ngọn lửa thần linh. Người ta cũng dùng ngọn lửa thiêng liêng để gửi cho thần thánh những tặng phẩm, như tục đốt vàng mã của người Việt. Người Ba Tư trước đây còn mời lửa ăn trên bàn thờ với lời khấn: "Mời ăn và liên hoan, hỡi thần lửa, chúa tể của mọi người". Nhiều dân tộc tổ chức lễ hội tôn thờ lửa trước bình minh của năm mới. Một vị giáo chủ trực tiếp cọ xát hai thanh gỗ khô và khi ngọn lửa tinh khiết bùng cháy, mọi người vui mừng truyền nó đi tất cả mọi bếp lò. Người Kơ Ho (Tây Nguyên) có lễ cúng gọi thần lửa. Sau lời khấn Yang của giá làng, người ta cọ hai thanh tre vào nhau để phát lửa và chia ngọn lửa thiêng đó cho các nhà. Người ta phải ủ ngọn lửa để duy trì nó suốt năm. Người Việt rất kỵ cho người khác xin lửa đầu năm vì sợ của cải nhà mình sẽ bị phân tán đi và làm ăn không phát đạt. Người ta thờ ông táo (Thần lửa) vì ông giữ lửa và phù trợ cho gia đình. Thần lửa có thể biết hết mọi chuyện và có khả năng trừng phạt con người nên nhiều người khi thề thốt thường nhờ thần đèn chứng giám. Một số dân tộc Tây Nguyên nhờ thần lửa phát hiện dùm kẻ gian hoặc ma lai. Thầy phù thủy đốt chì nóng chảy, niệm thần chú, nếu chì đổ vào tay người ngay thẳng thì sẽ không bị hề hấn gì. Cần nói thêm rằng, nhiều dân tộc ở Tây Nguyên coi lửa là vị thần thiêng liêng nhất của họ nên trước đây có vùng Hỏa Xá do vua Lửa cai trị. Người Ấn Độ cũng tôn thờ thần lửa và tin tưởng ở thần lửa công mình. Trong sử thi Ramayana có câu chuyện rất cảm động như sau: Sau khi chiến thắng quỷ vương Ravana, chàng Rama liền nghi ngờ vợ mình đã không còn chung thủy. Để thanh minh, nàng Sita tự nguyện bước lên giàn lửa. Thần lửa Anhi biết rõ lòng trong trắng của nàng nên không thiêu cháy mà làm cho thân hình nàng thêm rực rỡ. Trong thời hiện đại, người ta cũng chọn cái chết trong lửa để khẳng định lẽ phải. Như anh Mo-ri-xơn đã tự thiêu trước lầu Năm góc để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn năm 1963 để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm... cái chết tự thiêu thường gây cảm phục và được đông đảo người ủng hộ. "Cái chết trong ngọn lửa là cái chết ít cô đơn nhất trong những cái chết. Đó thực sự là cái chết mang tính vũ trụ (...) Giàn hỏa thiêu là bạn đồng hành trong bước vận động phát triển" (Bachelard).

Chúng ta đã nói nhiều về vai trò của lửa nhưng cũng nên nhớ rằng, lửa cũng gây tác hại không kém. Nó sẵn sàng không tha thứ cho những ai có ý muốn đùa nghịch hoặc bất cẩn với nó. Nó luôn rực đỏ dưới địa ngục để trừng phạt kẻ có tội. Theo lời sấm truyền, ngọn lửa sẽ thiêu cháy thế giới vào ngày phán xử cuối cùng. Lửa đã hủy diệt nhiều nền văn minh, thành quách trước sự reo vui của kẻ đốt và giữa tiếng la hét của kẻ đang giãy chết. Nó tạo ra mọi vật để rồi thiêu hủy mọi vật. "Đó là một vị thần hộ mệnh và đáng sợ, thiện và ác (...) Nó là một trong số những nguyên tắc giải thích có tính toàn năng" (Bachelard - "Phân tâm học về lửa" - Paris.1938).

 

PHẠM NGỌC HIỀN

* Tài liệu tham khảo:

1) Bộ giáo dục và đào tạo - Triết học, tập I - NXB Chính trị quốc gia - H-1999.

2) Nguyễn Đình Chi - Lịch sử hoá học - NXB Khoa học kỹ thuật - H-1977.

3) S.Freud, G.Bachelard ... - Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật - NXB Văn hóa thông tin H.2000.

4) Phương Lựu-Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX-NXB Giáo dục-H.2001.

5) Lưu Đức Trung - Văn học Ấn Độ - NXB Giáo dục - H.1999.

 

Phạm Ngọc Tú - (vào lúc: 20:04 - 04-07-2020)
Bài viết của cô rất hay
Phạm Ngọc Tú - (vào lúc: 20:04 - 04-07-2020)
Bài viết của cô rất hay

Phamngochien.com - 15:43 - 13/12/2009 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận