Nhận xét đề thi TN THPT môn Ngữ văn năm 2013 (Phạm Ngọc Hiền)

 

Trong các kì thi tốt nghiệp THPT, đề thi môn Ngữ văn thường tạo sự chú ý của dư luận nhiều hơn cả. Trong đề thi năm 2013, bên cạnh những điểm kế thừa các năm trước, những người ra đề cũng tạo ra bước đột phá thú vị ở câu nghị luận xã hội.

 

Câu 1. (2,0 điểm)

Trong phần cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì ?

Ở câu 1, đề thi vẫn trung thành với hướng đề mở như các năm trước. Đề thi không yêu cầu thí sinh phải nhớ thuộc lòng toàn bài giảng mà chỉ tập trung vào một chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du. Lối ra đề này buộc giáo viên phải giảng kĩ và nắm bắt được những chi tiết quan trọng của tác phẩm. Vì nếu giảng rất kĩ nhân vật và nội dung tư tưởng mà bỏ qua chi tiết vòng hoa trên mộ thì học sinh sẽ không làm được câu hỏi này.

Câu 2.(3.0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều ngày 30 -4 - 2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường Trung học phổ thông Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

(Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6 - 5 - 2013)

Câu 2 có tính đột phá cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn ở Việt Nam, đề thi nghị luận xã hội hướng thí sinh đến một sự việc cụ thể diễn ra trong thực tại. Việc một học sinh cứu người bị nạn rồi chính mình cũng bị nước cuốn trôi sẽ gây xúc động, giúp các thí sinh có hứng thú viết được những câu văn hay, tự nhiên, chân thực mà không bị gò ép. Đề thi bàn chuyện "cứu người" chứ không bàn về chuyện "giết người" nên có tính giáo dục cao. Nó cũng giúp học sinh thoát ra khỏi xu hướng sùng cổ, đưa họ trở lại với thực tại cuộc sống quanh ta.

 

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5.0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ -  Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam - 2012).

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5.0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam - 2012, tr. 115 - 116 - 117)

 

Câu 3a: Phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. Câu này rất cũ, suốt mấy mươi nay đã ra đi ra lại không biết bao nhiêu lần. Nhưng đáng buồn hơn là cấu trúc của câu hỏi hơi rối rắm: "Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm tình mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài". Câu này bị lỗi chập mạch, đáng ra, nên chấm câu ở chữ "mùa xuân". Và cụm từ sau cũng khó hiểu: "Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm...". Mặc dù câu hỏi hơi rối nhưng không sao, vì thí sinh đều hiểu rõ đề thi muốn nói gì.

Câu 3b: Phân tích một đoạn thơ trong trường ca "Mặt đường khát vọng". Người ra đề đã chọn được một đoạn thơ hay (từ "Đất là nơi anh đến trường" đến "Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng"). Đoạn thơ này cũng tích hợp nhiều kiến thức về văn học dân gian, văn hóa, địa lí, lịch sử... nên thí sinh tha hồ dùng "kiến thức tổng hợp" mà bàn luận. Như vậy là trong câu 3, thí sinh được chọn phân tích văn hoặc thơ, cả hai đề đều khá quen thuộc và vừa sức với học sinh trung bình.

PHẠM NGỌC HIỀN

Gợi ý giải câu lí thuyết:

Câu 54: Trong truyện ngắn Thuốc, Lỗ Tấn cho lặp lại câu nói của mẹ Hạ Du "Thế này là thế nào?" có dụng ý gì? Giải thích ý nghĩa vòng hoa trên mộ Hạ Du.

Lỗ Tấn để cho bà mẹ Hạ Du băn khoăn nhiều lần về hình ảnh vòng hoa trên mộ hạ Du: "Cái gì thế này?", "Thế này là thế nào?", "Thế là thế nào nhỉ?" với mục đích làm cho bạn đọc chú ý đến chi tiết vòng hoa trên mộ, từ đó có suy nghĩ đúng đắn về cái chết Hạ Du. Ban đầu, bà mẹ Hạ Du có thái độ ngạc nhiên về vòng hoa, sau đó vui mừng, "nhẹ đi như cất được gánh nặng" cho thấy bà đã hết "xấu hổ" khi thấy cái chết của con mình là oan ức. Việc bà Hoa đến an ủi, chia sẻ nỗi niềm với mẹ Hạ Du cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của nhiều người dân Trung Quốc lúc bấy giờ về cách mạng.

Vòng hoa trên mộ Hạ Du là một chi tiết nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa lớn. Đó là "một vòng hoa, hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau, nằm khoanh trên nấm mộ khum khum", "xếp thành vòng tròn", "chỉnh tề"... Đây không phải là hoa tự mọc, cũng không có ai dám tới đây trồng, cũng không phải trên trời rơi xuống, như vậy chỉ có thể là vòng hoa của tác giả đặt. Qua chi tiết vòng hoa, tác giả bày tỏ sự tiếc thương, lòng thành kính với người chiến sĩ đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp. Đồng thời, thể niềm tin, ước vọng vào sự chiến thắng của cách mạng.

.

Sách có bán ở hiệu sách Nguyễn Văn Cừ

Quốc lộ 13, gần ngả tư Bình Triệu - Thủ Đức

 


Phamngochien.com - 14:07 - 02/06/2013 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận