NGÔI NHÀ THỨ HAI CỦA VĂN NGHỆ SĨ PHÚ YÊN (Phạm Ngọc Hiền)

Chào mừng Đại hội Hội LH VHNT Phú Yên lần thứ IV ( 28 - 29 / 9 / 2009 )

Tôi nhớ... một ngày hè năm 1995, lần đầu tiên tôi bước chân vào trụ sở Hội VHNT tỉnh Phú Yên (lúc còn ở trên đường Trần Hưng Đạo) để nhận nhuận bút một bài thơ đăng trong mục Sáng tác trẻ. Lúc ấy, ở Hội chưa ai biết tôi và tôi cũng chưa quen ai. Thế mà gần 15 năm sau, tôi trở thành một người thân thiết với Hội đến mức... đi xa thấy nhớ.

Tôi có dịp sống ở cả ba miền Bắc Nam Trung, đi đâu, tôi cũng quảng bá cho Hội VHNT tỉnh nhà (mặc dù chẳng ai bảo tôi làm điều này). Đầu tiên, tôi khoe tỉnh tôi là nơi khởi nguồn cho Ngày thơ Việt Nam. Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống trên núi Nhạn đã tồn tại gần ba thập kỷ nay. Phú Yên có nhiều nhà văn đoạt giải thưởng VHNT cấp Quốc gia và có hai nhà nhiếp ảnh đẳng cấp Quốc tế. Tôi khoe tỉnh tôi đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Văn học dịch toàn quốc năm 2004... Có người tò mò hỏi: chủ tịch Hội của anh là ai nhỉ ? Nghe tôi nói Đào Minh Hiệp, có người biết, có người không, tôi chú thích: đó là cái ông dịch bộ phim Nước mắt người giàu đó mà. Họ "À... biết, tỉnh anh có người giỏi ngoại ngữ nhỉ !".

Nhân tiện, tôi khoe cả cái trụ sở Hội vào loại đẹp nhất trong các Hội VHNT Việt Nam. Nào là kiến trúc tân kỳ, nằm trên bờ biển sóng vỗ rì rầm lim dim đôi mắt. Nhìn lên, bầu trời cao xanh lồng lộng, nhìn xuống công viên 1 tháng 4 rực rỡ sắc màu... Để tăng sự quyến rũ, tôi còn nói ở đây có cả phòng nghỉ cho văn nghệ sĩ thập phương tới ở miễn phí. Tôi nhớ, năm 2006, nhà văn Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc NXB Văn học làm một chuyến hành trình xuyên Việt, định ghé vào Phú Yên hai ngày nhưng thấy nhà khách của Hội quá hấp dẫn và văn nghệ sĩ Phú Yên quá mến khách nên ở luôn tới... bảy ngày. 

Trụ sở Hội như một căn nhà thứ hai của văn nghệ sĩ Phú Yên. Chủ nhân của căn nhà ấy, trước hết là các cán bộ và nhân viên văn phòng. Tôi thuộc lòng tính nết từng người. Đó là cụ Hiệp hơi kỹ tính, bác Kỳ hơi dễ tính. Bác Thảo tóc đã hoa râm nhưng tính tình rất trẻ, anh Quốc tuổi còn trẻ nhưng đạo mạo như một... cụ non. Mỗi lần bước vào văn phòng Hội, người ta được đón tiếp bằng nụ cười hề hề của cụ Chánh Cưỡng. Ngoài ra còn có anh Quỳ, bác Nuôi, chị Hiền, Trang, Gioanh và các hội viên của Hội, mỗi người một vẻ, có cá tính rất khác biệt nhưng đều xem Hội là ngôi nhà chung.

Anh em hội viên thường lui tới đây với nhiều lý do: nhận tạp chí ra hàng tháng, lĩnh nhuận bút, gửi bài cộng tác, nộp bản thảo để xuất bản sách, nộp tranh ảnh để triển lãm... Thỉnh thoảng, cũng có những cuộc họp và hội thảo, triển lãm thu hút nhiều người tới dự. Nơi đây giống như một điểm hẹn để gặp gỡ chuyện trò, trao đổi thông tin, bình luận thời sự văn nghệ. Nhiều khi hàng tháng không tới Hội thì cảm thấy nhớ. Gặp ở đâu, anh em vẫn thường hỏi: "Hổm rày có xuống thăm Hội của mình hông ?", "Hổng biết tạp chí Văn nghệ của mình tháng này ra chưa dzậy cà ?".   

Văn phòng Hội không chỉ là nơi lui tới của các hội viên mà bất cứ ai yêu thích VHNT cũng có thể ra vào thỏa mái. Có khi, người ta vào mua một cuốn Tạp chí Văn nghệ Phú Yên hoặc liên hệ công việc gì đó cho cơ quan mình. Mỗi lần có triển lãm tranh ảnh, người vào xem rất đông. Buổi sáng đi tắm biển hoặc buổi chiều đi dạo mát, người ta cũng đi ngang qua trụ sở Hội, ngồi uống nước mía trước cổng trụ sở Hội nhìn vào ngắm những bức tượng thiếu nữ duyên dáng thấp thoáng bên những cây kiểng để thả chút hồn văn nghệ. Hoặc nếu không vào, không đi ngang qua Hội Văn nghệ thì trong tim mỗi người cũng có cái gì đó rất... văn nghệ. 

Mong ước của tôi là Hội VHNT Phú Yên mãi mãi là điểm hội tụ chan hòa tình cảm của tất cả văn nghệ sĩ và công chúng yêu văn nghệ.

                                                                                                PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 15:49 - 13/12/2009 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận