Lửa tình trong thơ Vũ Huy Thông (Phạm Ngọc Hiền)

 

LỬA TÌNH TRONG THƠ VŨ HUY THÔNG

 

    Theo những nhà Phân tâm học, lửa là ngọn nguồn của sự sống và tình yêu. Ở các văn nghệ sĩ, ngọn lửa tình rất mạnh, nó là nhiệt năng để sản sinh ra những bài thơ cháy bỏng tình người. Lửa cũng khơi nguồn cho thi sĩ Vũ Huy Thông sáng tác nên tập thơ có cái tên rất ấn tượng: Lửa tình.

     Tập thơ viết về nhiều đề tài khác nhau: tình yêu đôi lứa, hoài niệm quê xưa, tình đồng đội, kỷ niệm mái trường, vẻ đẹp thiên nhiên... Nhưng nổi bật hơn cả là những bài thơ viết về tình yêu. Đây cũng là nội dung chính xuyên suốt ba tập thơ Tình xuân, Tình yêu và nỗi nhớ, Lửa tình của Vũ Huy Thông. Tình yêu trong Lửa tình có nhiều cung bậc khác nhau, phản ánh những rung cảm đa dạng của nghệ sĩ trước cuộc sống muôn màu. Đó là ngọn lửa của "Tình ta" khởi phát rất hồn nhiên trong một chiều nắng đẹp:

Rực hồng như ngọn lửa

Hồn nhiên như cỏ hoa

(...) Ta cho nhau tình yêu

Ngọn lửa tình say đắm

Mắt em cười trong nắng

Dâng cao ngọn sóng triều.

     Thông thường, lửa và nước không thể kết hợp với nhau, nhưng trong thơ Huy Thông, "lửa tình" và "sóng triều" gắn liền nhau. Nhờ có lửa tình mạnh mà sóng triều lên cao, sóng nước dâng lên không phải dập tắt lửa và lửa cũng không làm tan biến nước. Đó là cách kết hợp hình ảnh rất lạ và hay. Lửa tình do cả hai đối tượng tương tác mà tạo ra nhưng có lúc chỉ xuất phát từ "Ánh mắt chiều say" của người con gái:

Đôi mắt biếc nồng nàn thăm thẳm

Bừng lên như một khoảng trời riêng

Ở nơi ấy, hoàng hôn nghiêng bến nước

In bóng hình lồng giọt nắng chiều rơi.

     Vẫn là một sự kết hợp lửa và nước trong buổi chiều tình tự. Nó xuất hiện bên cạnh nhau như để tạo sự thăng bằng giữa hai cực âm dương. Có khi, tác giả nói đến ngọn "Lửa tình" cháy bất diệt trong tim người con trai đa tình.

Yêu nhau nhớ đến bạc đầu

Mãi vang vọng ở trong sâu thẳm tìm

Lửa tình ai nhóm vào tim

Mà âm ỉ cháy giữa thiên tình đời

      Ngọn lửa tình say đắm không chỉ được thể hiện qua ánh mắt, trái tim mà cũng được phản ánh trong nụ hôn, bờ môi... Nụ hôn đầu đời đã đi vào xa xôi quá vãng nhưng hơi nóng của nó vẫn đủ sức tỏa ấm lòng người. Dẫu đi tới mọi chân trời góc bể, trong lòng thi sĩ vẫn giữ một "Hoài niệm" đẹp về mối tình đầu:

Thu tàn trút lá sầu đông

Nụ hôn cháy bỏng, tình nồng ngõ si

Nặng lòng kẻ ở người đi

Cũng từ ngày ấy lâm ly góc hồn.

        Phần lớn những bài thơ tình trong tập không trực tiếp nói đến lửa nhưng ta vẫn cảm nhận ngọn lửa tình yêu nồng nàn tỏa ấm trang thơ. Có những "Nụ hôn" không rực cháy nhưng vẫn có hơi ấm của lửa: "Thiên đường xanh nụ hôn đầu / Bờ môi khép hở giữa cầu nhân duyên". "Ai đem nhốt gió vào mây / Càng thêm nhung nhớ những ngày vắng em / Con đường nhỏ, lối đi quen / Nắng trưa sương sớm nghe thèm bờ môi" (Những ngày vắng em). Có khi, nó ám ảnh trong cái màu tim tím của "Thung lũng tình yêu":

Ta tìm về cõi nguyên sơ

Tím hồn sương khói ngẩn ngơ bóng chiều

Đây rồi thung lũng tình yêu

Đọng trong ánh mắt bao điều mộng mơ

Vô tình đánh rớt câu thơ

Làm viên sỏi ánh đáy hồ tình yêu.

     Tuy nhiên, không phải bài thơ nào của Huy Thông cũng có sẵn hơi ấm của đất trời. Trong buổi chiều mưa lạnh lẽo, trời đất thiếu "lửa" nhưng không có nghĩa là trong lòng thi sĩ đa tình thiếu lửa. Trong mưa, con người nảy sinh "Tình mưa", vẫn ấm áp trong tâm tưởng khi nghĩ về tình yêu và thân hình "rực lửa" của "bóng người xưa":

Bỗng dưng trời đổ mưa chiều

Gió lùa lành lạnh cô liêu riêng mình

Hạt mưa sao cứ vô tình

Gieo vào nỗi nhớ bóng hình người xưa.

     Trong cái lạnh lẽo của đất trời, con người vẫn ủ ấm niềm tin yêu vào những kỷ niệm ngọt ngào về tình yêu đôi lứa, tình quê hương xứ sở. Tác giả quê ở Thái Bình, nơi có những tháng mưa phùn lạnh lẽo buốt xương. Vào lập nghiệp ở Bình Phước đầy nắng gió nhưng trong lòng vẫn ủ kín "Tình quê":

Quê nhà dù đã xa lâu

Vẫn thương cái thuở cỡi trâu, té bùn

Tháng giêng rắc sợi mưa phùn

Hồn quê ấp ủ nỗi buồn bao năm

(...) Cỏ non lạnh cóng cành sương

Hoa cau trắng nở tình thương quê nhà.

     Nói tóm lại, ngọn lửa tình trong thơ Huy Thông rất mạnh mẽ. Nó thể hiện ở tình yêu sôi nổi, cuồng nhiệt, qua ánh mắt, bờ môi, con tim. Có khi, lặng lẽ nằm trong đáy sâu con tim đa cảm của tác giả. Lửa trong tâm hồn, lửa từ ngoại cảnh, dẫu có khi đất trời lạnh lẽo, biến cố thăng trầm nhưng trong tim thi sĩ vẫn nồng đượm một ngọn lửa tình yêu, tình quê. Nó đẹp giống như quả "Hồng thơm" qua cách nói ví von của thi sĩ:

Sinh ra trong kiếp con người

Phong sương thân lá bật ngời sắc hoa

Tình người ngọn lửa trong ta

Cứ rừng rực cháy đậm đà hồng thơm

PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 15:33 - 06/10/2012 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận