Bình luận đề thi Đại học môn Ngữ văn năm 2013 (Phạm Ngọc Hiền)

Đề Văn khối C

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật nào? Hình ảnh Hà Nội có ý nghĩa gì đối với đời sống tâm hồn Liên?

Câu 2 (3 điểm): Nhìn lại vốn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứ Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là:

"Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn."

(Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.160-161) Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh/chị hãy bày tỏ quan

điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm):

Thí sinh chỉ được làm một trong hai phần (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm).

Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng:

người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Câu 3b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm).

Có ý kiến cho rằng: sự nhấn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa - Nam Cao) không đáng trách, chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà làng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách.

Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

 

Đề Văn khối D

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm)

Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013), Nguyễn Tuân từng nhìn "Sông Đà như một cố nhân".

Người "cố nhân" ấy có tính nết như thế nào? Cách ví von này có ý nghĩa gì?

Câu 2 (3,0 điểm):

Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét:

Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.

(John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng, 2013, tr.113)

Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Tran Hung John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.

Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng : nét nổi bật ở người nghệ sỹ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.

Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

 

Bình luận của Phạm Ngọc Hiền

 

Ấn tượng của tôi về đề thi đại học môn Ngữ văn năm 2013 là có sự quán triệt thống nhất về cách ra đề giữa hai khối. Có rất nhiều cái giống nhau ở cả hai đề Văn khối C và D. Bằng chứng là:

Câu 1: Cả hai khối C và D đều bàn về một chi tiết văn xuôi. Khối C, bàn về ấn tượng của chị em Liên đối với Hà Nội. Khối D bàn về ấn tượng của Nguyễn Tuân với con sông Đà. Cả hai câu đều ra dạng đề mở để tránh học vẹt.

Câu 2: Cả hai đề đều bàn về thói xấu của người Việt. Đề khối C bàn về tính khôn vặt của người Việt (ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau). Đề khối D bàn về tính cách thụ động của người Việt. Cả hai đề đều hay nhưng theo tôi, đề khối D thiết thực hơn. Nó đã mạnh dạn lột tả căn bệnh tinh thần của quốc dân Việt Nam nay: chỉ biết "làm theo" chứ không dám "làm khác". Cả xã hội cứ ì ịch xoay vần theo cối xay lúa mà không ai cải tiến được.

Câu 3: Cả bốn câu đều ra thao tác bình luận - một thao tác mà lâu nay rất ít sử dụng trong các kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Thông thường, người ta chỉ ra đề thi kiểu như: anh / chị hãy phân tích..., nêu cảm nhận về một đoạn thơ, một nhân vật. Nay, cả bốn câu đều ra thao tác bình luận như vậy cũng khiến nhiều thí sinh bỡ ngỡ và không rõ phải triển khai thể loại này theo những bước nào. Để tránh sự đột biến trong lần thi này, lẽ ra, trong mỗi đề thi, nên dùng một câu bình luận, một câu phân tích để thí sinh lựa chọn.

Như vậy, cái mới của năm nay là, cả hai đề thi khối C và D đều có sự thống nhất cao trong cách ra đề. Câu nghị luận xã hội đều bàn về các thói xấu của người Việt. Cả bốn câu nghị luận văn học đều ra thể bình luận, mỗi đề đều có sự cân đối giữa văn xuôi và thơ. Như thế cũng hợp lý ! Hy vọng các năm tới sẽ còn có những cái mới hơn năm nay.

 


Phamngochien.com - 20:44 - 10/07/2013 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận