Xóm nhà trọ (Phạm Ngọc Hiền)

Ngày 16 tháng 11, cách đây đúng 10 năm (2007 - 2017), Hiền bước chân vào Sài Gòn lập nghiệp. Trong vòng mười năm ấy, biết bao kỷ niệm vui buồn. Hôm nay, ngồi ôn lại quãng đường vừa qua, tôi chỉ nhấn mạnh thời gian 7 năm ở trọ. Đó là thời điểm rất khó khăn và cũng để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất.

XÓM NHÀ TRỌ

Trong đời, tôi đã từng ở trọ nhiều nơi: Tuy Hòa, Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, Sài Gòn… Ở mỗi tỉnh thành, tôi cũng trải qua nhiều nhà trọ khác nhau. Tôi xem việc ở trọ như một cái nghiệp mà đời mình phải gánh trên bước đường lập nghiệp gian truân. Câu chuyện về xóm nhà trọ sau đây diễn ra ở Thủ Đức trong thời gian bảy năm đầu lập nghiệp ở Sài Gòn.

Sáng ngày 16 tháng 11 năm 2007, tôi đặt chân đến bến xe miền Đông và tìm một phòng trọ tạm thời gần bến xe. Sau đó, tôi đi tìm nhà trọ. Đầu tiên là quận Bình Thạnh. Sau đó tới quận 2. Nhưng vẫn không có. Cũng có thể do tôi không rành vùng này nên tìm không ra. Cuối cùng, tôi tìm được một chỗ ở Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Ngày đầu tiên tới ở, căn phòng không có tiện nghi gì. Tôi chẳng kịp mua đồ đạc nên tạm thời nằm trên chiếc chiếu rách, lấy sách gối đầu. Khổ thay, hôm đó lại cúp điện, nằm nghe muỗi hát thâu đêm. Tôi thao thức và cám cảnh. Ngày mai là tết Nhà giáo, nếu còn ở cơ quan cũ thì rất vui nhưng tôi đã đi rồi. Còn cơ quan mới chưa biết tôi nên tôi lửng lơ giữa cái cũ và cái mới. Suy tư về quá khứ, lo lắng cho tương lai, lòng tràn ngập nỗi cô đơn. Sau nửa năm sống ở đây, tôi lại phải chuyển đi vì chủ nhà bán đất cho một công ty. Tôi lại thất thểu đi tìm nhà trọ. Tìm mãi mới ra một căn phòng nhỏ nằm trong một ngõ hẹp. Lối đi nhỏ đến mức không thể dắt xe máy vào được. Căn phòng tối thui, không nắng, không gió. Tôi chịu đựng được một tuần thì đi tìm nơi khác. Cuối cùng, tôi cũng được một nơi khá lý tưởng trong đoạn đời ở trọ của mình.

Chỗ nhà trọ thứ ba này nằm trong trong một con hẻm nhỏ trên đường Kha Vạn Cân, đối diện chùa Ưu Đàm. Đó là một con đường nhỏ lòng vòng không nhớ nổi có bao nhiêu xẹt, nhưng càng đi sâu vào thì không gian càng thoáng đãng. Còn nhớ, cách đấy khoảng 15 năm, phần lớn huyện Thủ Đức vẫn còn là cánh đồng và vườn cây ăn trái bạt ngàn. Ngày nay, vẫn còn khá nhiều đầm lầy, nhiều trảng cỏ tranh nằm phía đằng sau các dãy nhà dọc đường lớn. Khu tôi ở thuộc vùng trũng. Vào mùa nước ngập, cá bơi vào nhà cả đàn. Hàng xóm giăng lưới trên đường hẻm cũng bắt được khá nhiều cá. Phía trước nhà trọ là một vườn mai. Xa hơn nữa là sông Sài Gòn. Bên trái là vườn dừa của chùa Vân Thanh. Khung cảnh hoang dã nên tôi cũng thường đón tiếp nhiều sinh vật hoang dã như rắn, rít, bò cạp, ốc sên, đặc biệt là chuột. Ban đêm, ếch nhái kêu ồm ộp, còn hoành tráng hơn cả làng quê Tuy Hòa của tôi thời thơ ấu. Thỉnh thoảng, nghe tiếng con gì chạy rồn rột trên mái nhà tôn. Ban đầu cứ tưởng là mèo, sau này mới biết là khỉ. Đôi lúc cũng nhìn thấy vài con sóc leo trèo trên các đọt dừa. Đủ các loại chim chóc bay về đây ca hót líu lo. Nói chung, dưới con mắt của một nghệ sĩ quen cái nghèo, đó là một khung cảnh có thể làm nảy sinh cảm hứng thơ ca nhạc họa.

Nhưng đây cũng là một nơi đầy “chất văn xuôi”, thích hợp cho những nhà văn mang cảm hứng hiện thực. Xóm trọ có đủ mọi thành phần xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Tôi nghĩ, nếu không có dịp ở trọ bảy năm và lăn lộn cuộc sống ở chốn này thì khó có thể hiểu hết những ngóc ngách của Sài Gòn. Tôi nhìn hiện thực phố phường từ góc nhìn của một kẻ không nhà, không bà con họ hàng, sống tha phương cầu thực nơi đất khách quê người. Tôi vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng, sau lưng vẫn còn nhiều nợ nần – kết quả của một thời gian dài học tập gian nan. Ai hỏi tôi làm nghề gì, tôi nói làm giáo viên, cố gắng tránh chữ “giảng viên” hoặc “tiến sĩ”. Tôi không muốn họ ngạc nhiên tại sao một người học hành nhiều như tôi lại đi ở trọ. Nhưng tôi tự an ủi, thời gian đầu lập nghiệp ở Sài Gòn, ai mà chẳng ở trọ. Những người Sài Gòn gốc ngày xưa cũng là dân tứ xứ và từng ở trọ cả.

Nhưng vấn đề chính mà tôi muốn nói ở đây là những con người trong xóm nhà trọ. Người mà tôi ấn tượng nhất là anh Sông. Gia đình anh từ miền Tây lên đây sinh sống. Sáu con người sống trong một cái nhà trọ chật hẹp, trong nhà đầy những đồ đạc linh tinh. Anh làm nhiều nghề, nhưng đều không trụ được lâu. Bởi lẽ, anh không thích gò ép mình vào khuôn khổ nào. Anh nói: “Em chỉ thích làm nghề tự do, trên đầu không có ai”. Tôi lại nghĩ đến mình: trên đầu tôi có quá nhiều người quản lý. Tôi tham gia nhiều lĩnh vực, dạy nhiều nơi, mỗi nơi như vậy đều có nhiều người quản lý. Thế mà tôi vẫn chịu khó “dạ, thưa”, đưa đẩy để làm hài lòng hết thảy mọi người. Nhưng Sông thì thích tự do, bởi vậy anh chọn nghề đánh cá trên sông, đúng như cái tên của anh. Buổi tối, anh xách lưới điện đi dọc sông Sài Gòn hoặc các ao đìa nhỏ ở khu Hiệp Bình Chánh. Buổi sáng, vợ anh mang cá ra đầu hẻm bán. Trong khi đó, chồng ở nhà chế biến các món nhậu. Nhờ sống bên cạnh nhà anh, tôi mới biết thêm nhiều món nhậu dân dã ở miền Tây như cá lóc nướng trui, rắn hầm sả ớt, thịt rùa nấu cà ri…

Ngày nào, Sông cũng nhậu. Chiến hữu của anh thường là các thợ hồ. Nghe họ trò chuyện, tôi cũng biết thêm nhiều điều về cuộc sống của giới thợ thuyền Sài Gòn. Những lúc không có bạn nhậu, anh khẩn khoản mời tôi ra chơi. Tôi vốn rất quý thời gian nhưng cũng tranh thủ ngồi chơi với anh để thiết lập tình làng nghĩa xóm. Chúng tôi ngồi dưới mái hiên nhà trọ, trên đầu trăng thanh gió mát, phía trước một khu vườn bát ngát hương hoa. Sông uống rượu rất nhiều và đôi khi cũng nói dóc. Có lúc, anh cố ý nói to cho vợ nghe: “Em phải lo làm kiếm tiền nuôi vợ con”. Tôi biết vợ anh luôn càm ràm về việc chồng bê tha rượu chè. Chị cũng làm nhiều nghề để khỏi lệ thuộc ai nhưng thu nhập cũng không có bao nhiêu. Có lúc, Sông nói to: “Ở khu nhà trọ này, nói về khả năng thu nhập thì tui chỉ đứng sau anh Hiền”. Chị vợ không cãi lại trong lúc anh say. Nhờ vậy gia đình vẫn tạm bình yên.

Mỗi lần thấy tôi ngồi nhậu với Sông, gia đình ông chủ nhà trọ rất ngạc nhiên. Bởi lẽ, ông nghĩ rằng tôi và Sông là hai thành phần rất khác nhau nên không thể ngồi chung trò chuyện thân mật được. Thực ra, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Tôi cũng xuất thân từ dân lao động. Ngoài nghề nông, tôi đã từng phụ gia đình làm thêm nghề thợ mộc, thợ máy, thợ vẽ, buôn bán... Tôi đánh giá con người không căn cứ vào nghề nghiệp, chức vụ, trình độ, tài sản, cách ăn mặc, nói năng… Quan điểm sống của tôi là “Tôi đối xử tốt với những ai đối xử tốt với tôi”. Sông tôn trọng tôi, bởi vậy, tôi cũng tôn trọng Sông. Tôi có thể ngồi nói chuyện thân mật với những vị giáo sư chữ nghĩa đầy mình cho đến những người mù chữ. Tôi đã từng ngồi ăn uống ở những nhà sang trọng bậc nhất Sài Gòn nhưng cũng có thể ngồi vỉa hè uống rượu nhắm mì tôm. Với tôi, ngồi chơi với ai và ăn uống thế nào là không quan trọng, miễn là cảm thấy thỏa mái, không e dè. Tôi ngại những nơi quá khách sáo: “Mời anh chị cầm đũa !”, “Không dám, không dám !”… Người bình dân ở Phú Yên quê tôi và miền Tây giống nhau ở tính đơn giản, thỏa mái. Tôi thích tính Sông là vì vậy.

Sông không biết chữ nhưng vẫn biết sử dụng điện thoại di động. Tôi không hiểu anh ta tra tìm danh bạ bằng cách nào. Biết mình có nhược điểm vừa nghèo, vừa mù chữ nên Sông cũng kiếm một vài ưu điểm gia đình để khoe: “Má em nói tiếng Pháp giỏi lắm đó !”. Tôi không rõ chuyện này có thật không nhưng thấy má anh có vẻ sang trọng. Cách đối nhân xử thế của bà cũng rất hay. Anh kể, ba má anh xích mích nhau. Có lần ba anh đánh má anh rớt xuống sông. Gia đình anh lại xích mích với họ hàng nên phải bỏ xứ lên Sài Gòn. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng có ngày sẽ lấy lại ruộng vườn ở dưới quê để đổi đời. Sông lại khoe: “Ba em là trung tá chế độ cũ đó. Nhưng do thất thế nên con cháu phải khổ thế này”. Tôi tạm thời tin chuyện này. Nhưng có lần khác, trong lúc say, anh lại khoe: “Ba em là trung tá của cách mạng đó nhưng em không muốn nhờ vả ổng”. Tôi vặn lại: “Sao lần trước nói là trung tá phía quốc gia ?” Anh ta lúng túng nhưng cuối cùng cũng kiếm được câu giải thích: “Trung tá quốc gia nhưng mà làm nội ứng cho cách mạng, nhưng ổng mất rồi”. Tôi im lặng và nhìn vào cái ly rượu rót đầy nhưng không ai được phép uống. Mỗi lần nhậu, Sông đều rót một ly để mời cha mình - người quá cố - về cùng nhậu với con.

Sông có một người em gái tên là cô Út. Cô này không chồng nhưng có con. Cha của đứa bé ở với vợ con ở Cần Thơ. Còn ở Sài Gòn, Út có yêu một anh thợ hồ cũng là chiến hữu nhậu nhẹt với Sông. Anh này cũng đã có vợ nên tài khoản phải chia ra vừa vợ vừa bồ. Họ yêu nhau được chừng nửa năm. Một bữa nọ, anh ta tới thăm cô Út nhưng cả nhà cô ta đóng cửa đi vắng. Anh ta sang tâm sự với tôi rằng do anh nghèo nên Út đã bỏ anh để theo người khác. Anh ta khóc sụt sùi như một đứa trẻ. Tôi lựa lời an ủi nhưng chỉ đứng trung gian, cốt không làm mất lòng ai. Hóa ra, tình địch của anh ta cũng là bạn cùng nhóm thợ hồ. Nhưng anh thứ hai đẹp mã hơn, và hình như không vướng bận gia đình. Nhà trọ của anh thứ hai cũng gần Út hơn. Có lẽ anh ta đều hội đủ hai ưu thế “Nhất cự ly, nhì cường độ”. Cũng chẳng trách cô Út đã ngả sang vòng tay anh này.

Nghe đâu, khu nhà trọ này trước đây rất phức tạp. Từ khi tôi đến, tình hình phức tạp có giảm nhưng vẫn còn. Có một cặp trai gái ở chung không hôn thú. Chàng trai là con nhà giàu nhưng không thích ở với cha mẹ mà rủ bồ thuê nhà trọ sống chung như vợ chồng. Cha mẹ trợ cấp tiền bạc đầy đủ, anh ta không có nghề nghiệp gì, chỉ chơi cờ bạc và đua xe. Rồi một hôm, không thấy họ trở lại phòng trọ. Nghe nói chàng trai đã bị công an bắt. Cạnh phòng đó, có hai cô làm nhân viên kế toán cho một công ty. Họ đi làm suốt ngày, chỉ có mặt ở nhà vào ban đêm. Họ cho một cô gái đồng hương tới ở nhờ trong khi chờ xin việc làm. Cô này suốt ngày đóng cửa ở trong phòng, không giao tiếp với ai. Một ngày nọ, cô này vơ vét hết tài sản trong phòng (có cả một cái laptop) rồi biến mất. Khi về nhà, hai cô kế toán mới la khóc ầm ĩ cả xóm trọ. Công an tới làm việc. Mấy ngày sau, hai cô chuyển đi nơi khác.

Ở một phòng trọ khác, có hai cô gái người miền Tây. Ban đêm, họ làm việc ở nhà hàng. Buổi sáng ngủ bù. Gần trưa thức dậy nấu ăn và mở nhạc ầm ĩ. Tôi đang tập trung vào việc nghiên cứu, viết sách nên không thích ồn ào. Tôi cố gắng tạo ra vẻ đạo mạo, nghiêm khắc sang nhắc nhở. Hai cô ngoan ngoãn mở nhạc nhỏ lại. Nhưng rồi hôm sau lại quên. Phòng của hai cô cũng có nhiều khách ra vào, toàn là những đàn ông hào hoa phong nhã. Nghe Sông kể lại rằng: Một trong hai cô đó mới từ miền Tây lên, làm ở nhà hàng, cuộc sống khó khăn. Một chàng ra vẻ “đại gia” nhận bảo trợ tiền bạc cho cô. Anh ta trả tiền phòng trọ, tặng điện thoại di động và chi nhiều khoản linh tinh nữa. Nhưng có lẽ các khoản đó chưa đủ tiêu dùng nên cô này còn nhận thêm sự tài trợ của nhiều “đại gia” khác. Anh nào cũng nghĩ mình là người duy nhất. Đến khi họ ngủ chung, anh này thấy tin nhắn của anh kia nên nổi giận đùng đùng. Họ đánh mắng nhau ầm ĩ. Đêm khuya, nghe tiếng điện thoại đập bôm bốp xuống nền nhà. Theo Sông, đã có bảy cái điện thoại bị đập trong phòng ấy. Có đêm, họ chửi mắng nhau dữ quá nên chủ nhà mời công an tới giải quyết. Vài ngày sau, hai cô gái này chuyển đi nơi khác.

Từ đó, chủ nhà trọ quản lý khá chặt chẽ những người ra vào. Mỗi lần có ai đến xin trọ, ông bà chủ phải vặn vẹo hỏi thật kỹ lai lịch, nghề nghiệp, xem tướng mạo, thấy đàng hoàng thì mới cho trọ. Ông chủ cũng không thích Sông trọ ở đây vì bạn nhậu của anh ta phức tạp. Thế là gia đình Sông chuyển sang nhà trọ khác ở gần đó. Từ ngày Sông đi, tình hình khu nhà trọ khác hẳn. Không ồn ào và bay mùi rượu bia như trước. Tuy nhiên, tình nghĩa xóm làng cũng mất đi. Trước kia, Sông quan tâm, nắm hết tình hình của mọi người. Nay, Sông đi, những người ở lại không ai quan tâm tới ai nữa. Đi làm về, họ mở cửa ra dắt xe vào rồi nhanh chóng đóng kín cửa lại, không giao tiếp với mọi người xung quanh. Tôi cũng ít quan tâm tới mọi người hơn trước. Bởi lẽ, tôi thấy cuộc sống ở phố phường rất phù du, người ta đến rồi đi rất nhanh chóng. Hôm nay, thấy anh ta tới ở trọ, vài tháng sau, anh ta biến mất. Anh ta ra đi mà không để lại một cái tên, một số điện thoại… Mà cũng chẳng ai quan tâm tới việc anh ta đi đâu, làm gì, sống hay chết giữa cái đất Sài Gòn mênh mông, người đông như kiến cỏ này.

Sau khi thành phần bình dân rút đi, khu nhà trọ chỉ còn lại thành phần có chữ nghĩa và nghề nghiệp ổn định. Đó là cặp vợ chồng làm bên ngành bảo hiểm. Mỗi lần có quà từ quê gửi vào, họ cũng thường mang qua tặng tôi. Nhưng họ không biết tên tôi và tôi cũng không biết tên họ. Sau một năm trọ ở đây, họ biến mất không một lời từ giã. Chủ nhà trọ nói rằng họ đã mua được nhà riêng rồi. Cũng mừng cho họ và buồn cho phận mình. Có lẽ cặp vợ chồng kia xem cái đoạn đời ở trọ cũng không tốt đẹp gì lắm nên họ không hề quay lại thăm xóm trọ lần nào nữa.

Cặp vợ chồng này vừa đi thì một cặp vợ chồng khác đến ở sát vách nhà tôi. Anh chồng làm bên du lịch, chị vợ làm bên bảo hiểm. Họ là người miền Trung, chịu khó, siêng năng. Một dạo nọ, họ thường xuyên cãi lộn. Nửa đêm, họ cãi nhau và giậm chân thình thịch trên gác gỗ. Cái thanh sắt trên gác phòng đó liền mạch với phòng tôi nên lưng tôi cũng nảy bần bật. Nhiều đêm tôi mất ngủ vì cuộc chiến của họ. Một anh hàng xóm mách lại với tôi thế này: vợ bán bảo hiểm và đưa số điện thoại cho nhiều khách hàng. Có lẽ để câu khách, cô nói ỡm ờ: “Em chưa có gia đình”. Ban đêm, nhiều khách hàng nhậu say xỉn nhắn tin tới tán tỉnh. Anh chồng mở tin nhắn, thế là cuộc nội chiến bắt đầu. Nhưng rồi cuộc chiến nào cũng đi qua, họ lại lao đầu vào công việc. Sau khi sinh con, họ rời đi nơi khác.

Xóm trọ của tôi còn nhiều người nữa. Đó là mấy cô sinh viên lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt. Đó là một anh kỹ thuật viên tin học trầm tĩnh như ông cụ non. Mỗi lần máy tính bị hư, tôi thường nhờ anh ta sửa dùm. Đó là một gia đình có vợ làm giáo viên tiểu học, chồng kinh doanh hàng hóa nhỏ lẻ. Mỗi lần trò chuyện, tôi phục anh ta có tài hiểu biết tình hình thời sự thế giới. Ở ngoài cổng nhà trọ, tôi cũng quen vài người. Đó là một bà giáo về hưu sống với vợ chồng con trai. Hàng rào nhà bà có giàn dây khổ qua. Tôi thường ra đó bứt lá về nấu canh. Phía bên trái cổng là nhà của một gia đình nghèo có một đứa bé bị tàn tật, nghẹo cổ sang một bên. Hằng ngày, cha mẹ của đứa bé đều đi làm xa, bà nội ẵm bé ra ngõ ngồi đút cháo. Công việc đút cháo cho bé rất khó khăn, khiến ai qua lại cũng động lòng thương.

Xa hơn chút nữa là nhà của ông cán bộ khu phố. Ông có anh con trai nhỏ hơn tôi vài tuổi. Mỗi lần gia đình có tiệc tùng, anh này thường mời tôi sang chơi. Trước đây, anh ta từng là dân giang hồ: “Từ đây ra tới ngã tư Bình Triệu, anh cứ hỏi tên em là người ta đều biết”. Vì một sai lầm nào đấy, anh bị đại ca trừng phạt bằng việc bắt úp mặt vào tường rồi đánh thanh sắt vào lưng. Sau vụ đó, anh giải nghệ và mở cửa hàng kinh doanh nhôm kính. Công việc làm ăn cũng tương đối phát đạt. Biết tôi là thầy giáo dạy Văn, anh ta thường đọc thơ bằng giọng Bắc rất truyền cảm. Anh khoe là mới nhờ thợ vẽ khắc lên bàn thờ mẹ mình hai câu thơ sau: “Cánh cò cõng nắng cõng mưa / Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”. Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi nghe hai câu thơ này. Từ đấy, nó cứ ám ảnh mãi trong tôi.

Tháng 11 năm 2014, sau bảy năm sống ở nhà trọ, tôi mua được một căn hộ ở chung cư Ehome3, Bình Tân. Trước đây, tôi sống gần bến xe miền Đông, nay lại về ở gần bến xe miền Tây, đó là hai đầu thành phố. Trước kia, tôi ở nhà trọ thấp lè tè, thường nhìn lên cao; nay, chuyển sang ở tầng bảy chung cư, thường nhìn xuống thấp. Trước kia, tôi sống ở nhà trọ bình dân, thiếu thốn nhiều thứ; nay, về khu chung cư tương đối hiện đại, nhiều tiện ích. Nói chung, đó là hai không gian rất khác biệt. Nhân kỷ niệm 10 năm sống trên đất Sài Gòn, tôi viết bài này để ôn lại những năm tháng ở trọ. Qua đó, tôi cũng muốn rủ rỉ tâm tình với các bạn còn ở nhà trọ rằng: cứ chịu khó lao động và tích lũy, rồi đâu cũng vào đó cả.

Mời xem tiếp chùm ảnh 7 năm ở trọ

 

facebook Trân Lâm ( vô tình biết Nhà Văn qua facebook ) - (vào lúc: 15:06 - 06-08-2021)
" Nghiệp phải gánh trên đường lập nghiệp" ,chỉ nghĩ và hiểu được vậy thôi thì giai đoạn khó khăn nào trong con đường lập nghiệp của mỗi người cũng sẽ qua mà không phải quá đau khổ hay than thân trách phận nhiều,. Nhưng để nghĩ và hiểu được như vậy thì Nhà Văn cũng đã chấp nhận đối mặt với không ít gian nan và chịu đựng rất nhiều. Mỗi người đều phải trải qua một chu kỳ cuộc sống nhất định : Chọn nghề nghiệp - nhận nghiệp - lập nghiệp - Hết nghiệp. Dẫu biết đời là vô thường, cõi tạm nhưng trong đời sống ai cũng phải trải qua không ít thì nhiều vất vả ,để có một nơi đi về ổn định cho riêng mình. Nhưng sau cuối, cũng sẽ được nhận quả tốt nếu cứ tin vào việc mình chăm chỉ lao động và tích lũy ( câu chốt trong bài, tác giả muốn gửi lời động viên và " rủ rỉ tâm tình " một cách chân chất !). Cảm ơn tác giả về bài viết mang tính chia sẻ và truyền lửa cho những ai sắp và đang lập nghiệp !
Hiền trả lời:
Cảm bạn đã đọc và chia sẻ cảm nghĩ

Phamngochien.com - 08:40 - 16/11/2017 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận