Xin có đôi lời
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm nước Mỹ giầu mạnh là kích cầu.Đứa cháu (con anh bạn) tôi mới cưới vợ, mua một căn nhà 500 ngàn đô, chỉ phải trả trước 50 ngàn (10%), số tiền còn lại (được nhà bank cho vay) trả dần trong vòng hai, ba mươi năm. Cô con ông bạn tôi vừa mới bảo vệ xong luận án tiến sĩ dược khoa, đã có công ty nhận vô làm việc, liền đi mua ngay một ô tô Honda Accord đời mới trên 20 ngàn đô la phải trả trước 2 ngàn còn lại trả góp.( xe đó ỡ VN khoảng trên 40 ngàn đô la cùng thời điểm năm ).
Ở Mỹ cái gì cũng có thể mua trả góp được, từ nhà cửa, ô tô, ti vi, máy giặt... có người còn gọi là "nền văn minh mua chịu". Đó là cách kích thích sự tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất phát triển rất hiệu quả.
Mua trả góp không có nghĩa nghèo - thiếu tiền, mà giàu dư tiền người ta vẫn mua trả góp, tội gì mà không mua trả góp, nếu thấy lãi suất thấp so với đầu tư vào việc khác sinh lời nhiều hơn. Ai cũng có thể mua trả góp, miễn là có việc làm ổn định, người càng giỏi, lương càng cao, khả năng mua "chịu" càng lớn, bởi khả năng trả nợ càng cao và được coi là người thành đạt, có địa vị xã hội. (Thường là khi mua nhà, dựa vào mức thu nhập của người mua nhà mà nhà bank cho vay số tiền thường gấp ba lần lương thu nhập trong một năm của người đó để mua nhà,). Nhưng việc nhà bank cho vay tiền mua nhà cũng không đơn giản chút nào, mà phải tính toán nát óc xem hàng tháng thu nhập của mình có kham nổi trả nợ cho nhà bank tiền vay (được chia cho số năm phải trả) và tiền lãi của tiền vay không? Nếu chịu không nổi thì đừng có ham, vì nợ chồng chất và đến lúc nào đó bị "xiết nợ" nhà bank sẽ lấy lại nhà, con nợ sẽ bơ vơ, vô gia cư (homeless). Vì vậy có không ít người định cư ở Mỹ mấy chục năm vẫn phải ở nhà thuê. Ngoài ra ở Mỹ việc di chuyển chỗ ở từ nơi này sang nơi kia, từ tiểu bang này sang tiểu bang khác thường hay xảy ra, cho nên nhà ở thuê còn có lợi khi chuyển chỗ ở được nhanh gọn hơn.
Cũng như người có nhiều thẻ tín dụng ngân hàng, chi tiêu, ăn xài nhiều, nợ nhiều thì càng được tôn vinh bởi đang và sẽ phải làm việc nhiều, đóng thuế nhiều làm giàu cho đất nước, chân dung của người thành đạt là: Có nhà ở trên đồi không khí trong lành, yên tĩnh, lương khoảng trên 100 ngàn đô la/năm, mua ô tô mắc tiền, hãng nổi tiếng, loại hiện đại. Nếu ai không có việc làm và không có khả năng trả nợ thì nhà cửa, ô tô... đã mua trả góp sẽ bị đòi lại và người đó có thể bị ném ra ngoài đường, lâm vào cảnh đeo bảng trước ngực "Tôi thất nghiệp, vô gia cư, xin giúp đỡ!" đồng nghĩa với đi ăn mày.
Bán trả góp là tạo điều kiện sống và làm việc từ đầu cho mỗi người và buộc anh, chị phải thi thố tài năng làm việc hết sức mình với hiệu quả cao nhất, ví như gây men cho các vận động viên tham gia thế vận hội thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo để giành được huy chương, mà đã là cuộc đua thì bao giờ cũng rất quyết liệt, sôi nổi và hào hứng. Ở Mỹ cả cuộc đời con người từ lúc trưởng thành đến lúc nghỉ hưu là cả quá trình tham gia thế vận hội, có người với nụ cười bước lên bục vinh quang và có người cúi đầu lặng lẽ lau nước mắt. Nói cách khác cuộc sống ở Mỹ luôn hối hả, tất bật, cuồn cuộn như dòng lũ ai đã rơi vào quĩ đạo của nó thì không thể cưỡng lại được và đã không ít người bị nó nhấn chìm.
Những người xa xứ sang Mỹ định cư làm việc phải rất cần cù, năng động và đầy ý chí mới tồn tại được trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt, không chỉ trên thương trường mà trong mọi lĩnh vực của cuộc sống
Người Mỹ làm việc, đi lại, ăn uống, luôn tất bật, khẩn trương kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Như những ngày giáp Tết ở Việt Nam, lo hoàn thành công việc, trang trải nợ nần để ăn Tết cho vui.
Lao động ở Mỹ rất căng, bởi định mức năng suất cao, giờ giấc nghiêm minh, sản xuất theo dây chuyền công nghiệp mà lơi tay là ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Đối với việc làm theo dự án (project) nếu làm ngày không xong thì làm tối, làm ngày thường không xong thì làm thứ bảy, chủ nhật, nghĩa là phải tự giác hoàn thành công việc mà thời gian đã qui định, thời giờ do ai nấy làm chủ. Giữ được việc làm có ý nghĩa sống còn, nên ai cũng lo làm việc tối ngày. Có hôm cô cháu tôi 10 giờ sáng đi làm mãi 9 giờ tối mới về. Cháu hỏi tôi chú thấy có "thảm" không? Tôi trả lời vui "đúng, chú thấy chỗ nào cũng thảm cả, thảm trải phòng khách, phòng ngủ... dưới thảm lớn, trên thảm nhỏ, chỗ nào cũng thảm là thảm". Có người nói ở Mỹ sướng mà khổ, bởi đời sống cao hơn phải làm việc cực, còn ở Việt Nam khổ mà sướng bởi đời sống thấp nên làm việc nhàn, cái gì cũng có giá của nó.
Ở Mỹ thì giờ là vàng ngọc, ăn nhanh (fast food) cũng để tiết kiệm thời gian. Cô con gái anh bạn tôi là kỹ sư điện toán giỏi, có ba con còn nhỏ "trứng gà trứng vịt" ngoài làm việc tốt ở hãng ra cô còn làm tròn nghĩa vụ người mẹ, bổn phận người vợ. Anh bạn tôi nói đôi khi sáng dậy cô chỉ kịp đánh răng, rửa mặt, rồi vội vàng xách túi, chân trần chạy ra ô tô, đến đèn đỏ thứ nhất lấy lược trong túi ra chải tóc, đèn đỏ thứ hai nhìn vào gương ô tô đánh môi son, đèn đỏ thứ ba xỏ vớ, đi giày... Tôi gặp cô đôi lần đã thầm phục, một Việt kiều đảm đang, tháo vát, linh lợi, rất dễ mến.
Người Mỹ sống làm việc theo pháp luật được quán triệt trong suy nghĩ và hành vi, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nên nhiều khi ta cảm thấy họ lạnh lùng và hay lý sự. Một ví dụ về luật giao thông và nhân đây có lời khuyên người lái xe trên xa lộ, tranh thủ thời gian mà tăng tốc ô tô quá qui định là ăn "đòn" liền. Hôm qua cô em tôi mặt như bánh tráng nhúng nước đến xin lỗi lỡ hẹn đưa tôi đi siêu thị, vì phải đến đồn cảnh sát nộp phạt và học lại luật giao thông, vì hôm kia vội đi đón con lái xe quá tốc độ. Cô nói "em đã nhìn trước nhìn sau không thấy xe cảnh sát mới rồ ga, vậy mà chỉ ít phút sau nhìn vô gương ô tô đã thấy xe cảnh sát đèn xanh, đỏ nhấp nháy đuổi theo, không biết họ nấp đâu mà tài thế! Đành áp xe vô lề đỗ, chịu tội!". Lúc đầu họ nói phạt 300 đô, em năn nỉ "Con tao bị sốt, phải phóng nhanh về nhà đưa nó đi bệnh viện", nghe mủi lòng họ giảm xuống còn 100 đô. Bà chị tôi nghe nói cười khoái trá vì tháng trước bà cũng bị y chang và nói "Em ơi! Nó theo dõi bằng ra đa đấy". Bằng lái xe ở Mỹ mà bị thu thì như người bị "bẻ giò" bởi không ô tô khó kiếm được việc làm, nên bằng lái xe là bùa "hộ mệnh" phải giữ sao cho "sạch" nghĩa là không hoặc ít vi phạm luật giao thông. Do đó luật lệ giao thông ở Mỹ được chấp hành rất nghiêm.
Người Mỹ động đến tiền là phải rất sòng phẳng kể cả vợ chồng, con cái, bố mẹ. Họ không ăn không của ai bao giờ. Vào tiệm ăn tốn hết bao nhiêu chia ra mà trả, bởi ai cũng có lương, nên chi tiêu đều phải trù tính trước, có kế hoạch đâu vào đấy, nếu là mời thì phải nói rõ là mời - tôi sẽ trả tiền. Tặng quà cũng vậy "Tôi tặng anh (chị) một món quà trị giá 100 USD", số tiền được bỏ vào phong bao, rồi anh (chị) muốn mua gì là chuyện của anh chị.
Cuộc sống ở Mỹ luôn đổi mới, chạy theo mốt, giống như các "xô" diễn ở các khu du lịch và ở đâu cũng vậy nếu cứ diễn đi diễn lại mãi một "tuồng" thì có "ma" nó xem, đừng hòng du khách đến lần thứ hai, nên phải luôn đổi mới. Bà chị tôi nói với mấy cô em, có bà bạn mới mua bộ sa lông năm ngoái hơn hai ngàn đô, ai muốn xin bà ấy tặng để mua bộ khác "mô đen" hơn. Mấy đứa em khi mới sang đều được các anh chị cho ở chung nhà mấy tháng đầu khi "vạn sự khởi đầu nan" chân ướt, chân ráo, chưa kiếm được việc làm và xài đến 70% đồ dùng sinh hoạt và ô tô của các anh chị cho, ô tô chưa phải là loại "nghĩa địa" máy còn nổ ngon lành, cả hai bên đều vui, một bên có xe đi không mất tiền, một bên giúp được em và có dịp mua xe đời mới. Ở Mỹ để đổi mốt, có khi cho ai được đồ cũ là may, khỏi tốn tiền thuê xe mang ra bãi rác. (Năm 1984 tôi qua Thụy Điển được biết trước khi mang cái ti vi, máy khâu cũ... đi vứt ra bãi rác người ta còn lau chùi sạch sẽ, sửa chữa cho nó chạy bình thường, bởi họ nghĩ rằng có thể còn có người nghèo khó lấy về dùng). Chạy theo mốt, làm cho người Mỹ không ngán mua "chịu" để lại ráng làm việc nhiều hơn để trả nợ, đó cũng là nhân tố tích cực để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Người Mỹ tính hiếu động, ưa tìm tòi, khám phá cái mới. Ví dụ có hai người đi đường trong đó có một người Mỹ thấy có tấm biển chỉ mũi tên đề "trong khu rừng này có quái vật hung dữ", thì tôi cá cược rằng người Mỹ sẽ vô, bởi muốn xem quái vật nó ra sao, hơn nữa đã có bảo hiểm, còn người kia chắc không. Tôi phục tỷ phú người Mỹ Dennis Tito ngoài 60 tuổi đã bỏ ra 20 triệu USD cho một chuyến du hành vũ trụ, phục không phải vì ông ấy giàu mà vì chí phiêu lưu, đi tìm điều mới lạ, chắc ông là người hiểu hơn ai có thể xảy ra hiểm họa khi tên lửa đẩy mới dời bệ phóng, nếu có "mệnh hệ" gì thì ai hưởng sự giàu sang? Cũng như cô bé người Mỹ 13 tuổi dự định lập kỷ lục là người đầu tiên lái máy bay thể thao bay vòng quanh thế giới, nhưng không may bị nạn, cô đã hy sinh, thật đáng khâm phục ý chí của cô, tôi xin ngả mũ một phút tĩnh lặng tưởng nhớ cô.
Người Mỹ rất trân trọng những người thành đạt có quá khứ là người vượt nghèo khổ đi lên làm giàu. Ở Mỹ không có ưu ái, ô dù, "con ông cháu cha" để kiếm chác địa vị làm giàu, xã hội tạo điều kiện chung cho mọi người, không phân biệt sắc tộc, giàu nghèo, tầng lớp. Ý chí tự lực, tự cường được bồi dưỡng, giáo dục ở ghế nhà trường từ cấp một. Và quí trọng những người tự lập, phấn đấu vươn lên. Ở Mỹ đến tuổi trưởng thành mà còn ăn bám bố mẹ là điều nhục. Ông bạn tôi có đứa cháu nội, bố mẹ nó khá giả, có nhà trên đồi, dành riêng cho nó một phòng, trang bị tiện nghi hiện đại, ngập tận răng. Nhưng học xong đại học nó đi thuê phòng ở ngoài. Chưa xin được việc tốt nó đi làm cu li bốc vác tạm kiếm sống quyết không ăn bám gia đình, thỉnh thoảng nó mới về thăm bố mẹ. Người Mỹ đánh giá cao tư cách cá nhân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ỷ lại, dựa dẫm quyền thế, tập thể, gia đình.
Nước Mỹ lập quốc mới hơn hai thế kỷ nhỏ hơn Sài Gòn khoảng 100 tuổi mà đã trở thành nước, giàu mạnh nhất thế giới, ngoài các yếu tố thiên nhiên ưu đãi đất rộng màu mỡ, tài nguyên phong phú, ít bị chiến tranh ảnh hưởng... thì phải chăng sự kích thích hưởng thụ cao độ bằng mua trả góp và luôn chạy theo mốt để đổi mới buộc mọi người phải ra sức làm việc, biết quí trọng thời gian là vàng ngọc, làm ra làm, phải ham tìm tòi, khám phá, phải có đầu óc thực tế và linh hoạt để hiệu quả công việc ngày một cao hơn, là những yếu tố thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ, làm cho nước Mỹ giàu mạnh?
Phạm Thanh Quang và Phạm Ngọc Hiền