Một trong những nội dung đấu tranh cho tiến bộ xã hội là vấn đề khẳng định quyền bình đẳng của người phụ nữ. Trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, quyền phụ nữ cũng đã được nhắc đến, nhất là trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Nhưng phải đến sau 1945, khi chế độ phong kiến chấm dứt thì quyền phụ nữ mới được thực hiện triệt để và nó cũng là vấn đề được nhắc đến khá nhiều trong văn học. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong văn xuôi cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.
Trong văn học, quyền phụ nữ được hiểu trên nhiều phương diện: sáng tác, phê bình và tiếp nhận, phụ nữ viết và viết về phụ nữ, văn học đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ, thể hiện cá tính, tài năng và khát vọng của nữ giới… Trong bài viết này, chúng tôi giới hạn trong các nội dung: thể hiện nhu cầu, khát vọng của người phụ nữ và đấu tranh khẳng định vị trí quan trọng của người phụ nữ trong các lĩnh vực: tình yêu đôi lứa, quan hệ gia đình và công tác xã hội.
1. Vấn đề quyền phụ nữ trong tình yêu đôi lứa
Một trong những lĩnh vực thể hiện quyền phụ nữ là tình yêu đôi lứa. Trước đây, quyền được yêu của người phụ nữ thường bị cản trở do các tập tục lạc hậu. Quan niệm “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” đã từng tồn tại rất dai dẳng. Chính vì thế mà chị cả Phây (góa chồng) và anh Mọc (góa vợ) gặp nhiều trở ngại trong việc tiến tới hôn nhân. Nhưng cuộc sống làm ăn tập thể dưới chế độ mới đã tạo điều kiện cho họ đến với nhau (Chị cả Phây – Ngô Ngọc Bội). Để có được hạnh phúc, nhiều nhân vật nữ phải trả giá đắt. Cô Hoan (góa chồng) muốn “đi bước nữa” với anh Cần nhưng bị gia đình nhà chồng cản trở. Sau vụ xô xát với vợ Binh Mâu, Hoan phải nhập viện. Viên, cán bộ xã triết lý: muốn tránh được những điều đau lòng ấy, “Cả cái làng Đoài phải đi bước nữa”, tiếp cận với đời sống mới, quan niệm mới. Đó là quan niệm giải phóng người phụ nữ.
Người phụ nữ còn khổ vì những quan niệm mê tín. Truyện cô Nhụy (Lưu Trọng Lư) kể về cuộc đời bất hạnh của cô Nhụy trước Cách mạng. Cô yêu Luyện nhưng cha mẹ anh không đồng ý vì lý do Nhụy có một nốt ruồi sát chồng dưới mắt. Họ dự định rủ nhau trốn đi biệt xứ, đến một nơi xa lạ để xây dựng hạnh phúc. Nhưng một biến cố xảy ra, mẹ cô mất và gia đình bị nợ nần với địa chủ. Cô đã đấu tranh vượt qua các định kiến và có con với Luyện, chấp nhận bị đuổi ra khỏi làng. Cô Nhụy chết. Con gái cô cũng có một nốt ruồi sát chồng như mẹ. Nhưng xã hội đã thay đổi và cái nốt ruồi đó không còn là định mệnh nghiệt ngã nữa. Việc cô Niêu xinh đẹp, giỏi giang, là đoàn viên gương mẫu sắp cưới một anh cán bộ đã làm cho gái làng phải ghen tức. Cô Niêu đã biến giấc mơ của mẹ cô thành hiện thực.
Một nguyên nhân khác khiến cho người phụ nữ bị mất đi quyền yêu thương, hạnh phúc là do các quy định ràng buộc trong tôn giáo. Chu Văn có nhiều tác phẩm viết về vấn đề này. Trong Ánh sáng bên nhà hàng xóm, Liên là thiếu phụ ngoan đạo, chịu nỗi đau vì bị chồng phụ bạc. Cô đã dám bỏ chồng để yêu anh công nhân Tuấn nhưng bị cản trở vì anh ta ngoại đạo. Trải qua bao khó khăn, cuối cùng họ cũng được đoàn thể tổ chức đám cưới theo lối đời sống mới. Nhìn ánh sáng hạnh phúc bên hàng xóm, bà Nhẫn buồn tủi cho cuộc đời khổ hạnh, thiếu thốn tình cảm của bà suốt mấy chục năm qua. Trong lòng bà trỗi dậy một khát khao hạnh phúc… Trong Bão biển, tình yêu của Vượng (bên lương) và Ái (bên giáo) cũng gặp sự chống đối dữ dội từ nhiều phía: nhà thờ, xóm làng và gia đình. Rồi họ cũng được đoàn thể tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, không phải mối tình nào cũng kết thúc có hậu. Cô An Na Dâng (Nắng – Nguyễn Thế Phương) yêu anh chàng ngoại đạo là Nghĩa nhưng bị cản trở. Cô bỏ nhà đi tu rồi bị kẻ xấu giết chết. Cái chết của An Na Dâng như muốn làm thức tỉnh những ai còn muốn cản trở tình duyên đôi lứa vì lý do tôn giáo.
Thời trung đại, người ta quan niệm: “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Tuy nhiên, trong văn xuôi cách mạng, ta thấy người phụ nữ hoàn toàn chủ động trong tình yêu và hôn nhân. Hầu như họ không hề hỏi ý kiến cha mẹ về việc chọn chồng. Thậm chí, việc tổ chức đám cưới cũng do đoàn thanh niên đảm nhiệm. Quan niệm về việc chọn chồng cũng thay đổi. Trước 1945, người phụ nữ vẫn còn phổ biến quan niệm thích chọn chồng giàu. Trong văn xuôi đô thị miền Nam cùng thời (1954 – 1975) vẫn còn phổ biến mô típ “tham phú phụ bần”. Nhưng trong văn xuôi cách mạng, phổ biến quan niệm ngược lại: các cô thích chọn những chàng trai xuất thân từ thành phần Công – Nông – Binh. Quan niệm hôn nhân mang tính cách mạng này cũng thấy ở những tác phẩm viết về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số như: Xuân về trên rẻo cao (Hoàng Thao), Hương Cam Nậm Bạc (Phan Đình Huyền), Những người Côn Hươn (Lê Tuân Việt)…
Trong Mùa hoa dẻ của Văn Linh, cô Hoa được nhiều người ngỏ lời cầu hôn. Nhưng cô từ chối hôn nhân với anh Luyến (nhà giàu) và thầy giáo Khang (trí thức). Cô chỉ yêu anh Liêu (bộ đội). Vì mất địa chỉ liên lạc, cô đã xung phong đi dân công, sẵn sàng tới những chiến trường nguy hiểm để có cơ hội gặp lại người yêu. Điều đó cho thấy, trong thời đại mới, người con gái chủ động đi tìm người yêu chứ không phải chờ người yêu tìm đến mình. Trong Pả Sua (Văn Linh), cô gái Pả Sua từ chối hôn nhân với Tu Dơ (cháu phìa tổng), khiến hắn nổi giận muốn bắn chết cô. Cô chỉ yêu anh bộ đội Vi Lay vì thấy anh có nhiều quan điểm hợp với mình, bất chấp sự chống đối do sự mâu thuẫn giữa hai dân tộc Mẹo và Lào Thơng. Cũng vì muốn chọn người chồng cùng lý tưởng mà Tý yêu Tuấn (du kích, dũng cảm) chứ không yêu Quyền (nhà giàu, hèn nhát) (Nhãn đầu mùa – Xuân Tùng, Trần Thanh). Út Sâm chỉ chọn Bê (cộng sản) không chọn Rân (quốc gia) (Gia đình má Bảy – Phan Tứ)… Trong các tác phẩm về đề tài xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, ta cũng gặp những mối tình bộ ba và cách giải quyết của các cô gái cũng phù hợp với quan điểm cách mạng. Cô Viềng chọn yêu Nhội (nhiệt tình công tác) chứ không yêu Lượt (lọc lõi, ích kỷ) (Ngày và đêm hậu phương - Nguyễn Kiên). Cô Nhắt từ chối lời cầu hôn của Sơn (nhà giàu) mà lấy anh bần cố nông Tảo, mặc dù bị nhiều người “Phá đám” (Vũ Bão). Cô Hoa - nữ trưởng ga xinh đẹp, giỏi giang từ chối lời cầu hôn của rất nhiều cán bộ, trí thức. Cô lấy anh thương binh Đoàn, người cùng quê miền Nam để giúp anh trong cuộc sống (Người nữ trưởng ga – Phượng Vũ). Trong quan niệm hôn nhân của các cô gái này, không bị sự ràng buộc của đồng tiền. Đây là quan niệm rất mới mẻ so với trước 1945.
Theo quan niệm truyền thống, nam giới chủ động đặt vấn đề yêu đương. Phụ nữ chỉ thụ động đáp lại, sự nhận lời ấy càng kín đáo, rụt rè càng tốt. Nhưng trong thời hiện đại, ta gặp khá nhiều trường hợp nữ chủ động tỏ tình trước. Trong Bông hường bông cúc (Hoàng Văn Bổn), cô Ba Thái lén bỏ chiếc khăn thêu và túi anh bộ đội Phương. Anh này sợ xóm làng dị nghị, ảnh hưởng đến uy tín bộ đội nên chuyển sang chỗ ở khác. Xóm làng phát hiện, nhưng cô vượt qua dư luận, tiếp tục tìm cơ hội gặp gỡ anh bằng cách tham gia du kích. Cuối cùng họ cũng đến được với nhau. Như vậy, nam nữ đều có quyền như nhau trong việc chủ động đặt vấn đề tình yêu và cả hai đều phải có bản lĩnh vượt qua mọi rào cản để đạt được mục đích của mình. Ta cũng thấy tinh thần đó được thể hiện trong Bên kia biên giới (Lê Khâm), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Anh Keng (Nguyễn Kiên)…
Người phụ nữ có quyền tự do yêu đương và cũng có quyền chấm dứt tình yêu nếu cảm thấy hai người không hợp nhau. Trong Sắp cưới (Vũ Bão), có miêu tả mối tình của anh Xuân (bần nông) và Bưởi (trung nông). Trong những đợt đấu tố, Xuân không bảo vệ được Bưởi khiến cho gia đình cô điêu đứng. Đến khi sửa sai, cô được khôi phục danh dự, lên huyện làm việc. Xuân tới thanh minh và muốn nối lại tình xưa nhưng Bưởi đã mạnh dạn cắt đứt quan hệ với người con trai hèn nhát này. Khi thấy người con trai không còn đúng như quan niệm của mình, các cô gái mạnh cắt bỏ. Huệ đã cắt đứt tình yêu với Thành vì thấy anh là người ích kỷ, giả dối, không quan tâm đến lợi ích chung (Huệ - Nguyễn Thị Ngọc Tú). Thảo chấm dứt tình yêu với Khang sau bao năm chờ đợi vì thấy “người trở về” tỏ ra trịch thượng, coi thường mình (Người trở về - Nguyễn Khải).
Trước kia, người ta quan niệm, yêu nhau là phải lấy nhau nên hôn nhân là cái đích cuối cùng của tình yêu. Cô gái nào cũng hối thúc người yêu phải cưới nhanh. Nhưng nay, các cô ưu tiên việc nước trước, việc hôn nhân tính sau. Trong Vùng trời (Hữu Mai), Hảo và Quỳnh say sưa với công tác mà bỏ lỡ mất cơ hội tổ chức đám cưới theo yêu cầu của đoàn thể. Còn cô Sinh và anh Đắc đã dự tính tổ chức đám cưới tại công trường. Nhưng Sinh nghĩ, cưới xong thì phải sinh con, bận bịu chuyện gia đình, không có điều kiện cống hiến nhiều cho xã hội. Cuối cùng, cô đề nghị hoãn đám cưới (Ngày cưới – Ngô Quân Miện). Như vậy, việc yêu hay không yêu, cưới hay không cưới là do phụ nữ quyết định. Đó là sự thay đổi lớn, chứng tỏ tầm quan trọng của nữ giới trong chuyện tình yêu và hôn nhân.
2. Vấn đề quyền phụ nữ trong quan hệ gia đình
Trong các mối quan hệ gia đình, quan trọng nhất là quan hệ vợ chồng. Người phụ nữ nào cũng muốn có một người chồng siêng năng lao động, chăm lo cho con, tôn trọng, yêu thương vợ… Chúng ta cũng thấy rất nhiều gia đình hạnh phúc trong văn học hiện đại. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng được như vậy. Nhiều nhà văn cho rằng, các thói xấu của người chồng là do tàn dư của chế độ cũ để lại. Chế độ mới đang từng bước xóa bỏ những bất công đó. Nhưng trong buổi đầu xây dựng, vẫn còn nhiều khó khăn chưa giải quyết hết, vẫn tồn tại một số phần tử ngoan cố, tự do vô kỷ luật, gây đau khổ cho vợ con. Nếu không cải tạo được người chồng thì người vợ có quyền đấu tranh để được tự do. Chế độ mới ủng hộ sự giải phóng người phụ nữ ra khỏi những bất công trong gia đình.
Trước năm 1945, mô típ “bỏ chồng” không phổ biến trong văn học và không tạo được sự đồng thuận của xã hội. Nhưng mô típ này xuất hiện khá nhiều trong văn học sau 1945. Có nhiều cách để người phụ nữ giải phóng mình ra khỏi sự ràng buộc bất công của người chồng. Đó có thể là một cuộc trốn chạy ra khỏi “địa ngục trần gian” như cuộc trốn chạy của Mị trong Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài). Theo quan điểm chung của cộng đồng, Mị bỏ chồng là đúng, vì A Sử đối xử với vợ quá tàn nhẫn. Mị có quyền làm lại cuộc đời bên cạnh người mình yêu thương: A Phủ. Việc Mị cùng A Phủ tham gia công tác cách mạng ở Phiềng Sa đã cho thấy sự thay đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Cô gái Vàng Thị Mỹ bị ép lấy chồng từ lúc 13 tuổi và bị gia đình chúa đất đày đọa. Nhưng sau đó, cô đã dũng cảm bỏ nhà chồng chạy vào rừng, tự giải phóng mình. Sau này cô đến với cách mạng và làm chủ tịch xã Miêu Cao, cố gắng đem lại hạnh phúc cho những gia đình người Mèo ở vùng cao (Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng – Nguyên Ngọc). Thiếu phụ Pha (Trước giờ nổ súng – Phan Tứ) đã dám bỏ chồng đang làm sĩ quan địch để đi theo bộ đội. Đối với cô, những ngày hành quân bên cạnh đội trưởng Lương mới thực sự đáng sống.
Người phụ nữ thời xưa thường cam chịu khổ đau, chấp nhận cho chồng hắt hủi. Người phụ nữ hiện đại có nhiều con đường để tự giải phóng mình. Có thể họ trốn khỏi nhà chồng, đi tìm hạnh phúc ở một nơi khác. Nhưng cũng có thể tạo ra sự chia tay hợp pháp, được chồng đồng ý và luật pháp thừa nhận. Trong Vùng cao (Đỗ Quang Tiến), Phùng Quý mua chị Tam về làm vợ và xem chị như tôi tớ. Chị đã nỗ lực thoát khỏi gia đình chồng bằng việc tham gia cách mạng. Tổ chức đã cho phép chị lấy anh cán bộ Diệu Thọ. Kan Lịch bị ép lấy chồng năm 15 tuổi, và gia đình chồng xem cô như nô lệ. Vốn là người ham hoạt động, cô đã đến với cách mạng, lập nhiều thành tích. Cuối cùng, chồng cô đành phải đồng ý giải phóng cho cô. Kan Lịch lấy chồng khác và trở thành huyện đội phó Phong Điền (Kan Lịch – Hồ Phương). Ngoài ra, còn có nhiều nhân vật nữ đã chủ động ly hôn hoặc ly thân: cô Tím (Cô Tím – Thanh Hương), Tha (Lẽ mọn – Nguyễn Thị Cẩm Thạch), Xiêm (Dấu chân người lính – Nguyễn Minh Châu), Cầm (Người chị - Nguyễn Văn Bổng)…
Một số cặp vợ chồng sau thời gian xích mích đã quay lại làm lành khi người chồng thay đổi quan niệm và cách sống. Truyện Mở hầm (Nguyễn Dậu) miêu tả một mối tình bộ ba giữa Tuệ - Nghì - Sự. Cô công nhân Nghì không chấp nhận được cuộc sống với người chồng vũ phu là Sự. Cô muốn lấy Tuệ nhưng Tuệ khuyên cô hãy quay lại với Sự vì anh ta đã có sự tiến bộ trong công tác. Trước đây, người ta quan niệm chồng dạy vợ nhưng nay chồng phải tự giáo dục mình để làm vừa lòng vợ. Có khi, việc xích mích vợ chồng không phải do người chồng xấu. Trong Bếp lửa đỏ (Nguyễn Văn Bổng), vợ chồng anh Chữ xích mích nhau vì trong thời gian anh đi bộ đội, vợ ở nhà bị địa chủ hiếp chửa hoang. Cô Bưởi cũng mặc cảm điều đó nên hai vợ chồng ly thân. Sau này, Chữ làm Chủ tịch xã, Bưởi làm Bí thư chi bộ, do gắn bó nhau trong công tác nên hai vợ chồng mới trở lại sum vầy bên bếp lửa đỏ. Cô Quế (Làng cao – Sao Mai) do xích mích với chồng nên bỏ về nhà cha mẹ đẻ. Nhưng khi Bừng đi bộ đội, cô mới trở về gánh vác giang sơn nhà chồng. Lúc đó, nhà chồng rất cần đến vai trò trụ cột của Quế và cô không nỡ tránh né trách nhiệm của mình.
Trong xã hội phong kiến, người vợ chỉ đóng một vai trò phụ và thấp kém hơn chồng về nhiều mặt: đóng góp tài chính cho gia đình, khả năng giao tiếp xã hội, vốn hiểu biết về cuộc sống… Nhưng trong xã hội hiện đại, vị thế của phụ nữ đã thay đổi. Để khẳng định được vị trí quan trọng của mình, người phụ nữ phải trải qua một cuộc đấu tranh bền bĩ, lâu dài. Trong Vợ chồng ông lão phó mộc (Nguyễn Phan Hách), ông Tam có tính gia trưởng, chê khinh vợ đủ đường. Bà Nhỡ cố gắng khẳng định giá trị của mình bằng việc tích cực lao động hợp tác xã. Đến khi bà được cử đi dự hội nghị những người nuôi lợn giỏi ở trung ương thì ông Tam mới nhận ra vị trí của ông trong xã hội quá thấp so với vợ. Trong Một cặp vợ chồng (Nguyễn Khải), cô Thi cũng rất đau khổ khi phải sống bên cạnh Giao - người chồng ích kỷ. Đến khi Thi được bầu là “người lao động gương mẫu”, Giao mới nhận ra mình là người nhỏ nhen… Khi phụ nữ vươn lên vị trí cao sẽ có thể dẫn đến sự tổn thương danh dự cho nam giới. Truyện Người vợ của Nguyễn Địch Dũng đã đặt ra vấn đề bình đẳng nam nữ trong xã hội mới. Cả hai vợ chồng Túc và Đoan đều có chân trong chính quyền xã. Nhưng Túc không lấy làm vui trước những thành tích của vợ, nhất là khi có anh nhà báo đến viết bài về Đoan. Nhưng rồi, anh cũng chấp nhận sự tiến bộ vượt bậc của vợ khi Đoan tham dự Đại hội liên hoan các chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc.
Có những người chồng quen lấy mình làm trung tâm, không nhận ra tài năng và nguyện vọng của người vợ. Anh Mẫn (cán bộ huyện) cứ nghĩ cô Mùi không đủ khả năng làm chủ nhiệm hợp tác xã. Hai người cãi nhau, chồng rất tức giận khi vợ dám cãi lại mình. Nhưng dần dần, anh nhận ra vợ đúng (Câu chuyện xảy ra không tránh khỏi - Vũ Thị Thường). Anh Vợi nghĩ rằng vợ mình không thể làm công việc nặng nhọc trên công trường. Anh lên công trường thăm Thung và nhận thấy sự tiến bộ của vợ nên bằng lòng để cô tiếp tục làm việc (Đường mới - Nguyễn Thị Cẩm Thạch). Trước đây, người phụ nữ rất thụ động trong việc chọn nghề và nơi ăn chốn ở. Nhưng trong Quê hương (Nguyễn Thi), người vợ đã quyết định tất cả. Người chồng làm công nhân ở Hải Phòng đã xin việc cho vợ làm chung thành phố để gần gũi nhau. Nhưng người vợ nhất quyết về sống ở bờ Bắc sông Gianh để gần với gia đình ở bờ Nam. Anh chồng thấu hiểu lý lẽ của vợ nên phải đồng ý.
Tiếp theo, ta hãy xem xét quyền của người phụ nữ trong mối quan hệ với cha mẹ. Trước đây, trong gia đình Việt Nam từng phổ biến quan niệm, cha mẹ nói sao, con nghe vậy. Con cái phải có bổn phận phục tùng cha mẹ. Ca dao có câu: “Cá không ăn muối cá ươn / Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Trong hôn nhân, phổ biến hiện tượng cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Nhưng trong văn xuôi cách mạng, hầu như cha mẹ không có vai trò trong việc hôn nhân của con gái. Đám cưới do đoàn thể đảm nhiệm chứ không phải do cha mẹ tổ chức. Có nhiều trường hợp con gái không vâng lời cha mẹ trong hôn nhân. Cô Tý không chịu lấy Quyền nên mẹ cô phải trả lễ (Nhãn đầu mùa – Xuân Tùng, Trần Thanh). Cô Ba Thái không chịu lấy địa chủ Cả Bảy khiến cha cô nổi giận lôi đình nhưng cũng không làm gì được (Bông hường bông cúc – Hoàng Văn Bổn). Ông bản Mông ép con gái tảo hôn, con gái ông không chịu nên bỏ nhà đi (Hòn đá cõi – Thạch Giản, Đức Ánh)... Trong Mùa xuân (Nguyễn Địch Dũng), có rất nhiều người nhờ mai mối hỏi cưới cô Ngát, đám nào cũng được mẹ cô ưng ý. Nhưng cô phản đối kịch liệt: “Trời ơi, u lạc hậu quá ! Làm như thời phong kiến ngày xưa không bằng. Bây giờ đang bước lên chủ nghĩa xã hội rồi, không ai lại lấy chồng lấy vợ như thế nữa (…) Cuối cùng, bà mẹ thấy rằng không thể ép buộc nổi cô con gái bướng bỉnh nên đành phải kiên nhẫn chờ đợi”.
Trong việc chọn nghề và cách thức làm ăn sinh sống cũng vậy. Cha mẹ Sen không muốn cho cô đi thanh niên xung phong. Cô bèn trốn cha mẹ đi làm công nhân ở ngoại thành Hà Nội (Vào đời – Hà Minh Tuân). Trong Hai đêm gác công trường (Ngô Quân Miện), có cô gái không thích sống trong sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ. Cô đã trốn gia đình đi làm công nhân vì “làm công nhân công trường cứ như con chim được bay nhảy khắp đất nước, kiến thiết hết chỗ này đến chỗ kia”. Trong Cái sân gạch (Đào Vũ), các con của lão Am kịch liệt phản đối khi cha “ngoan cố” không chịu đưa ruộng vào hợp tác xã. Rạng sáng, lão Am lén dắt trâu đi bán nhưng Chấm đã chạy theo giữ lại. Cuối cùng, “người hùng làng Cầu Quay” cũng đành phải chấp nhận chịu thua đứa con gái của mình. Có thể nói rằng, trong thời đại mới, người phụ nữ có quyền quyết định việc hôn nhân, chọn nghề nghiệp và cách thức sinh sống chứ không nhất thiết phải nghe lời cha mẹ.
Một trong những nỗi khổ của người phụ nữ thời xưa xuất phát từ mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu. Trong văn xuôi cách mạng Việt Nam, ta cũng bắt gặp nhiều mẹ chồng khó tính, bắt ép con dâu phải làm theo ý muốn lỗi thời của mình. Tuy nhiên, qua cuộc đấu tranh giữa hai lối sống cũ và mới, các bà mẹ chồng đều nhận ra cái sai hoặc không còn khả năng gây khó khăn cho con dâu. Truyện Người ở nhà (Nguyễn Địch Dũng) cũng đề cập đến vấn đề mẹ chồng – con dâu trong những năm 1960 ở miền Bắc. Những người chồng trẻ lên đường nhập ngũ, những người vợ được huy động tham gia trực chiến, lao động theo tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”. Mẹ chồng của Soan bảo: “Chồng hoạt động rồi thì vợ phải lo toan con lợn, con gà ở nhà”. Bà không muốn con dâu vào dân quân, tối ngủ tập trung với bọn con trai. Nhưng Soan đã khéo léo cư xử để vừa làm được việc gia đình, vừa lo toan việc xã hội. Khác với Soan, cô Nguyệt không chịu nổi bà mẹ chồng lắm điều và cô em chồng đanh đá nên đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Đến khi chồng đi bộ đội, bà mẹ chồng đấu dịu thì cô mới chịu trở về gánh vách việc gia đình chồng. Có khi, ta cũng gặp những bà mẹ thương nàng dâu nhưng cũng giận dỗi, khó chịu khi thấy con dâu bỏ bê việc nhà. Trong Chuyện nhà (Dương Thị Xuân Quý), bà mẹ Yên bực mình khi thấy con dâu lo việc xã quá nhiều mà bỏ bê việc gia đình. Bà đi thăm con gái cũng thấy hiện tượng con gái mình bỏ con cho cha chồng chăm để đi làm việc hợp tác. Cuối cùng, bà chấp nhận và thông cảm cho công việc của người phụ nữ trong xã hội mới. Ta cũng thấy quan hệ sản xuất mới đã làm thay đổi mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu trong các tác phẩm: Vợ chồng chị Vấn (Thanh Hương), Một nhà, Người vợ (Nguyễn Địch Dũng)…
Ta cũng gặp những xích mích nhỏ giữa cha chồng và nàng dâu trong truyện Anh Keng (Nguyễn Kiên). Bố anh Keng có tính gia trưởng, kiên quyết không cho con trai lấy chị Lạt, một phụ nữ từng có chồng. Tuy nhiên, anh Keng và chị Lạt vẫn lấy nhau, sinh con, sống hạnh phúc. Ông Keng khinh thường tất cả đàn bà, kể cả vợ mình và con dâu, nhưng đành phải hạ mình đến thăm cháu nội mới sinh. Trong bữa cơm, “nhìn vợ Keng, ông cứ thấy vướng mắt thế nào. Nó nựng nịu con nó thì tha hồ. Đằng này nó lại lườm chồng, giật lấy cái chai trong tay chồng (…) – Nó không cho anh uống, anh lại càng phải uống (…) Anh thử ngẫm đời bố anh mà xem. Làm thằng đàn ông muốn dựng lên cơ nghiệp thì không được để vợ nó xỏ mũi”. Theo ông, vợ không được phép thò tay vào những việc của chồng. Vợ ông vẫn chấp hành điều đó nhưng đến thời con dâu thì đã khác. Chị Lạt đã nắm toàn quyền điều hành gia đình, cha chồng đành phải chấp nhận sự thay đổi đó.
3. Vấn đề quyền phụ nữ trong quan hệ xã hội
Thời phong kiến, người phụ nữ rất ít tham gia các hoạt động xã hội. Bổn phận của họ là ở nhà chăm con, nuôi heo gà, quét dọn nhà cửa… Trong giai đoạn 1945 - 1975, Việt Nam có chiến tranh, đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn nên chính phủ huy động sự tham gia của mọi thành phần xã hội. Người phụ nữ đã tích cực tham gia mọi lĩnh vực: chiến đấu, xây dựng, quản lý xã hội… Họ nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan hành chính và dân quân các cấp. Họ còn đạt được nhiều danh hiệu vẻ vang trong xã hội.
Trước hết, ta hãy nói đến vai trò của người phụ nữ trong công cuộc xây dựng, kiến thiết miền Bắc. Trước đây, bà Vạn sống lam lũ, nhẫn nhịn bên ông chồng có tính độc đoán, gia trưởng. Nhưng từ khi có phong trào hợp tác, bà phấn đấu trở thành xã viên xuất sắc. Trước sự tiến bộ của bà, ông chồng cũng thay đổi tính cách, mua cho bà “Bộ quần áo mới” để đi dự hội nghị ở huyện (Ngô Ngọc Bội). Trong Qua một kiếp người (Nguyễn Dậu), nhân vật chị Cả chỉ thực sự đổi đời sau Cách mạng. Chị đã “lột xác”, thoát khỏi cuộc sống nhẫn nhục trong gia đình, vươn ra xã hội và trở thành người lao động giỏi, gương mẫu. Cũng như vậy, chị Chỉ (Màu tím hoa mua – Nguyễn Thị Thu Trang) cũng quên được nỗi đau gia đình nhờ tích cực tham gia công tác xã hội. Chị trở thành cửa hàng trưởng, bí thư chi bộ. Có những người vợ suốt đời sẽ không làm được điều to tát nếu cứ sống bên cạnh chồng. Nhờ có chồng thoát ly đi kháng chiến xa nhà mà người vợ mới có cơ hội tham gia công tác đoàn thể, trở thành trụ cột phong trào (Người vợ - Bùi Hiển). Chỉ có mạnh dạn bước ra khỏi xó bếp, hòa mình vào các phong trào xã hội, người phụ nữ mới khẳng định được tầm quan trọng của mình. Họ tham gia cải tiến kỹ thuật và lái máy cày điêu luyện khiến cho nam giới phải thán phục (Dòng nước - Nguyễn Sơn Hà, Cô bánh xích - Hồ Thủy Giang)…
Khi đất nước có chiến tranh, nam giới ra trận thì công việc xây dựng và quản lý nông thôn được chuyển giao cho nữ giới. Có thể thấy sự chuyển giao này trong Giáp trận (Nguyễn Thế Phương). Khi Thứ ra chiến trường, Phấn thay chồng làm chủ nhiệm hợp tác xã. Trong Đất đỏ (Huy Phương) cũng vậy, khi chồng ra chiến trường, Lý vừa đảm việc nhà, vừa lo việc nước. Cô hăng hái chỉ đạo phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở xã, và được cử đi dự đại hội phụ nữ ba đảm đang toàn tỉnh. Trong các mối tình thời chiến, khi người con trai ra chiến trường thì người con gái ở hậu phương gánh vác một nửa trách nhiệm với đất nước. Trong Đất mặn (Chu Văn), đôi trai gái Dũng – Thảo chia nhau mỗi người đảm trách một nhiệm vụ. Dũng ra chiến trường, Thảo ở hậu phương vừa sản xuất vừa trực chiến bắn máy bay. Nhờ có phấn đấu hết mình, cô đã gỡ bỏ được sự kỳ thị do lý lịch gia đình không rõ ràng và trở thành đại đội trưởng nữ dân quân xã Hải Vinh.
Không hiếm trường hợp nam giới cảm thấy bị lép vế, xấu hổ trước nữ giới. Truyện Con nhện vàng (Châu Diên) kể chuyện một lần “chạm mặt” giữa anh Tuyên và kiện tướng Khúc Thị Hiếu. Cô có lối đối đáp bạo dạn và có kiến thức khoa học khiến chàng trai cảm thấy mặc cảm: “- Hỏi vớ vẩn. Bèo hoa dâu này. Chuồng lợn hai bậc này. Ủ chua này. Phân vi sinh vật này. Xử lý giống này. (…) Tuyên nghe cô bạn kia nói nhưng không hiểu hết cô ta vừa kể lể những kỹ thuật quỷ quái gì. / - Chẳng mấy đâu. Cả cái đồng nước này nữa, rồi phải làm cạn đi chứ. Xã anh thế nào không biết chứ bên xã tôi đang đi đo mức thủy - bình ở khắp các xứ đồng rồi. Chuẩn bị quy - hoạch thủy lợi mà. Xã anh chắc là chưa làm, hử ?/ Tuyên chẳng hiểu “thủy - bình” và “quy – hoạch” là gì cả. Vì thế Tuyên chỉ lắc đầu, ừ hữ”. Sau lần gặp mặt đấy, Tuyên xem Khúc Thị Hiếu như một tấm gương để học tập. Trước kia, người ta chỉ thấy đàn ông dạy chữ cho đàn bà. Nhưng nay, việc đàn bà dạy chữ cho đàn ông là chuyện bình thường. Trong Cửa sông (Nguyễn Minh Châu), cô giáo Thùy phải lo rèn anh kế toán Bân học văn hóa. Bên cạnh việc dạy học, cô giáo gốc thành phố này còn tập lao động sản với nông dân, trực chiến bắn máy bay. Cô cũng như nhiều nữ trí thức khác lúc bấy giờ có sự kết hợp các phẩm chất của ba thành phần: trí thức, nông dân, chiến sĩ. Sự giỏi giang của họ khiến cho các đấng mày râu phải nể phục.
Việc phấn đấu tìm chỗ đứng của người phụ nữ trong xã hội mới không phải là không gặp nhiều khó khăn. Trước đây, người phụ nữ không có điều kiện đi học nên việc tham gia các hoạt động xã hội còn hạn chế. Ché Mèn không biết chữ nhưng cô cố gắng tham gia lớp bình dân học vụ để tiếp thu nhiều kiến thức kỹ thuật mới, giúp bản làng nâng cao năng suất nông nghiệp. Cô được cử đi dự hội nghị thanh niên tích cực toàn huyện (Ché Mèn được đi họp – Nông Minh Châu). Chị Lật có trình độ học vấn thấp nên ngại làm quản lý. Nhưng sau nhờ đi học lớp bồi dưỡng văn hóa mà có điều kiện vươn lên, làm bí thư chi bộ, dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (Chị chủ nhiệm thôn Thượng – Hoàng Tuấn Nhã). Một vật cản khác là tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong hàng ngũ cán bộ. Trong truyện Chỗ đứng (Dương Thị Xuân Quý), cô Thanh lập được nhiều thành tích nên được chuyển lên huyện đoàn. Nhưng cô có cảm tưởng như sự có mặt của mình chỉ để cho nam giới sai vặt. Nhìn xuống các xã, Thanh cũng thấy nhiều chị em giỏi giang nhưng chỉ làm tới cấp phó là hết. Bởi vậy, Thanh ra sức đấu tranh để khẳng định chỗ đứng của phụ nữ trong huyện. Để có được một chỗ đứng trong xã hội, người phụ nữ phải phấn đấu vất vả hơn nam giới. Sự thành công của họ chỉ có được khi phải trải qua một nỗ lực rất lớn. Kết quả, nhiều người cũng trở thành bí thư chi bộ, chủ tịch xã, chủ nhiệm, đội trưởng sản xuất, chỉ huy dân quân... Ngoài những nhân vật nêu trên, còn có thể kể đến: Nhân (Vẻ đẹp – Thanh Hương), Sính (Nguồn vui – Nguyễn Khải), Mị (Miền Tây – Tô Hoài), Seo Mẩy (Xa Phủ - Ma Văn Kháng)...
Tham gia các công tác tại địa phương là một vinh dự nhưng đi thanh niên xung phong nơi tuyến lửa khu bốn lại càng vinh dự hơn. Nhiều cô gái đã khẳng định chỗ đứng quan trọng của mình nơi tuyến lửa. Hằng ngày, họ phải làm đường, sửa đường và bắn máy bay, phá bom mìn... Đúng ra, đây là công việc dành cho nam giới nhưng phụ nữ làm chẳng kém gì nam giới. Những chàng lính đi qua đường Trường Sơn xem các nữ công binh như những thiên thần. Trong Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), cô thanh niên xung phong Nguyệt đã dũng cảm giúp Lãm cứu xe hàng: “Không biết Nguyệt bị thương loạt bom đầu tiên, lúc tôi nấp dưới khe, hay khi cô vùng chạy theo tôi trở về xe? Thú thực, lúc ấy trong lòng tôi dấy lên một tình yêu Nguyệt gần như mê muội lẫn cảm phục”. Các cô thanh niên xung phong tập hợp thành những binh đoàn đông đảo có mặt khắp các dãy Trường Sơn. Có thể thấy khí thế làm việc của họ trong các tác phẩm: Ở một cung đường (Xuân Sách), Giữ đường (Thạch Giản), Những người mở đường (Vũ Hữu Ái), Thung Lũng Cô Tan (Lê Phương), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Những người cùng tuyến (Hải Hồ), Sao Băng (Nguyễn Gia Nùng), Đường qua đỉnh núi (Bùi Bình Thi), Vì sự sống con đường (Nguyễn Khắc Phê), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)…
Trong các tác phẩm văn xuôi viết về đề tài chiến ở miền Nam, hình tượng nhân vật nữ xuất hiện rất nhiều. Có khoảng một nửa số tác phẩm có nhân vật chính là nữ giới. Hơn thế nữa, nhân vật nữ còn giữ vai trò lãnh đạo phong trào và đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng... Họ là Bí thư chi bộ, Xã đội trưởng, cán bộ phụ trách phong trào của xã, huyện... Đó là Dít (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành), Chị Xã đội trưởng (trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Quang Sáng), Út Tịch (Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi), Thắm (Không chịu sống quỳ - Nguyễn Hải Trừng), Linh (Mùa gió chướng – Nguyễn Quang Sáng), Tâm (Dưới đám mây màu cánh vạc – Thu Bồn), chị Tư Hậu (Một chuyện chép ở bệnh viện – Bùi Đức Ái), Tư Dương (Hoa hướng dương – Đoàn Giỏi), Út Sâm (Gia đình má Bảy – Phan Tứ), Thắm (Đất Quảng – Nguyễn Trung Thành), Lành (Thôn ven đường – Xuân Thiều), Út Hảo (Rừng U Minh – Trần Hiếu Minh), Phượng (Áo trắng – Nguyễn Văn Bổng), Mẫn (Mẫn và tôi – Phan Tứ), Kan Lịch (Kan Lịch – Hồ Phương), Cúc (Dòng sông phẳng lặng – Tô Nhuận Vỹ)... Ngoài ra, còn phải kể đến “đội quân tóc dài” trong các tác phẩm: Hòn Đất (Anh Đức), Nhật ký người ở lại (Nguyễn Quang Sáng), Gia đình má Bảy (Phan Tứ), Đôi bờ (Nguyễn Dậu, Nhất Hiên) và các truyện ký trong tập Từ tuyến đầu Tổ quốc... Nguyễn Quang Sáng đã để cho nhân vật Năm Bờ phát biểu: “Thời buổi này là thời buổi của đàn bà con gái”, “Đàn bà con gái như sao trên trời (…) trời càng tối thì sao càng sáng. Cách mạng thoái trào, vai trò phụ nữ càng nổi bật” (Mùa gió chướng).
Một số tác phẩm miêu tả sự tranh giành quyền được tham gia công tác giữa nam và nữ. Trong Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), cả Việt và Chiến đều giành một suất đi bộ đội. Cuối cùng họ phân công: Việt đi bộ đội chính quy còn Chiến tham gia du kích địa phương. Cả hai chị em thường tranh giành, kể công thành tích đánh địch. Lần nào, chị Chiến chỉ “nhường” chứ không thua Việt. Trong Mẫn và tôi (Phan Tứ), cuộc đấu tranh nội bộ giữa Tám Liệp và Mẫn diễn ra khá gay gắt. Tám Liệp là chủ tịch xã, chỉ lo làm việc hành chính và khi địch đến thì bỏ chạy. Mẫn rất bất bình trước chuyện này và luôn đấu tranh với cha nuôi để vực dậy phong trào. Cuối cùng, cô lên làm Bí thư chi bộ, vô hiệu hóa vai trò của Tám Liệp. Mẫn còn phụ trách du kích khu vành đai gồm 12 xã, chỉ huy các đấng mày râu vào sinh ra tử. Hồi nhỏ, chị Út Tịch “nghe người ta nói đàn bà đái không khỏi ngọn cỏ không đánh giặc được, tôi tức mình leo tuốt lên ngọn dừa đái xuống coi bi cao cho biết”. Đó là hành động để chứng tỏ mình giỏi hơn đàn ông. Lúc lãnh đạo đội du kích, chị thi đua với chồng để lập nhiều thành tích, “Bà Hồng, ông Cống nắm tay nhau đánh giặc mù trời”. Có thể nói, các nữ du kích miền Nam đã phát huy tối đa quyền phụ nữ đã có truyền thống từ thời Bà Trưng, Bà Triệu. Việc người phụ nữ xuất hiện đông đảo và giữ vai trò quan trọng trên chiến trường là hiện tượng rất hiếm thấy trong văn học thế giới. Trong văn học quốc gia miền Nam cùng thời, cũng không thấy hiện tượng này.
Tóm lại, văn xuôi cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 đã chú trọng miêu tả sự đổi thay to lớn về vị trí của phụ nữ trong xã hội mới. Điều này xuất phát từ thực tế thời chiến tranh, phụ nữ đã phát huy vai trò to lớn trong mọi lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, do chú trọng mục tiêu cổ vũ chiến đấu và lao động, nhiều nhà văn đã né tránh một số nội dung của “quyền phụ nữ” như: nhu cầu tình dục, coi trọng bản năng, cá tính, quyền tự do ngôn luận… Trong thực tiễn cuộc sống thời chiến, phụ nữ vẫn có những nhu cầu này. Những khiếm khuyết đó sẽ được khắc phục trong văn xuôi Việt Nam giai đoạn sau 1975.
Phạm Ngọc Hiền
Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975