Tự sự của chuột nhà (Phạm Ngọc Hiền)

 

Các bạn chuột thân mến !

Mở đầu, tớ xin có đôi dòng giới thiệu về bản thân. Tớ là chuột nhà, một trong số 1300 loài của siêu họ chuột. Tớ sống trong một căn nhà có tiện nghi tương đối đầy đủ, có máy tính nối mạng, có truyền hình cáp… Nhờ vậy, tớ mới có điều kiện theo dõi cuộc sống khắp nơi trên thế giới và nắm được nhiều thông tin về loài chuột. Nên tớ xin có đôi lời phát biểu về vị trí của loài chuột chúng ta trong thế giới động vật.

Các bạn có biết rằng, loài chuột của chúng ta có nhiều họ, chi, loài bậc nhất trong thế giới loài vật. Chỉ riêng về tên gọi cũng rất đa dạng (có khi chồng chéo lẫn nhau). Nếu phân chia theo địa hình sinh sống, ta có: chuột rừng, chuột nhà, chuột đồng, chuột cống, chuột mái nhà, chuột cát, chuột chũi, chuột gỗ, chuột tre, chuột leo, chuột đá, chuột đầm lầy, chuột lang nước… Nếu phân chia theo hình dáng bề ngoài, ta có: chuột đen, chuột nâu, chuột bạch, chuột sóc, chuột túi má, chuột xù, chuột béo, chuột nhắt, chuột gai, chuột xạ… Rồi nghe nói tận đẩu tận đâu còn có chuột túi châu Úc, chuột châu Phi, chuột Bắc Mỹ, chuột hươu Florida, chuột sóc Trung Hoa, chuột Malagasy…

Không chỉ đa dạng về chủng loại mà loài chuột của chúng ta còn có khả năng sinh sản hoành tráng bậc nhất thế giới. Loài chuột có tập tính mắn đẻ. Một chị chuột cái có thể đẻ 6 lứa trong năm, mỗi lứa khoảng chục con. Sau khi sinh được 10 ngày, chuột con đã có đời sống tự lập. Và sau khoảng 50 ngày tuổi, lứa chuột đó đã trở thành cha mẹ. Giả sử đầu năm, có một cặp anh chị chuột giao phối. Khoảng 2 tháng sau, họ được phong chức ông nội, bà ngoại ngay. Chỉ trong một năm, anh chị chuột đó đã lên chức cụ cố tổ, với một bầy con, cháu, chắt, chít… đông khoảng trên 15.000 con. Và trong khoảng ba năm, trước khi nhắm mắt xuôi tay, anh chị đó có thể chứng kiến đám con cháu của mình đông đảo bằng dân số của một tỉnh.

Có hai nguyên nhân chính làm cho loài chuột phát triển nhanh: do tập tính mắn đẻ và có nguồn thức ăn dồi dào. Chúng ta thuộc loài ăn tạp nên thứ gì cũng xơi được. Thức ăn chính của chuột là thực vật, nhất là các loại quả, hạt như: lúa, bí, dừa, dưa, chuối, nho, sung… Và các loại thân, lá cây như: bông cải, cà rốt, cần tây, các loại mầm… Đôi lúc, chúng ta cũng ăn các loại động vật nhỏ như: gián, sâu, bọ, châu chấu, ốc sên, côn trùng bay… Chuột nhà, chuột cảnh còn có cơ hội ăn cả những thức ăn động thực vật đã qua sự chế biến của con người, như: bánh ngọt, bơ, sữa, xúc xích, phô mai, chocolate, bánh mì, bò hầm rô ti, cá rán, sườn heo nướng, gà quay… Nói chung, loài chuột chúng ta có nguồn thức ăn đa dạng và không phải lo đói như nhiều loài khác.

Nhưng được cái này thì mất cái kia. Loài chuột cũng luôn bị đe dọa mạng sống vì chúng ta là thức ăn của rất nhiều loài khác. Tất cả các loài động vật ăn thịt đều ăn được thịt chuột. Kẻ thù truyền kiếp của chúng ta là mèo. Mỗi lần bắt được chuột, mèo không ăn ngay mà đùa giỡn chuột cho đến chết rồi mới ăn. Các loài mèo lớn như hổ, báo, sư tử ít quan tâm đến chuột. Tuy nhiên, lúc đói, chúng cũng có thể xơi tạm chuột trong khi chờ săn được các động vật ăn cỏ. Chó rừng và cáo chạy nhảy lông nhông suốt ngày để tìm chuột. Khi phát hiện chỗ nào có tiếng động, chúng dừng lại quan sát rồi lao tới ngoạm lấy chuột, nhai rau ráu. Anh em nhà chồn, lửng, rái cá… cũng không tha chuột. Chúng ta cũng là thức ăn của các loài rắn, nhất là hổ mang và trăng. Chúng tiêm nộc độc cho chuột tê liệt rồi mới nuốt trọn con mồi.

Cuộc sống của chúng ta không an toàn cả về ban đêm lẫn ban ngày. Ban đêm, chúng ta chỉ có thể quan sát tốt những vật dưới mặt đất, nhưng không thể biết được một chim cú vọ đang đứng lặng im trên cành cây chờ chuột. Ngay cả ban ngày, chúng ta cũng chỉ quan sát những vật ở gần và không thể phát hiện ra một con đại bàng ở cách xa 1,6 ki lô mét. Nhưng đại bàng có thể phát hiện ra chúng ta ở độ xa đó. Chúng bay tới như một cơn lốc, dùng móng vuốt sắc nhọn bóp chết con mồi rồi rỉa từng miếng thịt. Sống trên cạn, chúng ta phải đối phó với vô số loài chim ăn thịt và thú dữ. Nhưng sống dưới mặt nước cũng chẳng an toàn. Loài chuột lang nước cũng là một thức ăn béo bổ của cá sấu.

Con người cũng giết chuột. Trước kia, người ta xem chuột đồng như một món ăn dân dã như cua, cá, tôm, tép… Ngày nay, thịt chuột đồng có mặt ở các nhà hàng sang trọng, được chế biến thành những món ngon cầu kỳ như: chuột đồng luộc ép lá chanh, chuột xào sả ớt, chuột đồng áp chảo, chuột quay lu, chuột đồng rang muối, chuột nướng, chuột khìa nước dừa, chuột nướng chao, chuột xào lăn, chuột xào lá cách… Tuy nhiên, chuột không phải là thức ăn thường xuyên của con người và không phải ai cũng ăn được thịt chuột. Thông thường, người ta giết chuột rồi vứt xác. Họ giết chuột để bảo vệ mùa màng, đồ đạc và môi trường sống. Việc diệt chuột có thể xuất phát từ ý muốn cá nhân nhưng cũng có khi xuất phát từ các phong trào mang tính cộng đồng. Nhiều trường học phát động phong trào diệt chuột, học sinh nộp đuôi chuột để được nhận điểm thi đua. Sau mỗi đợt phát động như vậy, dân số chuột trong vùng tụt giảm đáng kể.

Chúng ta không ghét loài người nhưng đôi lúc cũng làm cho họ khó chịu. Chúng ta ăn tất tần tật các loại thực phẩm do họ làm ra, từ lúc chúng còn ở ngoài đồng cho đến khi được đem về nhà kho. Chuột còn cắn phá nhà cửa, bàn ghế, tủ giường… Nhưng chúng ta làm vậy là để bào mòn răng cửa chứ không cố ý làm hại con người. Loài người còn sợ chuột vì chúng ta có thể truyền các bệnh nguy hiểm cho họ. Có khoảng 35 loại bệnh mà chuột có thể truyền cho người. Các loại bệnh này có thể do chuột hoặc các vật khác sống bám trên cơ thể chuột gây ra (như bọ chét, ve…). Phổ biến nhất là các bệnh: dịch hạch, viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt chuột cắn, tiêu chảy, vàng da suy thận… Trên thế giới đã từng có những nạn dịch lớn do loài chuột gây ra. Như trận dịch hạch thế kỷ XIV ở châu Âu làm chết 25 triệu người. Hoặc nạn dịch hạch vào thế kỷ XVII ở Anh làm chết 60.000 người… Hằng năm, ngành y tế dự phòng của các quốc gia phải chi ra một khoản tiền khổng lồ cho hoạt phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm. Điều đó cho thấy, loài chuột đã tạo cho con người một gánh nặng mà thực tình, chúng ta chẳng muốn làm điều đó chút nào.

Từ xưa, con người đã nghĩ ra nhiều cách thức bắt chuột: hun khói ở cửa hang, dùng cây sào có mũi nhọn để đâm chuột, dùng lồng bắt chuột, dùng vỉ dập chuột hoặc bỏ thuốc độc vào cơm để diệt chuột… Xã hội càng hiện đại, người ta càng chế tạo ra được nhiều loại bẫy mới, phức tạp, tinh vi hơn. Nguyên lý bắt chuột thông dụng vẫn là dùng mồi nhử. Nhưng có loại bẫy không dùng mồi nhử mà dùng keo. Chú chuột nào mải lo chạy nhảy, không để ý, có thể dính deo, không rút chân ra được. Con người còn chế tạo ra nhiều loại thức ăn hỗn hợp để diệt chuột. Họ trộn xi măng với các loại bột làm thức ăn để bào mòn, phá hỏng hệ tiêu hóa của chuột. Hoặc cho chuột ăn khoai tây nghiền nát để khát nước. Khi chuột uống nước vào thì các chất đó sẽ phình to, nứt bụng mà chết.

Con người còn nghĩ ra nhiều phương cách để xua đuổi chuột. Họ đốt một con chuột thành than rồi bỏ vào túi treo lơ lửng để làm chúng ta khiếp hãi mà tránh xa. Họ cũng có thể thay xác chuột bằng một đuôi mèo chẳng hạn. Con người còn dùng các hóa chất có mùi khó chịu để xua đuổi chuột, như: bột ớt, tiêu, tỏi, hành tây, bạc hà, long não, bột quế, dầu bạc hà, dầu mazut, dung dịch amoniac, giấm, xà phòng… Ngày nay, ở trên mạng, người ta truyền đạt cho nhau vô số cách giết hoặc xua đuổi chuột. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có vô số trang web quảng cáo, mua bán các loại chuột cảnh, nhất là chuột hamster, chuột lang, chuột bạch… Người ta nâng niu, chăm sóc chuột cảnh giống như chăm sóc cá cảnh, chim cảnh, chó cảnh… Họ vừa yêu thương một con chuột cảnh nhưng cũng có thể đập chết một con chuột hoang không chút run tay. Con người có bản tính phức tạp như vậy nên ta luôn đề phòng tránh xa họ thì hơn.

Nói đi thì phải nói lại, loài chuột của chúng ta cũng giúp ích cho con người nhiều thứ. Chuột có cơ chế sinh học gần giống người. Bởi vậy, trước khi áp dụng một phát minh y học nào trên con người, các nhà khoa học thường thử nghiệm trên cơ thể chuột. Nhiều con chuột của chúng ta đã hy sinh bản thân mình để phục vụ cho y học. Để bệnh nhân tin vào một loại thuốc, nhà sản xuất phải thuyết phục rằng, loại thuốc đó đã được thử nghiệm thành công trên cơ thể chuột nhà, chuột bạch… Trong y học cổ truyền phương Đông, các loại thuốc và thức ăn chữa bệnh từ chuột được gọi là Lão Thử. Tùy vào cách pha chế mà thịt chuột có thể giúp con người chữa các bệnh như: mau lành thương tích, bổ thận, tráng dương, ích não… Từ vua chúa đến người bình dân đều dùng.

Loài chuột cũng cần tự hào rằng, mình đứng đầu 12 con giáp theo quan niệm phương Đông. Cứ 12 năm, chúng ta xuất hiện một lần, đại diện cho một năm. Những năm tý là dịp để con người nhắc nhiều đến loài chuột. Ở Việt Nam, có tranh Đám cưới chuột rất nổi tiếng, thường treo trong nhà vào dịp tết. Trong kho tàng ca dao tục ngữ có vô số những câu về loài chuột. Có nhiều tác phẩm văn chương nói về chuột với cảm hứng hài hước, thường mượn loài chuột để ám chỉ bọn quan tham đục khoét của dân. Trong lĩnh vực điện ảnh, có nhiều phim hoạt hình nói về chuột, nổi tiếng nhất là Tom và Jerry do Mỹ sản xuất, dài 164 tập. Đó là một trong những bộ phim ăn khách nhất thế giới. Điều đáng nói là bộ phim ca ngợi sự thông minh nhanh trí của chú chuột Jerry. Hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên thế giới đã hồi hộp cầu mong điều may mắn cho một con chuột.

Không chỉ ghi dấu ấn trên lĩnh vực văn hóa, loài chuột của chúng ta còn có mặt trên lĩnh vực kỹ thuật. Ngày nay, máy vi tính cùng với con chuột của nó đã phổ biến khắp thế giới. Ông chủ nhà tớ dạy con trai sử dụng máy tính với những động tác: nhấp chuột, rê chuột, bấm chuột phải, ấn chuột trái…Và ông ấy vuốt ve, sờ nắn con chuột vi tính làm tớ phát thèm. Một hôm vắng người, tớ bò đến xem thử “con chuột” đó như thế nào. Hóa ra, nó chỉ là một cục nhựa nằm im bất động. Sẵn lúc răng đang dài ra, tớ cắn vào con chuột đó mấy cái làm nó nham nhở. Chủ nhà tức lắm, đặt keo diệt chuột. Tớ đã từng chứng kiến một bạn chuột chết vì dính bẫy này nên rút kinh nghiệm sâu sắc. Bởi vậy, tớ vẫn còn sống đến giờ để viết thông điệp này gửi đến các bạn.

Tớ xin kết luận rằng, mối quan hệ giữa chuột và người là một mối quan hệ phức tạp. Hai bên không ưa nhau nhưng vẫn cứ phải tồn tại bên nhau. Cũng giống như tớ với chủ nhà vậy. Bà chủ không ưa chuột nhưng vẫn bán các thức ăn dành cho chuột cảnh. Ông chủ ghét chuột nhưng vẫn uống các loại thuốc đã thử nghiệm trên chuột. Bà tuổi con gà, không hợp với ông chồng tuổi con mèo. Và cả hai vợ chồng cũng không hợp tính với thằng cu Tý tuổi chuột. Các thành viên gia đình có tuổi tứ hành xung (Tý – Ngọ – Mão – Dậu). Họ cãi nhau hằng ngày nhưng vẫn cứ sống chung. Mỗi tối, hai cha con tranh giành một cái ti vi. Thằng cu Tý nghiện xem Tom và Jerry và nhiều phim hoạt hình khác nói về chuột. Ông cha thì mải nhấp chuột tìm kiếm phim thế giới động vật. Còn tớ đứng nép mình vào xó tối để quan sát các hoạt động của nhà họ, và có thấy nhiều hình ảnh của loài chuột chúng ta.

PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 20:36 - 08/01/2020 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận