THÚ TÁT ĐÌA ĂN TẾT (Đắc Hoa)

Khi tôi còn nhỏ, tức là cách nay khỏang bốn, năm mươi năm. Cứ mỗi độ xuân về, tết đến là lớp trẻ chúng tôi nói chung, bản thân tôi nói riêng có nhiều thứ háo hức chờ đợi lắm. Bây giờ ngồi ngẫm nghĩ nhớ việc gì, tôi cố gắng ghi chép lại hầu mong giúp cho các bạn trẻ hiểu biết thêm một đôi nét phong tục tập quán của nhân dân ta, mà nay không thấy lưu truyền. Việc mà tôi muốn hầu các bạn kỳ này là cái thú tát đìa bắt cá để ăn trong ba ngày tết ở quê tôi.

Không biết ở các nơi khác thế nào, chứ còn ở quê tôi, lúc đó hầu như gia đình nào cũng có cái đìa nho nhỏ ở giữa những đám ruộng trũng để nhử cá tự nhiên vào sinh sống. Cái đìa này có diện tích không rộng, chỉ đôi ba mét vuông thôi. Thường bà con đào đìa ở một góc của đám ruộng hoặc ở giữa đám ruộng là tuỳ thuộc vào mặt bằng, địa hình của đám ruộng đó. Miễn sao đìa thu hút được nhiều loại cá ngoài tự nhiên vào sinh sống là được. Ở quê tôi, mỗi năm, sau mùa gặt bà con mới tát đìa một lần để bắt cá. Riêng vụ cá tết thì bà con chờ gặt xong lúa Đông xuân, tức vào cuối tháng chạp, khi còn độ năm ba ngày đến tết nguyên đán là bà con tát đìa.
Lúc tôi còn nhỏ, độ bảy tám tuổi, làm gì thì làm chứ ngày tát đìa để bắt cá ăn tết thế nào tôi cũng có mặt. Tôi cho dịp này là một cái thú không dễ gì tìm được trong mỗi đời người.
Tôi nhớ như in, trước khi gia đình tôi tát đìa, ba tôi thế nào cũng chuẩn bị một chiếc gàu sòng. (Tức loại gàu tát nước dùng cho hai người cùng tát một lượt). Vì gia đình tôi đơn chiếc, nên mỗi khi tát đìa ba tôi phải nhờ thêm một người thân trong làng như cô chú bác gì... chẳng hạn. Thường thì tát đìa vào buổi sáng, nên trước khi đi tát đìa, mọi người phải ăn sáng cho no nê, nhất là những người trực tiếp cầm dây gàu sòng để tát nước thì không được bụng đói, vì đây là công việc nặng nhọc. Mà muốn tát cạn một cái đìa chí ít cũng ba bốn tiếng đồng hồ, và càng về trưa, tát đìa càng mệt nên phải có sức khoẻ dẻo dai.
Người lớn tham gia tát đìa thì mệt nhọc như thế, còn lớp trẻ con chúng tôi theo ngồi chầu rìa để xem cá hay tham gia bắt cá khi nước trong hồ được tát cạn. Thú nhất là lúc người lớn è cổ ra tát nước trong đìa gần cạn, thì lớp trẻ con chúng tôi nhao nhao nhìn cá đớp bóng, rồi cá vẫy đuôi bơi lội vòng vòng trong hồ, nhiều anh chị không chịu nằm yên còn cố lôi lên khỏi mặt đìa để thoát thân, dường như chúng cũng biết con người đang cố vây bắt chúng để ăn thịt trong ba ngày tết. Nếu gặp năm được mùa cá, mỗi cái đìa bắt được cả trăm kg chứ chẳng ít. Chủ yếu là cá tràu (cá lóc), cá trê, cá rô, cá nhét, cá trắng...Những loại cá này khi bắt được đem về, người dân quê tôi dùng để ăn dần trong ba ngày tết. Vì khi đó chợ búa nghỉ họp từ mùng một đến sáng mùng ba tết. Những món bà con thường nấu trong ba ngày tết như: Cá lóc um chuối cây, cá trê kho mẳn (món này bà con chọn những con cá trê to bằng cổ tay, làm sạch nhớt, bỏ ruột, khía đều trên mình rồi nướng sơ qua lửa, sau đó cho vào nồi đất có tao qua ít mỡ heo rồi nấu với nước mắm nhỉ có niêm tiêu ớt để khỏi tanh). Cá rô thì bà con lựa những con lớn bằng bàn tay nhốt riêng, đến bữa ăn bắt vài con nướng lửa than hiên hiển để dằm mắm ngò chấm với rau tằng ô, xà lách, cải luộc trồng trong vườn. Cá nhét thường bà con làm sạch nấu ngọt niêm lá gừng hay kho mẳn để thay đổi món ăn trong ba ngày tết. Cũng cần nói thêm những loại cá nói trên là hoàn toàn cá ngoài tự nhiên chui vào đìa sinh sống, người chủ đìa không cho ăn bất cứ loại thức ăn gì, nên thịt của chúng rất ngon, giống như các loại cá sinh sống ở ao đầm tự nhiên.
Có thể nói nhờ có phong tục đào đìa nuôi cá, mà người dân ở quê tôi thường đón tết nguyên đán bằng nhiều loại thức ăn phong phú ngoài bánh mức, thịt heo, dưa hành như những miền quê khác, còn có những món cá đồng đậm đà hương vị quê hương mà ngày nay nghĩ đến là tôi thèm nhỏ giãi

Đắc Hoa


Phamngochien.com - 19:40 - 08/02/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận