Thanh minh (Ngô Trần Trung Nghĩa)

Thanh Minh (trong sáng) là một trong số hai mươi bốn tiết khí của nông lịch, đồng thời cũng là một trong bốn ngày tết lớn của người Trung Quốc, cùng với Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ và Tết Trung Thu. Mặt khác, Thanh Minh còn là một trong bốn ngày cúng bái tổ tiên quan trọng, cùng với các ngày Tất Niên, Vu Lan và Trùng Cửu. Xem xét từ cả hai phương diện trên, có thể thấy được ý nghĩa và vị trí đặc biệt của tiết Thanh Minh trong văn hóa truyền thống Trung Quốc lẫn các nền văn hóa lân cận chịu ảnh hưởng của Hán học, như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.
1. Tiết Thanh Minh trong nông lịch cổ đại
Tiết Thanh Minh gắn liền với lịch sử phát triển và hoàn thiện của nông lịch. Giống như Ai Cập, Lưỡng Hà và Ấn Độ, văn minh Trung Hoa cũng là nền văn minh lúa nước, do đó việc làm ra lịch pháp để theo dõi thời tiết và gieo trồng là hết sức cần thiết.
Thời Cổ đại, người Trung Quốc dùng một loại đồng hồ gọi là Thổ Khuê để quan trắc chuyển động của Mặt Trời, xác định được hai ngày Hạ chí và Đông chí, tức hai ngày có thời gian ban ngày dài nhất và ngắn nhất trong năm, đồng thời, giữa hai mùa Xuân, Thu lại có hai ngày mà ngày đêm dài bằng nhau, lần lượt là Xuân phân và Thu phân. Đó là bốn tiết khí đầu tiên xuất hiện trong nông lịch. Đến năm Thái Sơ thứ nhất (năm 104 trước Công Nguyên) thời Hán Vũ Đế, lịch Thái Sơ được ban hành, trong đó, lần đầu tiên hệ thống hai mươi bốn tiết khí được trình bày hoàn chỉnh.
Cũng vào thời Hán, trong thiên "Thiên văn huấn" của sách "Hoài Nam Tử" có nói: "Sau (tiết Xuân phân) 15 ngày nữa, cán chòm Bắc Đẩu chỉ hướng Ất thì có gió thanh minh thổi tới". Gió thanh minh tức là "gió thanh mát trong lành", do vậy nên tiết khí mới có tên như thế.
Sách "Tuế thời bách vấn" cũng giải thích: "Vạn vật sinh trưởng trong tiết này đều trong sạch thanh khiết, nên gọi là Thanh Minh".
Theo nông lịch thì tiết Thanh Minh thuộc vào tháng Quý Xuân (cuối xuân), tức tháng Ba, sau tiết Xuân phân và trước tiết Cốc vũ (mưa rào). Còn theo thiên văn học hiện đại, ngày Xuân phân (20 - 21 tháng 3 Dương lịch) mới thực sự là bắt đầu mùa xuân, tiết Thanh Minh sau đó khoảng 15 ngày, tức là thời tiết mùa xuân đã đủ chín và thấm đều khắp nơi, nên cảnh sắc trở nên tươi đẹp, ấm áp và các loài sinh vật cũng phát triển, sinh sôi. Mặt khác, sau Thanh Minh là tiết Cốc vũ, nên trong tiết này, trời sẽ bắt đầu đổ mưa.
Thiên "Quý Xuân kỷ" của "Lã thị Xuân Thu" có miêu tả thời tiết trong tháng như sau: "Tháng này, khí của sinh mệnh đang vượng, khí dương phát tán, động vật phôi thai đều vươn lớn, mầm nụ cây cối đều phát đạt, không thể thu cất... Thiên tử nên hạ lệnh cho các quan trông coi thủy thổ rằng: Trời sắp đến lúc tuôn mưa, nước dưới đất sắp dâng. Hãy đi xem xét các đồng ruộng, tu sửa đê điều, khơi thông ngòi rãnh, khai thông đường sá, chớ để ùn tắc gây chướng ngại". Tuy "Lã thị Xuân Thu" là thư tịch thời Tiên Tần, khi đó hệ thống tiết khí vẫn chưa chính thức được công bố, nhưng diễn biến thời tiết vẫn được quan sát rất tinh tường và ghi chép khá cụ thể.
Hình ảnh mưa xuân tiết Thanh Minh có lẽ đã rất nổi tiếng trong bài thơ "Thanh Minh" của Đỗ Mục thời Đường:
Thanh Minh thời tiết vũ phân phân
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
(Thanh Minh rả rích mưa bay
Đường xa lữ khách ngẩn ngây mất hồn...)
Và cơn mưa đổ xuống vào đúng vào ngày Thanh Minh, với tên gọi "Bát hỏa vũ" (mưa hắt lửa), còn ám ảnh cả giấc mơ của Vi Trang:
Tảo thị thương xuân mộng vũ thiên
Khả kham phương thảo cánh thiên thiên
(Trong mơ: mưa trút Thanh Minh
Cỏ xanh mơn mởn cho mình buồn thêm...)
2. Nguồn gốc và các hoạt động trong dịp Tết Thanh Minh
Tuy tiết Thanh Minh được xác định trong lịch pháp là vào thời Tây Hán, nhưng nguồn gốc của tết đã bắt đầu trước đó hơn 500 năm, và lại gắn liền với một ngày tết khác: Tết Hàn thực.
Vào thời Xuân Thu, công tử Trùng Nhĩ nước Tấn vì tránh nạn do mâu thuẫn nội bộ trong triều, phải lưu vong qua nhiều nước suốt 19 năm. Trong một lần hết lương thực và Trùng Nhĩ đang sắp chết vì đói, một bề tôi theo hầu là Giới Tử Thôi đã cắt thịt ở đùi mình cho ông ăn. Sau khi lên ngôi (tức Tấn Văn Công), nhà vua ban thưởng cho các công thần rất hậu, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán trách vua, chỉ âm thầm đưa mẹ lên núi ở ẩn. Về sau, Tấn Văn Công nhớ ra và cho người đi tìm. Lính của triều đình tìm thấy, nhưng Giới Tử Thôi không chịu nhận thưởng. Tấn Văn Công cho đốt núi, muốn ép ông phải ra, kết quả là hai mẹ con Giới Tử Thôi bị chết cháy bên gốc liễu. Khi thu dọn thi thể, binh lính tìm thấy bức huyết thư, viết rằng: "Tuy thần cắt thịt dâng vua là dốc tận lòng trung, nhưng xin chúa công phải thanh minh (trong sạch). Thần làm quỷ dưới gốc liễu, nguyện vì vua mà can gián sớm chiều. Nếu trong lòng chúa công còn có thần, xin hãy tự cảnh tỉnh. Thần ở dưới cửu tuyền cũng không có gì phải hổ thẹn, nếu cần chính thanh minh lại thanh minh". Vua thương tiếc không thôi, chọn ngày hôm đó làm Tết Hàn thực, mọi người chỉ ăn thức ăn nguội chứ không nhóm củi lửa. Năm sau (khoảng năm 635 trước Công Nguyên), Tấn Văn Công và quần thần lên núi tưởng niệm Giới Tử Thôi, phát hiện gốc liễu năm ngoái bị đốt đã xanh tươi trở lại, nhớ tới bức huyết thư của Giới Tử Thôi, vua bèn gọi đó là "Liễu thanh minh", đồng thời, vua còn ban lệnh khắp nước, định ngày sau Tết Hàn thực là Tết Thanh Minh.
Câu chuyện ấy có lẽ chỉ là truyền thuyết dân gian, vì "Tả truyện" chỉ nói Giới Tử Thôi không tham tước lộc, bỏ đi ở ẩn rồi chết, Tấn Văn Công không tìm được ông, bèn lấy ruộng Miên Thượng để thờ. Sách "Sử ký" của Tư Mã Thiên cũng không thấy nói đến chi tiết cắt thịt nuôi chúa. Chỉ có những tư liệu dã sử mới khẳng định xuất xứ của điển tích này, như "Nhữ Nam tiên hiền truyện" nói: "Tập tục cũ ở Thái Nguyên, do thi hài Giới Tử Thôi bị thiêu nên mọi người ăn đồ nguội một tháng". "Nghiệp Trung ký" lại nói: "Tập tục của Tịnh Châu, sau tiết Đông chí 105 ngày, vì Giới Tử Thôi, mọi người không nhóm lửa, ăn nguội ba ngày".
Do vậy có thể thấy, Tết Hàn thực và Thanh Minh hoàn toàn xuất xứ từ dân gian, là nét văn hóa do dân gian tạo dựng.
Tết Hàn thực và Tết Thanh Minh diễn ra rất gần nhau, lại còn gần với Tết Thượng Tỵ (mồng ba tháng Ba Âm lịch, với tập tục ra tắm rửa bên bờ sông), nên khi du nhập vào Việt Nam, dân ta đã chọn mồng ba tháng Ba làm Tết Hàn thực, đồng thời ăn các món nguội như bánh trôi, bánh chay vào dịp Tết Thanh Minh. Đó chính là sự tiếp thu và kết hợp để hình thành nên phong tục đặc trưng của dân tộc mình.
Riêng tại Trung Quốc, vào thời cổ đại, Thanh Minh vốn dĩ không có gì đặc biệt, nên không được coi trọng như Hàn thực và Thượng Tỵ là những ngày tết với nhiều ý nghĩa và phong tục đặc sắc. Đến thời Đường, Thanh Minh và Hàn thực được ghép làm một, kết hợp cả với Tết Thượng Tỵ, tạo ra một dịp tết vô cùng lớn. Sang thời Tống, triều đình lại ra lệnh muôn dân phải tảo mộ trong tiết Thanh Minh để thể hiện lòng tôn kính tổ tiên.
Tết Thanh Minh ở Trung Quốc còn có truyền thống cắm liễu khá độc đáo. Về ý nghĩa của tập tục này, xưa nay có nhiều cách giải thích khác nhau.
Một thuyết giải thích là để tưởng nhớ quê nhà. Thiên "Thái vi" trong "Kinh Thi" có câu:
Tích ngã vãng hĩ
Dương liễu y y
(Xưa ta đi khỏi
Liễu rủ sum suê)
Thanh Minh là dịp để cả nhà sum họp, do đó mới dùng cành dương liễu để thể hiện niềm lưu luyến quê hương.
Một thuyết khác lại giải thích, cắm liễu là để xua đuổi tà khí. Theo "Tục Tề Hài ký" của Ngô Quân, Tết Thượng Tỵ tuy xuất phát từ câu chuyện Tần Chiêu Vương được thủy thần ban kiếm, nhưng còn gắn với chuyện Từ Triệu sinh được ba con gái bị chết yểu, phải ra sông tẩy rửa, nên dẫu sao cũng không phải điềm lành. Tết Thanh Minh gần với Thượng Tỵ, lại gợi đến cái chết của Giới Tử Thôi, càng thêm phần u ám. Bởi vậy phải cắm cành dương liễu để tránh bị ma quỷ viếng nhà.
Tảo mộ thực ra là tập tục của Tết Hàn thực, còn cắm liễu vốn là nét đặc trưng của Tết Thượng Tỵ, nay đã chuyển cả sang Tết Thanh Minh. Thanh Minh từ một tiết khí bình thường trong nông lịch lại trở thành một ngày lễ tết lớn.
Việc cúng bái và tảo mộ tổ tiên trong quang cảnh tuyệt đẹp, giữa mùa xuân lất phất mưa, gợi lại truyền thuyết Giới Tử Thôi chết cháy,... đã được một nhà thơ thời Bắc Tống là Hoàng Đình Kiên mô tả rất hay trong bài "Thanh Minh":
Giai tiết Thanh Minh đào lý tiếu
Dã điền hoang chủng chỉ sinh sầu
Lôi kinh thiên địa long xà trấp
Vũ túc giao nguyên thảo mộc nhu
Nhân khất tế dư kiêu khiếp phụ
Sĩ cam phần tử bất công hầu
Hiền ngu thiên cổ tư thùy thị
Mãn mục bồng cao cộng nhất khâu
(Thanh Minh tiết đẹp, mận đào vui
Gò mộ đồng hoang luống ngậm ngùi
Sấm động trời lay rồng rắn dậy
Mưa tràn ruộng thấm cỏ hoa cười
Kẻ xin đồ cúng khoe cùng vợ
Người trốn rừng thiêu bỏ tước triều
Kim cổ hiền ngu ai biết được?
Nhìn quanh cỏ dại mọc lưng đồi
------Hải Đà dịch)
Một nhà thơ khác thời Nam Tống là Cao Trứ lại có bài "Thanh Minh nhật đối tửu" như sau:
Nam Bắc sơn đầu đa mộ điền
Thanh Minh tế tảo các phân nhiên
Chỉ hôi phi tác bạch hồ điệp
Lệ huyết nhiễm thành hồng đỗ quyên
Nhật lạc hồ ly miên trủng thượng
Dạ quy nhi nữ tiếu đăng tiền
Nhân sinh hữu tửu tu đương túy
Nhất trích hà tằng đáo cửu tuyền
(Núi Bắc non Nam lắm mộ người
Thanh Minh tế bái khắp nơi nơi
Tro giấy tung bay như bướm trắng
Máu son nhuộm cánh đỗ quyên rơi
Chiều tối hồ ly ra gò ngủ
Canh khuya đèn sáng mỹ nhân cười
Rượu ngon sẵn có: nên say khướt
Một giọt đời xưa chửa thể xơi)
Có thể thấy, khung cảnh của Tết Thanh Minh thời Tống đã mang đầy đủ những lễ nghi, phong tục còn lưu truyền đến tận ngày nay. Đồng thời, Thanh Minh đã đi vào thơ ca như một nét văn hóa của xã hội, chứ không còn đơn thuần là một khoảng thời gian trong năm, với mưa tuôn và nỗi sầu, chỉ được mô tả khá đơn giản trong Đường thi.
Một hoạt động khác đáng chú ý trong dịp Tết Thanh Minh, đó là đạp thanh, tức mọi người cùng đi chơi và thưởng ngoạn cảnh xuân.
Có lẽ không ai không biết câu thơ nổi tiếng trong "Truyện Kiều":
Thanh Minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Nhưng thực ra, đạp thanh vốn cũng là một phong tục của Tết Thượng Tỵ. Đường Ngạn Khiêm thời Đường trong bài thơ "Thượng Tỵ" có viết:
Vi vi bác hỏa vũ
Thảo thảo đạp thanh nhân
(Hương xuân lất phất mưa rơi
Cỏ non nô nức bao người đạp thanh...)
Cũng có "bác hỏa vũ" và cũng có cảnh đạp thanh, điều này càng cho thấy Tết Thanh Minh và Tết Thượng Tỵ thời Đường quả thật diễn ra gần như cùng một lúc.
Nhưng đạp thanh có mục đích và ý nghĩa thật sự là gì?
Thiên "Môi thị" trong sách "Chu lễ" có nói: "Tháng Trọng Xuân (tức tháng Hai Âm lịch), cho nam nữ cưới nhau. Tháng này, nếu có gái bỏ nhà theo trai thì cũng không ngăn cấm".
Trịnh Huyền chú rằng: "Trọng Xuân là lúc âm dương giao hòa, tiến hành hôn lễ chính là thuận theo thiên thời vậy. Do coi trọng thiên thời nên có thể châm chước, tức là quyền biến vậy".
Tuy "Chu lễ" là nguồn tư liệu vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng những thông tin sách cung cấp không phải đều vô lý. Chi tiết này có lẽ là đáng tin. Vì ở thời Chu, việc nam nữ yêu đương và tự do đính ước là chuyện bình thường, tình hình này phản ánh rất rõ trong nhiều bài thơ của "Kinh Thi". Tư tưởng của Trung Quốc lại chủ trương hòa hợp với thiên nhiên. Mùa xuân là lúc muôn loài đang ngập tràn sức sống và nảy nở sinh sôi, con người cũng là một loài sinh vật trong trời đất, đương nhiên cũng cần tìm kiếm đôi lứa trong mùa này. Do vậy, đạp thanh có lẽ là một hoạt động vui chơi nhằm mục đích để cho nam nữ được gặp nhau và tìm kiếm tình yêu. Chi tiết Kim Trọng và Thúy Kiều gặp gỡ rồi nảy sinh tình cảm trong ngày Tết Thanh Minh chắc hẳn cũng được xây dựng dựa theo quan điểm trên.
Thời Tùy, Đường, đạp thanh vẫn còn gắn chặt với Hàn thực và Thượng Tỵ. Lưu Tích Vũ, Bạch Cư Dị và Vương Khởi từng liên đối thành một bài thơ mô tả cảnh xuân, trong đó có mấy câu:
Nguyên niên Hàn thực nhật
Thượng Tỵ mộ xuân thiên
...
Sa nữ trang lưu diễm
Du đồng y phục tiên
(Năm đầu Hàn thực đúng ngày
Chiều xuân Thượng Tỵ sát ngay bên trời
...
Mỹ nhân trang điểm rạng ngời
Du xuân xiêm áo lả lơi gió ngàn)
Sang thời Tống, Nguyên, đạp thanh dần chuyển thành phong tục đặc thù của tiết Thanh Minh và càng trở nên nhộn nhịp. Bức tranh nổi tiếng "Thanh Minh thượng hà đồ" của Trương Trạch Đoan thời Tống đã thể hiện sinh động quang cảnh tiết Thanh Minh tại kinh thành Biện Lương, người ngựa thì tấp nập, thuyền bè thì kéo đến neo đậu,... đủ thấy hoạt động đạp thanh thời Tống nô nức đến mức nào.
Đến triều Minh, Thanh thì cũng như thời Tống Nguyên, vào tiết Thanh Minh, mọi người vẫn đi tảo mộ và đạp thanh để du xuân. Nhưng ngoài ra, người ta còn tổ chức các trò chơi như thả diều, đá cầu, đánh đu,... Trong nhiều tác phẩm như "Hàng Châu phủ chí", "Kim Hoa phủ chí", "Thiệu Hưng phủ chí",... ghi chép lại cảnh đạp thanh ở nhiều địa phương, hầu như ở đâu cũng vui vẻ, sôi động, mọi người tảo mộ tổ tiên xong thì tổ chức các trò chơi, thậm chí có nơi hoạt động du xuân còn kéo dài đến tận ngày Lập hạ.
Ở Việt Nam ngày nay không thấy ai nhắc đến đạp thanh nữa, nhưng lễ hội truyền thống tại các địa phương diễn ra vào mùa xuân thì vẫn được duy trì và không kém phần sôi động.
3. Tiết Thanh Minh tại các nước khác ở Đông Á
Ở các nước Đông Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán học như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản thì tiết Thanh Minh là một ngày quan trọng. Tuy hoạt động đạp thanh, du xuân của mỗi nước là khác nhau, nhưng nghi thức tảo mộ thì giống nhau, đều nhằm để tưởng niệm tổ tiên, thể hiện truyền thống không quên nguồn gốc.
Mặt khác, tuy đã di cư sang nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Singapore và đến cả các nước phương Tây, nhưng cộng đồng người Hoa vẫn giữ gìn tập tục tảo mộ vào tiết Thanh Minh, duy trì văn hóa truyền thống trên đất khách.
Thời đại dần thay đổi, khí hậu cũng không phải cố định. Ngày nay, những cơn "Bát hỏa vũ" tuôn xuống vào đúng ngày Thanh Minh có lẽ cũng khó thấy, và tham dự buổi đạp thanh đúng nghĩa cũng chẳng phải dễ dàng. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể tận hưởng tiết Thanh Minh theo cách thức hiện đại, giữa bầu không khí công nghiệp bây giờ. Thời gian không thể làm mai một được bất cứ phong tục tập quán tốt đẹp nào, miễn là vẫn có người còn nhớ đến.


Phamngochien.com - 20:42 - 29/03/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận