Thẩm định tự sướng (phần 3)

Tiếp theo phần 2

Bao giờ bạn đọc cũng tiếp nhận nhà khoa học ở hai phần: Thái độ học thuật và nội dung học thuật, dù mức độ hoạt động của họ như thế nào. Nhà nghiên cứu – lý luận – phê bình văn học – Giáo sư Trần Đình Sử không nằm ngoài thông lệ đó.

Về thái độ học thuật, hơn một lần, các tác giả đã nêu lên tính chất bất quán của ông có thể tóm tắt thế này: Tuy Giáo sư thông hiểu Hán học, bình luận trích dẫn từ Khổng Tử đến Chu Quang Tiềm… nhưng Giáo sư không có được thái độ trung dung như Khổng Tử đã nói (Bất vị thiên nhi vị trung. Bất vị dịch nhi vị dung – Không thiên vị ấy là Trung, không thay đổi xê dịch, ấy là Dung). Không thay đổi ở đây được hiểu là không thay đổi cái nguyên tắc, dĩ bất biến ứng vạn biến.

Trong bài này chúng tôi không trở lại vấn đề thái độ, phẩm chất học thuật của Trần Giáo sư – vì đã được nói nhiều nói rõ, có sở cứ. Nay đi vào khảo sát nội dung đổi mới lý luận văn học của Giáo sư Trần. Có ba vấn đề cơ bản thâu tóm toàn bộ công trình mới nhất của ông (Trên đường biên của lý luận văn học. NXB Văn học. H.2014).

1.Phản ánh luận và sáng tạo văn học.

2.Cái khả năng – cái khả nhiên và vô thức xã hội.

3. Thi pháp học và nghiên cứu giảng dạy văn học.

Phản ánh luận và sáng tạo văn học

Đây là cơ sở đầu tiên quan trọng nhất để Giáo sư Trần phê phán hệ lý luận văn học Marxist chính thống ở Việt Nam cho rằng đã mất thiêng, mất thế độc tôn… Sự phê phán dựa trên cách hiểu của ông về phản ánh luận của Lênin. Ông cho rằng Lênin quan niệm phản ánh chỉ là sao chụp lại, hoàn toàn không có tính chủ động của chủ thể phản ánh. Theo quan niệm này thì văn học phản ánh hiện thực chỉ là sao chép lại sao cho giống như thực. Và đấy là nguồn gốc của văn học minh họa, tuyên truyền làm công cụ cho quyền lực chính trị. Ông đã tưởng tượng ra phép toán số học để khẳng định Lênin đã đối lập phản ánh với sáng tạo, như sau:

Ý thức = phản ánh + sáng tạo.

Do đó, phản ánh = ý thức – (trừ đi) sáng tạo. Nghĩa là quá trình phản ánh, theo Lênin là không có sáng tạo. Phép trừ muôn năm.

Giáo sư Trần đưa ra phép toán trên là suy luận từ mệnh đề sau: “Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn tạo ra thế giới khách quan” (Lênin. Bút ký triết học). Tạo ra có là sáng tạo không? Chủ thể phản ánh ở đây có mất quyền, mất khả năng sáng tạo không? Giáo sư đưa ra một nhận xét rất buồn cười:

Lênin hiểu đúng về ý thức luận nhưng không hiểu được cơ chế của phản ánh, đối lập phản ánh với sáng tạo. Quả thật là một khả năng biện luận siêu việt! Vừa giống Gơben, vừa giống mấy anh bán cờ thế.

Lý luận văn học Marxist chính thống và các dòng phái sau đó, cho đến trước “Cú hích 1986” (Đổi mới ở Việt Nam) có vô vàn ấu trĩ sai lầm, đầy những ngộ nhận… Giáo sư muốn phê phán thế nào chả được, có để cả đời vào đấy cũng không hết việc. Từ cái sân gạch, cái hom giỏ, cái Ao làng, Đất làng đến Rừng xà nu, cái Đất nước đứng lên, cái Đường chúng ta đi… chả thấy chủ thể sáng tạo nó ở đâu cả… Nói sao cho hết lời nào cho đủ. Nhưng khi đã truy tìm nguồn gốc, thì phải cho nó đúng. Thật khó nói quá, chả lẽ Giáo sư mà lại không hiểu được những luận điểm rất sáng rõ của Marx và Lênin? Chả lẽ lại bảo Giáo sư đã cắt xén xuyên tạc? Một bậc thầy danh cao tuổi trọng làm gì có thế. Có lẽ tại cái bất quán, cái bất Trung Dung. Âu cũng là lẽ thường. Nên ta cùng đối thoại cho nó ra môn ra khoai. Cái tinh thần sẵn sàng tổng thanh toán những ngộ nhận trong quá khứ mà Giáo sư lo lắng cho nhiều người… hóa ra khó thật. Nếu thanh toán những ngộ nhận này bằng những ngộ nhận khác thì chẳng khác gì sáng bốn chiều ba rồi lại sáng ba chiều bốn… hoài hủy cả công lênh, của đau con sót sao đành!

Hiện thực cái khả năng – cái khả nhiên và cái vô thức

Đây là một trong những tư tưởng lý luận mới của Giáo sư. Biện luận về hiện thực và khả năng tuy dài dòng mà không cần thiết. Cũng là sẵn giấy vẽ voi. Bởi mối quan hệ hiện thực – khả năng nó đã quá rõ. Chả phải bàn lại làm gì. Cái mới của Giáo sư ở đây là cho rằng hiện thực là một hay một số khả năng nào đó trong những điều kiện nhất định đã trở thành hiện thực. Quan trọng hơn là có vô vàn khả năng đã không trở thành hiện thực và đây mới là đối tượng của văn học. Rằng con người có nhu cầu tìm hiểu cái khả năng lớn gấp trăm ngàn lần tìm hiểu cái hiện thực. Vì hiện thực là đã có đã biết rồi. Đã biết rồi, đã có đó mà cứ phản ánh, khám phá, sáng tạo thì biết rồi, khổ lắm nói mãi! Cái khả năng được nghệ sĩ khám phá phản ánh gọi là cái khả nhiên. Cái khả nhiên do đó có sức mạnh nghệ thuật rất lớn. Vừa dự báo, vừa mở rộng chân trời nhận thức, chống lại cái quy phạm cùn mòn máy móc… Đưa con người vượt qua cái hữu hạn, tiến tới cái vô hạn, chiếm lĩnh tự do.

Về nhận thức luận, theo chúng tôi, tư tưởng của Giáo sư chứa đựng những sai lầm quan trọng.

Trong đời sống thực tiễn, trên mọi lĩnh vực, bao giờ con người cũng cố gắng tìm ra những khả năng và lựa chọn những khả năng tối ưu, có tính khả thi nhất. Khả năng chưa trở thành hiện thực. Khả năng có thể trở thành hiện thực. Khả năng đã trở thành hiện thực. Khả năng phát sinh trong lòng hiện thực hiện tại, hiện tồn… Nghĩa là vô cùng rộng. Lựa chọn khả năng có tính hiện thực, khả thi, ưu việt… là vô cùng quan trọng và toàn bộ lịch sử nhân loại đã diễn ra theo quy luật của sự lựa chọn các khả năng. Từ những mảnh tước ở thời đại đồ đá đến thời đại điện tử, số hóa, tự động hóa là quá trình phát hiện các khả năng (ở đây cũng đồng nghĩa với tính chất) của thế giới hiện thực, thế giới vật chất cũng như thế giới tinh thần. Đánh nhanh thắng nhanh là một khả năng. Đánh chậm chắc thắng là một khả năng. Trang bị vũ khí đến tận răng là một khả năng. Bám lấy thắt lưng đối phương mà đánh là một khả năng. Có khi đưa ra khả năng mà thực chất là khẳng định hiện thực:

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng
Chàng hỏi thì em đáp rằng
Tre đà đủ lá non chăng hỡi chàng!

Xác định những khả năng quan trọng, có tính bản lề, đòn bẩy, những khả năng làm xoay chuyển tình thế, là vấn đề nan giải của từng cá nhân đến cả cộng đồng, quốc gia, nhân loại. Nếu văn học chỉ khám phá vô vàn các khả năng không có cơ trở thành hiện thực, sáng tạo ra các khả năng, các tình thế rồi thể hiện tư tưởng, tình cảm chủ quan của nhà nghệ sĩ nào đó… thì văn học đúng là “trò chơi vô tăm tích”. Như cái khả năng Nguyễn Trãi tôn tên hàng tướng Thái Phúc làm đại huynh, vái lạy ba vái, hết lòng biết ơn vì “Đại huynh” đã cứu cho bao nhiêu sinh linh của cả hai phía trong cơn binh lửa.

Giáo sư cho rằng “Bản chất của nghệ thuật văn học là phá bỏ mọi quy phạm, là phủ định mọi hình thức và quan niệm cũ để sáng tạo ra cái mới chưa từng có” (Sđd. Trang 27). “Đối với nhu cầu sáng tạo và đời sống tinh thần của con người thì cái khả năng là quan trọng nhất, bất kỳ là khả năng nào” (Sđd. Trang 127).

Đó là luận điểm phản khoa học, vô trách nhiệm, rất liều lĩnh. Chúng tôi thấy không cần phải chứng minh. Vì có quá nhiều sở cứ, không phải khó khăn gì để nhận ra. Chỉ lấy làm ngạc nhiên, là một Giáo sư có danh vọng, học hàm học vị vào bậc cao nhất, lại có thể có tư tưởng ấy. Còn nếu Giáo sư và có bạn đọc nào đòi hỏi phải phân tích chứng minh, xin trân trọng đón nhận để hồi đáp trong một bài khác.

Giáo sư còn đưa ra luận điểm vô thức xã hội – là nguồn khám phá, tìm tòi vô tận của văn học (Sđd. Trang 179). Vô thức xã hội đối lập với ý thức xã hội. Ý thức xã hội là gì? Giáo sư lại diễn giải theo Fromm: “Mỗi xã hội chỉ cho phép một số tư tưởng, tình cảm nào đó có thể đạt đến trình độ ý thức, còn một số khác thì chỉ tồn tại trong trạng thái vô thức” (Sđd. Trang 178).

Đó là… “Khi các ý nghĩa, tình cảm độc lập, thành thực của các cá thể người bị đè nén, ức chế, rơi vào tình trạng mất tiếng nói” (Sđd. Trang 174). “Ý thức đại diện cho con người xã hội”, “Vô thức đại diện (…) cho con người nhân loại, tức con người toàn diện, con người được tự nhiên hóa, mà tự nhiên đó là tự nhiên được người hóa” (Sđd. Trang 175). “… Giải tỏa, giải phóng mọi uất kết trong đời sống xã hội là nhận thức cái vô thức xã hội” (Sđd. Trang 176). Và “Bản chất xã hội của các diễn ngôn văn học là vượt qua cấm kỵ của diễn ngôn xã hội thông dụng, tạo thành ý thức mới” (Sđd. Trg.177).

Vả lại theo nhà lý luận văn học Mỹ J. Culler thì “Chính các yếu tố bất kham trong văn học sẽ làm sụp đổ ý thức hệ” (Sđd. Trg.178). Giáo sư Trần cho rằng cái yếu tố bất kham đó là ý chí vượt qua vô thức tập thể để tạo ra tiếng nói mới. Mà “Nói được những điều đáng nói là khoái cảm vô biên của văn học. Vô thức xã hội có thể nói là nguồn khám phá tìm tòi vô tận của văn học” (Sđd. Trg.179).

Đến đây ta càng hiểu rõ vì sao Giáo sư hết sức bảo vệ tiếng nói bên lề của Nhã Thuyên, tận dụng hướng dẫn “Trò chơi văn học” cho Trần Ngọc Hiếu. Đâu phải mâu thuẫn thế hệ, hệ hình khoa học hay khung tri thức. Chỉ tiếc là Giáo sư rậm lời quá. Cứ nói toạc ra là “Trên đường biên của ý thức hệ”. Vòng vo tam quốc mà hàm oan cho lý luận văn học quá lắm! Giáo sư nói “Lý luận văn học khủng hoảng…” thì trước hết là chính con người Giáo sư nó khủng hoảng mà khủng hoảng tận gốc, tận ý thức hệ. Thế mà cứ bảo văn học không có chức năng tuyên truyền… Đã giấu thì giấu cho khéo. Lại cứ loanh quanh cái đầu…

Thi pháp học và nghiên cứu giảng dạy văn học

Từ nhiều năm qua Giáo sư đã nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn đào tạo về thi pháp học. Thi pháp học chủ yếu nghiên cứu hình thức của tác phẩm, phương thức cấu tạo của tác phẩm. Bản thân thi pháp học với lịch sử lâu dài (từ Aristot) là một khoa học lý thú. Vấn đề đáng nói là cách vận dụng. Cách vận dụng như của Lã Nguyên thì chẳng thấy giá trị tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm đâu cả. Nhà thi pháp học chấm vào tác phẩm tác giả nào thì nó thành độc sáng. Trong đêm tối mà vẫn nhìn thấy đám lông mu đen mượt như nhung! Thế mới tuyệt chiêu. Nhìn thấy kích thước cuộc chiến trong kích thước một con chó! Lại càng tuyệt chiêu độc sáng. Chuyện dài lắm, để khi khác. Vì Giáo sư nhiều lần trích dẫn Tôđôrôp (Bài Toàn cảnh thi pháp học. Sđd, từ trang 343-381). Tôi cũng theo gương đó trích dẫn Tôđôrôp chút ít:

“Hiểu biết văn học không phải là cái đích mà là một trong những phương tiện vững chắc và vẻ vang dẫn con người đến chỗ hoàn thiện”

(Văn chương lâm nguy. Trần Huyền Sâm dịch. NXB Văn học. H.2013. Trang 25).

“Các thi pháp phân tích ngày càng tinh và cho phép soạn thảo những công trình khảo luận chuẩn xác hơn, nhưng mục đích tối hậu vẫn là để hiểu ý nghĩa của tác phẩm” (Sđd. Trg.27).

“Nghiên cứu văn học là nghiên cứu con người, quan hệ giữa con người với nhau và với xã hội, và quan hệ con người với thế giới khác” (Sđd. Trg.81).

“Phải làm thế nào để giãi bày ý nghĩa của một tác phẩm và bộc lộ tư tưởng của một tác giả? “Phương pháp” nào cũng hay miễn là nó chịu làm phương tiện, chứ không biến mình thành cứu cánh” (Sđd. Trg.82).

“Thực tế văn học muốn tìm hiểu thật đơn giản (nhưng lại vô cùng phức tạp) là kinh nghiệm sống của nhân loại” (Sđd. Trg.69).

Tôđôrôp đã nói lên quan niệm hẹp hòi về văn học trong nhà trường đại học, trong giới chuyên ngành điểm sách… theo một giáo điều đã được truyền giảng: Văn học chỉ nói về chính nó và cách tốt nhất để tôn vinh nó là khai thác mối liên hệ giữa các yếu tố tạo nên nó” (Sđd. Trg.32). Và tình trạng các Giáo sư văn học “… Giảng dạy lý thuyết của mình chung quanh tác phẩm hơn là chính tác phẩm” (Sđd. Trg.33), là rất tiêu biểu ở GS. Trần Đình Sử.

Xin tóm lại với GS. Trần Đình Sử ở hai điều khái quát sau:

- Về thái độ, tư cách học thuật: Ông là người bất nhất, trước sau tự mâu thuẫn với nhau. Như thế không thể có được sự trung thực.

- Về nội dung học thuật: Ông chỉ chạy theo, làm theo các lý thuyết nước ngoài. Không tự xác định được tư tưởng khoa học của mình. Cái hay cái đúng như Tôđôrôp thì không theo, lại thích theo cái ngoại biên… Nói theo Jonathan Culler thì ngôn ngữ hành vi của Trần Đình Sử rất khó phán đoán thật / giả, chân / ngụy trong đó… và đúng là nó như thế.

Năm Châu Đốc
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 512

Nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn/tham-dinh-tu-suong-so-512/

 

Các bài viết liên quan:

Không gian thời gian trong sáng tác văn học (Lê Xuân Mậu)

Trở lại chuyện hình thức mang tính quan niệm (Lê Xuân Mậu)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 1)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 2)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 3)

"Thi pháp truyện Kiều" mang lại đều gì mới mẻ ? (Trần Mạnh Hảo)

Những ngộ nhận về thi pháp và phương pháp trong nghiên cứu văn học hiện nay (Phan Trọng Thưởng)

Trao đổi với Chu Mộng Long về bài "Thi pháp học đồ đểu" (Phạm Ngọc Hiền)

Từ Thi pháp đến ký hiệu (Chu Giang)

 


Phamngochien.com - 08:01 - 18/08/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận