(Tiếp theo phần 1)

Chúng tôi xin cung cấp tư liệu để bạn đọc có thể thẩm định lại Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK… GS.TS Trần Đình Sử.

Công trình Thi pháp thơ Tố Hữu của Giáo sư – Nhà thi pháp học Việt Nam Trần Đình Sử do NXB Tác phẩm mới thuộc Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 1987 được trích in vào Tố Hữu – Thơ và đời (Nhiều tác giả) do NXB Văn học ấn hành năm 2010, phần trích của GS. Trần Đình Sử là dài nhất: (Tố Hữu) đỉnh cao thơ trữ tình chính trị Việt Nam. Kiểu nhà thơ, thể tài từ trang 384 đến 455. Dẫn liệu dưới đây là từ Tố Hữu – Thơ và đời và công trình mới nhất của Giáo sư: Trên đường biên của lý luận Văn học. NXB Văn học. H.2014.

Phần I: Trích Tố Hữu – Thơ và đời

1) Đồng thời gắn liền với sự phát triển của phong trào cách mạng vô sản, có sự phát triển sâu rộng của văn học vô sản, và cuối cùng, sau Cách mạng tháng Mười Nga đã xuất hiện nền văn học xã hội chủ nghĩa có tầm vóc thế giới. (Sđd. Trang 384)

2) Có thể thấy rằng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu, dù là nghiêng về thể tài thế sự, đời tư hay nghiêng về thể tài sử thi, đều là một sự tổng hợp độc đáo các truyền thống văn học dân tộc. Còn có thể phân tích thêm sự hấp thu tài tình vốn văn học nước ngoài nữa, một nhân tố cực kỳ quan trọng của quá trình đổi mới truyền thống. Tất cả làm cho thơ Tố Hữu vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, vừa tươi mát mến thương, vừa nghiêm trang cổ kính. (Sđd. Trang 454)

3) Gần nửa thế kỷ vừa làm cách mạng vừa làm thơ, Tố Hữu đã xây dựng một hệ thống thơ mới so với thơ cổ điển và thơ mới lãng mạn xét về mặt tiếng thơ, cá nhân trữ tình và thể tài. Đó là thơ trữ tình chính trị, một hiện tượng nổi bật của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Tố Hữu chẳng những đã kết hợp nhuần nhuyễn tuyên truyền và trữ tình, khẳng định vị trí và vai trò của thơ trữ tình chính trị trong đời sống văn hóa tinh thần hiện đại của người Việt Nam, mà còn mở ra các khả năng khác nhau cho thơ trữ tình chính trị phát triển. Bên cạnh lối thơ sử thi được khẳng định phổ biến, cũng cần đánh giá đúng mức thơ trữ tình chính trị đời tư của Tố Hữu. Với bài Đêm cuối năm (1981), có thể hứa hẹn các sáng tác trữ tình chính trị – thế sự. Hiện nay thơ thế sự ở ta chỉ đóng khung trong phạm vi thơ đả kích, trào phúng; thực ra phạm vi của nó còn có thể rộng hơn, trữ tình hơn.

Tố Hữu đã góp phần chủ đạo trong việc đổi mới thơ trữ tình tiếng Việt từ góc độ thơ chính trị mà nét nổi bật mới nhất của nó là tính dân tộc hiện đại. Đổi mới truyền thống, kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng giải phóng dân tộc và lý tưởng xã hội chủ nghĩa là một hướng phát triển của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Về mặt này, thơ Tố Hữu rõ ràng là một đóng góp xuất sắc cho thơ ca xã hội chủ nghĩa trên thế giới. (Sđd. Trang 455)

4) Quá trình đổi mới Văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám vấp phải một mâu thuẫn rất lớn. Những người mang tư tưởng tiên tiến nhất, cách mạng nhất, am hiểu nhu cầu tinh thần của thời đại nhất bị tước bỏ mất điều kiện sáng tạo bình thường. Những người có điều kiện sáng tạo đổi mới hình thức văn học lại là những người không mang tư tưởng tiên tiến, trong thế giới quan có nhiều điều mơ hồ, thậm chí phản động. Đó là trường hợp của các nhà “thơ mới” lãng mạn, của văn chương Tự Lực văn đoàn, của các nhà văn hiện thực phê phán.

Sự đổi mới văn học dân tộc do đó đòi hỏi một cá tính văn học có khả năng kết hợp hai mặt đó lại, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhất cho trình độ tư tưởng và nghệ thuật của thời đại. Trên lĩnh vực thơ ca, người ấy chính là Tố Hữu. Tố Hữu là người đầu tiên kết hợp hài hòa tư tưởng cách mạng cao đẹp nhất, sáng rõ nhất của thời đại với hình thức ngôn ngữ thơ tiếng Việt hiện đại và không ngừng đổi mới, làm phong phú cho nó. (Sđd. Trang 388)

5) Tố Hữu đã diễn đạt yêu cầu mới về thơ một cách giản dị, đậm đà sắc thái dân tộc: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”. Như vậy thì nhà thơ không thể là con người siêu cá thể đứng trước vũ trụ như trong thơ cổ, cũng như không thể là cái tôi tự biểu hiện, khép kín của Thơ mới.

Cái mới của Tố Hữu đóng góp thơ ca tiếng Việt hiện đại là tạo ra một kiểu nhà thơ mới, một cái tôi hấp dẫn, mạnh mẽ, thuộc về quần chúng lao khổ và cách mạng. (Sđd. Trang 410)

6) Thơ Tố Hữu hầu như không có sự phân biệt giữa thơ tuyên truyền vận động cách mạng và thơ biểu hiện cảm xúc cá nhân, không có sự phân biệt giữa thơ tuyên truyền vận động người khác và thể hiện tình cảm, cảm xúc của chính mình. Ông thuyết phục người đọc bằng cảm xúc mãnh liệt chân thành của riêng ông, và cảm xúc ấy là cảm xúc trước chân lý, bước đi, trước đường lối chủ trương, trước con người và hiện thực cách mạng.

Tố Hữu trong một lúc nhất định cũng có làm đôi bài thơ tuyên truyền, nhưng không đáng kể. Về căn bản, Tố Hữu đang san bằng sự phân biệt hai loại thơ trên, và cùng với ông càng về sau trong sáng tác của các nhà thơ cách mạng nói chung không còn có sự phân biệt ấy nữa. (Sđd. Trang 394)

7) Thơ Tố Hữu là thơ thể hiện các tư tưởng, tình cảm chính trị của thời đại, là thơ phát hiện ý nghĩa chính trị của các hiện tượng đời sống. Vinh dự của nhà thơ Tố Hữu là đã đưa thơ ca cách mạng lên đỉnh cao của thơ ca dân tộc, góp phần đổi mới cho nó. Ông chứng tỏ con đường phục vụ cách mạng là con đường sáng tạo chân chính. (Sđd. Trang 395)

8) Cái hay tiêu biểu của thơ Tố Hữu chủ yếu không nằm ở phía tái hiện đời thường, mà ở phía khái quát chính trị sâu sắc, thấm thía đậm đà.

Chẳng hạn như bài Người con gái Việt Nam hầu như chẳng có chi tiết sinh hoạt đời thường nào, mà rất “Tố Hữu”, và rất hay. Ngay tập thơ Việt Bắc giàu hiện tượng đời thường hơn cả thì nội dung của nó vẫn là ý thức chính trị của con người kháng chiến, khác hẳn chi tiết đời thường kiểu Nazim Hikmét. (Sđd. Trang 398)

9) Như vậy, thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu dựa trên tiền đề thống nhất hoàn toàn, lắm khi đồng nhất chủ thể trữ tình cá nhân và chủ thể của hoạt động chính trị là giai cấp Đảng, Nhân dân, Tổ quốc. Sự thống nhất cao độ ấy tự nó đã thủ tiêu lý do phân biệt tuyên truyền và trữ tình, làm gần lại phút bùng cháy của tâm hồn trữ tình với thời điểm bùng nổ của sự kiện chính trị. Tố Hữu đã kết hợp một tình yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội thuần túy nhất với một tình cảm cá nhân đằm thắm trong sáng nhất. Nhờ thế, ông đã đưa thơ trữ tình chính trị Việt Nam đến một trình độ mới. Thơ Tố Hữu đã tạo ra một kiểu tác giả mới, khác hẳn kiểu tác giả cổ điển, tác giả lãng mạn, và do đó góp phần hình thành một kiểu thơ trữ tình mới trong thơ ca dân tộc. (Sđd. Trang 401)

10) Thời đại cách mạng đòi hỏi thơ ca phải là vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói tình cảm trực tiếp hướng tới đông đảo quần chúng. Thơ phải là tiếng hát của tinh thần hiện đại, là bài ca đoàn kết, giục giã đấu tranh. Đó cũng là đòi hỏi chung của thơ ca cách mạng trên thế giới ở thời đại chúng ta. (Sđd. Trang 409)

11) Thơ mới đã tạo ra một quan hệ hết sức gần gũi trong xưng hô của tiếng thơ, nhưng lại bó hẹp trong tình yêu trai gái hoặc quan hệ cá nhân đời tư. Tố Hữu đã làm cho tất cả mọi lời xưng hô thi vị đều chan chứa nội dung công dân, dù đấy là “Bác ơi”, “Em ơi”, “chim ơi” hay “xuân ơi”, và làm cho quan hệ công dân trở nên hết sức gần gũi, đưa tình cảm chính trị vào phạm vi tâm tình. (Sđd. Trang 420)

12) Tố Hữu là nhà thơ đầu tiên đưa vấn đề quan hệ số phận cá nhân và cách mạng xã hội lên thành chủ đề trung tâm của thơ. Cách mạng xã hội là con đường duy nhất để đổi thay cuộc đời con người và mỗi cá nhân phải đứng lên tham gia vào cách mạng, hy sinh cho cách mạng… Tố Hữu nhìn cách mạng từ góc độ nhu cầu giải phóng của từng cá nhân, đối với cá nhân. Ông đã phát huy ngòi bút sắc sảo của một nhà thơ có con mắt miêu tả tự sự để khắc họa tự bên trong nỗi xao động khát khao sống xứng đáng của những kiếp người bế tắc. (Sđd. Trang 433 – 434)

13) Mọi mưu đồ của giới lý luận tư sản, xét lại, hòng đào một hố sâu ngăn cách giữa thơ và chính trị đều là vô ích, giả tạo…

Về nguyên tắc, đặc trưng của thơ có thể bị biến đổi, phát triển, nhưng không hề bị biến chất do thể hiện tư tưởng chính trị, cũng như đặc trưng của chính trị không hề biến chất do thể hiện trong thơ. (Sđd. Trang 392)

Phần II: Trích trên đường biên của lý luận văn học

1) Là lý luận khoa học thứ phát, lý luận văn học luôn bị phụ thuộc vào tình trạng, địa vị của các lý luận nguyên phát mà nó dựa vào. Đó là lý do tại sao, khi hệ thống chủ nghĩa sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa thay đổi mô hình xã hội lý luận Marxist phổ thông phải xem xét lại, thì lý luận văn học Marxist cũng trở nên bơ vơ, hầu như không nơi nương tựa. (Sđd. Trang 277)

2) Lý luận cũ với hệ giá trị cũ đã mất hiệu lực nhưng chưa mất đi thực sự, lý luận mới đã được nối kết nhưng chưa được hình thành và thừa nhận hẳn. (Trang 274)

3) Có thể nói cả một hệ thống nguyên lý luận văn học chặt chẽ đã mất thiêng, không còn sức ràng buộc và xuất hiện một không khí lý luận rộng mở để cho đủ thứ lý luận đa dạng tràn vào. (Trang 264)

4) Các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Tố Hữu trong phê bình văn học hiện nay được coi là kinh điển của văn học cách mạng. Tất nhiên vị trí kinh điển của văn học không phải nhất thành bất biến. Một khi hệ giá trị có thay đổi thì vị trí kinh điển của tác giả, tác phẩm văn học cũng thay đổi theo. (Trang 298)

5) Nghiên cứu sâu sẽ thấy cấu trúc văn học tuyên truyền chính trị trong thơ Tố Hữu, nơi tác giả chỉ quan tâm cái chung, bỏ qua cái cá thể, hình tượng nhân vật vẽ theo bút pháp tranh tuyên truyền cổ động. (Trang 397)

6) Trong kháng chiến chống Pháp, xu hướng dân tộc hóa theo kiểu học tập ca dao như bài Bầm ơi, Bà Bủ trong khi thắng thế so với xu hướng sáng tạo hình thức mới, nhưng kết quả chỉ tạo ra những sáng tác “nhại ca dao”, một hiện tượng “lại giống”… (Trang 251)

7) Theo nhà lý luận văn học Mỹ Jonathan Culler, ngôn ngữ văn học thực chất cũng là ngôn ngữ hành vi của nhà văn, nhà thơ. Khi nhà thơ nói: “Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ…” hay “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ như mẹ như cha như vợ như chồng…” thì trước hết đó chỉ là lời thề, là quyết tâm thư, là những cái biểu đạt, những lời nói hành vi. Nói rộng ra, trong xã hội thường xuyên bắt gặp những ngôn ngữ hành vi mà rất khó phán đoán sự thật/ giả, chân/ ngụy trong đó… (Trang 221)

8) Ý thức ngự dụng phát triển từ trong ý thức phục tùng vô điều kiện của thời chiến đã cơ hồ làm biến chất cả một thế hệ trí thức của đất nước, mất khả năng tư duy độc lập và phản biện xã hội. (Trang 334)

9) Tranh luận tự do, xây dựng những nhân cách độc lập trong giới nghiên cứu lý luận, xóa bỏ những nô lệ về lý tưởng. (Trang 284)

Chú dẫn:

1) Cùng với Thi pháp thơ Tố Hữu, năm 1987 Giáo sư cũng công bố bài viết trong công trình biên soạn chung: Một thời đại văn học mới do Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên. Ở đây Giáo sư đánh giá rất cao thành tựu chính trị hóa cả con người và văn học trong văn học cách mạng Việt Nam cũng như văn học xã hội chủ nghĩa thế giới. Cả hai công trình này đều công bố sau “Cú hích 1986” (Cởi trói cho văn nghệ) cả năm trời, đủ thời gian để các tác giả xem xét lại các trước tác của mình.

2) Quan niệm nghệ thuật về con người – bộ phận quan trọng nhất trong mô hình thi pháp học của Giáo sư đã được học trò vận dụng từ 1995 trong đề tài KX07: Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt Nam 1945 – 1975 (Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình và…).

3) Trên đường biên của lý luận văn học có những bài viết từ các năm 2004, 2005, 2007, 2008, đều được sửa chữa bổ sung lại khi in vào sách năm 2014.

Cho thấy tính phong phú đa dạng và sức mạnh tư duy cả hai chiều lịch đại và đồng đại của Giáo sư. Có hai Tố Hữu trong một Trần Đình Sử và ngược lại, có hai Trần Đình Sử trong một Tố Hữu.

(Còn tiếp)

Năm Châu Đốc
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 511

Xem bài tiếp theo

 

Xem tiếp phần 3

Các bài viết liên quan:

Không gian thời gian trong sáng tác văn học (Lê Xuân Mậu)

Trở lại chuyện hình thức mang tính quan niệm (Lê Xuân Mậu)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 1)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 2)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 3)

"Thi pháp truyện Kiều" mang lại đều gì mới mẻ ? (Trần Mạnh Hảo)

Những ngộ nhận về thi pháp và phương pháp trong nghiên cứu văn học hiện nay (Phan Trọng Thưởng)

Trao đổi với Chu Mộng Long về bài "Thi pháp học đồ đểu" (Phạm Ngọc Hiền)

Từ Thi pháp đến ký hiệu (Chu Giang)