Tản mạn về nhà phê bình (Phan Thanh Tâm - Cà Mau)

 

“Làm người ai cũng biết khen chê theo ý mình, nhưng ít ai chịu hiểu người khác một cách thấu tình đạt lý.”

Tác giả - Nhà phê bình - Đọc giả: là ba gạch nối không thể tách rời.

Tác giả là người sáng tác nghệ thuật: có thể là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ…Nhà phê bình là người có học thức chuyên môn cao, họ có nhiệm vụ tìm kiếm cái hay cái chưa hay của tác phẩm nhằm giúp tác giả ngày một hoàn thiện hơn trong sáng tác của mình, đồng thời tìm ra tài năng “mới lạ” cho nền văn học nước nhà. Ngoài ra, nhà phê bình còn giúp và hướng dẫn độc giả đọc các tác phẩm có giá trị và chỉ ra cái hay cái độc đáo của tác phẩm mà mình phê bình. Như vậy, Nhà phê bình là người đứng giữa hai gạch nối tác giả với độc giả lại với nhau.

Xét cho cùng nhà phê bình còn là người có quyền năng nhất nhất. Nhà phê bình không liêm chính có thể dìm chết một tài năng lấp lóe trên bầu trời nghệ thuật. Trái lại, nhà phê bình cũng có phù phép làm cho một ngôi sao giả lấp lánh nhất thời: vì vậy có những tác phẩm rất hay dễ dàng bị độc giả quên lãng, do Nhà phê bình phê phán không thương tiếc, hoặc do chưa hợp thời hay đi trước thời đại rồi bị chối từ. Có trường hợp mươi năm hay trăm năm sau: tác phẩm đó mới được phát hiện ra cái hay độc đáo, tác giả có thể trở thành văn gia bậc nhất, tuy nhiên, sự nghiệp của một nhà văn theo đó tiêu tan sau những tháng ngày miệt mài viết lách: có khi mất vài mươi năm trăn trở mới có được một tác phẩm như vậy.

Các bậc tiền bối phân ra ba hạng Nhà phê bình mà thời nào, quốc gia nào cũng có:

1. Nhà phê bình nệ nguyên tắc: Nhà phê bình này luôn dựa dẫm những nguyên tắc đã định sẳn, nhà phê bình này không khác một tín đồ cuồng tín chỉ biết rập khuôn giáo điều một cách tuyệt đối. Như vậy tác phẩm nào nằm gọn trong khuôn phép trong tư tưởng của họ thì được chào đón hoan nghênh và ca ngợi hết lời. Trái lại, tác phẩm nào đi ngược lại những điều trên thì bị chặt chém không thương tiếc. Nhà phê bình này được ví như tướng cướp Procuste khét tiếng trong thần thoại Hy Lạp: Hắn bắt được ai thì bỏ người đó lên chiếc giường gọi là “giường Procuste”…Người nào có chiều dài khớp với chiếc giường thì thôi, ngắn thì y kéo ra cho dài bằng chiếc giường, dài hơn thì y chặt cho bằng. Như vậy nhà phê bình này lấy hình mẫu để phê bình một tác phẩm: bất kể tác phẩm đó có hay dở ra sao. Khi một tác phảm nào mới ra đời, Nhà phê bình nghiên cứu nội tạng của tác phẩm coi có dị dạng dị đồng gì không, rồi đem so sánh với các tác phẩm kinh điển đồng loại mà họ tôn thờ như một thánh kinh: dị dạng thì loại ngay tác phẩm bằng những lời chỉ trích nặng nề nhất. Nhà phê bình này không thế chấp nhận một lý thuyết mới nào, một tư tưởng mới nào, ngoài cái kinh điển nghìn năm, vì họ được giáo dục chủ nghĩa mực thước từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Trong số nhà phê bình này rất nhiều Nhà phê bình có sức học uyên bác nhưng vì tôn thờ một chủ thuyết nào đó dẫn đến họ như vậy.

2. Nhà phê bình phóng khoáng và tự do: tự do ở đây không phải không dựa vào một nguyên tắc nào để phê bình. Nhà phê bình này vẫn dựa vào các nguyên tắc phê bình nhưng họ không cố định vào bất kỳ hình mẫu hay học thuyết tư tưởng nào. Họ linh hoạt tìm kiếm cái mới mẻ riêng, cái hay riêng, cái độc đáo riêng của tác phẩm một cách sáng suốt và công bằng nhất. Nhà phê bình này có vốn học thức sâu rộng, khen chê đúng mực. Họ không theo trào lưu hay chủ nghĩa nào, không thuộc tầng lớp xã hội nào và không thiên kiến cá nhân. Họ luôn giúp đỡ một nhà văn trẻ mới vào nghề và luôn tìm kiếm tài năng thật sự: “trẻ - mới - độc đáo” cho nền văn học nước nhà. Và giúp độc giả thụ hưởng nghệ thuật một cách chính đáng nhất. Người ta gọi những Nhà phê bình này là Nhà phê bình liêm chính hay đức hạnh. Một Nhà phê bình đức hạnh là người không thuộc thời đại nào/không thuộc chủ nghĩa nào/ không thuộc quốc gia nào/không thuộc tầng lớp xã hội nào. Nhà phê bình phải là người của năm châu bốn bể.

3. Nhà phê bình đố kỵ hẹp hòi: Nhà phê bình này có tật đố kỵ, ưa ghét tầm thường và luôn vạch lá tìm sâu để nâng cao giá trị mình lên. Nhà phê bình này cũng mắc bệnh tự ti mặc cảm…Nhà văn nào sắp có tên tuổi thì họ tìm cách gièm chê, cùng bè thì họ khen đáo để, khác phái thì họ ném đá cho chết luôn. Nhà phê bình này rất tai hại cho nền văn học nước nhà. Ai muốn trở thành nhà phê bình đứng đắn liêm chính thì nên tránh xa nhà phê bình hẹp hòi và ích kỷ. Nhà phê bình này cũng đã bóp chết bao tài năng ngấp nghé, họ thường trích đoạn một tác phẩm để phê phán cho toàn bộ tác phẩm. Rồi buộc nhà văn phải nói những điều không có nói. Nhà phê bình này còn rêu rao: “Hãy đưa cho tôi hai dòng chữ của hắn, tôi sẽ làm cho hắn thân bại danh liệt”. Như vậy nhà phê bình này có tính ưa ghét tầm thường: ai có trình độ ngang bằng với mình thì khen nức nở, kém hơn thì chê bỏ luôn, còn hơn thì tại sao chú mầy dám hơn anh đây. Nhà phê bình dạng này xét cho cùng thì luôn làm hại nền văn học, làm hại độc giả và tác giả. Họ là ông thầy bất đắc dĩ đứng trên bục giảng cầm roi thước chỉ xuống bảo học trò làm theo ý của một ông thầy trái nết trái tính

Tóm lại, ngoài việc học hành chuyên môn Nhà phê bình cũng cần có năng khiếu phê bình và biết viết lách như một nhà văn và có sách vở xuất bản. Cũng nên có những tác phẩm tương đồng về thể loại mà mình muốn phê bình, vv…Vì vậy, một Nhà phê bình tài năng đức độ ngoài việc học hành giỏi giang và đọc nhiều sách vở cổ kim, sách vở thế giới…Họ còn phải học đạo làm người, đạo đối nhân xử thế, đạo làm thầy và học đạo hạnh của một vị thánh nhân sáng suốt. Một Nhà phê bình khiêm tốn luôn có giọng phê bình tao nhã biết cảm thông, chia sẻ cùng tác giả chứ không phải là một người đồ tể đối với tử tù và càng không phải là một quan tòa cầm búa lệnh. Một Nhà phê bình đức độ là một người thầy luôn thương yêu và giúp đỡ học trò mình ngày một thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Một Nhà phê bình liêm chính luôn trăn trở về nền văn học nước nhà: Tại sao nền văn học ta không phát triển bằng các nước bạn bè? Nếu có thể Nhà phê bình nên là bạn tâm giao của tác giả và độc giả. Nhất là các tác giả trẻ mới vào nghề: cùng họ làm nên một nền văn học mới mẻ và hiện đại cho đất nước.

Cuối cùng, tôi thu lượm các ý này đã hơn mấy chục năm. Xét đến nay có những điểm không còn phù hợp. Ngày nay các nhà phê bình rất giỏi học hành và chuyên môn cao, thiết nghĩ, Nhà phê bình hạng ba là hiếm. Nhà phê bình hạng một và hạng hai có thể dung hòa thành một.

         Phan Thanh Tâm


Phamngochien.com - 06:03 - 29/10/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận