Những trang viết thấu được tâm hồn (Yên Lan)

 


Trong khoảng 1 tháng, TS Phạm Ngọc Hiền có hai đứa con tinh thần đến với bạn đọc. Đó là tập truyện - ký Đời thực và mơ và tập chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975. Nếu như tập sách chuyên luận “là sự dày công đãi cát tìm vàng để góp phần khẳng định những giá trị của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945-1975” thì Đời thực và mơ cho thấy một tâm hồn yêu văn chương được thể hiện qua các trang viết đa dạng bút pháp.

Hòa Đồng, vùng đất trù phú ở phía tây nam đồng bằng Tuy Hòa, là quê hương của TS Phạm Ngọc Hiền. Ngôi nhà của cha mẹ anh ở Phú Diễn - nơi có làng nghề chằm nón đã đi vào ca dao. Ngôi trường đầu tiên của anh cũng ở đây, và kỷ niệm về ngày đầu tiên đi học dường như vẫn còn bổi hổi trên trang viết…

Tôi biết Phạm Ngọc Hiền đã lâu, khi anh còn dạy học ở Phú Yên. Anh em thường gặp nhau trong các hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Với Báo Phú Yên, anh là một cộng tác viên lịch duyệt. Bài nào cũng được anh viết một cách cẩn trọng, chăm chút câu chữ, chừng mực từ nội dung cho đến số lượng từ, bởi anh biết “đất” trên báo eo hẹp chứ không nhiều như “đất” trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên

Sau này, TS Phạm Ngọc Hiền làm việc tại TP Hồ Chí Minh, khá lâu tôi không gặp anh. Khi cầm trên tay tập truyện và ký Đời thực và mơ có lời đề tặng của tác giả, lòng tôi rộn vui. Tập sách này mang đến cho một người cầm bút như tôi những xúc cảm ấm áp. 

Đời thực và mơ (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) dày gần 200 trang, trình bày đẹp, được chia thành hai phần: Truyện với 11 tác phẩm, được sắp xếp theo thời gian sáng tác và Ký với 10 tác phẩm. Truyện ngắn đầu tay Khoảng vắng trên sân trường (được Phạm Ngọc Hiền sáng tác khi là sinh viên năm thứ hai, đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác thơ văn của Trường ĐHSP Quy Nhơn) và truyện Bên nấm mồ thi nhân (sáng tác năm 1994, cũng trong thời sinh viên) được viết một cách dung dị với cảm xúc trong trẻo. Các truyện: Đắng cay có lúc ngọt bùi, Chuyện tình của thằng gù và cô giáo Minh, Hiện đại - hại điện… có chất hài hước, dí dỏm song vẫn làm cho người đọc suy ngẫm. Tôi thích những truyện ngắn được sáng tác sau này. 

Phạm Ngọc Hiền cho biết đó là những tác phẩm mà anh thử nghiệm các bút pháp nghệ thuật. Truyện Bốn bức tranh được viết với bút pháp Ký hiệu học, dùng phong cảnh để biểu đạt cuộc sống con người, “nhân vật” chính là bốn bức tranh, không có con người cử động nói năng. 

Truyện Không lời giã biệt có hai nhân vật nhưng chỉ có một nhân vật nói, không có đối thoại. Truyện Độc thoại của gã què chỉ độc thoại nội tâm, còn đối thoại được lồng ghép vào bên trong độc thoại. Đó là nội tâm của người đàn ông mất một chân và khao khát tình yêu, trong khi “thằng con bất hiếu” của ông tin chắc như đinh đóng cột rằng chỉ cần lo kiếm miếng ăn là được rồi, không cần mơ những thứ khác.

Còn đây là cuộc đời lắm thăng trầm của một nhân vật “độc”, với chuyện ngôn tình nhuốm màu bi thương: “…Đến chiều, vợ lão đã kiệt sức và gục đầu xuống vũng keo, từ đó không thốt lên được lời nào nữa. Đôi mắt ươn ướt của nàng nhìn lão một hồi lâu rồi nhắm lại dần, tắt thở. Lão đứng lặng giây lâu rồi đưa mõm hôn vợ lần cuối, chẳng may, mấy cọng râu dài dính vào vũng keo. Lão rùng mình xoay xở một hồi lâu mà vẫn không rút ra được… Lão gắng chịu đau và giật đứt mấy cọng râu đã bạc màu sương gió. Lão không muốn nhìn cái bẫy quỷ quái đó chút nào nữa và lầm lũi ra về. Trong lòng tràn ngập nỗi thương nhớ đầy vơi người vợ quá cố...”. Bút pháp nhân hóa đã làm cho Chuyện lão cố tổ Chuột sinh động và lôi cuốn. 

Đọc các truyện ngắn của Phạm Ngọc Hiền, tôi nhớ đến chia sẻ của anh về quan niệm văn học: “Chấp nhận mọi khuynh hướng văn nghệ, miễn là nó không làm ảnh hưởng xấu đến pháp luật và đạo đức”. 

Phần Ký cũng rất thú vị, bức tranh Chợ quê ngày tết, Chợ hoa đêm cuối năm, Xóm nhà trọ… được tác giả miêu tả rất sinh động. Giàu cảm xúc nhất có lẽ là tác phẩm Thuở ban đầu, viết buổi đầu đi học ở ngôi trường quê. “Thuở ấy, mùa tựu trường ở quê tôi bắt đầu bằng tiếng loa miệng của một ông già trong thôn. Ông cầm ống loa bằng thép cuộn lại đầu to, đầu nhỏ đi khắp thôn để thông báo: “A lô, a lô!... Làng trên xóm dưới nghe đây, nghe đây. Trường cấp 1 Hòa Đồng thông báo, đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày mai, toàn bộ học sinh phải có mặt tại điểm trường chính để dự lễ khai giảng năm học… Vào một đêm nọ gần tới ngày khai trường, ba tôi nói với ông nội: “Năm nay phải đưa bọn trẻ đến trường, thằng Hiền đã quá tuổi rồi còn gì nữa”. Thấy ông nội gật đầu tán thành, tôi giãy nảy: “Không, con không đi học, con sợ lắm!”. Ông nội nghiêm khắc bảo: “Lớn rồi, ai cũng phải đi học để biết, ban đầu sợ sệt nhưng sau sẽ quen thôi!”. Tôi đã từng thấy những thầy giáo dùng roi đánh học trò nên sợ phải đến trường lắm. Nhưng cũng sợ cả cái roi mây của ông nội giắt trên trần nhà nên tôi không dám phản đối quyết định quan trọng đó mà chỉ đứng ở góc nhà khóc thút thít…”. 

Các trang viết của TS Phạm Ngọc Hiền ở phần Ký ắp đầy ký ức gắn với những cái Tết nơi quê nhà, với mảnh đất Tuy Hòa, với khu nội trú ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn… Tình yêu, nỗi nhớ ẩn hiện trong những tác phẩm này. Và tình yêu thi ca hòa quyện vào tình quê hương, xốn xang trong chuỗi ký ức có tên Nỗi nhớ hội thơ Nguyên tiêu. “… Đêm Nguyên tiêu nào, tôi cũng có mặt trong đoàn người gõ gót thơ trên “Đường lên núi Nhạn quanh quanh…”… Nhưng Nguyên tiêu năm 2011, tôi không dự hội thơ trên núi Nhạn được. Ai cũng bảo: “Tiếc quá, sao không nán lại một ngày dự đêm thơ rồi hãy đi”. Lần này, tôi vào Sài Gòn gấp không chỉ vì lý do có lịch dạy mà còn để dự buổi giao lưu thơ tại Bến Nhà Rồng vào sáng 15 âm lịch. Tôi được mời lên khán đài giao lưu với các văn nghệ sĩ trẻ. Chiều đó, tôi tranh thủ viết bài Nguyên tiêu cho báo Phú Yên trong khi Phan Hoàng vội vã dẫn đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh bay ra Phú Yên dự đêm thơ. Người ta không phải gốc Phú Yên mà còn vượt 560km để đi dự đêm thơ trên núi Nhạn. Còn mình gốc Phú Yên mà không dự được! Dẫu đi làm ăn, sinh sống nơi đâu, những người con Phú Yên yêu thơ đều hướng về cổ tháp đêm rằm”. 

Đọc Đời thực và mơ, tập sách riêng thứ bảy của Phạm Ngọc Hiền, độc giả phần nào cảm nhận được tâm hồn yêu văn chương của một tiến sĩ Ngữ văn, chuyên lý luận phê bình văn học. 

TS Phạm Ngọc Hiền sinh năm 1971. Anh đang giảng dạy tại Trường đại học Sài Gòn, là hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Các tác phẩm đã xuất bản: tập thơ Nhớ mùa thu đã xa (2003), tập phê bình Những nẻo đường văn chương (2007), tập chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (2010, 2012, 2018), Thi pháp học (2016), Tiếp cận tác phẩm văn chương từ góc độ thi pháp học (2018)… Anh được trao giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2007 cho tập phê bình Những nẻo đường văn chương. 

YÊN LAN

Nguồn báo Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/207958/nhung-trang-viet-thau-duoc-tam-hon.html

Địa chỉ phát hành:
https://nxbhcm.com.vn/7/doi-thuc-va-mo-tap-truyen-va-ky-3663.
 

Đọc sách online:
https://sachweb.com/van-hoc-viet-nam/sach-doi-thuc-va-mo-tap-truyen-va-ky-dt2770.html

 


Phamngochien.com - 08:32 - 28/09/2018 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận