Những nét tương đồng giữa Bảo Ninh và Heinrich Böll

 

NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG GIỮA BẢO NINH VÀ HEINRICH BÖLL

1.Từ một nỗi đau...

Ở Việt Nam, chiến tranh đã đi qua hơn bốn mươi năm nhưng những dấu vết về một quá khứ đau thương vẫn in đậm trong tâm thức mỗi con người. Thời gian có thể làm lành những đau đớn trên da thịt, che đi nỗi nhọc nhằn bằng những vết sẹo hằn nhưng những vết thương trong tâm hồn dường như vẫn mãi khắc sâu. Đề tài chiến tranh và người lính vẫn luôn là đề tài lớn của văn học nước nhà nhưng nó đã được thể hiện với "những cảm hứng mới, những cách thức tiếp cận mới, những cách viết mới chứ không phải là sự nối dài của quá khứ" (Phong Lê). Văn đàn văn học Việt Nam những năm sau đổi mới đã có rất nhiều tác phẩm hay, giá trị về đề tài này nhưng dường như thế hệ những nhà văn vừa cầm bút vừa cầm súng vẫn chưa thể hài lòng với những đứa con tinh thần của mình. Họ luôn luôn có ý thức tìm tòi, đổi mới trong tư duy và bút pháp để cho ra đời những tác phẩm xứng tầm với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong bối cảnh đó, văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 mà đặc biệt là thể loại truyện ngắn với dung lượng nhỏ và khả năng nắm bắt những nét bản chất nhất của cuộc sống đã có những bước chuyển mới mẻ và đạt được những thành tựu nhất định.

Năm 1987, với truyện ngắn Trại bảy chú lùn, nhà văn Bảo Ninh chính thức xuất hiện trên văn đàn, mang lại một âm sắc mới trong bản hòa tấu chung của đời sống văn học Việt Nam. Từ đó đến nay, trên hành trình sáng tạo gần ba thập kỷ, Bảo Ninh đã có nhiều đóng góp với nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là dòng văn học hậu chiến. Viết về mảng hiện thực này, với Bảo Ninh nói riêng và các nhà văn quân đội nói chung chính là niềm khao khát, niềm hạnh phúc, say mê và cũng là món nợ văn chương cần phải trả đối với cuộc đời. Nói như nhà văn Chu Lai: "Bây giờ, sau ba mươi lăm năm, có thể gác lại quá khứ nhưng không có nghĩa là quên đi quá khứ. Vì nếu chúng ta quên đi quá khứ thì lại là có lỗi với những người đã hi sinh, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Cùng chung tư tưởng ấy, ở bên kia trời Âu, cũng có một nhà văn như thế. Mỗi khi nhắc đến chiến tranh thế giới thứ hai, chắc chắn nhân loại không bao giờ quên được nước Đức - đất nước của những cỗ xe tăng được xem là một trong những chiến trường tàn khốc nhất của Đại chiến thế giới lần thứ hai. Nhắc đến sự thảm khốc của chiến tranh, phải chăng người ta chỉ nhắc đến máu, bom đạn và mùi thuốc súng? Đó có phải là nỗi đau duy nhất mà chiến tranh mang lại? Bằng một cái nhìn sâu sắc và trái tim đầy nhân đạo, nhà văn người Đức - Heinrich Böll đã đề cập đến nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh, một nỗi đau "không vương mùi thuốc súng" - nỗi đau thời hậu chiến.

Truyện ngắn của Bảo Ninh và Heinrich Böll đều đem đến cho người đọc một cái nhìn mới về chiến tranh: những âu lo, bộn bề của cuộc sống, vấn đề đạo đức, mối quan hệ giữa thế hệ hôm qua và thế hệ hôm nay... được đặt ra một cách thường trực, đầy ám ảnh. Nếu như trong truyện ngắn của mình, Heinrich Böll không miêu tả trực tiếp chiến tranh, mà chậm rãi quét ống kính qua các mảng hiện thực rạn vỡ của nước Đức thời hậu chiến để gợi nỗi khắc khoải, trầm tư sâu lắng về bản chất con người thì ngược lại Bảo Ninh dùng ngòi bút sắc sảo của một nhà văn cầm súng để đào sâu hiện thực chiến tranh một cách trực tiếp, bằng những trải nghiệm cá nhân để làm phong phú thêm cái nhìn của cộng đồng về hiện thực lịch sử một cách đầy cảm động, để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc. Và tuy cách thể hiện vấn đề có khác nhau nhưng Giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 dành cho Bảo Ninh và đặc biệt là Giải Nobel văn chương danh giá năm 1972 dành cho Heinrich Böll là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp lớn lao, không mệt mỏi của mỗi nhà văn đối với nền văn học dân tộc và của cả thế giới.

2. Tìm về nguồn cội

Trong văn học, hiện tượng một tác giả gặp gỡ một tác giả là điều hết sức phổ biến, nó dường như vượt qua cả sự cách trở về thời gian, sự xa xôi về địa lí để tìm đến nhau về đề tài hay tư tưởng như trường hợp của Nguyễn Du và Đỗ Phủ, Vũ Trọng Phụng và Ban dắc, Xuân Diệu và Beaudelaide hay Nam Cao và Gorki... Những hiện tượng tương đồng này, nói như Trương Đăng Dung trong công trình Từ văn bản đến tác phẩm văn học: "Một mặt, có thể lý giải bằng những hiện tượng tương đồng về loại hình lịch sử. Mặt khác, nó còn là kết quả của các trạng thái giống nhau của ý thức con người, xã hội". Với Bảo Ninh và Heinrich Böll, hai điều này đều đúng cả.

2.1 Sự tương hợp về cuộc đời và tư tưởng nghệ thuật

Heinrich Böll và Bảo Ninh đều là những nhà văn quân đội, trực tiếp sống và chiến đấu trên chiến trường nên chiến tranh với họ là một phần của máu thịt, của kí ức và hoài niệm.

Heinrich Theodor Böll (21/12/1917 - 16/07/1985) sinh ra ở Köln. Ông bắt đầu làm thơ và viết truyện ngắn từ rất sớm. Năm 1937, sau khi tốt nghiệp trung học, Böll theo học nghề kinh doanh sách ở Köln. Năm 1938, Böll bị huy động vào quân đội dự bị của Đệ Tam Đế chế Đức. Trước khi nhập ngũ, ông học một học kỳ ngành Đức ngữ và Ngữ văn cổ điển tại thành phố quê hương. Năm 1945, Böll bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh và giam mấy tháng ở miền Nam nước Pháp. Trong thập niên 80, Böll trở thành một trong những nhà lãnh đạo phong trào hòa bình và chống sử dụng vũ khí hạt nhân. Năm 1985, nhà văn mất tại nhà riêng của con trai ông ở ngoại ô Bonn, thọ 68 tuổi. Toàn bộ di sản văn học của ông lên tới gần bốn mươi tập sách. Một nhà phê bình Anh nhận định: "H. Böll luôn là nhà văn tầm cỡ, lo lắng đến cả một thế hệ người Đức cũng như từng cá nhân người phải sống trong những tổ kiến đô thị hiện đại" [6]. Có thể nói cả cuộc đời Böll gắn liền với những thăng trầm của nước Đức vĩ đại, những gì mà Böll viết trong truyện ngắn của mình cũng là số phận chân thực của người dân Đức bước ra từ cuộc chiến đúng như tuyên ngôn mà ông từng tuyên bố trong tập tiểu luận Những vấn đề với tình anh em: "Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh trong sạch, phát hiện cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng chửi mắng cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta" [1].

Đoạn văn trên có thể xem là tuyên ngôn nghệ thuật của Heinrich Böll khi cầm bút sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình. Nó hé mở cho người đọc những thông điệp trước khi chúng ta bước vào thế giới nhân vật của ông - cái thế giới có thể xem là bức tranh thu nhỏ của con người Đức, xã hội Đức thời hậu chiến. Có được cái nhìn hiện thực như thế chính là nhờ ông đã sống giữa đời thực, đặt mình vào vị trí nhân dân mà cảm thông và thấu hiểu.

Tuy sống sau nhà văn người Đức khoảng ba thập kỷ nhưng cái bầu không khí mà Bảo Ninh hít thở và lớn lên cũng vẫn vương đầy mùi thuốc súng, liên tiếp những cuộc chiến tranh vệ quốc hằn lên trong trái tim người lính bao ký ức đau buồn. Bảo Ninh vào bộ đội năm 1969. Ông từng chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976 - 1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984 - 1986 Bảo Ninh học khóa 2 Trường viết văn Nguyễn Du, sau ông về làm việc tại báo Văn nghệ. Bảo Ninh là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ 1997.

Cũng như bao người lính khác trở về từ chiến trường, Bảo Ninh giữ cho riêng mình những kỉ niệm gian khổ nhưng oanh liệt và đầy tự hào. Sâu trong tâm khảm, chiến tranh là nỗi nhớ da diết, là nỗi buồn không gì bù đắp nổi. Nó như miền kí ức không bao giờ phai nhòa trong lòng mỗi con người đã từng vào sinh ra tử. Mỗi truyện ngắn của ông là một dư vị buồn. Đó có thể là nỗi "cô độc đến kinh người" hay nỗi buồn kéo dài đằng đẵng trong nhiều năm, nhà văn viết: "Nếu giờ đây không may phải sống đời bất hạnh thì chúng tôi sẽ tự nhủ lòng rằng không sao cả, bởi có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh" [8;259].

Như vậy, hai nhà văn đến từ hai đất nước tuy cách xa về địa lí nhưng lại gặp gỡ nhau trong tư tưởng nghệ thuật, đó quả là điều đáng quý. Dù gián tiếp miêu tả chiến tranh hay trực tiếp nhận thức lại bằng trải nghiệm cá nhân thì Heinrich Böll và Bảo Ninh đều có những đóng góp xứng đáng cho quá trình đổi mới văn học. Nhân loại sẽ mãi nhớ đến Böll như là người khởi đầu cho "dòng văn học hoang tàn" và nhớ đến Bảo Ninh với tư cách là nhà văn dám nói "Nỗi buồn chiến tranh". Phàm những gì càng cố che giấu, khoác lên bộ cánh càng sang trọng thì càng gây tò mò và thích thú với người đọc những đồng thời cũng để lại phía sau nó dư vị xót xa, cay đắng.

2.2 Những gặp gỡ trong thể loại truyện ngắn

2.2.1 Đề tài tâm thức thời hậu chiến

Tâm thức thời hậu chiến là một chủ đề quan trọng ở các tác phẩm của Heinrich Böll nói chung, truyện ngắn của ông nói riêng. Suốt các truyện trong tập Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2014, ta thấy thấp thoáng nhân dáng những người lính hồi hương, đã thấy, ngửi, chạm vào cái chết ở chiến trường, tê dại nhìn mảnh mảng xối bám chênh vênh trên góc mái ngôi nhà cũ; phảng phất tiếc nuối về ký ức sống yên bình, với một người con gái, hay bên dòng Rhein tăm tối, u buồn vẳng tiếng còi báo mù sương; và đây đó là những tâm thế hoang mang trước sự suy đồi của con người trong cuộc sống mưu sinh... Ở đây, ta hiểu "tâm thức" vừa là trạng thái tâm lý, một ám ảnh trở đi trở lại, vừa là cách cảm nhận đời sống của con người. "Tâm thức thời hậu chiến" là những ám ảnh, những vết thương tinh thần thường trực nơi tâm hồn con người, chi phối cách cảm nhận cuộc sống của họ trong bối cảnh hậu chiến.

Với Bảo Ninh cũng vậy, khi dư âm của cuộc chiến còn sâu đậm và tạo thành sự khắc khoải với người cầm bút thì nhu cầu nhìn lại cuộc chiến vừa qua trở thành một tâm lý, một ám ảnh thường trực, những ngổn ngang, bộn bề, lạc lõng, chơi vơi khiến họ bật lên những câu hỏi về hôm qua và hôm nay như một sự tái nhận thức chiến tranh và cuộc sống. Thống kê trong tập Truyện ngắn Bảo Ninh do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành năm 2002 gồm 16 truyện ngắn thì đã có đến 13 truyện viết về đề tài chiến tranh: Trại bảy chú lùn, Ba lẻ một đêm, Bên lề cuộc tấn công, Lá thư từ Quý Sửu, Bí ẩn của làn nước, Ngôi sao vô danh, Rửa tay gác kiếm, Mây trắng còn bay, Khắc dấu mạn thuyền, Thời tiết của kí ức, Hữu khuynh, Hà Nội lúc không giờ, La Mác-xây-e. Trong 13 truyện ngắn ấy đã có tới 9 nhân vật là người lính, 8 trong số đó lại là người lính trở về.

Vậy nên, văn học hậu chiến cũng chỉ là một khái niệm ước lệ chỉ một giai đoạn văn học ngay sau chiến tranh mà cảm hứng chính của nó vẫn là suy ngẫm về chiến tranh trong hoàn cảnh mới của những con người vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh còn bị chi phối bởi quán tính cuộc chiến [6].

2.2.2 Nhân vật người phụ nữ với nỗi đau thể xác và những góc khuất trong tâm hồn.

Nếu như trong tiểu thuyết, nhân vật là con người nếm trải, được biểu hiện trong cả quá trình, đi qua nhiều cảnh ngộ, nhiều mối quan hệ và có sự thay đổi diện mạo, số phận, thì trong truyện ngắn, nhân vật thường gắn liền với những tình huống, những lát cắt, khoảnh khắc của đời sống. Nhân vật chính là căn cứ quan trọng giúp người đọc có thể hiểu được phong cách nghệ thuật và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, nó có ý nghĩa quan trọng khi tìm hiểu, nghiên cứu tác phẩm cũng như tác giả văn học. Với trường hợp của Heinrich Böll và Bảo Ninh, đây là hai cây bút giàu cá tính sáng tạo hơn nữa còn đại diện cho dòng văn học hậu chiến của mỗi quốc gia cho nên việc đối sánh thế giới nhân vật trong sáng tác của họ là một công việc vô cùng thú vị. Gặp gỡ nhau từ đề tài, tư tưởng bây giờ họ lại còn tìm thấy nét tương đồng trong hình tượng nhân vật mà đặc biệt là nhân vật người phụ nữ với nỗi đau thể xác và những góc khuất trong tâm hồn. Bởi chiến tranh đâu chỉ hằn sâu vết thương trên da thịt những anh lính trận mà cả những người phụ nữ cũng bị nó hủy hoại khủng khiếp hình hài và trái tim.

Một dẫn chứng tiêu biểu cho sự tàn phá ấy của chiến tranh lên dáng vẻ con người, trong truyện ngắn Nàng Anna xanh xao, Heinrich Böll chuyển ống kính của mình vào gương mặt của một cô gái. Tác giả viết rằng: "Chúng tôi luôn gọi cô là Anna xanh xao vì mặt cô quá trắng. Mặt cô ta bị hủy hoại hoàn toàn, đầy vết sẹo - cô bị áp suất một vụ nổ hất vào một cửa kính bày hàng [4;131]. Anna là vị hôn thê của con trai bà chủ - nơi nhân vật tôi thuê trọ. Sự ám ảnh được tạo ra bởi sự tương phản giữa một gương mặt đẹp đẽ và một gương mặt bị phá hủy. Nếu lúc trước nó lung linh như thế nào thì giờ đây nó bị biến dạng khủng khiếp chừng đó. Trong thâm tâm của nhân vật tôi, anh vẫn cứ nhớ về một cô gái "nàng rất xinh, da trắng xanh với đôi mắt hình lá liễu và luôn luôn lên xe ở trạm cuối tuyến" [4;139]. Nhưng giờ đây, trước mắt anh là một Anna xanh xao đúng như tên gọi của nó. Nhân vật tôi không thể tin vào mắt mình bởi thế mà "Tôi thường phải vào bếp của bà và bà cũng hay vào phòng tôi", chủ ý cả hai chỉ muốn ngắm lại những khoảng khắc tươi đẹp trước chiến tranh, mà đẹp nhất là gì nữa nếu không phải là tâm hồn con người? Nhưng mỗi lần đứng trước bức hình ấy, cái muốn quên đi lại cứ hiện về: "Cả ngày tôi nghĩ tới điều tôi muốn quên đi - chiến tranh" [4;129]. Như vậy có thể nói, gương mặt của nàng Anna chính là một ám thị của chiến tranh, biểu tượng của sự tàn phá, hủy diệt. Nhưng đâu chỉ có mình nàng, nhân vật bà chủ nhà cũng rất nhanh được Heinrich Böll ghi lại: "Bà chủ nhà gầy ốm, xanh xao và mỗi khi gương mặt bà dừng lâu trong bóng mờ ở trên giường, tôi cảm thấy sợ. Lúc đầu, tôi tưởng bà điên vì đôi mắt bà mở to và sáng rực, và bà luôn luôn hỏi tôi về đứa con bà" [4;227]. Không chỉ ngoại diện nàng Anna là thiếu sức sống mà bà chủ nhà cũng vậy, tuy không mang nỗi đau về thể xác nhưng bà lại giữ trong mình nỗi đau tinh thần to lớn - nỗi đau mất con. Heinrich Böll hay dừng lâu để miêu tả đôi mắt, nếu ở Thiên đàng đã mất là đôi mắt người cha "thật nhỏ" vì sự chờ đợi mỏi mòn thì trong truyện ngắn Nàng Anna xanh xao lại là một đôi mắt "mở to và sáng rực", đây là đôi mắt của sự kiếm tìm và niềm tin hy vọng. Nó to và sáng đến nỗi làm nhân vật tôi lầm tưởng rằng bà bị điên. Và cùng với gương mặt đó là sự lặp đi lặp lại đến đau lòng hành động hỏi, bà hỏi dù biết đã có câu trả lời, bà hỏi như một cách trốn tránh thực tại và bà hỏi như một cách tự nhen lên trong mình một chút hy vọng mong manh: "Bà chủ nhà không điên đâu, bà rất đàng hoàng, và tôi thấy đau lòng khi nghe bà hỏi. Bà hỏi tôi rất thường, mỗi ngày có đến vài lần và cứ mỗi lần vào nhà bếp của bà, tôi lại phải nhìn ảnh con bà, một tấm ảnh màu treo trên ghế xô pha" [4;228].

Cùng chung số phận, nhân vật người phụ nữ trong các truyện ngắn của Bảo Ninh cũng phải chịu đựng một nỗi đau như thế. Trong truyện ngắn Trại bảy chú lùn, sau khi những người đồng đội lần lượt ra đi chỉ còn Mộc và Nga, hai con người sống với nhau trong khu rừng khép kín, họ rất ít nói chuyện với nhau và rồi ở Nga "chớm dần lên những biểu hiện của tâm trạng lầm lũi, u uẩn" [9,131]. Ở đây ta liên tưởng đến hình ảnh những cô gái trong Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo. Những cô quân nhu trẻ măng, những mái tóc đen dày là vậy nhưng đã bị cuộc sống nơi rừng già hủy hoại chỉ còn lại một dúm xơ xác. Cái man rợ của chiến tranh chính là nó khiến con người không thể sống là chính mình, cô đơn và thiếu thốn khiến những cô gái bị mắc chứng bệnh cười, họ cứ vừa cười vừa khóc, tay xé quần áo, tay dứt tóc, để rồi khi bị địch đánh chiếm họ đã tự tử để tránh khỏi bị ô nhục. Chỉ còn Thảo là người duy nhất còn sót lại của khu rừng cười. Thảo cũng giống như Mộc người duy nhất còn sót lại của Trại bảy chú lùn. Nhân vật Hiên, một người lính sau khi chứng kiến cảnh tượng các cô gái trong khu rừng cười đã bị ám ảnh và không thể nào quên. Về sau, trong bức thư để lại trước khi chết Hiên viết: "Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi lâm vào cảnh ấy"; "Tôi rùng mình khi nghĩ rằng, người yêu tôi, em gái tôi, cũng đang cười sằng sặc như thế, giữa một khu rừng mênh mông nào đó" [3;54]. Sự tàn ác của chiến tranh là ở đó, nó không chỉ hủy hoại về mặt thể xác mà tàn nhẫn hơn là về mặt tinh thần của con người. Nỗi đau về tinh thần thì mãi mãi không thể nào có thể xóa nhòa đi được.

3... Đến sự suy ngẫm về việc tiếp nhận hai đặc trưng văn hóa Đông Tây

Như chúng ta đã biết, bất kì một giá trị văn học nào cũng đều thoát thai từ một môi trường văn hóa, từ một đời sống văn học nhất định. Tác phẩm là con đẻ tinh thần của người nghệ sĩ, là sản phẩm tinh thần của một thời đại. Nhà văn đắm mình trong không khí thời đại, nắm vững tinh thần thời đại, cùng với môi trường, vốn sống, vốn văn hóa mà hình thành tư tưởng thẫm mĩ cho mình.

Cho nên yếu tố văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến đến sự thành công của tác phẩm. Một phương Đông thầm trầm, kín đáo chỉ có thể sản sinh ra hoàng từ Ra-ma chứ không thể có được một hình tượng anh hùng chiến trận ưa phiêu lưu, khám phá như Uy-lít-xơ ở phương Tây phóng khoáng. Dường như từ sâu trong cách cảm, cách nghĩ, người phương Đông thường xu hướng hoài cổ, họ trân trọng những giá trị trong quá khứ và lấy đó là thước đo để vun đắp những giá trị hiện tại. Với họ, quá khứ dù có mất mác, đau thương thì vẫn là một quá khứ đẹp, bi tráng, bi hùng. Người phương Tây thì sống thực tế hơn, tâm hồn tự do luôn hướng họ đến một tương lai với bao điều cần khám phá, mạo hiểm so với quá khứ thì hiện tại là một món quà vô giá như trong Tiếng Anh present nghĩa là hiện tại mà cũng có nghĩa là một món quà đấy thôi  (bởi cùng một tự dạng, dấu nhấn khác nhau sẽ tạo nên nghĩa khác nhau). Từ đó, ta có thể nhận thấy rằng văn hoá phương Đông đề cao con người cộng đồng còn văn hoá phương Tây đề cao con người cá nhân. Cho nên, Heinrich Böll và Bảo Ninh tuy có gặp gỡ nhau trong đề tài, cốt truyện hay đây đó là hình tượng nhân vật thì đây vẫn là hai phong cách văn học khác nhau, đặc trưng bởi hai nền văn học, văn hóa khác nhau. Rất thú vị, cùng viết về chiến tranh, nhưng nếu Bảo Ninh dành nhiều tâm huyết để xây dựng chân dung những con người anh hùng trong cuộc chiến, viết về chiến tranh như một sự tri ân, sám hối thì Heinrich Böll lại chọn cách quét ống kính qua các mảng hiện thực rạn vỡ hiện tại của nước Đức sau chiến tranh hướng đến sự khôi phục ngôn ngữ Đức sau lối khoa trương thời Quốc xã.

Bên cạnh điểm nhìn trần thuật thì yếu tố không gian nghệ thuật cũng có những đặc trưng riêng. Truyện ngắn của Heinrich Böll thường gắn với những không gian mở như không gian con đường, không gian biển cả chứ không khép kín trong một giới hạn như trong truyện ngắn của Bảo Ninh. Tất nhiên, nó thuộc về dụng ý nghệ thuật của mỗi nhà văn. Trong truyện ngắn của Heinrich Böll nếu con đường, biển cả là nơi đi tới, là không gian tự do để con người bộc lộ những đam mê khao khát, là biểu tượng của cái tuyệt đích mà con người tìm kiếm, ngưỡng vọng thì với tâm lý đào sâu bản thể, những không gian khép kín, tù túng, chật hẹp sẽ giúp Bảo Ninh mô tả nhân vật ở trạng thái ngưng đọng nhiều hơn, có thời gian đủ để con người suy tư, chiêm nghiệm. Có thể xem Mắc cạn là truyện ngắn tiêu biểu nhất cho kiểu không gian này. Tác phẩm đề cập đến sự bế tắc của con người trong những tháng ngày bao cấp khó khăn. Nó biến tình yêu đẹp của một đôi tri thức có văn hóa thành cuộc sống tù đọng, không lối thoát. Khi xây dựng kiểu không gian trên, Bảo Ninh đã cho chúng ta thấy được sự bế tắc, cô đơn trong cuộc sống mưu sinh của những người lính, nhất là người lính ở vùng hậu cứ. Họ đáng thương hơn là đáng trách.

Ngoài những yếu tố kể trên thì thời gian nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ, nhân vật... vẫn có những tương đồng và dị biệt hấp dẫn. Tất nhiên công việc này đòi hỏi một công trình dày dạn hơn. Nhưng trên tổng thể, những tìm hiểu kể trên cũng cho thấy được những gặp gỡ và ảnh hưởng của hai nhà văn, hai nền văn hóa trong dòng văn học hậu chiến cùng vị trí của mỗi nhà văn đối với nền văn học dân tộc.

                                          Nguyễn Ngọc Lý

(Lớp Cao học Văn học Việt Nam K18 - ĐH Quy Nhơn)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Heinrich Böll (1976), Tiểu luận chính trị - Những vấn đề với tình anh em.
  2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), (2011), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, H.
  3. Võ Thị Hảo (2005), Người sót lại của rừng cười, NXB Phụ nữ.
  4. Phạm Hải Hồ (tuyển chọn và dịch) (2014), Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác, NXB Văn học.
  5. Trần Quang Huy (1994), Nước mắt đỏ, NXB Lao động.
  6. Đinh Thị Huyền (2008), "Nhân vật của tiểu thuyết "Hậu chiến", Tạp chí Văn học số 10.
  7. Hoài Liên (2013), Bài giới thiệu tác phẩm Dưới cái nhìn anh hề - Heinrich Böll, Http://www.kilobooks.com.
  8. Bảo Ninh (2011), Tác phẩm chọn lọc, Nxb Phụ nữ, H.
  9. Bảo Ninh - những truyện ngắn, Nhà xuất bản Trẻ, 2013.   

 

tien thang b7 kobo - (vào lúc: 19:12 - 12-26-2016)
Nghe nói Bảo Ninh mới được nhận một giải thưởng từ Hàn quốc, xin chúc mừng ông.

Phamngochien.com - 07:53 - 26/12/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận