NHẬT KÝ THỰC TẬP SƯ PHẠM BÌNH PHƯỚC (Phạm Ngọc Hiền)

 

 

 

Một trong những sự kiện quan trọng của sinh viên năm tư là thực tập cuối khóa. Ở khoa Ngữ văn trường Đại học Văn Hiến, hình thức thực tập rất đa dạng nên sinh viên đứng trước khá nhiều sự lựa chọn: nên đi thực tập sư phạm hay thực tập báo chí, xuất bản, văn phòng ? Nên đi tập trung hay tự túc ? Địa điểm thực tập, thời gian thực tập ? Khối lượng công việc thế nào, kết quả thực tập ra sao ? Nhưng mớ bòng bong ấy được tháo dỡ dần khi lãnh đạo Khoa thông qua thời gian thực tập là trọn tháng 11, và 39 sinh viên thực tập sư phạm theo Khoa sẽ về tỉnh Bình Phước. Điều đáng lưu ý là thời gian và địa điểm thực tập do chính sinh viên biểu quyết lựa chọn. Hình thức dân chủ ấy có lẽ chỉ có ở trường... Đại học Văn Hiến !

Ngày 14 / 10 / 2009.

Tôi cùng các nhóm trưởng, nhóm phó lên Bình Phước tiền trạm. Đoạn đường dài hơn 100 km, vừa đi vừa hỏi đường, trong lúc đang nóng lòng sợ đến trễ thì cả hai xe máy đều bị thủng lốp. Mà cũng lạ, đợt này tôi lên Bình Phước 6 lần thì xe xẹp cả 6 lần ! Thầy trò chúng tôi mặt mày nhễ nhại mồ hôi bước vào Sở Giáo dục và được thầy Linh đón tiếp niềm nở, dẫn chúng tôi đến trường THPT Nguyễn Du có quy mô     khá lớn nằm tại thị xã Đồng Xoài. Không ngờ, thầy hiệu trưởng Lê Thắm lại là thầy giáo cũ của tôi thời học ở Phú Yên. Sự tiếp đón ân cần của thầy Thắm, thầy Đức làm chúng tôi yên tâm. Thầy hiệu trưởng còn dẫn chúng tôi đi tìm nhà trọ cho sinh viên, sau một hồi lòng vòng, chúng tôi tìm được một căn nhà ưng ý tại ngã tư thị xã, phố xá đông đúc. Thế là ổn.

Chiều, chúng tôi vượt đoạn đường khoảng 40 km đầy bụi bặm đến với trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Tân Khai - Bình Long). Thầy Hùng (hiệu trưởng) đang bận nên tiếp chúng tôi có thầy Phước (hiệu phó) và thầy Trung (tổ trưởng tổ Văn). Nhìn cảnh trường khang trang, tọa lạc trên một ngọn đồi lộng gió, tâm hồn chúng tôi cũng thư thả sau những ngày lo lắng về địa điểm thực tập.

Ngày 1 / 11 / 2009.

Buổi sáng, một chiếc xe đỗ xịch trước cổng trường Văn Hiến, trước đầu xe có treo băng rôn - cái này thì các bạn sinh viên tự làm để cho nó có không khí tưng bừng của buổi... ra quân. Hành lý khá lủng củng, dĩ nhiên rồi, con gái bao giờ cũng nhiều đồ đạc, trong chuyến thực tập này, có tới 34 nàng, và chỉ có 5 chàng. Xe bon bon rời Sài Gòn để đưa các bạn đến với một vùng đất mới lạ mà lâu nay hằng mơ ước. "Chuyến xe này lên Bình Phước, anh đi chăng ? / Bạn bè đi xa, anh giữ trời đô thị / Anh có nghe rừng cao su vẫy gọi / Ngoài cửa ô, đói những mảnh trăng thơ..."

Ngày 2 / 11 / 2009.

Sinh viên thực tập ra mắt giáo viên và học sinh toàn trường trong lễ chào cờ. Các bạn sinh viên bỡ ngỡ trong tà áo mới với một "vai" mới: thầy cô giáo. Từ đây, các bạn sẽ được học sinh và phụ huynh gọi là thầy, cô, thậm chí, các bạn sinh viên cũng tự gọi lẫn nhau là thầy cô ! Không biết các bạn thực tập báo chí, văn phòng thấy có lạ không !

Buổi chiều, sinh viên dự cuộc hợp với giáo viên hướng dẫn. Thầy Dương dự ở trường Nguyễn Hữu Cảnh, tôi dự ở trường Nguyễn Du. Hiệu trưởng báo cáo đặc điểm tình hình của trường, trong đó có một điểm làm chúng tôi trố mắt ngạc nhiên là ở tất cả các phòng học không hề có một dấu vết viết vẽ trên tường và trên bàn ghế. Trường có hoạt động phong trào mạnh nên phân mỗi sinh viên về thực tập chủ nhiệm một lớp để thúc đẩy thi đua của lớp đó. Tôi đại diện phía đoàn thực tập phát biểu theo phong cách vui vẻ làm thỉnh thoảng rộ lên những tràng cười và vỗ tay.

Chiều tối, tôi sang trường Nguyễn Hữu Cảnh. Sinh viên Dung đã bố trí cho các bạn ở trong một căn nhà của một người bà con đi vắng. Căn nhà khá rộng, chứa được 16 sinh viên, ba sinh viên còn lại ở chung nhà với gia đình Dung cũng gần đó. Ngày đầu tiên ra mắt nhà trường, các bạn bận túi bụi, hết còn nghĩ đến chuyện ăn uống. Tối đó, các chuyên gia nấu ăn (là mày râu) bắc một xoong nước to nấu sôi, cho vào khoảng 20 gói mì tôm, khuấy đều, múc cho mỗi người một tô. 16 cặp mắt ái ngại nhìn giảng viên phụ trách thực tập của mình húp mì tôm. Tối đó, dù mệt nhưng tôi cũng cố ngồi nhâm nhi vài ly rượu với các bạn sinh viên xa nhà. Ngắm bầu trời tối đen như mực, khác với bầu trời Sài Gòn đêm nào cũng sáng. Trên quốc lộ 13, xe tải chạy ầm ầm suốt ngày đêm. Xe đang chạy về Sài Gòn ta đó !

Những ngày tiếp theo.

Tôi về Sài Gòn chỉ đạo thực tập từ xa thông qua hai nhóm trưởng: A Say (Nguyễn Du) và Mẫn (Nguyễn Hữu Cảnh). Thỉnh thoảng, mới lên thăm sinh viên. Mỗi lần thấy tôi từ "Hòn ngọc Viễn Đông" lên, các thầy cô giáo ở đây thường chào hỏi: "A ! Chào tiến sĩ. Thầy lên đây bằng gì ?". Tôi trả lời là bằng xe máy. Họ trố mắt ngạc nhiên vì cứ tưởng rằng tôi đi công tác bằng xe con của trường. Tôi không nói ra một điều này nữa vì không muốn họ ngạc nhiên hơn: ngay cả tiền đổ xăng xe máy, ăn uống, điện thoại... hai giảng viên chúng tôi cũng tự bỏ tiền túi là chính. Trường có chi tiền cho đợt thực tập nhưng chúng tôi dồn hết cho chi phí chung. Sinh viên tốn tiền, giảng viên cũng phải tốn tiền, thế mới bình đẳng.

Khâu ăn ở được các bạn sinh viên của hai nhóm lo rất chu đáo, phải nói, tuyệt vời. Trước đó, tôi rất lo là 38 thế giới riêng đó khi nhập làm một thế giới chung sẽ rất dễ nảy sinh những va chạm nhỏ do tính cách khác nhau. Nhưng thực sự là các bạn rất đoàn kết. Ở nhóm trường Nguyễn Du, có hai phòng nữ lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Hai bạn nam ở ké phòng của một anh bộ đội nhưng anh này thường đi vắng nên cũng tương đối tự do. Những lúc vắng bộ đội, các nữ binh ta thừa thắng tràn sang chiếm lĩnh căn phòng, ăn, ở, ngủ, làm việc thỏa mái như nhà mình.

Ở nhóm Nguyễn Hữu Cảnh, đa số các bạn ở chung một nhà, không khí cũng vui vẻ. Trên cánh cửa nhà bếp ghi một "thời khóa biểu" rất ngộ: từ thứ hai đến chủ nhật, sáng - trưa - chiều - tối, ai đi chợ - nấu ăn - lặt rau - rửa chén -lau phòng - đổ rác... Ngay cả chuyện phân công đổ xăng cho mấy chiếc xe máy và ai chở ai tới trường cũng được quy định rõ và mọi người tự giác làm theo. Các bạn sống rất tự nhiên như người trong một gia đình chứ không phải là 16 con người đến từ 16 tỉnh thành khắp ba miền Bắc Trung Nam.

Buổi tối, các bạn nữ trải chiếu ngủ dưới đất, hai cái gường còn lại, một cái cho nữ và một cái cho ba bạn nam. Những hôm nào có khách từ Sài Gòn lên thăm thì các bạn nam nhường chỗ ngủ, chạy sang ngủ nhờ nhà bác hàng xóm tốt bụng. Cái thú vị được ngủ giữa rừng cao su bạt ngàn suốt cả tháng trời ấy chắc sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức các sinh viên Sài Gòn.

Thời gian đầu, các bạn bận túi bụi với vô số công việc. Trước hết là gặp gỡ giáo viên hướng dẫn. Một câu nói quá khắt khe hoặc một cử chỉ đùa giỡn quá trớn của giáo viên cũng làm cho các bạn lo lắng. Tiếp theo là làm quen với công tác chủ nhiệm, quản lý cả mấy chục học sinh đang tuổi định hình nhân cách, có nhiều tình huống sư phạm khó xử mà các bạn chưa từng thấy trong các giáo trình Tâm lý học. Soạn giáo án và trực tiếp đứng lớp, các bạn mới thấy phương pháp giảng dạy Ngữ văn ở phổ thông rất khó. Tiết dạy đầu tiên thường không thành công, nghe giáo viên góp ý, nhiều bạn rất dễ nản lòng. Và các bạn còn phải tham gia các hoạt động phong trào, họp hành... Có vô số những cái bề bộn, đa dạng, vui buồn lẫn lộn. Sức ép công việc khá lớn, tính cạnh tranh cao, cái này thì các bạn đi thực tập tự túc không có được. Những bạn thần kinh yếu chắc hẳn đã từng nảy sinh ý định bỏ cuộc ngay trong tuần đầu. Nhưng đến tuần cuối cùng, khối lượng công việc giảm dần, nhiều bạn còn hăng hái xin dạy thêm giờ để có cơ hội gần gũi học sinh và nâng cao tay nghề.

Riêng tôi, còn có một cái quan tâm khác, đó là việc thực hiện quy chế thực tập. Quy chế hiện hành được biên soạn trên cơ sở các quy định về thực tập sư phạm đã có sẵn ở khoa Ngữ văn ĐH Văn Hiến từ trước đó và có tham khảo thêm quy chế của hai trường ĐHSP TP.HCM và ĐHSP Quy Nhơn. Tôi tổng hợp lại, cộng với kinh nghiệm 13 năm giảng dạy THPT của mình đã soạn ra một quy chế mới cho phù hợp với tình hình mới của trường ĐH Văn Hiến, một trường không chuyên về sư phạm. Quy chế này được lãnh đạo Khoa và Trường thông qua và được thực hiện lần đầu tiên cho khóa 05 trong đợt thực tập ở Bình Dương tháng 2 / 2009. Sau đó, có chỉnh sửa lại một vài chỗ cho hoàn chỉnh và áp dụng cho khóa 06 trong đợt thực tập ở Bình Phước. Như vậy, chuyến đi này sẽ chứng minh cho tính ổn định của bản Quy chế thực tập.

Ngày 28 / 11 / 2009.

Buổi sáng, tôi dự buổi tổng kết thực tập ở trường Nguyễn Hữu Cảnh. Kết quả thực tập khá ngoạn mục: 10 xuất sắc, 9 giỏi, khi làm tròn điểm sẽ có 100 % sinh viên đạt điểm 9, 10. Trưa, liên hoan chia tay, cảm động, chân tình, các bạn cứ muốn ngồi thêm nữa. Các thầy ép tôi uống nhiều nhưng tôi phải uống chừng mực để giữ phong độ cho buổi chiều.

Chiều, dự tổng kết bên trường Nguyễn Du. Kết quả thực tập ở trường này còn ngoạn mục hơn: 100 % xuất sắc. Thật không ngờ ! Buổi liên hoan có khá đông người dự, có hai khách đặc biệt là thầy Linh ở Sở Giáo dục và nhà thơ Vũ Huy Thông - ông bạn thơ thân thiết với "Nguyễn Du". Sau buổi liên hoan, các nhóm giáo viên và sinh viên còn rủ nhau đi hát Karaoke và uống cà phê, có vẻ quyến luyến lắm ! Tôi mệt phờ người, về nhà trọ lăn ra ngủ một giấc rất thanh thản.

Ngày 29 / 11 / 2009.

Sáng sớm, tới thăm nhà thơ Vũ Huy Thông. Định gặp các cựu sinh viên khoa Văn trường Văn Hiến công tác ở đây nhưng thấy hơi phiền nên thôi. Về phòng mở máy vi tính chỉnh sửa các hình ảnh thực tập cho đẹp. Hôm nay chủ nhật, dãy nhà trọ náo nhiệt bởi rất đông học sinh tới chia tay các thầy cô giáo. Thôi thì nấu nướng ăn uống rất thân mật, vui vẻ, thậm chí, có chỗ thầy thực tập và trò cũng nâng ly 100 % nữa. Một số sinh viên tới nhà các thầy cô hướng dẫn để liên hoan, số khác kéo học sinh ra quán nước, quán ăn... Cũng có bạn nhân lúc rỗi ra nằm quán cà phê võng gần đó, đưa qua đưa lại, gió mát hiu hiu. Tôi hỏi "Có muốn về Sài Gòn chưa ?". "Em chưa muốn về Sài Gòn". Tôi điện thoại sang nhóm của Mẫn, được biết bên đó cũng có không khí tưng bừng như vậy.

Ngày 30 / 11 / 2009.

Sau buổi tổng kết thực tập (thứ bảy tuần trước), cả hai nhóm đều ở lại thêm hai ngày nữa để lưu luyến chia tay các thầy cô giáo và học sinh. Sáng thứ hai, khi thấy các giáo sinh thực tập tới trường, học trò ùa tới níu kéo khiến nhiều người muốn khóc. Đến bây giờ, các bạn mới thấm thía hai câu thơ: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn". Trưa và chiều đó, các nhóm lần lượt rời Bình Phước. Những rừng cao su bạt ngàn khép lại đằng sau, nhưng rồi, ta sẽ thấy những rừng cao su khác hiện lên trong giấc mơ và qua mỗi lá thư...

Lời kết.

Chuyến thực tập ở Bình Phước để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong lòng các sinh viên. Các bạn đều trưởng thành rất nhiều sau chuyến đi đáng nhớ này. Đợt thực tập có vất vả, thì cũng như vậy thôi, nếu các bạn đi du lịch một vùng đất lạ, tham gia chiến dịch mùa hè xanh, đi thực tế cuộc sống, hay học một khóa tập huấn... Một tháng thực tập chuyên môn và thâm nhập cuộc sống mà trưởng thành hơn nửa năm ngồi trên ghế nhà trường. Hy vọng rằng, sau chuyến thực tập này, trở lại cổng trường đại học, các bạn sẽ bước đi với một phong thái khác.

 

                                                                                 PHẠM NGỌC HIỀN

 

Ngọc Hân (lớp 07 NV) - (vào lúc: 19:12 - 12-29-2009)
là SV năm 3 rồi nhưng em vẫn chưa định hình được mình sẽ thực tập ngành nào, em cũng thích thực tập sư phạm để biết cảm giác của một cô giáo trẻ nhưng em cũng rất thích thực tập báo chí để có cảm tưởng mình là một phóng viên ...
Lê Hải Yến (lớp 04 NV) - (vào lúc: 13:12 - 12-29-2009)
Thầy làm em nhớ lại đợt thực tập ở Phú Yên. Nhanh thật, mới đó mà đã gần 2 năm nữa. Tiếng gọi "cô ơi" đã xa lắc với em rồi. Bạn bè em, nhiều đứa đã thật sự là "thầy", em giờ lang thang...
Chẳng hiểu vì sao em thấy yêu Phú Yên. Đôi khi cũng nhớ lại những buổi chiều vàng nắng, lang thang trên biển Tuy Hòa, lắng nghe tiếng sóng. Năm tụi em về thực tập trời Phú Yên lạnh, lại hay mưa nữa. Nhớ 1 buổi tối, cả đám cùng thầy Hùng, bé Trâm (con gái chủ nhà em ở) ra biển. lạnh đến tê người nhưng mà vui lạ. Về Phú Yên thực tập, được thầy Hùng dẫn đi cafe, ăn bánh xèo, bánh canh, chả nướng... Được cùng lũ học trò nhỏ tham gia hội trại. Được 1 nhóc học trò chở trên chiếc xe đạp cút kít thăm các bạn cùng lớp. Đường thênh thang, gió lộng, thả hồn lắng nghe tiếng đồng lúa xanh non rì rào, ngắm nhìn những triền sông đầy cát, những đàn cò trắng phau...
Ở đó ai cũng dễ thương hết, hiền lành và chất phác. Ghiền nhất là món bắp nướng chế mắm. Ngon tuyệt. Mấy lần mong thầy Hùng mua gửi vào mà không được :(
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Dù lâu rồi không về lại đó, nhưng đôi khi em vẫn nhớ về nó như 1 kỷ niệm đẹp của đời sinh viên (chỉ đôi khi thôi, vì cuộc sống không cho em nhiều thời gian để nhớ)....
Nguyễn Thị Xuân Hương - (vào lúc: 21:12 - 12-22-2009)
Đọc nhật ký của thầy em thấy vui quá, em mong mau mau học đến năm 4 để được mặc áo dài đứng trên bục giảng như các anh chị.

Hôm 20.12 lớp mình họat động rất sôi nổi. Vài hôm nữa em tổng hợp lại hình ảnh của lớp mình hôm đó rồi em sẽ gửi qua thầy.

Phamngochien.com - 16:14 - 17/12/2009 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận