Bìa tập thơ của Nguyễn Tường Văn xuất bản năm 2013
Vào những năm 1968 - 1975, giới học sinh - sinh viên miền Nam thường nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Tường Văn, một trong những thủ lĩnh phong trào sinh viên Đà Lạt đấu tranh đòi hoà bình, dân sinh, dân chủ. Năm 1972, anh là Chủ tịch Chi hội báo chí Đại học Đà Lạt, thuộc hiệp hội báo chí sinh viên miền Nam Việt Nam. Nghiệp thơ của anh cũng bắt đầu khởi sự từ những năm tháng sôi động này.
Năm 1971, Nguyễn Tường Văn làm chủ bút tờ Tin tưởng, một tập san có xu hướng dân chủ của sinh viên Đà Lạt. Anh cùng với các thành viên ban chấp hành là Ngô Thế Lý, Phan Long Phùng, Cao Minh Trí... làm việc với tinh thần tự nguyện, hăng say... với mong muốn giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn tình hình chính trị đất nước. Tập sách "Tiếng hát những người đi tới" cho rằng, tờ Tin Tưởng là "tờ báo công khai đầu tiên dám đăng 7 điểm trong bản tuyên bố của bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam tại hòa đàm Pari" ( Báo Thanh Niên - Tuổi trẻ - NXB Trẻ, 1993, trang 487). Mặc dù hoạt động trong điều kiện khó khăn về vật chất và bị chính quyền theo dõi, tờ báo vẫn được phát hành theo định kỳ và phổ biến rộng rãi. "Mạng lưới không chỉ tại Đà Lạt mà cả ở Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Tuy Hòa... Không những phát hành trong nhân dân mà ngay cả trong một số các đơn vị cơ quan chính quyền cũ" ("Sinh viên Đà Lạt làm báo chống Mỹ trong lòng địch" - Nhà báo và công luận, số 8 (4 - 95). Ngoài việc viết bài cho tờ báo của mình, Nguyễn Tường Văn cũng thường cộng tác với một số tờ báo có khuynh hướng dân chủ như: Đối Diện, Đứng Dậy, Trình Bày, Tự Quyết (Sài Gòn), Tin Tưởng, Về Nguồn (Đà Lạt), Liên Kết (Nha Trang), Hiện Diện (Tuy Hoà)...
Nguyễn Tường Văn quan niệm, văn chương phải có trách nhiệm với thời cuộc, ngòi bút cũng là vũ khí tinh thần sắc bén đấu tranh cho lẽ phải:"Bút ta cầm là gươm là giáo / Mực ta dùng - máu của nhân dân / Bút vung lên tan quân cuồng bạo / Mực xuống đường, đất cũng bâng khuâng" (Nói với học trò). Thời kỳ đó, người ta thường nhắc đến bài "Tình ca cho tự do" được anh viết vào năm 1969:"Người hãy cho ta tự do / Như đã cho ta vũ khí (...) Người hãy cho ta tự do / Tự do xin một điều / Không trang bị "chính nghĩa" trên lưỡi lê / Không ngụy trang "lý tưởng" trong nòng súng / Súng đạn nào bắn lại anh em / Ngót phần tư thế kỷ điêu tàn / Người hãy cho ta tự do / Tự do xin một điều / Được võ trang trái tim lên khối óc / Được võ trang trái tim trong lòng người". Nhà thơ Lê Văn Ngăn (Bình Định), người cũng hoạt động trong phong trào sinh viên Đà Lạt đã phát biểu:"Nguyễn Tường Văn là người gan dạ và giàu nhạy cảm trong đời lẫn trang thơ. Văn có một chỗ đứng vững chãi trong thế hệ thơ chúng tôi. Đó là một con người đáng quý trọng nhưng tôi biết anh sống không dễ dàng gì". Đúng như vậy, cuộc đời Nguyễn Tường Văn cũng lắm thăng trầm, anh luôn bị theo dõi và gây khó dễ. Có lần bị bắt vào trung tâm nhập ngũ, chàng thanh niên yêu tự do này đã thấm hiểu thêm cuộc sống ngột ngạt của trại lính, tưởng chừng như bị điểm danh cả trong giấc ngủ. Không được tự do trong đời thực, chàng thi sĩ mặt buồn tìm cách thoát ra ngoài trong giấc mơ: "Bấy giờ là đêm / Với ngôn ngữ tắc nghẹn / Thét lên trong bóng tối / Như cánh hải âu vụt từ bỏ miền trùng dương quen thuộc bay đến vùng trời xa lạ" (Viết từ trung tâm nhập ngũ). Anh cũng chứng kiến những trận "Mưa trên Poncho" và liên tưởng đến nước mắt của một dân tộc trong chiến tranh:"Mưa trên cơ thể anh / Giọt mưa chảy về nguồn hồ lệ / Mang tuổi trẻ chúng ta vào đêm dài thế kỷ". Vì lý do sức khỏe, anh tránh được nạn quân dịch. Năm 25 tuổi, tại quê nhà, Nguyễn Tường Văn vui mừng chào đón ngày thống nhất đất nước:"Nắng như phấn, thị xã ta rất trẻ / Cờ đã tươi son núi Nhạn sông Đà / Anh vui hát lời tình ca đất mẹ / Lại lên đường như thuở xông pha"(Tuy Hòa).
Sau 1975, Nguyễn Tường Văn có thời gian dài dồn hết tâm huyết vào nghề dạy học. Anh tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trên bục giảng ở một mái trường quê:"Chim vui chíu chít bờ rào / Cây quanh trường cũng lao xao thì thầm (...) Sáng nay phòng học nao nao / Gió hôn nhẹ má hồng hào trẻ thơ" (Từ tiết dự giờ). Những tưởng yên phận với nghề dạy học, nào ngờ, người ta phát hiện Nguyễn Tường Văn chuyển sang nghề phó nháy khi thấy anh "Chụp ảnh trên đồng":"Mải mê anh bấm máy hình / Bên kia ống kính phải mình đấy không". Nguyễn Tường Văn đã chụp ảnh mình trong thơ, bởi vậy, thơ anh phản ánh khá rõ nét cuộc đời tác giả. Nói như nhà văn Phạm Quốc Ca: "Đọc "Tình ca cho tự do", ta không chỉ thấy thơ mà còn thấy một con người, một cuộc đời với những giai đoạn khác nhau nhưng luôn hòa nhập cùng lịch sử đất nước" (Báo Đà Lạt, số 8 (5 / 1995). Niềm đam mê văn chương đã dẫn Nguyễn Tường Văn đến với nghề báo, anh có điều kiện trở lại cuộc sống năng động thời thanh niên, cũng vắt tim óc để đấu tranh cho lẽ phải ở đời. Trong bài "Phóng viên gặp Nguyễn Trãi", anh viết:"Bao phóng viên dốc hết sức vì người / Bởi chút cớ Lệ Chi Viên ấm ớ / Bằng mọi giá, lọc tìm điều chân thật / Giữa đám quan nha say khướt uy quyền". Với tư cách biên tập viên chương trình văn hóa, văn nghệ của Đài Tiếng nói Nhân dân Phú Yên, anh thường đi đây đó khắp nơi để lấy tin bài. Anh đã có công lớn trong việc cổ vũ phong trào văn nghệ quần chúng."Nguyễn Tường Văn tâm sự: Là nhà thơ nhưng gợi được thơ cho nhiều người đến với thơ, làm thơ, gắn bó với thơ thì đó chính là bài thơ đẹp nhất, nhiều ý tình nhất và cũng trọn vẹn nhất" ("Nguyễn Tường Văn - Thơ và gợi thơ" - Linh Giang (TP. HCM) - Báo Nhân Dân, số 27 / 6 / 2001). Anh là một trong những thành viên sáng lập đêm thơ Nguyên Tiêu ở Phú Yên. "Sức vang của "thương hiệu" thơ Nguyên Tiêu Nhạn Tháp có một phần đóng góp lặng thầm và hậu hĩ của anh. Từ việc hỏi han từng gia cảnh bạn viết, động viên chỉ bảo đàn em mới tập tễnh vào nghề, sửa sang từng chữ, từng khổ thơ nhỏ, liên lạc thường xuyên đến từng cộng tác viên..." ("Nhà thơ Nguyễn Tường Văn: Văn chương chẳng dễ dàng gì" - Hùng Phiên - Báo Bình Dương, số 3 - 12 - 2006). Hình như anh thích làm công việc "vác tù và hàng tổng" hơn là vun đắp cho cuộc sống riêng mình. Người ta thường nói, trong giới trí thức có bốn nghề nghèo: Nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà đài. Nguyễn Tường Văn dính vào cả bốn nghề trên. Nên nghèo là phải. Nhưng cũng có người nói, Nguyễn Tường Văn rất giàu vì nhà anh lúc nào cũng có nhiều khách ra vào, các văn nghệ sĩ thường mời anh đi lai rai để giải bầu tâm sự, ai có sách gì cũng mang đến tặng... Nên giàu là phải.
Nhà báo Nguyễn Tường Văn đứng thứ 2 (từ trái sang)
Tính đến nay, Nguyễn Tường Văn đã cho in hai tập thơ: Quê nhà (NXB Hội nhà văn, 1991), Tình ca cho tự do ( NXB Văn học, 1994). Anh có mặt trong các tuyển tập in chung như: Màu thời gian (1968), Trăm đường mây bay (1969), Trên phiến đá trổ bông ( Hội VHNT Phú Khánh, 1988), Tiếng hát những người đi tới (Báo Thanh Niên - Tuổi trẻ - NXB Trẻ, 1993), 100 bài thơ hay ( NXB Trẻ 1993 ), Thơ những tháng năm ( NXB Đà Nẵng, 1995), Đà Lạt thơ (NXB Văn học, 1996), 50 năm thơ liên khu V (NXB QĐND, 1996), Thơ miền Trung thế kỷ XX (NXB Đà Nẵng, 1995), Tuyển tập tác phẩm văn học Phú Yên thế kỷ 20 (Hội VHNT Phú Yên, 2004)...Và trên 30 tuyển tập in chung khác xuất bản ở trung ương và các tỉnh. Thơ của anh cũng được đăng trên các báo Nhân Dân, Giáo dục và Thời đại, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Văn nghệ TP. HCM v.v... Đề tài thơ Nguyễn Tường Văn rất đa dạng, nhưng nổi bật nhất là ba đề tài: Thế sự (như đã nói trên đây), tình yêu nam nữ và vẻ đẹp thiên nhiên. Anh có nhiều bài thơ hay về đề tài tình yêu:"Tàu đi mang nặng sương mờ / Hoàng hôn trắng nẻo hồn bơ vơ sầu / Tơ vàng buông dãi nơi đâu / Em ôm kỷ niệm bên lầu trinh nguyên" (Lời này cho em). "Em về tận cõi xa xăm / Để thương nhớ rụng vết hằn trong ta"(Thoảng qua). Hình ảnh giai nhân trong thơ Nguyễn Tường Văn thường mang dáng hình mờ ảo mông lung như sương mờ Đà Lạt, phảng phất chút trầm tư như núi Nhạn chiều đông. Nguyễn Tường Văn vốn là người năng động, quảng giao nên không gian trong thơ anh rất rộng mở, hướng ra ngoài cuộc sống xã hội với thiên nhiên kỳ vĩ, vũ trụ mênh mông. Tầm nhìn cũng xa rộng theo ý tưởng lớn lao của nhân vật:"Trên cánh đồng nô lệ Đông phương (...) Chân Nam Á bước hoài không mỏi / Mắt Đông phương ngóng mãi không cùng","Ta về ngóng gió Đông phương / Gọi chim Nam Á xa phường tịch liêu"... Thời gian sự kiện cũng được trải dài với kích cỡ "đêm dài thế kỷ","muôn đời", "nghìn năm"... Như bài "Nghe từ thinh không":"Đêm xuân thoảng một tiếng trầm / Cuối đường thế kỷ nghe chầm chậm qua / Đong đầy kỷ niệm xưa xa / Hai nghìn năm gặp quê nhà hành tinh / Sớm xuân sợi nắng lung linh / Đóa vô thường vẫn lung linh giữa đời / Lênh đênh qua biển luân hồi / Em kiều diễm tự xa xôi hiện về". Nguyễn Tường Văn thường dùng từ Hán Việt để tạo không khí trang trọng cho thơ. Ngay cả trong những bài tả cảnh thiên nhiên, ta cũng thấy nhuốm màu sắc cổ kính: "Bên trời biên ải nguyện mây / Trăm năm ảo - thực vơi đầy cơn mê / Chập chùng non nước nhiêu khê / Đêm huyền ảo gọi em về nơi đâu / Từ ta - thông đứng dãi dầu / Đợi em qua cõi nông sâu vô thường / Biên cương ai vén màn sương / Cỏ hoa thức dậy bốn phương đại ngàn" (Xuân biên cương). Mặc dù coi trọng nội dung tư tưởng thơ nhưng anh cũng không quên chú trọng cách diễn đạt nên tạo ra được nhiều từ ngữ ấn tượng:"Đoái nhìn cố quận bên sông / Chiều nhen bếp lửa ấm nồng mù sa"(Nỗi niềm đá tảng). "Thềm xưa bóng Nhạn mù tăm / Còn đây thơ với đêm rằm hợp hôn"(Tịnh ngôn). Anh cũng thường lắp ghép các hình ảnh của con người và thiên nhiên lại với nhau để tạo ra những câu thơ giàu màu sắc biểu cảm:"Lá đã vàng từ lòng thiếu phụ / Bồng con thơ gõ cửa từng nhà", "Em đi áo mỏng vai gầy / Hồ đau thương cũng vừa đầy mắt thu","Những lá bàng thả mùa thu xuống phố","Gió cuối hè chở mây trắng sang thu"...Giọng điệu thơ Nguyễn Tường Văn thay đổi theo từng thời kỳ, trước 1975 thường có giọng hùng tráng khi đấu tranh. Sau 1975 có giọng tin yêu đôn hậu ở giai đoạn đầu, chút cổ kính ở giai đoạn sau, và thỉnh thoảng có tiếng cười thâm trầm của một người đã từng trải qua nhiều biến cố ở đời.
Nghiệp làm thơ của Nguyễn Tường Văn luôn gắn liền với thời cuộc. Đối với anh, thơ và đời chỉ là một, cho nên để cảm được tác phẩm của anh phải hiểu hoàn cảnh ra đời của nó. Đó là những lời được viết ra từ tấm lòng chân thật của tác giả cho nên có khả năng cắm rễ trong lòng người. Trong bài giới thiệu cho tập"Tình ca cho tự do", nhà thơ Thanh Quế viết:"Có người chỉ để lại cái tình riêng, cái giọng riêng, tâm hồn riêng cứ bảng lảng bên ta, làm ta không thể nào quên được. Tôi nhớ về thơ của Nguyễn Tường Văn như thế đó"...
Phần sau tập thơ có đăng bài viết của Phạm Ngọc Hiền đã tin trong tập
Những nẻo đường văn chương - NXB Văn Nghệ, 2007
.