Súc sắc súc sẻ
Bi bô miệng trẻ
Tiếng xưa
Năm xưa, ngày tôi còn thơ ấu. Sáng mùng một Tết, giữa lúc mọi người trong gia đình tôi đang tíu tít vui vẻ thì nghe tiếng lách cách... lách cách...lách cách từ ngoài cổng vọng vào. Mẹ tôi nói," đám trẻ súc sắc súc sẻ tới rồi kìa! " . Nghe mẹ nói, lũ trẻ reo lên rồi theo mẹ ùa cả ra sân, ra cổng. Qua cánh cổng còn khóa , vì chưa có khách tới xông đất, tôi thấy hai đứa trẻ, một trai một gái cỡ chin mười tuổi, đầu chúng để tóc trái đào ba chỏm, mặt mũi sáng sủa và hao hao nhau, chắc là hai anh em ruột. Con bé em trông rất kháu khỉnh, có lẽ được mẹ nó khéo léo thoa một chút son phấn lên khuôn mặt ngây thơ có đôi mắt đen lay láy. Đôi má con bé cứ đỏ hồng lên như cánh hoa đào. Tôi mở to mắt, không chớp nhìn con bé, trong lòng cảm phục lắm. Cả hai đứa mặc bộ quần áo cánh chúc bâu, nhuộm lam, nhuộm đào, chân đi guốc mộc, quai da. Mỗi đứa cầm một ống tre đã lên nước nâu bóng. Chúng xúc ống tre làm phát tiếng lách cách...lách cách...lách cách. Tiếng của những đồng xu ở trong ống bị xóc lên, va chạm vào nhau và vào thành ống. Nhìn thấy mẹ và chúng tôi qua cánh cổng, hai đứa cùng chắp tay, cúi chào thật thấp và cất tiếng chúc mừng. Giọng chúng trong trẻo và ngân nga như đang hát....
Súc sắc súc sẻ/ Nhà nào còn đèn còn lửa / Mở cửa cho anh em chúng tôi vào / Bước lên tầng cao thấy con rồng ấp / Bước xuống tầng thấp thấy con rồng chầu ? Bước ra đằng sau, thấy nhà ngói lợp / Voi ông còn buộc , ngựa ông còn cầm / Ông sống một trăm, sinh năm đẻ bảy / Vợ ông sinh nở những con tốt lành / Những con như tranh, những con như vẽ...
Hai đứa trẻ đọc tới ba lần bài đồng giao ấy, rồi lại chắp tay, cúi thấp đầu. Mẹ tôi mở phong bao, lấy tiền, thò tay qua cánh cổng mừng tuổi cho hai đứa. Mẹ tôi nói thêm rằng, lũ trẻ súc sắc súc sẻ thời xưa, thường đi chúc tụng các nhà trong phố vào tối ba mươi, bởi thế mới có câu : nhà nào còn đèn còn lửa...Bây giờ thời buổi loạn ly, chúng chuyển ra đi trong ngày mùng một Tết. Nhưng dù tối ba mươi hay ngày mùng một, nhà nào cũng đón chúng hân hoan, coi như một niềm vui, một điều tốt lành dành cho năm mới. Hai đứa trẻ rời khỏi nhà tôi, tiếng lách cách xa dần. Tôi còn cố nghé qua cánh cổng, nhìn theo bóng dáng nhỏ bé của chúng khuất dần nơi cuối phố......
Chiều những ngày tàn xuân sao im ắng quá !... Tôi thơ thẩn đứng chơi ở bờ kè sông dọc theo con phố nhà tôi ở, đang cố tìm kiếm những cái pháo chưa kịp nổ còn vương vãi đâu đó. Tình cờ tôi chợt gặp lại hai đứa bé súc sắc súc sẻ hôm trước. Con bé mặt mũi xanh xao, vì rét hay vì mệt ? Nó lũn cũn bước theo thằng anh, hai đứa dắt díu nhau xuống đò ngang, qua sông về bờ bên kia, mờ mờ trong hơi sương lạnh. Tôi đứng dõi nhìn theo mãi, cho tới khi bóng dáng nhỏ bé của chúng hoàn toàn chìm khuất trong ánh chiều dần tắt....
Tết năm sau, hai đứa bé súc sắc súc sẻ ấy không thấy quay trở lại nữa. Đứng bên này bờ sông, tôi vẫn nhiều lần mong đợi. Và cũng từ đó không lần nào được nghe lại tiếng lách ca...lách cách súc sắc vui tai cùng khúc đồng dao ngộ nghĩnh đó nữa. Nhắc lại chuyện ấy, có lần mẹ tôi chép miệng than, bây giờ người ta thích nghe máy hát, ai còn hơi đâu nghe tiếng súc sắc súc sẻ nữa chứ...Giọng người nghe thoáng một chút ngậm ngùi !...
Tập tục dân gian ấy hoàn toàn đã bị chôn vùi vào quên lãng. Ngày nay trên truyền hình, thi thoảng có chương trình ca nhạc thiếu nhi, các em có hát lại bài súc sắc súc sẻ, nhưng hồn vía bài hát xưa tìm đâu cho thấy ? ! Những đứa trẻ thơ của thời nay không còn mặc quần đào áo lam nữa. Chúng diện những bộ đồ được các stylist thiết kế riêng rất modern và bắt mắt ( ! ). Hy vọng đoạn tản văn với khúc Haiku Việt của xuân Đinh Dậu này sẽ mang lại cho bạn đọc ngày nay một nét xuân xưa...
Hiền: Đúng là TS Vũ Tam Huề