Mục "Câu nói của tôi" trên Phamngochien.com năm 2016 (phần 2)

Tiếp theo phần 1

61. Trong cuộc tranh chấp biển Đông, chính phủ và nhân dân Philippines luôn đoàn kết kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngày 12 / 7 / 2016, Tòa trọng tài quốc tế tuyên bố đường lưỡi bò của Trung Quốc không có giá trị và cho Philippines thắng kiện. Qua đó, cho thấy chính phủ của tổng thống Duterte rất yêu nước và dũng cảm. (PNH)
62. Nhiều người cho rằng: phải học Văn mới có đạo đức, phải học Sử mới yêu Tổ quốc. Quan niệm này có đúng không ? (PNH)
63. Thời xưa, có một anh chàng mang sữa dê ra chợ bán nhưng chẳng có ai mua. Hôm sau, anh ta treo biển: "Sữa dê giúp trẻ em phát triển trí não, trở thành thần đồng, thi đỗ trạng nguyên, giúp các bà mẹ có làn da mịn màng, quyến rũ". Lập tức, các bà đổ xô nhau đi mua sữa. Sau này, nhờ kinh doanh sữa dê mà anh ta trở thành triệu phú đầu tiên của nước Đại Ngu. (PNH)
64. Có hai nhóm học sinh giành gái đâm chém nhau loạn xạ trước cổng trường. Quan tòa hỏi: "Trước khi giết người, bị cáo làm gì, ở đâu ?". Học sinh thưa: "Dạ, tụi con ở trường học bài Lục Vân Tiên đánh Phong Lai, vừa học lý thuyết xong là thực hành luôn" (PNH)
65. Tôi nằm mơ thấy mình lạc vào một hang động có các vị tai to mặt lớn đang bàn chuyện chính sự. Mao chủ tịch hùng hồn tuyên bố: "Trong thế kỷ XX, Liên Xô là thành trì hòa bình của thế giới. Sang thế kỷ XXI, Trung Quốc sẽ là thành trì hòa bình của thế giới". Nghe xong, tôi sợ hãi bỏ chạy để tránh một cái lưới hòa bình đang được giăng ra khắp biển Đông. (PNH)
66. "Nắng được thì cứ nắng" (Phan Khôi), giàu được thì cứ giàu, học được thì cứ học, được làm quan thì cứ làm... Nhưng đừng dùng thủ đoạn hèn hạ, tung hỏa mù, mưa mà nói nắng, chẳng ai hiểu được nắng hay mưa. (PNH)
67. Ngốc đang ôm vợ ngủ thì một viên quan chạy đến nói: "Tổ quốc đang lâm nguy, giặc ngoại xâm đã kéo đến. Anh phải ra chiến trường mau". Ngốc ngái ngủ hỏi lại: "Tôi sẽ xả thân để bảo vệ quyền lợi của ai đây ?". Quan nói: "Anh đúng là ngốc, chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của Tổ quốc chứ của ai nữa". Ngốc nói: "Chết cho Tổ quốc thì được, chứ tôi không chết để bảo vệ lợi ích của một nhúm người đâu nhé ! (...) Em gói hành lý cho anh ra trận. Nếu anh không về nữa thì em nhớ cúng cơm anh đủ ba năm mới được lấy chồng khác đấy !" ("Chàng Ngốc và Tổ quốc"- PNH)
68. Khi tôi hỏi những người lớn tuổi về các nhà văn miền Nam mà họ thích, mỗi người nói một kiểu khác nhau. Có người thích Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Hồng...Và cũng có người nói Dương Nghiễm Mậu là số 1. Sau 1977, Dương Nghiễm Mậu sống ẩn dật trong làng tranh sơn mài Sài Gòn. Ông đã lặng lẽ trở về với lòng đất mẹ ngày 2/8/2016 (PNH)
69. Cả xóm Thượng náo động vì một đêm xảy ra hai vụ trộm: cọp bắt heo và chồn bắt gà. Trong khi cả xóm rượt theo con cọp thì trưởng làng hô: "Nhiệm vụ cấp bách mang tính chiến lược hàng đầu của chúng ta hiện nay là phải bắt cho được con chồn". Lập tức, cả làng rượt theo con chồn và để cho con cọp chạy thoát (PNH)
70. Ở Việt Nam có luật tục bắt buộc trẻ em của phường nào thì chỉ được học trường của phường đó, dù có bất tiện, khó khăn cũng ráng chịu. Muốn học trường tiểu học của phường khác thì các bé 6 tuổi phải cầm kéo cắt hộ khẩu lìa khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình để nhập vào nhà người ta. Điều này cũng giống như thời bao cấp, dân của phường nào thì chỉ được mua gạo muối của phường đó, nếu muốn mua gạo muối của phường khác (có chất lượng cao hơn) thì phải xin xỏ các quan. Vậy, giáo dục Việt Nam đang ở thời bao cấp hay đã bước sang cơ chế thị trường ? (PNH)
71. Một con thỏ sáng chạy ra khỏi hang đi kiếm ăn, không biết số phận mình thế nào, nếu bị cọp vồ thì chiều tối không còn về hang ấm nữa. Một con người sáng chạy xe đi làm, không biết số phận mình thế nào, nếu bị xe khác tông vào thì chiều tối không còn về mái ấm gia đình nữa. Chao ôi, cuộc sống nơi rừng rú cũng bi ai chẳng kém gì chốn thị thành ! (PNH)
72. Thời phong kiến, quan chức không có cơ hội tham nhũng vì người ta quan niệm rằng, tất cả tài sản đều là của vua. Mọi hành vi ăn cắp, lãng phí của công đều bị vua xử trảm. Nhờ vậy, xã hội ổn định hàng nghìn năm (PNH)
73. Nếu bạn làm nghề kinh doanh thì đối tượng chính mà bạn phải lấy lòng là khách hàng hay là đồng nghiệp của mình ? (PNH)
74. Giả sử Nam Cao viết rằng, Chí Phèo không giết Bá Kiến mà rủ Thị Nở tới một miền đất xa lạ, xây một mái nhà tranh ủ ấp hai trái tim vàng. Nếu truyện Chí Phèo có kết thúc như vậy thì có được đưa vào sách giáo khoa không ? (PNH)
75. Suốt mấy chục năm nay, cả xóm Đông Nam hồi họp dự đoán kết quả trận chiến giữa hai họ: Hán và Nguyễn. Sốt ruột, có người bay ra nước ngoài xem bói. Nhà tiên tri Vanga phán: tới tết Công gô họ mới đánh nhau. Lúc ấy, người ta sẽ thấy hai chiếc thuyền đuổi nhau chạy lòng vòng quanh một hòn đảo nhưng không rõ ai rượt đuổi ai. (PNH)
76. Ngày nay, khi bị bệnh, người ta chỉ nghĩ đến thuốc Tây. Nhưng đến khi thuốc Tây không chữa được, các bác sĩ lại khuyên bệnh nhân về nhà tìm uống thuốc Nam. Đúng là "Ta về uống thuốc Nam ta / Dù sống dù chết thuốc nhà vẫn hơn" (PNH)
77. Đứng trước một sự vật hiện tượng không giải thích được, các nhà khoa học hữu thần nói: "Thượng đế tạo như vậy". Còn các nhà khoa học vô thần nói: "Tự nhiên nó như vậy". (PNH)
78. Mỗi mùa tuyển sinh đại học, tôi vui khi nghe nói điểm chuẩn vào ngành Y cao, tôi buồn khi nghe nói điểm chuẩn vào ngành Y thấp. Khi thầy giáo sai lầm thì xã hội vẫn tồn tại, tứ chi vẫn phát triển. Nhưng thầy thuốc sai lầm thì cả tứ chi và bộ óc của con người đều không tồn tại (PNH)
79. Có hai người đi xe máy. Người A không uống rượu nhưng chạy xe rất ẩu. Người B có uống hai ly rượu nhưng đi xe rất cẩn thận. Theo bạn, CSGT nên phạt ai trước ? (PNH)
80. Thời bao cấp, công chức VN chỉ quan tâm tới sổ gạo; thời thị trường, công chức VN chỉ quan tâm tới lương bổng. Không lẽ ngoài những thứ nhà nước bón cho, công chức không thể tự kiếm thêm nguồn thu nhập nào khác hay sao ? (PNH)
81. Một con công mái năn nỉ xin Thượng đế ban cho mình bộ cánh tuyệt đẹp. Thượng đế hỏi: "Con cần trang điểm bộ cánh đẹp để làm gì ?" Công mái nói: "Để quyến rũ bọn công đực". Thượng đế nhắc nhở: "Con nên nhớ bổn phận chung thủy với công chồng". Công mái nói: "Nhưng con vẫn thích những công chồng khác nghiêng ngã vì con" ("Vì sao con mái thích làm đẹp ?" - truyện của Phạm Ngọc Hiền)
82. Theo bạn, nếu học trò chia hai phe đánh nhau thì thầy giáo nên đứng trung gian hay theo hẳn phe này và chửi bới phe kia ? (PNH)
83. Khi Nga và Pháp lên tiếng ủng hộ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, tôi chỉ tin lời người Pháp (PNH)
84. Trong công ty nhà nước có quan niệm ai muốn lên chức thì phải giỏi chơi bời cùng anh em công nhân để thu phiếu tín nhiệm. Có một chàng kỹ sư không biết nhậu nhẹt nhưng muốn lên chức nên cũng tập tành uống rượu bia. Rồi anh ta mở chiến dịch chơi bời nhậu nhẹt rất hoàng tráng và trường kỳ. Ba năm sau, khi có quyết định lên làm trưởng phòng kỹ thuật cũng là lúc anh ta phải bán nhà để vào bệnh viện chữa xơ gan giai đoạn cuối (PNH)
85. Tối 26 / 9 / 2016, một trận ngập lụt lịch sử lại diễn ra ở Hòn Đất Viễn Đông. Tôi đi làm về ban đêm, bị kẹt xe, nước ngập, sợ xe chết máy. Một anh xe ba gác truyền đạt kinh nghiệm chiến tranh du kích như vầy: nên bám sau đuôi chiếc xe tải, mực nước sẽ thấp hơn. Tôi ngoan ngoãn làm theo anh ta, giống như một binh nhì lần đầu ra trận, thấy nước ngập mùa này khiếp lắm. Nhìn chiếc xe tải phía trước xé làn nước ra làm hai, "binh nhì" chợt ngẫu hứng làm hai câu thơ: "Xẻ dọc phố phường đi thoát nước / Mà lòng tơi tả dậy buồn thương"
86. Khi nghe nói Anh văn được thi trắc nghiệm, thiên hạ vỗ tay tán thưởng. Nhưng nghe nói Việt văn sẽ thi trắc nghiệm, thiên hạ chia phe cãi nhau. Người Việt rắc rối thật ! (PNH)
87. Nhiều người quan niệm rằng, nên phân công những giáo viên có uy tín nhất vào dạy lớp 5. Đúng ra, phải phân công những giáo viên có uy tín nhất vào dạy lớp 1. (PNH)
88. Cọp con hỏi cọp mẹ: "Má ơi, mấy chú lính này vừa mới ăn no xong, sao lại rượt giết mấy chú lính kia ?". Cọp mẹ nói: "Họ giết nhau không phải để ăn thịt mà chỉ để khẳng định ai đúng, ai sai thôi". Cọp con thắc mắc: "Giả sử, con ngỗng ăn con cá, con beo ăn lại con ngỗng, làm sao biết được con nào đúng, sai ?" ("Làm sao biết được đúng sai ?"- Phạm Ngọc Hiền)
89. Ở những đất nước lạc hậu, đàn ông làm nô lệ cho bia rượu, đàn bà làm nô lệ cho bơ sữa. (PNH)
90. Tôi mơ mình chẳng giống ai
Và tôi cũng ước chẳng ai giống mình
(Phong cách - thơ Phạm Ngọc Hiền)
91. Thời chiến tranh, mỗi lần có lũ lụt, dân ngồi trên nóc nhà chờ máy bay trực thăng tới chở đi. Thời hòa bình, mỗi lần có lũ lụt, không thấy máy bay trực thăng đâu, chỉ thấy người ta mang quà tới và chụp hình (PNH)
92. Dân gian truyền rằng: ngày xưa, ông trời có mắt, có tim nên thường dâng nước lụt vào ban ngày để dân biết đường mà tránh. Ngày nay, thần thánh rủ nhau đi xứ khác, giao việc nước non cho các hồ thủy điện. Từ đây, lũ thường quét đột ngột vào ban đêm khiến dân trở tay không kịp. Rõ ràng, người tính không bằng trời tính (PNH)
93. Bác sĩ giỏi không phải là người giỏi kê đơn và đổ thuốc Tây vào miệng bệnh nhân mà là người am hiểu triết học phương Đông, nhất là luật nhân - quả và âm - dương bù trừ (PNH)
94. Mô hình trường học - trại lính đã phổ biến từ thời cổ đại và sang thế kỷ XXI, vẫn còn tồn tại ở một số nước. Mục tiêu của nhà trường là đào tạo học sinh thành những chiến binh đánh địch. Tuy nhiên, khi không còn địch thì các "chiến sĩ thi đua" này quay sang đánh đồng đội, đồng nghiệp và đồng bào mình. Cả xã hội hừng hực tinh thần tranh đấu, thi đua giành quyền lợi và sẵn sàng vận dụng phương pháp bạo lực để giải quyết tất cả mọi mâu thuẫn cá nhân (PNH)
95. Một anh Tây ba lô đi du lịch Bắc Triều Tiên trở về với vẻ mặt buồn thiu. Bạn anh hỏi: "Ở bển đói lắm hả ?". Anh ba lô nói: "Ở bển cũng có phố xá, xe cộ, diện mạo con người thì cũng hao hao như người Hàn Quốc. Nói tóm lại, chẳng có gì lạ, thiệt uổn tiền" (PNH)
96. Sau mỗi đợt lũ lụt ở miền Trung, nhiều cá nhân và tổ chức từ thiện hăng hái mang tiền và quà đến tặng bà con vùng lũ. Nhưng vấn đề băn khoăn là làm sao phân phát cho công bằng. Tránh trường hợp người mất con trâu nhưng chỉ nhận phần quà nhỏ như con chuột, trong khi người chỉ mất con chuột nhưng nhận phần quà lớn như con trâu. Nếu trưởng thôn không được phép can thiệp vào các khoản cứu trợ thì ai sẽ đứng ra thực hiện sự công bằng này ? (PNH)
97. Nhiều người Việt Nam vui sướng khi thấy một số nước tẩy chay hàng Tàu. Thực ra, đấy là tin buồn. Vì nếu không bán được trên thị trường thế giới thì những hàng hóa kém chất lượng của Tàu sẽ bị đẩy sang bán cho dân Việt Nam (PNH)
98. Có một người đi xe chậm bị một kẻ đi xe ẩu tông vào nên bị thương nằm giãy giụa giữa đường. Một ông cán bộ cưỡi xe con chạy qua nhưng không cứu vì bận đi họp. Một anh lái taxi chạy vù qua nhưng không cứu vì lo đi đón khách kiếm tiền. Cuối cùng, chỉ có bác xe ôm và chị bán vé số đưa nạn nhân tới nhà thương. Câu hỏi đặt ra: ai cao quý hơn ? (PNH)
99. Theo một công trình nghiên cứu của trường đại học Central Connecticut State (Mỹ), trong 61 nước đọc sách nhiều nhất thế giới, không có Việt Nam. Điều này cũng đúng thôi, ở Việt Nam, sách nào cũng na ná như nhau. Chỉ cần đọc 1 cuốn là biết ngay 99 cuốn còn lại nói gì. Bởi vậy, đàn ông dành thời gian để nhậu nhẹt, đàn bà dành thời gian để tán gẫu... (PNH)
100. Mỗi đợt bầu cử tổng thống Mỹ, dân các nước trên thế giới cũng tham gia bỏ phiếu... miệng. Năm 2016, ông Trump được nhiều phiếu ở nước Mỹ nhưng có vẻ ít phiếu ở các nước khác. (PNH)
101. Kim Văn Un đang bận chơi game "phóng hỏa tiễn" thì một cận thần đến tâu: "Bẩm, ông Trump đã lên làm lãnh đạo Nhà trắng rồi ạ !". Tai của Un nghe không rõ, mắt không rời khỏi game và miệng chỉ đạo: "Thằng Um không nằm trong diện quy hoạch thì ai dám đưa nó lên làm lãnh đạo ? Phải rà soát xem lại quy trình bổ nhiệm có đúng không ! (Quy hoạch tổng thống - truyện của Phạm Ngọc Hiền).
102. Một vị tướng có tài sử dụng chiến thuật "biển người". Sau khi nướng gần hết những chàng lính 20 tuổi của mình, ông xồng xộc bước vào nhà trẻ và nói với cô giáo: "Cô phải cho các cháu ăn no chóng lớn để mau ra trận nhé. Nghề của cô cao quý lắm đó !". Nhưng cô giáo không hớn hở trước danh hiệu "cao quý" mà mếu máo, năn nỉ: "Xin ông đừng nướng mấy cháu. Nếu là mẹ, ông sẽ hiểu được nuôi một đứa con vất vả biết chừng nào !". (PNH)
103. Vào những năm 1990, một số báo chí kiếm ăn bằng việc nói xấu ngành giáo dục. Nay, đề tài này không còn gây sửng sốt nữa thì các báo lá cải chuyển sang các chuyện giật gân như: giết, cướp, hiếp, loạn luân... Không biết mai sau, khi các chuyện này trở thành lẽ thường tình thì báo chí sẽ còn khai thác thứ gì nữa. (PNH)
104. Hồi trước, nông dân quê tôi thường mua mắm cái thật nhiều, cho vào chĩnh với lời giải thích: "Để dành đến tháng 10 ăn". Suốt tháng 10 âm lịch, mưa gió dầm dề, chúng tôi nằm trên võng đọc truyện, nghe mưa rơi. Đến giờ nấu cơm, lấy mắm cái ra, dằm vài trái ớt, vừa ăn vừa hít hà. Thời đó, ăn thứ gì cũng ngon chứ không phải như bây giờ ! (PNH)
105. Con cọp tóm được con nai. Cọp nói: "Cho phép ngươi được nói lời sau cùng !". Nai nói: "Đến bây giờ, tôi mới nghiệm ra: tất cả truyện cổ tích đều nói láo khi cho rằng "Ở hiền gặp lành". Không bao giờ có bụt tiên hiện ra cứu giúp kẻ yếu bị nạn". Cọp nói: "Ta bị đói suốt mấy ngày nay, nhờ có bụt tiên chỉ đường nên mới kiếm được thức ăn. Đối với ta, tất cả truyện cổ tích đều kết thúc có hậu. Thật tuyệt vời !" (Truyện cổ tích có thật không ? - PNH)
106. Người Việt mình cũng kỳ. Bỏ vài chục ngàn mua một cuốn sách thì mặt mày buồn thiu như không được mời đi ăn đám giỗ. Nhưng bỏ ra vài trăm ngàn để chi cho một cuộc nhậu thì mặt mày hớn hở như vừa nhận được tiền hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. (PNH)
107. Xã hội phát triển là do có những cá nhân đặc biệt, dám nghĩ, dám làm những chuyện mới lạ, khác với quan niệm truyền thống. Nếu mọi người cứ khép mình vào khuôn khổ để thu phiếu tín nhiệm của dân làng thì xã hội sẽ không có phát minh, sáng tạo, cách tân, đổi mới... (PNH)
108. Bà Bụt hỏi con nai: "Nếu hôm nay, con bị buộc phải gặp một trong hai kẻ: sư tử và người, con sẽ chọn gặp ai ?". Nai nói: "Con sẽ gặp con người vì họ chạy không nhanh". Bà Bụt nói: "Được, tôn trọng ý kiến của con !". Hôm đó, nai gặp người. Nó vẫn khinh suất để cho người tiến lại gần: "Pằng !". Nai trúng đạn giãy giụa và than thở: "Chao ôi, nếu gặp sư tử thì có lẽ tốt hơn !". (Chọn người - truyện của PNH)
109. Cả buôn Ma Dú góp gạo cho tù trưởng đi tham quan học tập kinh nghiệm các nước công nghiệp hiện đại. Khi trở về, ông ra nhiều đạo luật lạ lùng khiến toàn thể lũ làng la trời: 1. Ai uống một tô rượu cần thì sẽ bị phạt 3 triệu quan tiền và bị tịch thu ngựa; 2. Ai tè bậy vào gốc cây sẽ bị phạt 2 triệu quan tiền cộng với xách nước tưới rau nhà tù trưởng suốt một tuần trăng; 3. Ai đổ rác xuống suối sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu quan tiền hoặc nộp một cái rẫy. Nếu không có tiền, mỗi ngày phải đến phục dịch không công các buổi tiệc tùng ở nhà tù trưởng cho đến khi nào trả xong nợ mới thôi. Địa điểm thu tiền nộp phạt: nhà tù trưởng (Luật làng hậu hiện đại - truyện của PNH)
110. Một tên trộm tìm cách đột nhập một ngôi nhà nhưng tường rào quá cao nên không vào được. Hắn đứng ngoài tự nhủ: chủ nhà keo kiệt lắm, ta chẳng nên vào làm gì ! (PNH)
111. Tạo hóa sinh ra trí thức là để tranh luận và sáng tạo. Ở đâu có phong trào nói leo, làm theo thì ở đó không có trí thức (PNH)
112. Đọc sử sách trên thế giới xưa nay, tôi thấy rằng, một nước mất hay còn là do vua chứ không phải dân quyết định. Tuy nhiên, lâu nay ai cũng nói cần giáo dục lòng yêu nước cho dân chứ không thấy ai nói giáo dục lòng yêu nước cho vua. (PNH)
113. Khi đi viếng đám tang, người Thượng dắt theo một con trâu và chờ ăn hết tất cả đàn trâu phúng điếu thì mới chịu chia tay người quá cố. Người Kinh mang theo một phong bì tiền và chờ ăn uống no say mới chịu về. Rồi hằng năm, tới ngày giỗ, người ta lại tiếp tục ăn uống linh đình. Nếu bao nhiêu tiền bạc đều dành cho người chết thì biết đến bao người sống mới được giàu sang ? (PNH)
114. Mỗi lần gặp một kẻ phóng xe lạng lách trên phố đông, tôi tự nhủ: "Anh ta dũng cảm thật !". Hằng ngày đi làm, tôi gặp không biết cơ man nào những người dũng cảm như vậy ! (PNH)
115. Khi đến các bệnh viện và chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm la liệt ở các hành lang, tôi thường tự hỏi: tại sao người ta không xây thêm các phòng bệnh và mua thêm thiết bị y tế, trong khi vẫn có dư tiền để xây các tượng đài nghìn tỷ. Giữa việc đầu tư tiền bạc cho người đã chết với việc đầu tư tiền bạc cho người đang sống khổ đau thì cái nào nhân đạo hơn ? (PNH)
116. Ở Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng trong các cơ quan nhà nước, không khí tranh đấu vẫn còn với danh hiệu "chiến sĩ thi đua". Sao cứ phải là "chiến sĩ" mà không phải là nhân sĩ, giáo sĩ...? (PNH)


Phamngochien.com - 08:24 - 19/02/2017 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận