1. Bạn nghĩ sao khi có người thường khuyên bạn những câu sau: anh nên làm giàu, anh nên học cao hơn, anh nên kiếm một chức vụ, anh nên cưới một cô vợ đẹp, anh nên sinh những đứa con khỏe mạnh, thông minh ??? (PNH)
2. Chưa có lúc nào mà dân chúng Việt Nam quan tâm tới cơ cấu lãnh đạo như kỳ ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 12. Cá nhân tôi chỉ ủng hộ những vị lãnh đạo nào thực hiện được sáu chữ vàng: "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" (PNH)
3. Hiện nay, người dân Việt Nam là nạn nhân của những lời quảng cáo mật ngọt chết ruồi. Nguyên nhân là hơn nửa thế kỷ nay, con người chỉ được giáo dục niềm tin tuyệt đối, cấm nghi ngờ, cấm cãi lại, ai cho gì ăn nấy, kể cả thực phẩm độc hại. (PNH)
4. Thành Cát Tư Hãn đi qua một nước nhỏ và bắn tin: nếu nước này chịu trở thành một tỉnh tự trị của liên bang Mông Cổ thì dân chúng sẽ được bình an. Vua đứng trên thành hét lớn: ta là vua và không chịu hạ chức xuống làm tỉnh trưởng đâu. Quân Mông Cổ tấn công, dân trong thành phải trải qua cuộc kháng chiến lâu dài và thiệt mạng một nửa dân số để giữ vững ngai vàng của vua. (PNH)
5. Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều bà mẹ và trẻ em uống sữa thay cơm. Nếu thói quen này trở thành một trào lưu xã hội thì khoảng 100 năm sau, tất cả các đồng lúa sẽ biến thành đồng cỏ nuôi bò sữa. 1000 năm sau, thổ dân Việt chỉ còn nói được hai tiếng: "uộc ò...". Và Việt Nam trở thành khu bảo tồn loài nhân ngưu duy nhất trên thế giới (PNH)
6. Có hai vị lãnh đạo: người thứ nhất không tham nhũng nhưng cũng không làm cho dân giàu. Người thứ hai biết cách làm cho dân giàu nhưng cũng kiếm chác chút ít. Bạn ủng hộ ai ? (PNH)
7. Cụ Rùa hồ Gươm đã qua đời ngày 19/01/2016, đúng vào lúc thiên hạ đổ ra bờ hồ cãi nhau ầm ĩ về tương lai nước Việt. Cụ rùa này đã từng cho Lê Lợi mượn gươm thần để chống giặc phương Bắc. Nay, nếu có giặc ngoại xâm, biết tìm gươm báu ở đâu ?!! (PNH)
8. Ở Mỹ, khi bầu cử lãnh đạo, người ta không quan tâm tới màu da trắng - đen - vàng. Nhưng ở Việt Nam, cùng màu da vàng thì lại phân biệt ba miền Bắc - Trung - Nam. (PNH)
9. Ở đâu có văn hóa từ chức thì ở đó có sự tiến bộ. Hàng ngàn năm qua, xã hội phong kiến giẫm chân tại chỗ chỉ vì không có ông vua nào chịu từ chức (PNH)
10. Ngày xưa, chỉ vì tranh nhau một miếng xôi giữa đình làng, các bô lão đánh nhau toạc máu đầu. Ngày nay, nếu không đi dự liên hoan, sẽ bị cơ quan phê là thiếu tinh thần đoàn kết; nếu không đi nhậu nhẹt, sẽ bị bạn bè chê là lạc hậu. Không lẽ phải làm nô lệ cho miếng ăn thì mới tiến bộ ? (PNH)
11. Nhìn chúa khỉ nhảy phốc lên cây, cả đàn khỉ đồng loạt nhảy theo. Riêng có một con vẫn còn ở dưới đất lưỡng lự. Có thể, con khỉ này sẽ tiến hóa thành con người. (PNH)
12. Trước đây, sáng mùng 1 tết, người ta kiêng cữ đủ chuyện, ngoài việc chúc tết họ hàng, không dám tới nhà ai. Nay, để tránh những kiêng cữ đó, thanh niên dùng điện thoại nhắn tin rủ nhau ra quán cà phê ngồi. Họ cũng ít làm thủ tục thăm nhà qua lại lẫn nhau, khúm núm "dạ, thưa chú, thưa thím..." và chúc tết bằng những câu sáo rỗng hình thức. Có phải chăng đây là xu thế chung của thời hiện đại ? (PNH)
13. Nhân tết Bính Thân, nhà tiên tri Hanuman bói vị thế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 như thế này: về an ninh xã hội: đứng sau Lào; về tăng trưởng kinh tế: đứng sau Campuchia; về tiềm lực quốc phòng: đứng sau Philippines; về sản xuất thực phẩm độc hại: đứng sau Trung Quốc; về uống bia rượu và tai nạn giao thông: không chịu đứng sau nước nào hết (PNH)
14. Từ thời còn ở nhà tranh, câu chúc tết của người Việt đã mang tính khoa trương hình thức: vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, tấn tài tấn lộc... Riêng tôi chỉ cần những lời chúc đơn giản có tính thực tiễn như: chúc thượng lộ bình an, chúc sức khỏe, chúc ngủ ngon... (PNH)
15. Tôi không có năng khiếu ca hát, nhưng muốn nghe những bản nhạc hay. Tôi không có khả năng làm người dẫn đường nhưng muốn người ta dẫn tôi đi trên con đường tươi sáng (PNH)
16. Anh em trong nhà giận nhau thì đánh đấm, chửi bới nhau vài ngày là hết. Các nước anh em giận nhau thì kéo binh đánh giết hàng vạn người và chửi bới mấy chục năm (PNH)
17. Suốt nửa thế kỷ nay, ở Việt Nam, nhiều người đã cố gắng thần thánh hóa Thúy Kiều và Chí Phèo. Những người sùng bái tình dục thì không muốn cho ai nói xấu đám nhân viên của Tú Bà. Những người sùng bái bạo lực thì không muốn cho ai nói xấu "con quỷ dữ của làng Vũ Đại". Nếu mọi người đều theo "đạo Thúy Kiều" và "đạo Chí Phèo" thì xã hội sẽ ra sao ? (PNH)
18. Phong cách uống rượu của người Việt mỗi nơi có khác nhau. Ở Bắc Bộ, người này rót rượu mời người kia. Ở Nam Bộ, ly của ai nấy rót. Ở Hà Nội, ngày nào cũng làm một cốc bia nhưng không nhậu hoàng tráng. Ở Sài Gòn, không uống bia hằng ngày nhưng đã nhậu là phải chơi tới bến. Ở các thành phố lớn, uống được bao nhiêu thì tùy chứ không ai ép. Ở các tỉnh lẻ, mỗi lần nâng ly phải dzô 100 % mới được khen là nhiệt tình... (PNH)
19. Có người đề nghị dùng môn Văn để thi tuyển sinh ngành Y. Theo tôi, y bác sĩ không nhất thiết phải giỏi thơ thẩn mà cần phải có đức tin tôn giáo để tránh tình trạng thầy thuốc vô đạo. (PNH)
20. Nhiều công chức văn phòng xứ An Nam muốn tập thể dục bằng cách đi xe đạp tới cơ quan nhưng lại sợ đồng nghiệp chê mình nghèo. Thôi thì đi xe máy để chứng tỏ mình giàu vậy !!! (PNH)
21. Khi ông Đinh La Thăng vào cải cách Sài Gòn, người ta liên tưởng đến vai trò của ông Nguyễn Bá Thanh đối với Đà Nẵng. Chỉ khác là Đà Nẵng nhỏ hơn, dễ quản lý. Người dân ở đây thuần nhất và được hấp thụ luật pháp văn minh từ thời Pháp thuộc. Còn đa số dân Sài Gòn được nhập cư sau 1975 và nhiều người chỉ mới nghe nói đến "luật pháp" trong vài chục năm gần đây. Bởi vậy, đây là thách thức lớn cho những ai có tham vọng làm sáng lại "hòn ngọc viễn đông"(PNH)
22. Dư luận đang bàn cãi về việc Việt Nam có nên bỏ tết âm lịch để chuyển sang ăn tết theo dương lịch hay không. Tôi không dám tham gia trận chiến giữa truyền thống và cách tân nên chỉ đứng ngoài lề "phát biểu lung tung" như vầy: tôi ủng hộ cách làm của người Nhật ! (PNH)
23. Tại sao người Việt ra nước ngoài nổi tiếng ăn cắp vặt ? Vì họ nghĩ ở đâu cũng có "tài sản chung thuộc sở hữu toàn dân" (PNH)
24. Khi gặp một vụ tai nạn, nhiều người dừng xe đứng xem và thương xót. Một số nhà báo gọi đây là "những kẻ hiếu kỳ". Theo họ, thấy người chết mà thản nhiên bỏ đi thì mới là người tốt (!!!) (PNH)
25. Ngồi trên một chuyến xe đi du lịch Nha Trang, ông nhà văn mơ ước: biết đến bao giờ tỉnh mình mới bằng tỉnh Khánh Hòa ? Còn ông quan tham mơ ước: bao giờ thì mình đủ tiền mua một biệt thự nghỉ dưỡng ở đây ? (PNH)
26. Chuyện thế sự trên bàn cờ: tướng, xe, pháo, mã được quyền tiến tới đoạt huy chương (nếu thắng trận), hoặc tháo lui, cao chạy xa bay (nếu thua trận). Nhưng quân tốt chỉ được tiến mà không được lui. Nếu thua trận thì tốt bỏ xác. Nếu thắng trận thì tốt cũng chẳng thể quay về quê hương mà đành lang thang kiếm sống nơi đất khách quê người. (PNH)
27. Vụ sập cầu Ghềnh ngày 20/3/2016 ở Đồng Nai đã góp phần chứng minh tính đúng đắn của một hiện tượng phổ biến ở VN: người xây cầu thì không ai biết, người phá cầu thì nổi tiếng như cồn (PNH)
28. Trong các ký sự "Mekong, dòng sông nghẽn mạch", "Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng" của BS Ngô Thế Vinh, có nói chuyện Việt kiều bỏ tiền túi lặn lội lên Vân Nam để xem các trạm thủy điện của Trung Quốc đã làm khô kiệt dòng nước sông Mekong như thế nào rồi đề xuất hướng khắc phục. Trong khi đó thì ở trong nước, có công chức nào đã dám bỏ tiền túi để giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong đợt hạn hán năm 2016 ? (PNH)
29. Khi thấy một người phạm pháp, báo chí thường nói nguyên nhân là do người ấy trình độ học vấn thấp. Nhưng đến khi phát hiện ra người này có trình độ học vấn rất cao, báo chí lại đổ lỗi là do anh ta thiếu tinh thần trách nhiệm nên gây hậu quả (!) (PNH)
30. Trong các nghề xưa nay, dễ nhất là làm vua và khó nhất là làm lính. Bằng chứng là có rất nhiều người mới đẻ đã làm vua nhưng không có ai mới đẻ đã làm lính. (PNH)
31. Một con khỉ đi du học về quê đề nghị phủ sóng internet khắp vùng Hoa Quả Sơn. Khỉ chúa hỏi: "Internet là gì ?". Khỉ du học trả lời: "Nó rất kỳ diệu, biến hóa tài tình hơn cả Tôn Ngộ Không. Ta ngồi trong hang động vẫn trò chuyện với loài người khắp bốn phương". Khỉ chúa nói: "Như vậy rất nguy hiểm, cấm tiệt, cấm tiệt !". (PNH)
32. Ở Việt Nam, các cơ quan nhà nước trả lương cho công chức không dựa vào năng lực và sản phẩm công việc mà dựa vào đẳng cấp xã hội (ngạch bậc, thâm niên, chức vụ, bằng cấp...). Mức lương mang tính định mệnh và thống nhất trong cả nước. Cứ xem ngày sinh tháng đẻ của một công chức là có thể bói được lúc về già anh ta nhận bao nhiêu tiền. Người muốn làm nhiều cũng không được, người muốn làm ít cũng không xong, muốn nhường bớt việc cho người đang thất nghiệp lại càng không được phép. Cả xã hội cứ lạch đạch như một đàn vịt bầu, cùng ăn, cùng ngủ, cùng hô cạc cạc... (PNH)
33. Khi chặn được một anh chàng lái xe lạng lách đánh võng trên đường, cảnh sát thường yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe. Chao ôi, các yêng hùng siêu đẳng như thế thì giấy phép lái xe nào có thể tả hết tài nghệ của anh ta ! (PNH)
34. Mỗi lần nghe tin có học sinh bị chết đuối, điện giật, tôi lại nghĩ: giá như nhà trường bỏ bớt các bài học đạo hàm, tích phân... để dạy bơi, cách sơ cứu điện giật thì có ích cho học sinh nhiều hơn ! (PNH)
35. Theo quy định về hộ tịch, con cái phải ghi theo quê quán của cha. Nhưng có nhiều người cha bỏ quê đi biệt, con cái không hề biết nơi sinh của cha có dạng tròn hay méo nhưng suốt đời cứ phải đeo cái xứ lạ ấy vào lý lịch của mình. Có phải chăng, nguyên quán là nơi ta chưa từng đặt chân đến bao giờ ? (PNH)
36. Tháng 4 năm 2005, tôi có dịp đi học ở Hà Nội. Có người mỗi lần gặp tôi là hùng hồn nói: "Vào ngày này, cách đây 30 năm trước, tôi đang trên đường tiến vào Sài Gòn". Nhưng cũng có người trầm ngâm hỏi: "Hiền sống dưới thời ông Thiệu được mấy năm ?". Tôi trả lời: "Chưa đầy 5 năm, lúc ấy còn nhỏ quá, chưa biết gì !". (PNH)
37. Một bầy thép đến từ xứ lạ nghênh ngang quát nạt đàn cá Bắc Trung Bộ: "Ta là sứ giả thiên triều đây, các ngươi hãy nhường vùng biển này cho ta". Đàn cá vẫn bám trụ quê hương nên bị giết chết hàng loạt, xác phơi trắng bãi biển. Diêm Vương phán hỏi bầy thép: "Tổ tiên đàn cá đã sống ở đây từ 4000 năm trước, các ngươi là kẻ đến sau, tại sao đuổi giết chúng ?". Đại diện thép nói: "Ngài muốn chọn cá hay chọn thép ?". Diêm Vương nói: "Dĩ nhiên, ta chọn cá vì đâu có ăn được thép. Nếu các ngươi không biết điều, ta sẽ sai rùa Hồ Gươm trị tội". Thép cười phá lên: "Lão Rùa đó đã chết từ năm ngoái. Chắc do đứt cáp quang nên ngài không cập nhật thông tin". Bỗng Diêm Vương ôm ngực kêu lên: "Mấy bữa nay trẫm cũng thấy khó thở, chắc là bị bệnh lạ. Truyền bãi chầu !" (truyện "Chọn cá hay thép ?" - Phạm Ngọc Hiền)
38. Hiện nay, phần lớn người Việt mắc khuyết tật "độc nhỡn" nên có thói quen nhìn nhận lịch sử chỉ bằng một con mắt. Đúng ra, một người có trí tuệ khỏe mạnh phải nhìn lịch sử bằng hai con mắt, có vậy mới toàn diện, khách quan (PNH)
39. Muốn cho xã hội bình yên thì đừng ca ngợi chiến tranh và bạo lực (PNH)
40. Ngồi buồn ngẫm chuyện linh tinh
Thấy ai cũng tội, thấy mình đáng thương
(Ngẫm chuyện linh tinh - thơ Phạm Ngọc Hiền)
41. Hồi trước, mỗi lần ra đường, hai túi rỗng không mà chẳng lo lắng điều gì. Ngày nay, mỗi lần ra đường, phải nhớ thò tay kiểm tra túi bên phải (ví tiền), túi bên trái (điện thoại) thì mới yên tâm gia nhập xã hội (PNH)
42. Trong giờ học môn Đạo đức, lẽ ra, thầy trò chỉ nên bàn luận về các tình huống đạo đức chứ không phải thầy dạy đạo đức cho trò. Vì thực ra, giữa thầy và trò, chưa biết ai đã trong sáng hơn ai (PNH)
43. Vì sao người Sài Gòn thường cưu mang giúp đỡ những người khó khăn ? Vì họ nhớ những ngày mới đến đây lập nghiệp, họ cũng chịu nhiều đắng cay cực khổ. Bởi vậy, họ cảm thông và hào hiệp giúp đỡ những người đến sau mình (PNH)
44. Học sinh nước ngoài chỉ học tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh là đủ. Còn học sinh Việt Nam phải lo làm vừa lòng các cường quốc bằng cách học đủ các thứ tiếng: Anh - Pháp - Nga - Trung... Các em bị nhồi nhét các loại cú pháp tương phản đến mức mụ mẫn đầu óc, không còn thời gian tự do vui chơi, suy nghĩ, nói năng và hành động độc lập theo sở thích của mình. (PNH)
45. Đầu thế kỷ XIX, nước Nhật và nước Việt phát triển ngang nhau. Nhưng sau đó, các vua Nhật có tầm nhìn xa, biết đặt lợi ích dân tộc lên cao hơn lợi ích cá nhân. Các vua Việt có tầm nhìn hẹp, xem lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích dân tộc. Nên bây giờ, dân Nhật là rồng, dân Việt là tép (PNH)
46. Tháng 5/2016, tổng thống Mỹ Obama sang thăm VN. Sau khi ông đi, chắc hẳn VN sẽ đón tiếp một nguyên thủ quốc gia khác đến từ phương Bắc. Điều này làm ta liên tưởng VN như một người đàn bà gánh nặng. Đầu bên này đã gánh gạo thì đầu bên kia phải gánh muối để giữ cân bằng. (PNH)
47. Ông Bụt Obama xuất hiện đúng vào lúc Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ chủ quyền biển Đông. Người trẻ ở Hà Nội đón ông vui như nắng hạn gặp mưa rào. Người già ở Sài Gòn đón ông nồng nhiệt như gặp lại người quen ở Mỹ về thăm. Tuy nhiên, ông Bụt chỉ hứa bán vũ khí, còn việc có mua và sử dụng nó hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của chàng em út nghèo khổ. (PNH)
48. Ở dưới vòm trời này, chỗ nào cũng có liên minh Bá Kiến và Chí Phèo. Vấn đề không phải là ta chạy trốn chúng mà phải học cách sống chung với chúng (PNH)
49. Ngày nay, báo giấy thích chạy theo facebook, nhiều nhà báo thường đưa tin dựa vào face: "nhiều người phát biểu trên facebook rằng...", "gần đây, xuất hiện một đoạn clip gây bão trên mạng", "ảnh nude của ca sĩ X đã bị dân mạng ném đá...". Đã qua cái thời báo chí độc quyền rót thông tin vào đầu người dân. Ngày nay, mỗi cư dân mạng cũng đồng thời là nhà báo nghiệp dư, tự chụp hình, biên tập, đăng bài, bình luận và thậm chí góp phần định hướng cả dư luận xã hội. (PNH)
50. Phần lớn sinh vật vừa mới sinh ra đã có thể biết chạy nhảy, tự kiếm ăn. Còn con người mới sinh ra chẳng biết làm gì cả, ngoài việc nằm khóc và bú mẹ. Và có nhiều người cứ như vậy suốt đời. (PNH)
51. Ở Việt Nam, khi về hưu, các công chức có vẻ yêu nước hơn lúc còn đương chức (PNH)
52. Khi bệnh nhân đi khám bệnh, các bác sĩ, lương y, thầy lang, thầy bói... mỗi người phán một kiểu khác nhau. Nhưng người tổng hợp các trường phái đó lại để đưa ra quyết định cuối cùng chính là bệnh nhân. Đúng như người ta nói "Thầy thuốc tốt nhất là chính mình" (PNH)
53. Ngồi chơi với giới kinh doanh, nghe than thở về khách hàng; ngồi chơi với giới giáo viên , nghe than thở về đồng nghiệp (PNH)
54. Ở đâu có những ông quan sẵn sàng từ chức thì ở đó vẫn còn có những người biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên cao hơn lợi ích cá nhân (PNH)
55. Nguyễn Việt Hèn là anh chàng có trữ lượng nước mắt rất dồi dào. Hồi các chiến sĩ Gạc Ma tử trận, anh ta khóc như mưa nhưng không làm gì cả. Đến lúc các ngư dân miền Trung bị tàu lạ đâm chìm, anh ta cũng khóc như biển động nhưng không làm gì cả. Bây giờ, đến lượt các phi công tử nạn trên biển, anh ta cũng khóc như giông bão nhưng không làm gì cả. Và anh ta đang tích trữ nước mắt để chuẩn bị khóc những trận tiếp theo. (PNH)
56. Thủ tướng Cameron muốn nước Anh ở lại liên hiệp châu Âu. Nhưng đa số dân Anh bỏ phiếu đòi tách ra khỏi EU. Điều đó làm cho ông Cameron buồn và xin từ chức. Hóa ra, ở vương quốc sương mù, thủ tướng chỉ là đầy tớ của nhân dân. (PNH)
57. Muốn cho học sinh và giáo viên Ngữ văn không bị biến thành vẹt thì trong thi cử, không nên ra phân tích những tác phẩm có sẵn trong SGK. Ở các nước văn minh, SGK chỉ là tài liệu tham khảo chứ không phải là hiến pháp (PNH)
58. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, có đến 1/3 thí sinh chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp chứ không dự tuyển vào đại học. Có lẽ họ quan niệm học để làm người chứ không có nhu cầu làm quan - thầy. Đây là sự thách thức cho những ai theo chủ trương: "Mục tiêu của giáo dục phổ thông là... thi đậu đại học !" (PNH)
59. Ở nhiều tỉnh, bệnh nhân bị tai nạn giao thông không được truyền máu vì bệnh viện thiếu máu dự trữ. Muốn chụp CT thì máy bị hư. Muốn chuyển viện thì xe cấp cứu bị bận, phải chìa tiền thuê xe tư nhân (được bệnh viện giới thiệu) với giá cắt cổ... Còn ở nước ngoài: một anh chàng thất tình ngất xỉu sơ sơ mà có tới 3 chiếc xe cấp cứu chạy tới giành bệnh nhân. Chữa xong, nếu bệnh nhân phớt lờ viện phí thì sẽ có các tổ chức từ thiện chi trả. Chao ôi, cũng là loài người với nhau nhưng sao có sự khác biệt này !!! (PNH)
60. Bạn nghĩ sao khi người ta bắt trẻ con lớp 1 trong cả nước phải học chung một bộ SGK Tiếng Việt. Tại sao lại không có nhiều bộ SGK để thích hợp với học sinh các vùng miền: Bắc - Trung - Nam, thành phố - nông thôn - miền núi ? Chẳng lẽ họ sợ học sinh tiểu học sẽ đi "chệch hướng" nếu được chọn học những bộ SGK có tính cạnh tranh cao ? (PNH)