Một góc nhìn khác về cá kho làng Vũ Đại, nồi đất Trù Sơn (Nguyễn Viết Lợi - Nghệ An)


Trong câu chuyện với ông Trần Bá Luận chủ nhân của lò cá kho nổi tiếng xứ Bắc: Làng Vũ Đại (làng Đại Hoàng - xã Hòa Hậu - Lý Nhân - Nam Hà). Ông chia sẻ:

- Chất đất Nghệ An óng mịn, đậm đà, sản phẩm đẹp chịu được tui rèn trong lửa nóng. Lấy tay gõ vào niêu nghe long cong là thứ nồi chịu thương chịu khó, chịu được sức nung của cái nghề quê dân dã này…

Nhìn vào cơ ngơi của gia đình nhà Bá Luận thì rõ. Hàng chồng nồi đất chật kín sân, vườn, cao hơn đầu người một với tay mới thấy nồi bù Trù - Bộng nay đã đứng chân được trên thương trường.

Xưa các “tay” lái nồi là những nhà nông rỗi mùa chạy chợ thường sắm sửa hai cái sọt tre thật to. Hoặc nhà có, thì sắm chiếc xe đạp cà tàng để sắp sỷ hàng ở chợ Bộng, chợ Vẹo. Rồi lập hội, ghép phường lang thang phân phối sản phẩm khắp vùng Bắc Trung Bộ, có người còn leo lên tàu hỏa đi mãi trong Nam, ngoài Bắc với chiếc xe thồ tay ngai nối dài, chiếc bị lác đựng ít thức ăn khô như gạo, muối, cá, mắm. Còn đi đến đâu trưa buổi là kê đá làm bếp cũng xong bữa.

Bâng khuâng nhớ lại những gì đã in đằm ký ức ! Những lão nông tri điền, đôi vai trần đỏ au trĩu nặng gánh nồi đất, bán ở chợ phiên không hết, lại quảy gánh đi các làng đổi ngô, đổi lúa với tiếng rao xót lòng, tiếng que tre gõ vào nồi leng keng nghe vui tai. Nhìn mà thấy thương người bán nồi ướt đẫm tấm áo vải sồi và chiếc khăn tay đã nhuốm màu cháo lòng vì sương gió.

Nhiều năm trở lại nay, kinh tế phát triển tốc độ công nghiệp hóa, hàng hóa kim khí điện máy phục vụ bữa ăn đa dạng hơn, tiện lợi hơn. Bây giờ chẳng nhà ai nấu cơm bằng bếp củi nữa. Chiếc quạt mo, quạt giấy cũng bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Những gì xưa cũ nếu không biết trân trọng, không chuyển đổi “cơ chế”, chậm hòa nhập, ắt sẽ bị khai tử. Nhưng làng nghề quạt giấy, làng nồi bù (phương ngữ) Trù Sơn vẫn sống. Bởi sự năng động của những con người yêu quê hương, thương quê cha, đất tổ như cha con ông Trần Bá Luận ở làng Vũ Đại; ông Nguyễn Hữu Tạo ở Trù Sơn - Đô Lương.

Hiện ra tết cả làng đang đỏ lửa ngày đêm kho rim những mẻ cá để kịp tung ra các thị trường trong và ngoài nước. Qua sự giới thiệu của con trai ông luận.

Thứ sản phẩm mà “om” đến 24 tiếng đồng hồ, hầm như hầm bánh chưng nhưng lại phải vừa lửa để không trào “nước cốt” mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện anh con trai ông Luận đang học ở Thủ đô Hà Nội. Nhưng mê mẩn với miếng cá kho tộ quê mình, mê cái nghề truyền thống đang nổi tiếng như cái tên làng anh đã nổi tiếng nhờ cụ Nam Cao “vô tình” quảng bá cho cái tên làng qua tác phẩm nổi tiếng: “Chí Phèo”. Anh lập Website tiếp thị cho thương hiệu của gia đình và hàng xóm để nâng tầm hiệu quả.

Cái khó của làng nếu kho cá vào xoong nhôm thì… chả ra làm sao vì nó không mang tính cổ truyền. Theo kinh nghiệm, nấu bất cứ thứ gì bằng nồi, ấm, chảo, siêu đất thì cơm ngon, canh ngọt, cá thịt đậm đà; còn thuốc bắc sắc bằng siêu đất thì giữ được vị, chất trong thang. Duy cái tuổi thọ của nó tùy vào người sử dụng. Nhỡ tay vì nóng quá để rơi không những mất ăn mà còn mất cả nồi.

Cả hai làng nghề đã tìm đến nhau, gắn kết với nhau bởi kế mưu sinh, và còn gìn giữ nét đẹp của vùng quê thôn dã, bằng những sản phẩm cũng thôn dã đậm chất chân quê như bản tính người nông dân một sương hai nắng. Nó gắn chặt bao đời, không rứt ra được.

Hy vọng với sự gặp nhau giữa hai ý tưởng của các làng nghề truyền thống. Sự phát triển du lịch khám phá và đáp ứng nhu cầu cho các làng nghề, nhà hàng, khách sạn. Các thương lái đặt hàng những dụng cụ đặc thù cho nghề như đào đãi vàng, cá kho tộ, cơm niêu… Làng nồi Trù Sơn có may mắn là không phải: “làm lại từ đầu”. Dân làng nồi chịu thương, chịu khó, đem sản phẩm của mình đi khắp Đông Dương. Họ lang thang vô định, bán hết nồi lại quay về chốn cũ, để lặp lại vòng quay của thời gian. Đó là sự chăm chỉ như con ong, cái kiến. Đó còn là nét đẹp bởi sản phẩm đáng được xếp vào hàng đồ gốm trang trí bởi vắt, nặn bằng tay nhưng cái nào cũng in đúc cái nào. Sau khi nung qua lửa bằng rơm rạ hoặc lá thông. Da nồi đỏ au, có cái “già” lửa bị “sém cạnh” trông thật bắt mắt.

Nếu chịu khó tìm tòi, mẫu mã đa dạng hơn, có chút men vào gốm thì đồ dân dụng của Trù Sơn biết đâu chả thành gốm mỹ nghệ cỡ Bàu Trúc, Bát Tràng.v.v…

Từ nghề cá kho làng Vũ Đại được xuất khẩu, thì nồi đất làng Trù Sơn là cái bao bì đã làm đẹp, làm ngon sản phẩm đó và cũng là tiếng thơm cho cái nghề nhọc nhằn, thăng trầm nhất xứ Nghệ. Mà tiếng leng keng của nồi bù như thấm vào tâm tưởng của chúng ta, nhắc nhở chúng ta đừng quên cái cũ. Đừng để mất đi giá trị truyền thống lâu đời không dễ gì ngày một, ngày hai mà có được./.

Nguyễn Viết Lợi

 


Phamngochien.com - 18:41 - 28/09/2020 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận