Lũy tre làng, một hình hài gắn liền với làng quê Việt Nam,cùng với cây đa bến nước sân đình đã tạo nên một hồn quê thuần Việt. Để rồi, dù ai đi đâu, làm gì cũng luôn mang theo hình ảnh lũy tre làng, như để nhắc nhớ về tổ tiên, nguồn cội, hồn cách dân tộc.
Còn tôi mỗi lần về quê, tôi lại ngân nga bài thơ quen thuộc" Tre Việt Nam" của Nhà thơ Nguyễn Duy :
"Tre xanh xanh tự bao giờ
Truyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi"
Tôi lại bồi hồi nhớ về tuổi thơ bên lũy tre làng....
Những buổi chiều hè gió mát, bọn trẻ chúng tôi lại kéo nhau ngồi dưới lũy tre làng, ríu rít, líu lo như lũ chim khuyên đậu trên cành cây mài mại.
Mấy đứa tuổi lớn như tôi thì chơi trò đá banh đánh khăng, đánh cù, ô ăn quan.....còn những đứa nhỏ hơn thì chơi trò bịt mắt bắt dê, oẳn tù tì..... Buổi tối lũ trẻ chúng tôi lại kéo nhau ra vườn cau, vườn chuối chơi trò bắn kích, trốn tìm. Tiếng lũ trẻ cười khanh khách, làm tan đi cái tĩnh mịch của làng quê.
Tôi nhớ, có lần đang chơi, mấy đứa nhỏ nghe thấy tiếng lợn giời kêu, chúng nó hoảng hốt ngồi túm tụm lại, nhao nhao như đàn ong vỡ tổ. Chúng xúm lại gần tôi như chim non cần mẹ. Có đứa mạnh miệng hỏi tôi: Anh Sang có sợ lợn giời kêu không? Tôi được thể dọa dẫm: sợ chứ, mẹ anh bảo lợn giời kêu là có người chết đấy. Lũ trẻ im thin thít, đứa thì ôm cổ, đứa cầm tay tôi, đứa thì nhìn ngang nhìn dọc. Tôi biết chúng nó rất sợ ma nhưng được cái thích nghe tôi kể chuyện.
Những đêm hè oi ả, dân làng tôi lại kéo nhau ra ngồi dưới lũy tre làng hóng mát, lũ trẻ chạy theo nô đùa, tíu tít, còn các cụ già vỗ quạt mo phành phạch vì nóng, tiếng gió lùa qua những tàu lá chuối khô, tiếng hàng xóm tuốt lúa cả đêm.
Bên lũy tre làng, chúng tôi lại xúm lại nghe các cụ già kể cho nghe nhiều giai thoại ly kỳ về làng quê, đặc biệt mấy đứa nhỏ thích nghe chuyện con ma áo trắng. Hôm nào chúng cũng năn nỉ tôi kể....
Tôi thì có mỗi điệp khúc xưa như trái đất: anh nghe mấy ông bác kể, làng mình có con ma áo trắng to lắm, nó thường hiện ra ở bụi tre làng mình, tóc dài như dòng suối, còn chân thì cao như cây sào nứa....nghe người ta kháo nhau, con ma này thường hát du con vào lúc 12h đêm....
Kể đến đây lũ trẻ đứa nào đứa nấy dựng cả tóc gáy, chúng nó càng xích lại gần tôi hơn, có đứa lớn nghịch còn dọa đứa nhỏ hơn đến phát khóc. Tôi lại bồi thêm: đặc biệt nó rất thích tiếng trẻ em, cứ thấy trẻ em cười hay khóc ban đêm là bay đến sà vào giường ngay. Mấy đứa trẻ mặt đứa nào đứa nấy tái nhợt, cắt không ra máu. Có đứa hỏi tôi: con ma nó sà vào giường để làm gì anh Sang?
Tôi bảo: nó bắt cóc trẻ con. Đứa nào hay khóc trong đêm thì liệu hồn.
Thằng mạnh Ruồi bé nhất hội nói giọng lí nhí: em không khóc đêm đâu nhé, mấy đứa nói leo theo em cũng thế, em cũng thế.... bọn trẻ xôn xao.
Tôi dịu giọng: uhm đứa nào ngoan thì ma không đến, còn đứa nào làm nũng thì ráng chịu nhá.. Đang im ắng, bỗng nhiên thằng Chuột Nhắt la lớn: ma kìa! ma kìa! Đúng là Đằng xa, từ trong lũy tre làng một bóng người mặc áo trắng muốt, tay cầm cây chổi ve vẩy, đầu tóc thì bù xù đang tiến về chúng tôi. Tôi biết đó là Anh Sấu già dọa chúng tôi, nhưng theo phản xạ tự nhiên lũ trẻ chẳng kịp nhìn, đứa nào đứa nấy vắt giò lên cổ, chạy bán sống bán chết về nhà, trong đó có cả tôi.
Kể từ đó lũ trẻ con làng tôi không dám ra bụi tre chơi nữa. Còn tôi, tôi vẫn ra hàng ngày, để ngồi nghe các cụ già đàm đạo về đủ chuyện đông tây, kim cổ.
Thời gian thấm thoát trôi đi, giờ lũ trẻ chúng tôi, nói theo tiếng làng tôi thì đứa lớn thì cũng băm mốt, băm hai, đứa nhỏ nhất thì cũng hăm bảy, hăm tám nhưng mỗi lần nhắc đến lũy tre làng Tôi thì không đứa nào quên được.
Với Tôi thì lũy tre làng là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, nơi tôi đã chứng kiến biết bao đổi thay của quê hương, của gia đình, làng xóm, anh em, bè bạn. Mỗi lần có dịp về quê, tôi lại miên man bài hát "làng tôi" của nhạc sỹ Văn Cao như một lời nhắc nhớ về tuổi thơ đầy ắp tình yêu với lũy tre làng:
Làng tôi xanh bóng tre,
Từng tiếng chuông ban chiều,
Tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền, một dòng sông.
YÊN LÊ