Là xã giáp biên với đất nước Triệu Voi. Đường vào Keng Đu gian nan khi phải vượt cổng trời Huồi Lê để đến địa giới hành chính xã lại bắt gặp một đỉnh núi cao chót vót, sừng sững - cổng trời Huồi Ling.
Đến được trung tâm hành chính xã Keng Đu thì trời đã chạng vạng chiều. Bầu trời trên đỉnh Pù Luôm, mây trà thấp quấn lấy chân người. Trụ sở UBND xã nằm trên mấy quả đồi bát úp, ở miền rẻo cao chọn được địa thế như này là cực hiếm. Kế bên là trường học và xa xa phía đỉnh đồi là đồn biên phòng Keng Đu. Thị tứ vùng sâu nằm gần xã. Một quần thể chính trị, kinh tế của miền sơn cước nhưng khéo sắp đặt - có khu thương mại mới cưới được các thương lái dưới xuôi cho xe tải cõng hàng từ Vinh, Hà Nội lên nhập sỷ nên hàng hóa cũng sầm uất trông thấy.
- Đây rồi Keng Đu! Đoàn chúng tôi ai nấy thở phào, ồ lên vui vẻ. Thế mới biết được cái gian khó của nhân dân vùng sâu, vùng xa là thế nào? Địa bàn cư trú dân tộc Khơ - Mú ở vùng tây, tây bắc Nghệ An là cái nôi sinh ra người Khơ - Mú, nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me có tên gọi khác Tày Hạy, Pu Thênh quen sống ở các đai sườn núi cao nguyên. Tín ngưỡng đa thần, “Huyền thoại quả bầu” là ý nghĩa sinh ra loài người trong đó có dân tộc Khơ - Mú.
Xuất phát sớm từ Vinh lên, đoàn dừng chân ăn trưa ở thị trấn Mường Xén, thủ phủ của huyện biên giới Kỳ Sơn. Trửa trưa mà bầu trời sương dăng trên đại ngàn. Kiểm tra kỹ thuật xe, xiết lại ốc vít, xóc lại hành lý, tinh thần đoàn chuẩn bị vượt Pù Luôm.
Qua cầu Mường Xén độ hơn cây số rẽ phải, đi hết đoạng đường nhựa tại Pá Đánh, xe vào con đường đất bắt đầu một hành trình gian khó qua Huồi Tụ, Na Loi, Doọc Mạy…để vào Keng Đu. Đi trong mây nên tầm nhìn hạn chế, đường độc đạo, xe ô tô muốn tránh nhau phải tìm vào “xương cá” để thông đường cho xe ngược chiều.
Vừa loanh quanh dưới chân đèo nghe dòng Nậm Mộ rì rào chảy, thế mà đoàn chúng tôi đã chuẩn bị vượt cổng trời Huồi Lê. Dãy Pù Luôm dài hàng mấy chục cây số. lên đến đỉnh đèo gió trời lồng lộng thổi và cái rét như ngấm vào da thịt. Tâm tư của những thành viên đoàn công tác cứu trợ: “Tết vì người nghèo” của Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, thấy động lòng thương khi chứng kiến những học sinh chân đất đi bộ hàng chục km, lội suối trèo đèo để đến lớp.
Một hành trình gian khó vừa đi vừa dò đường các bác tài phải căng mắt, nín thở cho xe vượt qua quãng đường đèo dốc hơn 80 cây số đường rừng để đến Keng Đu. Đoàn công tác được Đảng ủy, UBND và cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Keng Đu đón tiếp nồng nhiệt.
Hạ trại xuống sân ủy ban xã, cán bộ Hội chữ thập đỏ Nghệ An, các cựu chiến binh và các tình nguyện viên của câu lạc bộ Máu sống Thành Vinh triển khai ngay nhiệm vụ. Ở đây chưa có điện lưới nên phải nổ máy phát điện để dựng sân khấu, kéo loa đài, ánh sáng cho kịp tối nay giao lưu văn nghệ với đoàn xã và đoàn thanh niên bộ đội biên phòng đồn Keng Đu.
Bữa cơm tối ấm cúng với đặc sản xôi nếp nương, thịt lợn cắp nách bày trên lá chuối rừng, rượu nút lá chuối do đồn biên phòng Keng Đu chiêu đãi. Đông người ăn, chén không đủ nên uống bằng bát xoay vòng người một ngụm, thật vui và ấm cúng.
Đêm liên hoan văn nghệ cũng khép lại trong niềm vui khôn tả với đống lửa trại kéo dài đến tận khuya những bản nhạc, vũ điệu vít cong thêm cần rượu, nhảy sạp, múa Lăm Vông trong tiếng gõ Tăng Bu (nhạc cụ bằng ống nứa) với Lò Pò Khoa và trai, gái bản. Mọi người như quên đi cái lạnh thấu xương miền sơn cước, ấm tình cá nước.
Được biết anh từng là lính công binh Trường Sơn, thuộc F968 bộ binh. Một thời “đánh địch mà đi mở đường mà tiến”. Anh vạm vỡ, chắc khỏe, người to con lại chỉnh chu trong bộ quân phục tươi màu rừng núi, mang lon trung úy. Tôi bắt chuyện thì được biết anh là chủ tịch hội cựu chiến binh xã Keng Đu. Đêm ấy anh nhường phòng làm việc cho tôi và lái xe của đoàn nghỉ (cán bộ xã ở xa mấy ngày đường được ngủ lại trụ sở Ủy ban cuối tuần mới về nhà). Thế đồng chí ngủ ở đâu? Tôi hỏi:
- Ta vô bản ngủ nhờ nhà bạn mà ! Anh nói tiếp: Hay cán bộ nhà báo đi ngủ bản, “ngủ thăm” với bọn mình để biết cái tục của người thiểu số đi ? rồi anh cười vui vẻ.
Tên xã Keng Đu được lấy từ tên thác nước và gỗ rừng vùng này. Thứ đặc sản của xã. Tiếng Khơ Mú: Keng là Thác, Đu là Đinh hương. Bản Keng Đu nằm cạnh thác nước thượng nguồn sông Nậm Nơn. Cánh rừng già gỗ đinh hương bạt ngàn và cái tên của xã cũng là cái tên của bản. Khí hậu ở đây một ngày bốn mùa rõ rệt. Tổng diện tích cả xã gần 9000 Ha rừng tự nhiên, có trên bốn ngàn nhân khẩu, 25km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào.
Cùng chủ tịch Hội cựu chiến binh Lò Pò Khoa đứng trên đồi sắn của văn phòng ủy ban xã, phóng tầm mắt nhìn lên đỉnh Huồi Ling trong mờ sương thấy khói lam các bản của người Lào. Chủ tịch Khoa cho hay:
- Hội cựu chiến binh xã ta cùng phối hợp tuần tra biên giới với đồn biên phòng, hội viên được cử làm công tác tích cực lắm. Cổng trời Hồi Ling là nơi khó khăn nhất, toàn lối mòn, đường tiểu mạch. Chưa có đường xe đi nên xã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phối thuộc với cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng làm tốt công tác “Dân vận khéo”. Tích cực tuyên truyền, tham gia bảo vệ biên giới, xóa bỏ cây anh túc, chống dê dịch cư trái phép đó.
Đến nay đời sống hội viên cựu chiến binh nói riêng, nhân dân xã Keng Đu nói chung được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ đã biết làm trang trại, phát triển kinh tế đồi rừng, trồng sắn, ngô lai trên đất dốc, chăn nuôi, vỗ béo trâu bò hàng hóa để chờ xe thương lái dưới xuôi lên bán kiếm tiền mua sắm, dựng nhà. Các bản làng nơi nào có cựu chiến binh sinh hoạt, nơi đó có phong trào đi lên vì họ gương mẫu, đi đầu trong xây dựng đời sống. Tại các bản Kẹo Sơn, Huồi Phuôn, Huồi Lê. Ở đây nạn tảo hôn cũng giảm hẳn.
Các hội viên còn tích cực học tập các mô hình làm kinh tế giỏi trong huyện. Nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Rỗi việc mùa vụ lại tranh thủ vào rừng hái lượm măng, mộc nhĩ, cây thuốc nam, đót làm chổi, mây, tre.v.v… nốt thể ngăn chặn việc phá rừng trái phép và phòng chống cháy rừng. Người Khơ - Mú có nghề đan lát khá tinh xảo, có kỹ thuật đan tre nứa, soong mây. Tay nghề đan lát là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá người đàn ông.
Và thế mạnh của hội cựu chiến binh, đa phần họ là những người lính đã đi qua trận mạc, đã xa quê - được ra khỏi hai cái cổng trời Huồi Lê và Huồi Ling tiếp xúc nhiều với “Văn minh bên ngoài” nên tư duy nhạy bén với cái mới, các mô hình kinh tế mới. Từ 90% hộ nghèo đến nay cả xã giảm còn trên 60% so với trước.
Chỉ chờ nhà nước kéo điện vào đến Keng Đu là cuộc sống sẽ được cải thiện rõ nét.
Lò Pò Khoa chủ tịch hội cựu chiến binh chia sẻ thêm:
- Mấy năm nay được Đảng, nhà nước, các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Đảng ủy, UBND với đồn biên phòng nên xã đã xây dựng được các công trình đường, trường, trạm khang trang.
Nay lại được Hội chữ thập đỏ tỉnh và các đoàn thể lên tặng quà tết cho hộ nghèo, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam nhân dịp tết đến, xuân về thật vui. Bởi người Khơ Mú, H’Mông, Thái ở miền tây có hai cái tết: Tết Nguyên Đán và tết: “Mùa sấm ra”
Chia tay cán bộ, nhân dân, bộ đội biên phòng, hội viên hội cựu chiến binh xã giáp biên miền rẻo cao để về xuôi. Bên hàng rào đá trường trung học cơ sở Keng Đu, mùa hoa trạng nguyên đang nở rộ đỏ thắm khoảng trời biên giới. Mùa hoa thắp sáng ước mơ của thầy, trò vùng xa. Một Keng Đu ấm tình biên giới.
Chủ tịch hội cựu chiến binh Lò Pò Khoa đưa tôi mảnh giấy ghi số điện thoại của anh và hẹn:
- Hè này xuống Vinh thế nào cũng đến anh chơi nhà báo ạ và nhờ đưa đi Cửa Lò, coi cái biển nó thế nào nghe nói biển to lắm và chỉ có một … bờ.
Về phố chờ nắng hạ đổ gió Lào về để đưa đồng đội đi thăm thú các danh lam thắng cảnh. Nhưng chắc anh và Đảng bộ, nhân dân Keng Đu đang bận với công việc và những dự án. Khi rời Keng Đu đầu xã điện cao thế đang được công nhân ngành điện dựng cột, kéo dây.
Ngọn gió trời miền tây vẫn ngọt ngào khi sáng ra là mùa xuân, giữa trưa hừng hực nóng, chiều là nét thu se lạnh và đêm là đông về.
Keng Đu xã miền viễn tây xứ Nghệ. Bốn mùa trong một ngày đang thời điểm bộn bề công việc./.