Sau khi kết thúc một học kì đầy căng thẳng và mệt mỏi. Tập thể lớp DVA1111 của chúng tôi cùng với những người bạn đến từ lớp CVA1111 cùng nhau chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi học tập và khảo sát thực tế đến miền Trung đầy nắng và gió cát. Đây là chuyến hành trình thực tế được nhà trường tổ chức cho ngành sư phạm nói chung và khoa sư phạm khoa học xã hội nói riêng nhầm bổ sung những kiến thức trực quan về văn hóa, lịch sử và địa lý của từng địa danh trên chuyến hành trình. Chuyến hành trình của chúng tôi có điểm xuất phát là trường đại học Sài Gòn. Nơi đã gắn liền biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui trong suốt 2 năm học vừa qua của tập thể DVA1111. Chuyến đi của chúng tôi kéo dài trong 5 ngày và 4 đêm gồm ba chặng. Chặng thứ 1: Tp.HCM - Nha Trang . Chặng thứ 2: Nha Trang- Đà Lạt. Và chặng cuối là từ Đà Lạt quay trở về Tp.HCM.
Trước thời điểm xuất phát 1 ngày: Hẳn đây là thời điểm bận rộn nhất cho những lữ khách. Bởi vì ,họ đang băn khoăn một điều rằng không biết nên chuẩn bị hành lý bao gồm những gì để phục vụ cho chuyến đi này. Và tôi cũng không ngoại lệ. Để chuẩn bị cho hành trình học tập thực tế này , ắt hẳn một vật dụng không thể thiếu đó là chiếc máy chụp ảnh.Tuy nó không phải là những chiếc Canon EOS đắt tiền thế nhưng nó luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy của tôi trên suốt chặng đường để lưu lại những khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp cũng như những khoảnh khắc đáng nhớ về những người bạn mà có lẽ rằng suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên được họ.
Chặng 1 : Tp.HCM - Nha Trang
Ngày thứ 1: Xuất phát.
Trong đêm trước ngày xuất phát, tôi háo hức đến nỗi không thể ngủ được. Và những người bạn của tôi cũng thế. Họ tá túc ở lại trường vì nhà rất xa. Không biết rằng liệu họ có chung niềm cảm xúc với hay không hay họ lại đang ưu tư vì một nỗi niềm gì đó xa xăm mà cũng không ngủ được. Một người bạn của tôi đùa rằng : " Tối đó nhìn ai cũng dật dờ như con ma". Tôi nghe xong lòng thoáng cười nhưng trong đầu tôi lại có biết bao suy nghĩ trỗi dậy. Có lẽ vì họ đang nhớ nhà chăng? Hay còn một lý do nào đó khác.Tôi biết được rằng để có được chuyến đi này nhiều bạn đã phải lên chính sách thắt lưng buộc bụng để có đủ chi phí trong suốt chuyến đi này. Thoáng nghĩ thôi mà lòng tôi đã chợt thắt lại. Nhìn những cô bé dáng người nhỏ nhắn một mình nơi đất khách để theo đuổi giấc mơ của mình lòng tôi chợt cảm thấy thương họ lạ. Hình như tôi đang đi xa với chủ đề thì phải. ^^!
4h sáng lớp tôi đã tập hợp ở sân trường gần đủ. Nhìn ai nấy cũng khệ nệ mang theo những túi hành lý to đùng mà gương mặt vẫn tươi cười trò chuyện vui vẻ càng làm cho không khí trở nên có phần náo nhiệt. (So với các ý kiến từ các thầy cô cho rằng lớp tôi vốn thụ động và ít nói.) Lớp tôi vốn có truyền thống học thì cũng hết sức mà chơi thì cũng rất là hết mình...!
5h sáng xe bắt đầu lăn bánh. Không khí lớp chúng tôi càng trở nên vui vẻ và náo nhiệt hơn khi có sự xuất hiện của anh hướng dẫn viên vui tính. Xe lăn bánh trên Quốc lộ 1 đưa chúng tôi tiến vào địa phận của tỉnh Đồng Nai. 7h sáng chúng dừng lại và dùng điểm tâm ở nhà hàng Tâm Châu. Tuy chỉ mới ở địa phận Đồng Nai thế nhưng chúng tôi đã cảm nhận cái se lạnh đặc trưng của tiết trời Đà Lạt. Thế nhưng cảm giác ấy không kéo dài được bao lâu khi chúng tôi bước vào địa phận tỉnh Ninh Thuận . Thật vậy! Thiên nhiên Ninh Thuận rất được "ưu ái" bởi cái nắng nóng khủng khiếp như thiêu đốt. Đặc trưng của của nó là sự hanh và khô do chịu sự ảnh hưởng của dãy Trương Sơn Nam khiến cho địa hình Ninh Thuận trở thành một lòng chảo bị bao bọc giữa bốn bề núi đá. Đi dọc trên địa phận tỉnh Ninh Thuận có lẽ điều thu hút chúng tôi đó là sự khô cằn của đất đai, khung cảnh ven đường như một hoang mạc từ lâu đã bị con người lãng quên. Con người nơi đây dường như cũng ít hiện diện hơn có lẽ để tránh đi cái nóng như thiêu đốt này. Thế nhưng bên cạnh đó, nắng nóng lại là điều kiện lý tưởng và thích hợp cho 2 loài cây sinh sản rất tốt và đã trở thành cây nông sản thế mạnh đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận này đó chính là cây Thanh Long và Nho.
11h30 Đoàn chúng tôi dừng chân tại làng gốm Bầu Trúc, nổi tiếng nhất cả nước để thăm quan và tìm hiểu những nét đặc sắc về nghệ thuật làm đồ gốm gia dụng và mĩ nghệ của dân tộc Chăm. Làng gốm Bầu Trúc nằm ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, đã có từ rất lâu đời. Gốm Bầu Trúc độc đáo và thu hút khách du lịch bởi chỉ cần nhìn qua sản phẩm, người ta sẽ dễ dàng hình dung ra ngay nét văn hóa đặc trưng của người Chăm vùng Ninh Thuận; thể hiện một cách rõ nét ở hình dáng sản phẩm, họa tiết, hoa văn khỏe khoắn và cả trong quá trình sáng tạo của các nghệ nhân. Và đây là một vài hình ảnh mà tôi đã ghi lại được về quá trình tạo tác nên sản phẩm của một nghệ nhân:
Điều đặc biệt và có lẽ là đặc trưng tiêu biểu làm nên danh tiếng của gốm Bầu Trúc đó chính sự đặc sắc trong cách tạo hình. Khác với người Hoa và người Kinh phải dùng bàn đạp xoay để tạo hình sản phẩm. Riêng người Chăm họ lại dùng một cái khăn đã nhúng ướt và đi xung quanh sản phẩm để tạo hình. Với đôi chân thoăn thoắt cộng với đôi tay nhẹ nhàng và một khối óc sáng tạo đầy tinh tế chỉ với chưa đầy 10 phút mà nghệ nhân trong hình đã hoàn thành chiếc bình trước ánh mắt thích thú và thán phục của nhiều người trong số chúng tôi. Sản phẩm sau khi được tạo hình sẽ được phơi khô, đánh bóng và công đoạn cuối cùng là nung. Cách nung gốm của người Chăm vô cùng đặc biệt bởi họ nung gốm bằng rơm khác biệt với người kinh là nung bằng than, củi hay các chất đốt khác. Nên màu sắc của sản phẩm sẽ là màu đặc trưng của đất và điều đặc biệt là họ không dùng men gốm như người Hoa hay ngườ Kinh. Nên một sản phẩm gốm Bầu Trúc dù là nhỏ bé nhưng vẫn chứa đựng tình yêu và sự gắn bó tình cảm mật thiết giữa con người và mảnh đất nơi đây. Và đây là một vài sản phẩm tiêu biểu:
Kết thúc chương trình tham quan ở làng gốm Bầu Trúc, chúng tôi lên đường đến Nha Trang. Tuy chỉ với khoảng thời gian 30 phút ngắn ngủi nhưng đã đọng lại trong lòng chúng tôi, những lữ khách phương xa một cảm xúc khó tả về nhiều điều. Về mảnh đất Ninh Thuận cỏ cây khô cháy mà con người vẫn toát lên nụ cười hiền hậu và lòng mến khách vô hạn. Và có lẽ tôi sẽ nâng niu món quà bằng đất nung mà tôi có được như là một kỉ niệm đẹp về tình cảm mà những nghệ nhân đã thổi hồn vào nó.
Trên suốt chuyến đi đến Nha Trang anh hướng dẫn viên và thầy Hiền liên tục nói cho chúng tôi biết về những kiến thức bổ ích và lý thú về đặc trưng văn học, lịch sử, địa lý những nơi mà chúng tôi đi qua. Về mối tình đẹp của vua Chế Mân và Huyền Trân công chúa. Về sự huy hoàng và rực rỡ của 5 vương quốc ChămPa gồm : Arabati; Sindohatra ; Trà Kiệu; Vidayda; Banduranga.
4h30 phút chiều cùng ngày, chúng tôi đã đặt chân đến Nha Trang trong niềm hân hoan và háo hức. Háo hức vì đã lâu rồi chúng tôi mới lại được ngắm biển và nghe tiếng sóng vỗ rì rào. Khác với chốn đô hội phồn hoa và nhộn nhịp, ở đây cuộc sống thật chậm rãi. Thả bộ vào buổi tối dọc theo bờ biển lặng nghe biển xanh dịu dàng ru từng cơn sóng mơ màng lòng tôi chợt cảm thấy thật yên bình đến lạ. Và đây là hình ảnh của biển đêm NhaTrang mà tôi đã có dịp ghi lại được.
PHẠM HÀ MINH TUẤN
Xem phần còn lại trên tapchisongba.com