Giới thiệu tập truyện ngắn "Robot biết yêu" của Vũ Tam Huề (Nhật Chiêu)

.

    Trong tập truyện ngắn " Robot biết yêu " này ta sẽ nhìn thấy cái đa sắc của một ngày lễ hôi diễn ra ở nơi giáp ranh giữa thôn dã và phố thị

    Trước hết ta đi trong cái phong phú của đề tài và thể loại. Từ khoa học viễn tưởng ( Niềm tin bị đánh cắp, Robot biết yêu, Avatar, Mật mã XY ). Đến những câu chuyện có thật ( Mimosa, Tiếng chim hót bên thành nhà Hồ ...) hay những truyện mà yếu tố đời nhiều hơn hư cấu ( Trái tim nhân hậu, Tâm hồn cao thượng...). Từ những chùm truyện ngắn tràn đầy chất thơ thiên nhiên ( Gọi tên bốn mùa, Quê nhà, Hương thời gian...) đến những truyện huyễn hoặc ( Cõi riêng, Một thoáng liêu trai, Thần thoại thời @ ...) Từ những truyên mang đậm tính tâm lý xã hội ( Đêm ly hôn, Trò đùa số phận, Góc khuất tình yêu, Mưa bóng mây...) đến những truyện châm biếm giầu tính hài hước ( Cười mỉm chi, Mật đắng , Chuột...) và cả những truyện mang tính ngụ ngôn ( Bài học không có trong sách vở, Ngụ ngôn thời hiện đại...)

    Và rồi ta lại làm quen với cái đa dạng của phong cách : trang trọng và dân dã, lãng mạn và trào tiếu, cổ điển và tân kỳ, duy thực và duy mỹ, chi tiết và tỉnh lược, thô mộc và chau chuốt. Đôi khi ta cảm thấy ngòi bút của tác giả không muốn bỏ sót một điều gì, nhưng cũng có lúc ngòi bút ấy chỉ lướt qua tạo nên một vài nét chấm phá. Văn phong ấy làm nên một nét riêng của tác giả. Vũ Tam Huề là một nhà khoa học nên khi  làm thơ và viết văn, anh bộc lộ một cái nhìn tường tận, cụ thể và khái quát. Cũng vì thế văn phong của anh không dành nhiều chỗ cho cái mông lung.

    Trong truyện kể của Vũ Tam Huề có một hình ảnh độc đáo mà tôi khá ấn tượng. Đó là cái thùng thư đã mất mái che ở nơi cổng gỗ của ngôi nhà nhỏ với vườn cây hiu quạnh. Đã lâu thùng thư không nhận một lá thư nào, thay vì nó để lọt vào lòng mình ( vì không mái che ) nắng mai, ánh trăng, gió mưa, sương đêm và hoa lá bốn mùa : hoa bưởi, hoa cam của mùa xuân, hoa bằng lăng tím giao mùa, phượng hồng của ngày hạ, hương hoa sữa của mùa thu, lá bàng đỏ lịm của mùa đông...Đó là những cánh hoa thư mà chàng trai cô đơn ở ngôi nhà đó mong ngóng như chờ đợi tình thư.

    Nếu biết đón đợi với tấm lòng không che chắn, thiên nhiên và cuộc sống sẽ tràn về vô số thư tình miễn là ta biết đọc.

    Từ khoa học tới thơ ca rồi truyện kể, dường như Vũ Tam Huề cũng đang mở rộng " cõi riêng " của mình, " hộp thư không mái che " của mình ra với " bốn mùa ", với cuộc sống muôn hình muôn sắc.

    Dẫu sao đi nữa, đó chính là niềm vui. Để sống và để viết.

Sài Gòn mùa Nguyên tiêu

Năm Quý Tỵ - 2013

   Nhật Chiêu

 

GS. Lưu Đức Trung, TS. Vũ Tam Huề, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu

tặng chữ ký cho sinh viên Đại học Sài Gòn

.

trungtung - (vào lúc: 21:09 - 09-09-2013)
Cám ơn thầy về tấm hình kỉ niệm thời sinh viên. 
Thái Nam (SV ĐH Bình Dương) - (vào lúc: 20:09 - 09-06-2013)
Thời sinh viên, trong các cuốn giáo trình đã được đọc, em ấn tượng nhất cuốn sách văn học Nhật Bản của thầy Nhật Chiêu, cuốn Câu chuyện văn chương phương Đông. 
Với cách viết giản gị dễ hiểu thầy làm sinh viên bị lôi cuốn bởi những câu chuyện mang đầy màu sắc văn chương. Có thể nói đó là người thầy em chưa được học, chưa được gặp nhưng qua cuốn sách của thầy lại làm em kính trọng và ngưỡng mộ.
Bây giờ đọc lời giới thiệu cuả thầy về truyện ngắn của thầy Vũ Tam Huề, em lại bắt gặp lại một giọng văn mà dẫu có đi xa hàng thế kỉ vẫn nhận ra, lối viết giản dị, không hàn lâm khó hiểu mà vẫn cuốn hút tới từng câu chữ
Đó chính là phong cách của thầy Nhật Chiêu trong lối viết, trong khi các nhà viết sách khác lại đi vào lối viết hàn lâm khó hiểu. Em gửi tới thầy lòng tri ân, cuốn sách của thầy em chỉ được đọc qua thư viện chưa được đưa nó về để trên tủ sách, nhưng em rất thích nó. 
Hôm nay lên trang web thầy Hiền đọc tin tức, mà thấy hai chữ " Nhật Chiêu", thực sự đã khiến em bị lôi cuốn vào lời dẫn truyện của thầy.

Phamngochien.com - 08:04 - 04/09/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận