Dông dài phiếm chuyện tóc tai (Nguyễn Hồng Chí - Việt kiều)

Hồi nhỏ ít có đứa con nít nào thích cắt tóc vì vừa nhột, vừa lại bị ông thợ ép đầu ép cổ, bó gối co ro trên cái ghế có kê thêm miếng gỗ cho vừa tầm tay cầm kéo. Tôi cũng vậy, hay chán ghét việc phải đi hớt tóc hàng tháng, dù tóc tai dài mượt thì cha mẹ lại vui mừng trông thấy con mau lớn.

Mấy năm tiểu học tôi thường được anh trai dắt đi hớt tóc ở tiệm chú Phong gần nhà. Khi đó tôi hay giãy nãy mỗi khi bị anh trai ẵm lên cái ghế xoay có kê sẵn miếng gỗ bóng hới, vùng vằng muốn chạy về nhà mà lại sợ bị ông anh đánh tét đít nên nhăn nhăn cằn nhằn ngồi lắc qua lắc lại nhìn trừng trừng chú Phong trong tấm kiếng đặt trước mặt. Cái thằng này lì quá ta, nhưng không sao, con trai lì lợm thì sau này ít có người bức hiếp được mày! Chứ như tao cái gì cũng chiều lòng thiên hạ, sợ người ta lớn tiếng nọ này nên cả đời chỉ quanh quẩn trong cái tiệm này đó nghe con! Mà nè sao tóc của mày cứng như dây chì vậy hả? Chí mén đầy trong đầu nữa nè, sao thằng anh mày không chải chí hay gội đầu cho con vậy? Vừa nói thì chú vừa rị mọ bắt từng con chí và trứng của nó trên tóc, khiến tôi có cảm giác đã ngứa, thoải mái như mỗi lúc ngồi gục gặc ở bậc thềm cho mấy bà già hàng xóm bắt chí rận trên mình, tựa như được người lớn vuốt ve cưng chiều nên thấy lòng yên ấm lâng lâng lạ kỳ.

Có lẽ trứng chí nhiều quá nên chú cũng đâm mỏi mệt, bèn thây kệ mà làm tiếp công việc của mình. Chú chậm rãi khoác lên tôi một tấm vải trắng ngả màu vàng khè hôi mùi chua chua của mấy ông nhà quê lâu ngày không tắm rửa. Cái áo choàng dài thượt đó trùm kín tôi như thể xác ướp Ai Cập, nóng bức và ngưa ngứa khó chịu vô cùng. Không kịp để tôi vặn mình trở tay chân, chú ghìm cái đầu của tôi xuống và bắt đầu lách cách kéo cái tông-đơ cũ mèm màu đen lên xuống phía sau ót của tôi. Hàm răng của cái tông-đơ lụt nhầy giựt tóc của tôi đau điếng, làm nổi mấy mẩn ngứa trên sau cổ. Chú mạnh tay cà cái tông-đơ quái ác đó lên gần đỉnh đầu của tôi, để lại một bệt xanh xanh đằng sau ót mà khi đó tôi không còn nhận ra chính mình trong gương nữa.

Chú Phong chẳng thèm để ý đến cảm giác đau rát của tôi, mà chú huyên thuyên nói chuyện tào lao trong khi tôi chẳng hiểu gì sất. Hóa ra chú đang cố giữ chân mấy ông khách ngồi chờ phía sau tôi. Chuyện ông Tám gần cầu Sắt đi nhậu về lại lủi đầu vào chiếc xe ủ lô, té chảy máu đầu nên bây giờ nói chuyện điên điên. Chuyện cô giáo Thu đi tình tự với thầy Khang bên hè, rủi thay té xuống cái giếng khô ngoài đó, xóm làng chạy ùn ùn đến kéo lên làm quê cả mặt mày trơ trẽn nên bây giờ nói chuyện như người té giếng. Thế là mấy ông góp thêm ít chuyện, từ chuyện kháp rượu nếp lậu sau nhà, đem túi tôm khô năm ký đến trạm Chẹt Sậy thì bị thuế vụ bắt và lấy hết hàng hóa, đến chuyện động trời chị ba Sương chán chồng nghèo lại mắc bệnh thận nên theo trai đi đâu mất biệt. Ai nói đàn ông không nhiều chuyện khi mấy ổng hổng có việc gì để làm trong tiệm hớt tóc nhà quê không có sách báo hay cái ti vi như thời bây giờ.

Vì mãi lo nói chuyện bao đồng nên chú cứ hết cắt rồi tỉa liên tục thành ra cái đầu của tôi như thể húi cua. Thôi thì cũng được, để khỏi mất công bị cô Nhỏ đánh cho mấy roi vì tội để tóc dài ló đuôi rùa sau ót. Mà lúc đó giáo viên bắt học sinh nam hớt tóc cao như trong quân đội, móng tay phải luôn cắt ngắn và không được đóng đất bên trong, nếu không thì chị tổng phụ trách Đội đang học lớp chín sẽ méc cả trường lúc chào cờ vào ngày thứ hai. Dù có lợi ích lâu dài chí ít trong một tháng không bị đòn roi hay bêu xấu, nhưng tôi lại rướm nước mắt khi chú Phong bắt đầu việc cạo những cọng tóc sát da đầu sau khi cắt xong.

Lúc thấy chú mài con dao cạo sồn sột trên miếng cao su trong góc tiệm là tôi bắt đầu rụt cổ và buồn tiểu vô cùng nhưng không dám hó hé với ai. Tay của chú dẻo dai kéo qua kéo lại trên đám da non cần cổ làm tôi rụt ra rụt vào. Rủi thay tay chú hơi lơi lỏng khi tôi nghiêng đầu nên con dao cắt ngọt vào lớp da tóe máu. Mặc cho tôi ngồi khóc rấm rứt như ông cụ non vừa chết vợ, chú nói trời ơi, có chút xíu mà khóc rồi hả mậy? Rồi tiện thể chú kéo tay áo đang mặc lên chùi cái phẹt, thế là xong tất! Vì vậy một số vết sẹo trên da đầu của tôi không hẳn là do chơi đùa té ngã, mà đó là kỷ niệm hớt tóc ngày xưa theo tôi đến tận bây giờ.

Lúc lớn lên một ít, tôi về sống ở miệt cù lao trên Đồng Tháp. Xứ này ít có người hành nghề hớt tóc, ấy là bởi vì phần đông bám theo nghề làm lúa mướn. Cả xã chỉ lác đác có vài tiệm hớt tóc, mà hầu hết các ông chủ là những người bại liệt có họ hàng với nhau. Ví dụ như ông Bại ở cầu Bà Xã người vặn vẹo trông như con ếch do bệnh bại liệt cong người từ nhỏ, lại là anh của chú Xụi ngoài Mương Chùa cũng hành nghề hớt tóc như anh. Có lẽ do biết phận mình bại xụi nên họ chú tâm học nghề kỹ càng, chăm chút từng đường tơ kẽ tóc cho khách nên phần nào cũng có cái ăn cái mặc như ai. 

Ông thường ngồi khoanh hai cái chân cong vòng dẹp dẹp trên tấm phản nhỏ, tay cũng cong cong đưa đẩy cái tông-đơ điệu nghệ. Chỉ mỗi tội ít nói kiệm lời do đớt đát không ai hiểu được, nên vào tiệm của ông thì chúng tôi chỉ ngồi thừ nhìn con rạch chảy lừ đừ trước mặt, dòm dòm mấy bông cần sa trổ hồng hồng ngoài sân, hoặc xem anh kép chính gánh hát bầu tèo nào đó ngồi trên mũi ghe tam bản uống rượu bằng chén rồi ói ra con lãi dài sọc thấy ghê. Vợ ông Bại chăm chỉ dọn dẹp nhà cửa, trồng cái này cái kia, nên bên hông là vườn chuối già xen lẫn cần sa và cả khóm ngò gai thơm nức mũi. Bà ta người nhỏ nhắn bình thường nhưng hay la hoảng bởi mắc bệnh liệu. Có khi con gà vừa đẻ cục tác chạy ngang làm bà hết hồn la liệu tục tĩu nghe buồn cười hết sức, nhưng lại hay mắng nhiếc thằng Lượm về việc chửi tục om trời. Ông bà không thích con trai mình nói chuyện tục tằn, phải ra dáng con nhà gia giáo đi học đủ đầy. Nó đi chơi nhong nhỏng bên ngoài, hái bứa, bẻ cà na hay chơi tạt lon ngoài xóm, vậy mà nghe mẹ quát lên một tiếng thì lon ton chạy về bưng tô cơm cá linh kho me ăn ngon lành, trông ngoan hết sức. Nó chỉ có mỗi việc hái lá cần sa cho cha hút thuốc và bằm ra trộn trong cám cho heo ăn để chúng ngủ ngon, ăn nhiều và mau lớn.

Mỗi khi ông Bại say thuốc ngà ngà thì hình như tay nghề ông thăng hoa thêm một bậc. Đấy là lúc tôi trở về với một mái tóc ngố hơn ai, có khi tóc chẻ năm năm, khi thì bảy ba với mái lật ngược như tài tử trong phim Hồng Kông "Người nơi biên giới". Lắm khi ông gật gù dòm lom lom mục mụn đỏ chót trên trán của thằng con trai vừa dậy thì, rồi mạnh tay bóp một cái làm phọt ra dòng máu lẫn mủ đỏ lòm. Thế là ngày hôm sau mụn trở thành nhọt làm sưng vù cái mặt non choẹt của gã trai tơ khiến hắn phải trốn trong nhà cả tuần không dám chường ra ngoài sợ đám con gái chọc quê già rồi mà còn nổi nhọt. Có lẽ thấy mình hơi quá tay chăng bởi sau đó để lại một cái thẹo nhỏ vô duyên trên mặt hắn, nên ông không thèm lấy tiền công một cắc, lại còn dúi cho tôi nải chuối già chín bói mà thằng Lượm mới đốn hôm qua, coi như bù trừ việc máu mủ chảy ra quá nhiều!

Nhưng việc hớt tóc quá đà giúp tôi không còn phải lấm lét nhìn thầy Cương giám thị ở trường mỗi khi thầy đảo qua đảo lại trên hành lang hoặc len lén vạch tấm sáo trong phòng học để tìm cho bằng được thằng ôn con nào để tóc dài quá mép tai. Nhiệm vụ của thầy là chỉ mỗi việc bắt học sinh tóc dài để giao lên ban giám hiệu, quá ba lần sẽ mời phụ huynh thì chắc chết. Chúng tôi ai cũng e dè thầy Cương bởi thầy dữ dằn quá đỗi, tay lăm le cây thước, nách cặp quyển tập ghi tên học sinh tóc dài. Chúng tôi cũng ơn ớn thầy bởi mỗi lần bị bắt lên phòng giám thị thì thầy hùng hổ nạt nộ, chụp cây kéo cắt giấy để cắt bừa tóc tai học sinh, có lần còn phạm vào vành tai của thằng nọ làm nó la oai oái náo động sân trường. Thế là sau khi cắt bừa cắt đại, thầy bắt mấy thằng này vào hớt tóc ở ngay góc sau của trường. Đó là tiệm hớt tóc của em trai thầy khai trương đã gần hai năm kể từ ngày thầy nhận chức giám thị. Đứa nào không có tiền thì đành hớt chịu, nhưng phải nhớ hôm sau xin tiền mẹ trả thầy cho lẹ làng nếu không thầy lên tận lớp hỏi đòi làm quê một cục.

Tiệm này nho nhỏ nhưng luôn đông khách, chỉ toàn các em học sinh mặt mày méo xệch vì phải mất tiền ăn đá đậu, cà rem, lại còn bị quở mắng lúc sinh hoạt lớp cuối tuần vì cái tội làm mất thi đua cho tập thể. Nhưng được cái tôi toàn gặp những thằng đồng cảnh ngộ: tóc dài! Đứa thì quên không kịp hớt, đứa thì cố tình để tóc cho giống hippies như thời World Cup Mexico 86 để đội nón rộng vành đi lang thang ngoài chợ, đứa thì không có tiền hớt tóc nên thề sẽ đi vào chùa nhờ sư thầy cạo trọc cho xong.

Anh chủ tiệm làm thinh không thèm đôi co với mấy đứa học sinh, lặng lẽ đẩy tông-đơ lên thật cao cho các em không còn vi phạm thêm lần nữa. Có lúc cả chục thằng cùng ngồi đợi, mặt nhăn mày nhó xin được hớt sớm hơn cho kịp tiết học mới mà không ai chịu nhường cho ai. Đó là lúc anh ta đổ quạu, văng tục quát tháo, cái đám tụi bây không chịu mần ăn tử tế, sao không lo đi hớt sớm mà đợi đến giờ này rồi hối tao như ỉa trong quần vậy hả? Có ngon thì để tóc dài như đám con gái luôn đi! Ừ, mà sao con gái để tóc dài lại không ai nói năng chi hết vậy ta? Thế là tụi tôi bực dọc làm thinh, ngó lom lom thằng nhóc đang ngồi trên ghế mà mặt mày hằm hè đe dọa, coi chừng tao xì bánh xe đạp của mày vì cái tội giành với tao đó nghe chưa!

Rồi khi vào đại học thì không còn ai bắt bớ chuyện tóc dài hay móng tay đen thủi. Nhưng thói quen cắt tóc cao dường như ăn sâu vào tiềm thức nên hàng tháng tôi ra tiệm anh Bình để húi lên tận đỉnh đầu. Anh Bình gốc người Cần Thơ, lớn hơn tôi vài tuổi, dáng người ôm ốm cao cao, có cái răng khểnh có duyên vô cùng. Anh ít nói nhưng quen thuộc với kiểu tóc mà khách hàng mong muốn nên không cần dặn dò lôi thôi. Đẩy qua đẩy lại cái tông-đơ điện êm ru vài đường là anh bắt đầu đấm bóp hai bên vai cho khách, sẵn tiện đắp thêm cái khăn lạnh trên mặt xoa qua xoa lại mát rượi êm êm. Sau thì anh mím môi cong lưng lọ mọ ráy tai cho khách, tuy đôi khi khách phải đi bác sĩ tai mũi họng chữa bệnh thối tai do bị lây bệnh từ những lần hớt tóc ngoáy tai chỗ anh.

Mươi năm sau có khối người mở tiệm giống anh. Thậm chí có bà bỏ tiền đi qua Thái Lan học cách làm ăn nên trang bị thêm cả máy lạnh, cùng các em tiếp viên xinh xinh kiêm luôn nghề cắt tóc và mát-xa. Tóc tai cũng làm nên chuyện, gây sự cạnh tranh đấu đá ra trò. Vậy là anh quyết định đầu tư sửa sang quán xá, dán tờ rơi quảng cáo hớt tóc số dách người ơi, có nữ phục vụ ráy tai lẫn đấm xoa, bảo đảm xứng đáng đồng tiền! Anh nghiễm nhiên trở thành ông chủ của chừng năm sáu em tiếp viên mặc quần ngắn áo màu hồng phấn hai dây thả trễ lưng chừng. Sáng sáng anh phe phẩy tờ báo chẳng thiết đọc, nhâm nhi ly cà phê, phì phà điếu ba số và nhìn xuyên qua lớp áo mỏng tang của từng em một cách chằm chằm. Lúc nửa trưa vắng khách thì anh ở lì trong tiệm, có hai em đấm lưng xoa đầu, thiệt là sướng hết chỗ nói.

Nhưng các em không có bàn tay nghệ sĩ như anh nên thông thường cái đầu húi cua của tôi thường mất nét, tóc tai lộn xộn trông như đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc mới về. Có em còn dạn dạn xúi tôi nhuộm một bên vàng, một bên đen để che tóc bạc. Mình nói đến tuổi này rồi sao dám chơi nổi như vậy hả em, thì em cười khăng khắc, mạnh dạn cúi xuống hôn lên vầng trán nhăn nhăn của mình tỉnh rụi, nói chú có già gì đâu, tại chú hổng chịu chơi sộp, hổng chịu nhuộm đầu đó thôi. Nhuộm hôn, vô trong phòng em nhuộm cho anh một chút trẻ lại, hông đẹp trai em gái hông thèm lấy tiền anh ruột đâu! Trời, vậy là đi hớt tóc hay đi kiếm tìm nét xuân thì qua mấy cô em xinh đẹp dẻo mồm hả ta?

Cái kiểu hớt tóc có cô em xinh đẹp đấm bóp xoa lưng sao chẳng thấy ở xứ trời Tây, hay là có ở đâu đó trong ngóc ngách giang hồ mà mình chưa biết được. Chứ như tiệm ông chú John ở khu West End thì khang trang sạch sẽ dường như không thèm vướng chút bụi bặm tình ái tục trần lăng nhăng. Chú kê hai cái ghế xoay đối diện hai tấm kiếng to đùng kéo dài suốt cả tiệm có trang trí chùm hoa giả đỏ rực hai bên. Phía sau là dãy ghế ngồi lót nệm êm ái, có thể dựa người thoải mái, và được nghe nhạc tây sướng tai. Lại còn được chú cho thêm cục kẹo bạc hà ngồi ngậm khơi khơi đọc báo rồi xem ti vi hay đung đưa chân ngồi thưởng thức ly cà phê mua từ quán bên cạnh. Chú nói năng liên mồm, nhưng luôn bắt đầu bằng câu hỏi thăm sức khỏe và câu cuối cùng là chúc bạn một ngày đẹp đẽ với mái đầu xinh. 

Khi biết mình quê ở Việt Nam, chú háo hức hỏi tôi về đất nước có diện tích chưa bằng một phần nước Úc. Những gì tôi nói tựa như khác biệt với những gì chú nghe người ta kể lại về những vùng đất nghèo nàn đầy bom đạn và những con người hay moi móc xin tiền khách phương xa. Tôi mơ màng kể cho chú nghe về đất nước tôi, về con người hồn hậu như đất trời xứ sở. Tôi cũng nói về những ông thợ hớt tóc trong cuộc đời của tôi như chính mình tình tự kỷ niệm cùng bản thân. Những câu chuyện cắt tóc của tôi vốn không tồn tại trong kinh nghiệm cuộc đời khi sống tại nước Úc của chú, nên chú một phần kinh ngạc với cách làm ăn nửa chơi nửa thiệt của người Việt mình nhưng lại phần nào thấy thú vị với kiểu như được đi du lịch vào miền ký ức của một người chưa quen. Dù cảm thấy thoải mái ở tiệm của chú, nhưng mình phải trả hơn 20 đô la cho mỗi lẫn có được cảm xúc như vậy, mà lại phải nói nặn đầu nặn óc bập bẹ tiếng Anh dở ờm của mình. Xem ra hớt tóc ở quê nhà vẫn có phần thú vị hơn, vì nói cho cùng nó vẫn rẻ hơn gấp chục lần, và quan trọng hơn, tôi được nói tiếng Việt cùng với người Việt quê tôi.

Vậy là để tiết kiệm tiền, mình lò dò vào tiệm cắt tóc nữ của mấy chị người Việt ngoài Inala chỉ khoảng hơn mười đô. Mấy chị không bao giờ sử dụng tông-đơ để húi sát da đầu, mà dùng cây kéo cắt sát gốc tóc làm mình hay giật mình nhồn nhột. Được cái gặp được mấy bà cùng quê, lại nghe họ tám chuyện trên trời dưới đất, từ Việt Nam cho đến xứ Huê Kỳ. Có chị nài nỉ mình ngồi chờ dù đến trước để chị có thể tranh thủ dọp dẹp nhan sắc trước khi về Việt Nam chơi. Chị cứ chỉnh sửa tôi về mặt ngôn ngữ khi tôi hỏi rằng khi nào chị đi Việt Nam. Chị không "đi Việt Nam" mà chị "về Việt Nam", chị "đi Úc" chứ chị không "về Úc" nhe em! Có bà lại hỏi sao chị không về Việt Nam cắt tóc cho hợp thời với người ta ở đó. Chị nói rằng bước ra sân bay phải trông cho đàng hoàng một chút, ra nước ngoài mươi năm mà người ta cho là đi ăn mày xứ lạ thì hỏng. Vả lại, sau hai tháng về quê thì tóc cũng ra dài dài, vậy là đi cắt uốn thoải mái ở xứ mình để có đầu tóc Việt Nam mang trở qua Úc, phần nào cũng mang thêm được chút quê hương mà không cần ký gửi chi cho mệt. Cách nói nghe có vẻ sến súa mơ hồ, vậy mà mấy bà trầm ngầm nói ừ, cô nghĩ vậy cũng phải!

Ừ, thì tôi cũng như chị. Hớt tóc ở nơi nào cũng vậy, cắt mớ tóc dài, chải tới chải lui, xịt lên miếng keo thì thành đầu tóc mới. Cái mặt dầu có mới mẻ ra được đôi phần chứ tâm hồn vẫn cũ mèm như hai mươi năm trước. Chắc tôi sẽ về tìm lại tiệm chú Phong, hỏi thăm khắp xóm làng đất đai có còn ai giữ lấy tuổi thơ ngày lên bảy lên mười của tôi, ngày tôi lếch thếch đi dọc con đường đất đỏ hậm hực bứt lá me keo vì cái đầu húi cua xơ xác. Chắc tôi sẽ về thăm ông Bại ngồi bệt hút điếu cày tẩm cần sa lắc lư cắt tóc như lên bóng lên đồng, thèm được ăn một miếng chuối già mùa trước lũ như một sự bồi thường cho những mất mát sau một chuyến đi chơi, dỏng tai nghe tiếng đàn bà nhà quê nói liệu tục tĩu mà mình không bao giờ hiểu ra ý nghĩa. Chắc tôi sẽ ghé Cần Thơ ngồi trầm mình trong tiệm hớt tóc máy lạnh êm êm, nghe cô gái điệu đàng dụ khị anh chàng già háp nhuộm tóc vàng hoe, cười khach khách với những lý luận ngô nghê của nàng khi muốn moi tiền khách. Chắc tôi sẽ trầm ngâm ngồi chờ kỷ niệm tôi quay về nơi góc trường xôn xao tiếng con nít tranh giành và tiếng chắt lưỡi nuối tiếc cho một mái đầu xanh giờ chớm nhuốm màu gió sương.

Tóc xanh gửi lại quê nhà

Nửa chừng bạc tóc thành người xa quê.

.

.

Đỗ Hà - (vào lúc: 14:09 - 09-28-2013)
Từ nhỏ tới giờ, số lần em đi tiệm cắt tóc chắc cũng đếm đươc trên đầu ngón tay. Bởi chẳng để kiểu lá, bầu...gì cho lạ, em để ngang luôn, dài dài là xách cái kéo bảo bố mẹ cắt cho, hôm nào buồn buồn thì tự mình " xử" mình vậy, thật tình không có được những trải nghiệm như tác giả. Bởi vậy, em rất "thấy thú vị với kiểu như được đi du lịch vào miền ký ức của một người chưa quen"- trích câu của tác giả.- mấy chục năm trời, quá nhiều thứ thay đổi, xã hội thay đổi....đến cả " văn hóa" cắt tóc cũng đổi thay

Phamngochien.com - 21:01 - 27/09/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận