Đôi điều suy nghĩ về nhạc Trịnh Công Sơn (Phan Thanh Tâm - Cà Mau)

  

Mỗi người một cảm nhận khác nhau về nhạc Trịnh Công Sơn: người học chuyên môn thì nhìn nhận nhạc Trịnh qua nghiên cứu phân tích ngôn ngữ ngôn từ; người không chuyên môn nhìn nhận nhạc Trịnh qua cảm xúc. Ở góc nhìn của người nghe nhạc tạp nhạp trong đó có nhạc Trịnh Công Sơn là tôi ấn tượng nhất. Trong số các nhạc sĩ nam bắc trước sau 1945 – 1975 và tận đến bây giờ, tôi chọn nhạc Trịnh Công Sơn để làm đối tượng phần trần cảm nghĩ về cách Trịnh Công Sơn sáng tác ca từ…theo quan điểm chủ quan. 

Nghiên cứu một nhân vật quan trọng hay một vấn đề có tính học thuật, nhất là ở cùng một thời đại thì có rất nhiều người tiếp cận nhạc Trịnh với nhiều góc nhìn khác nhau, nhằm làm rõ các vấn đề về ca từ là điều rất thú vị chưa được khám phá rõ nét. Theo tôi, khi biết cấu trúc đảo từ của nhạc Trịnh nhằm tạo ra từ mới lạ giàu cảm xúc thì nhạc Trịnh trở nên gần gũi... Tuy nhiên, để hiểu thấu tâm tư tình cảm của tác giả thì không dễ. Ngoài hoán đổi từ, so sánh ẩn dụ thì ông còn cách nói lạ độc đáo của riêng mình như định danh lại một từ ngữ thông thường nào đó, và khi ông định danh thì từ đó nghe cảm xúc hơn nên ca từ nhạc Trịnh luôn nghe lạ và thực ảo…. Tôi không rành ngữ văn ngữ học, nên nghe nhạc Trịnh thì thấy ông có cách nói lạ tự nhiên như người bị rối loạn ngôn ngữ….Đa phần các bản tình ca của ông đoán chừng chiếm 80% dung lượng nói lạ độc đáo sắc sảo. Theo tôi dùng công thức so sánh ẩn dụ gì đó mà ngành văn chương hay làm trong sáng tác, theo tôi, không thể giải quyết được cái ngôn ngữ lạ cực kỳ của ông. Ca từ của ông khi nghe khó phân biệt đâu là so sánh đâu là ẩn dụ…mọi cái bị mờ nhòa tạo cái nói lạ thực thực hư hư vô nghĩa. Từ, cụm từ ông dùng như thể câu triết lý về điều gì đó ông đang trăn trở. Đôi khi cảm xúc của ông vượt lên cái hư vô siêu hình mênh mông thì khó minh định bằng ngôn ngữ hiểu theo cách thông thường, cái cảm cái hiểu của ông không phải là lý trí mà là cảm xúc siêu nhạy của ông. Chính cái này làm nên triết lý vi diệu của ông về tình yêu kiếp nhân sinh. Nói tới đây tôi nhớ nhà thơ Bùi Giáng, có giai đoạn ông mắc bệnh tâm thần hay rối loạn ngôn ngữ, ông làm thơ làm văn trong tâm trạng của người không bình thường. Tôi biết được điều này là qua bài thu âm của ai đó ghi lại nguyên văn của nhà thơ Bùi Giáng, nghe rất lạ, lời nói thường ngày xen lẫn lời nói không thường, nghe có hiểu có không!... Tôi đoán lúc này lý trí không làm chủ mà hoàn toàn do cảm xúc làm chủ, nó trôi mênh mông không chủ định vì thiếu lý trí chỉ hướng kiềm hảm, trạng thái của người bệnh tâm thần giống như vậy. Tôi không có ý nói Trịnh Công Sơn bệnh tâm thần, chỉ minh chứng  lý trí và cảm xúc cái nào trội hơn thì dẫn dắt cái kia. Nhạc Trịnh Công Sơn có hai dòng: Tình ca và Phản chiến, tôi nhớ trong dòng Phản chiến có “Ca khúc da vàng” rất thịnh hành và có lúc bị cấm. Ở dòng Phản chiến ông cũng so sánh ẩn dụ và nói lạ nhưng nghe rất hiểu ý ông. Nhạc Phản chiến kêu gọi thức tỉnh, phản ánh một thực tại xã hội đương thời, các sự kiện biến cố không thể bóp méo. Khi nghe nhạc Phản chiến người ta sẽ hiểu có sự kiện biến gì đã xảy ra trong đời sống xã hội và lich sử một thời. Dòng nhạc Tình ca lãng mạn xa rời thực tế đại diện cái tôi thầm kín của con người Trịnh Công Sơn, đó là tình yêu và kiếp nhân sinh cũng là thế giới nhân sinh quan của Trịnh Công Sơn. Theo tôi tìm hiểu nhạc Trịnh Công Sơn cần đào sâu thế giới nội tâm của ông, chính điều này làm nên ca từ của ông, còn mọi thứ khác chỉ là công cụ cho ông biểu đạt tình cảm của cái tôi thầm kín. Hiểu là nghiên cứu, nghe là cảm xúc: Thiếu một trong hai thì khó hiểu nhạc Trịnh Công Sơn là điều hiển nhiên! 

Theo tôi khai thác và hiểu được ca từ nhạc Trịnh thì dễ dàng hiểu được các ca từ của những nhạc sĩ không kém cạnh ông bao nhiêu. 

Thước đo cái đẹp…. 

Thời con người mới có trí khôn thì các khái niệm về thiên nhiên sự vật mới có. Thời Nguyễn Du con người luôn lấy cái đẹp thiên nhiên làm thước đo cho cái đẹp con người. Nguyễn Du tả sắc đẹp Thúy Vân: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”; tả Thúy Kiều: “Hoa khen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Thời văn học lãng mạn Âu-Mỹ thì có thơ Nguyên Sa “Áo lụa Hà Đông”: “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”, lúc này con người trở lại lấy cái đẹp con người làm trung tâm so sánh. Giá như em không mặc áo lụa Hà Đông thì Sài Gòn nắng chết người! Ngày nay thời @ 4.0, ngôn ngữ  thơ ca âm nhạc có khác. Nói vui! Nghe nhạc Rap như nghe chửi lộn, sử dụng ngôn ngữ đời thường và bỏ thêm chút từ lóng cho nó thời đại, ca từ nói nhanh như tia chớp không kịp nghe kịp cảm. Vậy là hiểu về nhạc Rap cũng không dễ lắm! 

Quan niệm về cái đẹp thiên nhiên và con người mà Trịnh Công Sơn cảm tác vào nhạc thì đã có từ rất lâu đời, từ thời tổ tiên sống trong hang động khắc đẻo trên vách đá hình muôn thú cây cỏ…và kéo mãi đến thời Tây học Âu-Mỹ và tận bây giờ cũng vẫn thế. Ông mượn cảnh sinh tình, so sánh ẩn dụ, quán đổi cái hiển nhiên trở thành ý niệm khái niệm mới của riêng mình. Ông không theo cái qui cũ của ngôn từ thông thương mà sắp xếp lại theo cách cảm của ông để cho ra ngôn từ mới lạ và chỉ ở nhạc Trịnh mới có thì đủ thấy sự hiếm hoi trong kho tàng văn chương từ cổ chí kim. Tôi mặc định ngôn ngữ ca từ của Trịnh Công Sơn là ngôn ngữ lạ. Muốn giải mã nó thì cần hiểu về con người làm ra nó. Theo tôi chọn ca từ nói lạ nào đó rồi thay đổi trật tự chúng thành trật tự thông thường, vì cách nói lạ giống như cái ly mặc định trở thành cái ca.v.v…Sau đó ghi lại toàn bộ ca từ được giải mã bằng ý thông thường thì sẽ hiểu ý ca từ của ông ở chừng mực nào đó. Dù có tìm hiểu thế nào thì chỉ được một phần nổi của tảng băng, phần chìm tiềm thức có từ muôn kiếp thì khó đào sâu tận đáy lòng của Trịnh Công Sơn. Vì hiểu nhạc Trịnh không phải ở giá trị học thuật, sự tài hoa mà là cái Tâm của Trịnh Công Sơn về tình yêu về kiếp nhân sinh, về đạo về đời…(có khi hiểu một người ta hiểu cả thời đại). Thương là trách nhiệm là sự hiến dâng không mong cầu, yêu là mong muốn của cái tôi thấp hèn. Nghe nhạc Trịnh ta cảm được thương và cho nhiều hơn nhận. Đoán chừng tâm linh của ông rất nhạy cảm ông nhìn sự vật bằng trực cảm rồi linh cảm ra nó như có nỗi buồn vui, sự khắc khoải cô đơn…Ông nói với cỏ cây như nói với người mình yêu, ông thương nhớ thương tả người tình bằng những sắc thái thiên nhiên rất độc lạ! Sắc thái sự vật mà ông tả như sờ nắn được, ông hiểu tâm vật song hành, có vật thì có tâm, có tâm thì có vật. Một chiếc lá rơi cũng có xác có hồn, có thân phận của nó sinh ra từ cành cây cao rồi rơi bay xuống đất như thể trở về nguồn cội chăng!? Ông cảm cái Ta vô thường, cát bụi trở về bụi cát. Và hơn một lần trong nhạc của ông đã nói về kiếp luân hồi sinh tử, cho thấy ông ảnh hưởng Phật giáo về thuyết luân hồi, phải chăng Trịnh Công Sơn đã luân hồi làm nhiều kiếp mới có được Trịnh Công Sơn như cái mà ông để lại cho đời!? 

Nhạc của Trịnh Công Sơn không những đẹp về sắc thái ca từ mà còn đẹp về sắc thái cung điệu….Giai điệu khoan thai thư thả không cầu kỳ gấp rút; ca từ của ông đậm tính tự sự như kể như nói với ai điều gì. Lời giai điệu nhạc của ông không chút ủy mị đau thương hay gào thét thù hận, giống như cái tâm thong dong của ông đi giữa cuộc đời sinh tử, thanh thảng về cội nguồn và yêu thương cuộc đời mình ở. Tôi nghĩ thành công ở nhạc Trịnh có phần không nhỏ của giai điệu. Thử tưởng tượng ca từ của ông đặt vào giai điệu nhấp nhô sóng trào, gào thét tuyệt vọng và đầy thù hận thì ca từ sẽ ra sao và cái Tôi của Trịnh Công Sơn như một người bệnh tâm thần!... Giai điệu đẹp đong đầy cảm xúc khiến các nhạc sĩ hòa âm tài danh tranh làm hòa âm nhạc Trịnh không lời bằng guitar, piano…như danh kèn sexophon Phạm Minh Tuấn(Trần Mạnh Tuấn) độc tấu Tình khúc Trịnh Công Sơn suốt mấy giờ liền mà chưa hết tình ca của ông. Nhạc của Trịnh Công Sơn đem ra hát hết thì sẽ mất bao nhiêu thời gian!? 

Tôi nhớ truyện Kiều có nhiều điển tích của Trung Quốc, đọc Kiều mà không hiểu điển tích thì không hay. Ví như nhạc Trịnh có nhiều cách nói lạ như một điển tích thì rất cần thấu hiểu. Danh Hào Nguyễn Du sử dụng điển tích vay mượn, Trịnh Công Sơn sáng tạo ra điển tích của mình: Một sáng tạo có thể gọi là đỉnh cao ca từ, đỉnh cao ngôn từ, đỉnh cao nghệ thuật học thuật gì đó chăng? Tôi nói điều này không có ý so sánh thi hào Nguyễn Du với Trịnh Công Sơn, nhưng mỗi cá nhân đều có thể trở thành vĩ nhân về tài nghệ của mình. Nghệ thuật không có đỉnh cao, cái sau phủ định cái có trước là một định luật tự nhiên để phát triển và sẽ có người thay thế Trịnh Công Sơn như phá kỷ lục điền kinh! Hỏi bao năm, ngàn năm, trăm năm thì không ai biết. Tôi nghĩ danh từ nhạc sĩ tài hoa chưa xứng cho Trịnh Công Sơn. 

Lý trí và cảm xúc…. 

Khi sáng tác người nghệ sĩ sử dụng cảm xúc nhiều hơn lý trí, hai yếu tố này như hai vòng tròn chồng nhau, khi cảm xúc thăng hoa sẽ lấn át lý trí đến cực nhỏ, mặc tình cho cảm xúc tung hoành. Lúc này tinh thần vượt khỏi ý niệm bình thường sang trạng thái siêu ý niệm, khi đạt trạng thái này cảm xúc như trôi vào vũ trụ mênh mông, ở trạng thái tự do các ý niệm mới nở hoa và tỏa hương rồi kết thành cái tinh anh nhất. Cuối cùng ý niệm mới tạo thành khái niệm mới(…) Con người từ khi sinh ra đã nằm trong cái nôi của tạo hóa, nên con người và thiên thiên luôn có mối liên kết vô hình, người nào linh cảm tốt sẽ hiểu rõ quy luật này, như vậy đối tượng vẫn là thiên nhiên vẫn là con người cụ thể đã ăn sâu vào tiềm thức cùng các ý niệm, khái niệm, để biểu đạt người ta mặc định những vật tự nhiên đó thành khái niệm chỉ định để thông tin giao tiếp với nhau. Trịnh Công Sơn ý niệm ra khái niệm mới để ông dễ dàng giao tiếp với cỏ cây thiên nhiên mà ông cho là hữu tình chăng? 

Nhạc Trịnh Công Sơn từ Tình ca đến Phản chiến không vắng bóng cỏ cây thiên nhiên, điều này cho thấy ông yêu thiên nhiên vô cùng. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn như lãng đãng về miền xa lạ, lạc giữa núi rừng mênh mông hùng vĩ róc ra róc rách suối reo buổi hoàng hôn bình minh, tiếng chim da diết nhớ kêu bạn tình, lời thì thầm của dòng sông.v.v….Mọi thứ như biết nói biết vui buồn và rất biết thân phận của mình cũng cô đơn đứng giữa vũ trụ bao la vô cùng! 

Theo tôi, người nào tự cho rằng mình hiểu về nhạc Trịnh Công Sơn sẽ không còn hứng thú lắm vì nghĩ rằng mình đã vén được bức màn bí mật, nhưng thật ra chỉ mới hé mở! (tôi không nói những nhà nghiên cứu). Trừ người đó là Trịnh Công Sơn tái thế! Cho nên những người yêu nghe nhạc Trịnh mà không có sự hiểu biết gì nhiều thì nghe bền bỉ và rất ý vị, vì mãi đuổi theo ca từ lạ rồi hình dung đủ thứ cảnh chuyện, giống như đèn điện tử giăng giăng ở các cửa hiệu quán xá ban đêm, chớp tắt xanh đỏ tím hồng trông rất đẹp hấp dẫn mà không phân biệt nổi cái nào chớp tắt trước cái nào! Nghe nhạc Trịnh gợi cho ta nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều viễn trừu rất xa lạ. Ca từ nhạc Trịnh Công Sơn thách thức người nghe: “Các vị nghe nhạc của tôi mà có hiểu những gì tôi đang nói không? Tại sao tôi phải nói như vậy – đơn giản chỉ là cái tôi thầm kín! Cái tôi của riêng thì khó ai hiểu. Tôi không hiểu anh thì anh sao hiểu tôi! Đừng thắc mắc sao nghe nhạc Trịnh mà tôi không hiểu thấu đáo ý tác giả muốn nói gì, xin đừng quan tâm điều đó. Nghệ thuật không cần bạn hiểu thấu đáo như xây một căn nhà phải cần bao nhiêu vật liệu, bao nhiêu tiền…Nghệ thuật cần độ cảm nhạy hơn là lý trí rạch ròi. Nghệ sĩ sáng tạo ra sản phẩm bằng dung lượng cảm xúc lớn hơn lý trí rất nhiều lần. Một sản phẩm tinh thần đòi hỏi hiểu như một sản phẩm khoa học thì hơi khó. 

Đây là những gì tôi cảm nhận được khi nghe nhạc Trịnh và có chút trăn trở về ca từ của ông từ hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ tôi nghe nhạc Trịnh và ít khi hiểu về nó,  cho đến bây giờ gần 70 tuổi mà tôi vẫn chưa hiểu mấy, chỉ cảm là chính, nói cảm thì cảm thế nào? Tôi vốn khó ngủ thường nghe nhạc tận nửa đêm nghe Khánh Ly, Ngọc Lan hát về Tình ca nhạc Trịnh, lắm lúc bao ký ức ùa về lẫn lộn cái xa xôi sâu tận tiềm thức, đôi lúc tim tôi nhói đau mà không biết tại vì sao!? Một điều tôi rút ra khi nghe nhạc Trịnh: yêu thương nhẹ nhàng, chia ly nhẹ nhàng, hờn nhẹ nhàng, đi nhẹ nhàng, mọi thứ không ồn ào đai nghiến…Cảm mình cao thượng hơn trong tình người và tình yêu thương gia đình. Nhạc Trịnh bi không lụy, thương không hận, nhớ không cuồng….Một điều nữa là Trịnh Công Sơn hiếm dùng từ nhân xưng: “Anh và Em”, ông dùng từ “Ta và Tôi” khá nhiều trong ca khúc khi nói về mình. Từ Ta hàm nghĩa bao dung độ lượng, mở vòng tay đón nhận cái gì đó từ người khác; từ Tôi hàm nghĩa cái Tôi bên trong của Trịnh Công Sơn là cõi lòng. Từ Anh và em mang ý nghĩa giao tiếp đối thoại bên ngoài cái bản ngã con người. 

Nghe nhạc Trịnh ngỡ lạc vào “Vườn hoa cổ tích” có muôn ngàn sắc thái loài hoa lạ tỏa hương quyến rũ…Nghe một lúc ngỡ lạc vào “Vườn hội họa” đầy sắc màu cung bậc cùng nhiều thể loại tranh vẽ, từ tranh chân dung mỹ nhân, tranh ấn tượng lấp lánh sắc màu, tranh trừu tượng khó hiểu…Mọi thứ choáng ngộp sắc thực sắc ảo như khi nghe nhạc của ông vậy, nhạc của ông đa sắc thái và đong đầy cảm xúc lạ, phụ thuộc vào độ nhạy và trí tưởng tượng của mỗi người nghe. 

Ở dòng nhạc các tác giả khác, khi nghe một câu, một đoạn ta có thể biết câu và đoạn tiếp theo, chưa kết bài thì đã hiểu ý tác giả muốn nói gì, giống như đọc tiểu thuyết biết trước cái kết dễ nhàm chán không muốn đọc nữa. Trái lại, ý này dẫn dắt ý kia, chỗ nào thắt nút, đoạn nào cao trào, chỗ nào mở nút rồi kết, ta không đoán được ý tác giả nên mê mẩn đọc cho hết để biết kết cục ra sao, nhất là truyện ly kỳ bí hiểm, nhạc Trịnh Công Sơn tương tự như vậy. Nhạc của ông hiếm xưng hô “anh, em”, xưng “anh, em” mang tính đối thoại nhân vật: khi kẻ nói giận người nói thương thì ai cũng hiểu rõ. Nhạc Trinh Công Sơn có bài mượn gió bẻ măng, hàm ý xa xôi, tính đối thoại giữa hai nhân vật là Người là ít có trong nhạc. Chỉ có xưng Ta nói với cái Tôi tự sự, ngôn ngữ giao tiếp giữa cái Ta và cái Tôi là vật thiên nhiên hữu tình mà ông cảm tác, ông so sánh ẩn dụ cực kỳ hay, ông ví von hàm ý đến lạ và khó hiểu! 

Đêm nghe, “Một cõi đi về”, “Cát bụi”, bên cạnh như có vị thiền sư vỗ dành giấc ngủ: “Hãy ngủ đi đừng sợ chết! Sáng mai thức dậy rồi đi làm việc để trả nợ đời!...” 

Bao năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi xuống trăm năm một cõi đi về

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn vậy

Ôi cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi

 

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi trở về làm cát bụi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày

….

Cuối cùng đỉnh cao nhạc Trịnh Công Sơn ở ngôn từ nói lạ hay đỉnh cao của cái đẹp tâm hồn??? 

Mỗi người đều có câu trả lời riêng! 

11 giờ 15, ngày 5.12.2018 Nhâm Tuất

Phan Thanh Tâm


Phamngochien.com - 08:00 - 13/01/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận