Tác giả: Tư Mã Quang
Người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa
Dẫn nhập:
Năm 184, khởi nghĩa Hoàng Cân bùng nổ, Trung Nguyên bắt đầu đi vào thời loạn lạc, nhà Đông Hán cũng trở nên suy yếu.
Năm 189, Hán Linh Đế băng hà, Hán Thiếu Đế lên ngôi, trong triều xảy ra xung đột giữa hoạn quan và ngoại thích. Cuối cùng, quyền hành về tay Đổng Trác. Năm đó, Đổng Trác phế Thiếu Đế và lập Hiến Đế. Trong suốt thời gian trị vì, Hán Hiến Đế lần lượt bị các quyền thần uy hiếp, Hán thất chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
Lúc bấy giờ, các thế lực chư hầu lại không ngừng mạnh lên và cát cứ khắp nơi. Sau một thời gian chinh chiến, cuối cùng hai thế lực mạnh nhất còn tồn tại là Tào Tháo ở phương Bắc và Tôn Quyền ở phương Nam.
Tào Tháo có được "thiên thời": mượn danh thiên tử để hiệu lệnh chư hầu.
Tôn Quyền thì có được "địa lợi": địa hình Đông Ngô là sông nước khó đi, lại thêm Trường Giang làm lá chắn.
Năm 208, Tào Tháo quyết định dẫn quân Nam hạ, muốn thu phục Giang Đông. Tôn Quyền và Lưu Bị liên minh, đánh bại Tào Tháo ở Xích Bích.
Trận Xích Bích là một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, hơn nữa còn có tính quyết định đến thế cục đương thời. Sau trận đó, Tào Tháo với Tôn Quyền cơ bản cân sức nhau, đồng thời thế lực của Lưu Bị cũng đang từng bước nổi lên, tiếp tục thi hành "Long Trung đối sách" của Gia Cát Lượng, chuẩn bị chiếm lấy Kinh Châu và Ích Châu, tranh thủ yếu tố "nhân hòa", cùng hai họ Tào, Tôn chia ba thiên hạ.
.---oOo---
.
Hiếu Hiến hoàng đế, niên hiệu Kiến An thứ 13 (Mậu Tý, năm 208 sau Công Nguyên)
Mùa đông, tháng Mười, ngày mồng một, Quý Mùi, có nhật thực.
Lúc trước, Lỗ Túc (2) nghe tin Lưu Biểu (3) mất, nói với Tôn Quyền (4) rằng:
"Kinh Châu là nơi tiếp giáp với nước ta, sông núi hiểm trở kiên cố, đất đai màu mỡ trải vạn dặm, dân chúng lại vô cùng giàu có, nếu như chiếm lấy được thì đó chính là vốn liếng của đế vương. Nay Lưu Biểu vừa chết, hai con bất hòa, các tướng trong quân ai nấy đều có lòng riêng. Lưu Bị là kiêu hùng trong thiên hạ, có hiềm khích với Tào Tháo, đến nương nhờ Biểu, Biểu lại kiêng dè tài ấy nên không dùng. Nếu Bị và bên đó hợp sức, trên dưới đồng lòng, ắt sẽ vỗ yên và kết minh được. Còn như họ chia rẽ thì ta nên tính đường khác để gây dựng nghiệp lớn. Túc xin được nhận mệnh đến chỗ hai con của Biểu phúng điếu, cũng là để ủy lạo những kẻ đang chấp sự trong quân, ngoài ra còn khuyên Bị vỗ yên bộ chúng của Biểu, đồng tâm hiệp lực, cùng chống lại Tào Tháo, Bị tất sẽ vui vẻ làm theo. Nếu việc này mà sắp xếp ổn thỏa thì thiên hạ có thể an định. Nay ta mà chậm trễ thì e rằng Tào Tháo sẽ tới trước đó!".
Quyền liền phái Túc đi.
Đến Hạ Khẩu, nghe tin Tháo đã tiến về Kinh Châu, (Lỗ Túc) liền đi cả ngày lẫn đêm, nhưng khi tới Nam Quận thì Lưu Tông đã đầu hàng (Tào Tháo), còn Lưu Bị thì chạy về phía Nam, Túc bèn nghênh đón và gặp được Bị tại Trường Bản ở Đương Dương (5). Túc nói rõ ý định của Tôn Quyền, bàn đại thế thiên hạ, tỏ ý rất ân cần, còn hỏi thăm Lưu Bị:
"Nay Dự Châu định đi đâu?".
Bị nói:
"Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự vốn có giao tình với tôi, tôi muốn tới đó đầu quân".
Túc nói:
"Tôn Thảo Lỗ thông minh, nhân đức, kính trọng người hiền, lấy lễ đối đãi với kẻ sĩ, anh hào Giang Biểu lẫn mấy vùng lân cận đều tới quy phục, đã chiếm cứ sáu quận, binh giỏi lương nhiều, đủ sức dựng nghiệp. Nay tôi tính thay ngài, sao ngài không sai kẻ tâm phúc tới Đông Ngô kết minh, cùng mưu đại sự, mà lại đến chỗ Ngô Cự đầu quân? Cự là hạng phàm phu, còn đóng ở một quận xa xôi, trước sau gì cũng bị người ta thôn tính, há nương cậy được ư?".
Bị vui lắm. Túc lại nói với Gia Cát Lượng (6): "Tôi là bạn của Tử Du đây", rồi họ kết giao bằng hữu. Tử Du chính là anh của Lượng, Gia Cát Cẩn vậy. Cẩn vì tránh loạn nên tới Giang Đông, làm Trưởng sử cho Tôn Quyền. Bị theo kế của Túc, tới đóng ở Phàn Khẩu tại Ngạc Châu.
Tào Tháo từ Giang Lăng xuôi xuống Giang Đông. Gia Cát Lượng nói với Lưu Bị: "Việc gấp lắm rồi, xin cho tôi phụng mệnh đến cầu cứu Tôn Tướng quân", rồi cùng Lỗ Túc đi đến chỗ Tôn Quyền. Lượng gặp Quyền ở Sài Tang, nói với Quyền rằng:
"Khắp nơi đại loạn, tướng quân khởi binh ở Giang Đông, Lưu Dự Châu thì thu được bộ chúng Hán Nam, cùng tranh thiên hạ với Tào Tháo. Nay những mối lo của Tào Tháo ở phương Bắc, cơ bản đã yên, hắn còn phá được Kinh Châu, uy chấn bốn biển (7). Anh hùng không có đất dụng võ, nên Dự Châu mới chạy trốn tới đây, muốn nhờ đến sức của tướng quân. Nếu tướng quân có thể khiến một dải Ngô, Việt cân bằng với Trung Quốc, vậy chi bằng sớm đoạn tuyệt với Tào Tháo đi. Còn nếu không thể, sao ngài còn chưa án binh giải giáp, quay mặt về hướng Bắc (8) mà thờ hắn? Nay tướng quân ngoài mặt dựa vào danh nghĩa quy thuận triều đình, nhưng trong lòng còn do dự suy tính, việc cấp bách mà không chịu quyết đoán, ngày họa đến tất chẳng còn xa đâu".
Quyền nói:
"Nói như ông, vậy sao Lưu Dự Châu không đi thờ Tào Tháo?".
Lượng nói:
"Điền Hoành (9) chỉ là tráng sĩ nước Tề mà còn biết giữ nghĩa không chịu nhục, huống chi Lưu Dự Châu là hậu duệ hoàng thất, anh tài cái thế, chúng sĩ ngưỡng mộ tìm đến như dòng nước trôi ra biển. Nếu như việc chẳng thành thì đó là ý trời, kháng lại được sao?".
Quyền nổi giận nói:
"Ta không thể đem toàn bộ đất của nước Ngô với mười vạn dân chúng giao cho người khác sử dụng. Ý ta đã quyết! Ngoài Lưu Dự Châu thì không ai có thể chống lại Tào Tháo, nhưng Dự Châu vừa thua trận, liệu có gánh vác được hay không?".
Lượng nói:
"Tuy Dự Châu vừa thua tại Trường Bản, nhưng nay binh sĩ đã lần lượt kéo về, tính cả thủy quân của Quan Vũ thì được một vạn tinh binh, còn binh tướng do Lưu Kỳ (10) chiêu mộ ở Giang Hạ cũng không dưới vạn người. Quân của Tào Tháo đường xa mệt mỏi, nghe nói lúc truy đuổi Dự Châu, khinh kỵ một ngày một đêm rong ruổi hơn ba trăm dặm, đó gọi là "thế nỏ đã hết, tên không xuyên được Lỗ cảo (11)". Cũng chính là điều cấm kỵ "phải đánh gục thượng tướng quân" mà binh pháp thường nói đến. Với lại người phương Bắc vốn không quen thủy chiến, ngoài ra, dân chúng Kinh Châu theo Tào Tháo là do bị bức bách, chứ không hề tâm phục. Giờ tướng quân mà sai mãnh tướng thống lĩnh vạn binh mã, đồng tâm hiệp lực với Lưu Dự Châu, tất phá được quân Tào. Tào Tháo thua trận sẽ phải rút quân về phương Bắc. Như vậy, lực lượng Kinh Châu và Đông Ngô lại mạnh lên, thế chân vạc được tạo lập. Mấu chốt thành bại, đều phụ thuộc vào ngày hôm nay!".
Quyền vui mừng, cùng bàn bạc với quần thần.
Lúc bấy giờ, Tào Tháo gửi thư cho Tôn Quyền, viết rằng: "Gần đây, ta phụng mệnh thảo phạt kẻ có tội, cờ mao vừa hướng về phía Nam thì Lưu Tông (12) đã bó gối xin hàng. Nay ta dẫn tám mươi vạn thủy quân, muốn cùng tướng quân đi săn ở đất Ngô". Quyền đưa thư xuống cho mọi người xem, ai nấy đều kinh hoàng thất sắc. Bọn Trưởng sử Trương Chiêu (13) nói:
"Tào Công là sài lang hổ báo, uy hiếp thiên tử để chinh phạt bốn phương, mượn danh nghĩa của triều đình, giờ muốn kháng lại ông ấy thì danh không chính mà ngôn cũng không thuận. Hơn nữa, ưu thế tướng quân có thể dùng để chống Tào, đó là Trường Giang. Nay Tháo đã thu phục và chiếm giữ Kinh Châu, thủy quân của Lưu Biểu có đến ngàn chiến thuyền, Tháo dẫn toàn bộ men theo sông, cùng với bộ binh, chia hai đường thủy, bộ tiến xuống, như vậy cũng tận dụng được tính hiểm trở của Trường Giang giống chúng ta, còn lực lượng hai bên nhiều ít thế nào thì không cần bàn tới. Theo ngu ý của thần, cách tốt nhất là nên đón tiếp ông ta".
Chỉ có Lỗ Túc là im lặng không nói gì. Quyền đứng dậy đi thay áo, Túc đuổi theo tới mái hiên. Quyền biết ý, bèn nắm tay (Lỗ Túc) hỏi:
"Khanh muốn nói gì?".
Túc nói:
"Thần xem xét lời lẽ mà những người kia vừa nói, thấy chỉ toàn khiến tướng quân sai lầm, không thể mưu toan đại sự. Như Túc thì có thể đón Tào Tháo, còn tướng quân thì không thể. Vì sao nói vậy? Vì nếu Túc đón Tào Tháo, hắn sẽ để Túc về quê, luận bình danh vị, cũng không mất chức tùng sự bên Tào, được ngồi xe trâu kéo, có lại tốt theo hầu, kết giao với các sĩ đại phu, còn có thể làm quan ở châu, quận nữa. Nhưng tướng quân mà đón Tào Tháo thì trở về được hay sao? Xin sớm ra đại kế, chớ dùng lời nói của quần thần!".
Quyền than rằng:
"Bàn luận của bọn họ phần lớn khiến cô (14) thất vọng. Nay khanh tâu rõ sách lược, chính hợp với ý cô".
Khi đó, Chu Du (15) đang nhận sứ tới Phiên Dương, Túc khuyên Quyền triệu Du về. Du đến, nói với Quyền rằng:
"Tào Tháo tuy mượn danh Hán tướng, nhưng thực ra là Hán tặc. Tướng quân có thần võ hùng tài, còn nhờ cậy danh liệt của cha anh mà cát cứ Giang Đông, đất trải mấy ngàn dặm, tinh binh đủ dùng, anh hùng đều được trọng dụng, có thể tung hoành thiên hạ, vì nhà Hán diệt giặc trừ gian. Huống hồ Tháo đem cái chết đến tặng, đón hắn sao được? Xin tướng quân tính thử xem: nay đất Bắc chưa yên, Mã Siêu, Hàn Toại vẫn còn ở Quan Tây, là hậu hoạn của Tào Tháo, ấy vậy mà Tháo dám bỏ yên ngựa, kết thuyền bè, tranh đấu với Ngô, Việt, chưa kể đang lúc giá lạnh, ngựa không đủ cỏ rơm, xua binh chúng Trung Quốc lội xuống chỗ sông nước xa xôi, không quen thủy thổ, họ tất sinh bệnh. Những điều đó là mối lo của kẻ dùng binh, nhưng Tào Tháo đều bất chấp. Tướng quân muốn bắt Tào Tháo thì nên nhân dịp này. Du xin nhận vạn tinh binh, tiến đến Hạ Khẩu, đảm bảo phá sạch quân Tào cho tướng quân".
Quyền nói:
"Lão tặc này muốn phế nhà Hán và tự lập đã lâu rồi, chỉ e dè Nhị Viên, Lữ Bố (16), Lưu Biểu và cô đây mà thôi. Nay mấy kẻ kia đều bị diệt, chỉ có cô vẫn còn. Cô và lão ấy thế bất lưỡng lập, ông nói nên đánh, rất hợp với ý cô, đúng là trời ban ông cho cô vậy!".
Bèn nhân đó rút đao chém bàn ở trước mặt, nói:
"Các vị tướng quân, quan lại, người nào còn dám nói nghênh đón Tào Tháo, sẽ như cái bàn này!".
Rồi cho bãi chầu.
Đêm ấy, Chu Du lại đến nói với Quyền:
"Mọi người nhìn thấy trong thư Tháo nói có tám mươi vạn quân thủy, bộ mà đâm ra lo sợ, chẳng chịu xem xét lại thực hư, vừa cho mở hội thì đã nói những lời không đúng. Nay ta lấy sự thật mà tính toán: Tào Tháo dẫn binh chúng Trung Quốc không quá mười lăm, mười sáu vạn người, sớm đã sinh bệnh, thêm cả quân của Lưu Biểu thì cùng lắm cũng chỉ bảy, tám vạn mà thôi, họ vẫn còn chưa tin hắn. Lấy binh tốt bệnh tật bổ sung với quân sĩ chưa tin tưởng, quân số tuy đông, nhưng đâu đáng sợ. Du lấy năm vạn tinh binh là đủ để đánh hắn, xin tướng quân chớ lo!".
Quyền vỗ lưng ông, nói:
"Công Cẩn, khanh nói như vậy rất đúng với những điều trong lòng cô. Bọn Tử Bố, Nguyên Biểu (17) ai nấy đều lo đến vợ con, nảy sinh bụng riêng, thật đáng thất vọng, chỉ có khanh và Tử Kính là giống với cô thôi, cô có được hai khanh, đúng là trời tặng cho đó. Năm vạn quân thì khó tập hợp ngay, nhưng đã có đủ ba vạn, thuyền chiến, lương thảo cũng đều chuẩn bị xong. Khanh cùng Tử Kính, Trình Công (18) xuất phát trước, cô sẽ tiếp tục điều động người, đưa xe chở, vật tư đến tiếp viện cho khanh. Khanh thấy thắng được thì tự mình định đoạt, còn nếu không thắng nổi cứ quay về chỗ cô, cô sẽ quyết chiến với Mạnh Đức".
Bèn phong Chu Du, Trình Phổ làm Tả, Hữu Đô đốc, dẫn binh cùng Lưu Bị hợp sức kháng Tào, phong Lỗ Túc làm Tán quân Hiệu úy, trợ giúp sách lược.
Lưu Bị ở Phàn Khẩu, ngày ngày sai quân sĩ đi tuần men sông, trông chờ quân của Tôn Quyền. Khi họ thấy thuyền của Chu Du, liền vào tâu với Bị, Bị sai người đến ủy lạo. Du nói: "Ta có nhiệm vụ trong quân, không thể nhờ ai thay thế. Ví phỏng (Lưu Bị) có thể hạ cố đến gặp mặt, thì thật đúng với mong đợi của ta". Bị bèn ngồi thuyền đơn đến gặp Du, hỏi:
"Nay kháng Tào Công, mưu kế phải bàn tính cho kỹ. Không biết quân sĩ được bao nhiêu?".
Du nói:
"Ba vạn người".
Bị nói:
"Ít quá!".
Du nói:
"Vậy là đủ rồi, Dự Châu cứ xem Du đánh bại hắn".
Bị muốn mời Lỗ Túc đến nói chuyện, Du nói:
"Ông ấy đang có việc trong quân, không thể tùy tiện giao phó. Nếu muốn gặp Tử Kính thì có thể đợi dịp khác".
Bị rất hổ thẹn, nhưng cũng rất vui mừng.
Chu Du tiến quân, gặp Tào Tháo tại Xích Bích. Lúc bấy giờ, quân Tào phần lớn đã sinh bệnh, bắt đầu giao chiến thì Tào Tháo gặp bất lợi, phải rút về bờ Bắc Trường Giang. Du đợi ở bờ Nam, bộ tướng của Du là Hoàng Cái nói: "Nay giặc đông ta ít, khó lòng cầm cự lâu. Quân Tào vừa mới nối các thuyền lại, đầu đuôi tiếp nối nhau, có thể thiêu sạch chúng". Bèn chọn lấy mười chiếc thuyền chiến, chở đầy củi đốt, cỏ khô, rưới dầu trong đó, lấy màn phủ bên ngoài, trên cắm cờ xí, chuẩn bị cả thuyền ngầm, buộc tại đằng đuôi. Trước đó, (Hoàng Cái) đã gửi thư cho Tháo, nói dối là muốn quy hàng. Khi ấy gió Đông Nam thổi rất mạnh, Cái cho mười chiếc thuyền lên trước, căng buồm giữa sông, những thuyền còn lại thì tiến theo sau. Quân tướng, quan lại, sĩ tốt của Tháo đều ra khỏi doanh đứng xem, chỉ trỏ, nói là Cái đến hàng đấy. Cách quân phương Bắc còn hơn hai dặm, họ đồng loạt phát hỏa, lửa to gió lớn, thuyền lao tới tựa tên bay, đốt sạch tàu phương Bắc, cháy thẳng lên tới các doanh trại trên bờ. Trong khoảnh khắc ấy, khói lửa đầy trời, người ngựa bị thiêu chết vô số. Bọn Chu Du suất lĩnh khinh kỵ tinh nhuệ, trống đánh như tiếng sấm, cùng nhau tiến lên, quân phương Bắc đại bại. Tháo dẫn quân đi theo lối Hoa Dung Đạo (19), gặp phải bùn lầy, đường xá không thông, trời lại nổi gió lớn, bèn sai binh sĩ già yếu bệnh tật ra vác cỏ lấp đường, kỵ quân mới qua được. Các binh sĩ già yếu lại bị kỵ binh giẫm đạp, chìm ngập trong bùn, chết không biết bao nhiêu mà kể. Lưu Bị với Chu Du hai đường thủy, bộ cùng tiến, truy đuổi Tào Tháo đến Nam Quận. Bấy giờ quân Tào vừa mệt vừa đói, chết hơn một nửa. Tháo bèn để Chinh Nam Đại Tướng quân Tào Nhân, Hoành Dã Tướng quân Từ Hoảng ở lại trấn thủ Giang Lăng, Chiết Xung Tướng quân Lạc Tiến trấn thủ Tương Dương, còn mình thì dẫn quân trở về phương Bắc.
Tập Tạc Xỉ nói: "Xưa Tề Hoàn Công (20) vì một phút kiêu căng công trạng mà chín nước phản bội, Tào Tháo cũng vì tự phụ chinh phạt mà thiên hạ chia ba. Đều là sự nghiệp gian khổ hết mười năm, mà bỏ phí chỉ trong phút chốc, há chẳng tiếc lắm ư?".
---oOo---
Chú thích:
(1) Đoạn này được trích từ quyển 65, phần "Hán kỷ" trong bộ sách "Tư trị thông giám" của Tư Mã Quang đời Tống. Vì đây là chính sử nên người đọc sẽ không thể tìm thấy các tình tiết ly kỳ như "Gia Cát Lượng mượn thơ khích Chu Du", "Quần anh hội", "Thuyền cỏ mượn tên", "Mượn gió Đông",... như tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" hư cấu.
(2) Lỗ Túc, tự Tử Kính, là mưu sĩ của Đông Ngô. Sau khi Chu Du mất, ông lên thay thế chức Đô đốc.
(3) Lưu Biểu, tự Cảnh Thăng, là hoàng tộc nhà Hán, giữ chức Thứ sử Kinh Châu (sau đổi thành Kinh Châu mục). Trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", Tào Tháo uống rượu luận anh hùng và đánh giá: "Lưu Biểu có hư danh nhưng không có thực tài, không phải anh hùng".
(4) Tôn Quyền, tự Trọng Mưu, là con của Tôn Kiên và em của Tôn Sách. Thế lực của Đông Ngô được hình thành từ Tôn Kiên. Sau khi Tôn Kiên mất thì truyền lại cho con cả là Tôn Sách, Tôn Sách mất thì tới Tôn Quyền lên thay. Tào Tháo rất coi trọng Tôn Quyền, từng nói với các tướng: "Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu".
Năm 229, Tôn Quyền xưng đế, đặt quốc hiệu là Ngô. Trước đó, năm 220, con của Tào Tháo là Tào Phi đã ép Hán Hiến Đế nhường ngôi cho mình, đổi quốc hiệu là Ngụy. Năm 221, Lưu Bị cũng xưng đế, vẫn giữ quốc hiệu là Hán (vì ông đóng ở đất Thục, nên còn gọi là Thục Hán). Đó chính là ba nước thời Tam Quốc.
(5) Trận Trường Bản - Đương Dương cũng là một trận nổi tiếng, xảy ra trước trận Xích Bích. Chính trong trận đánh này, danh tướng Triệu Vân (Triệu Tử Long) đã xông pha nguy hiểm, cứu được con Lưu Bị là Lưu Thiện (A Đẩu).
Trong "Lục Vân Tiên", Nguyễn Đình Chiểu có viết hai câu thơ:
Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương
(6) Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, là một nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc. Sau khi Lưu Bị xưng đế thì phong ông làm Thừa tướng. Ông theo Lưu Bị nhưng anh ông, Gia Cát Cẩn, tự Tử Du, lại làm quan cho Đông Ngô.
(7) "Bốn biến" (tứ hải) thời xưa không phải chỉ biển mà là chỉ đất, chỉ con người.
Thiên "Thích địa" trong sách "Nhĩ Nhã" giải thích: "Cửu Di, bát Địch, thất Nhung, lục Man, vị chi tứ hải" (Chín tộc người Di ở phía Đông, tám tộc người Địch ở phía Bắc, bảy tộc người Nhung ở phía Tây, sáu tộc người Man ở phía Nam, được gọi là bốn biển).
Vậy "bốn biển" là các vùng đất của những dân tộc thiểu số Trung Quốc cổ đại.
Trong sách "Luận ngữ", thiên "Nhan Uyên", Tử Hạ (tức Bốc Thương, học trò của Khổng Tử) có nói: "Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã" (Những người trong bốn biển đều là anh em cả). Đây là tư tưởng "đại đồng" của Nho gia, ý nói không nên phân biệt sang hèn, phải coi tất cả mọi người như người thân.
(8) Ngày xưa các bậc quân chủ thường ngồi quay mặt về phía Nam, còn quần thần đứng chầu thì quay mặt về hướng Bắc. Do đó, nói "quay mặt về hướng Bắc" có ý chỉ sự quy thuận, chấp nhận làm bề tôi.
(9) Điền Hoành là vua nước Tề thời Hán Sở, từng cho nấu sứ giả của Lưu Bang là Lịch Tự Cơ. Khi Lưu Bang lên ngôi, xá tội cho Điền Hoành và triệu ông về kinh, Điền Hoành cho đó là nhục nhã nên tự sát.
(10) Lưu Kỳ là con của Lưu Biểu và là anh của Lưu Tông. Lưu Biểu quý Lưu Tông, con của Sái phu nhân. Lưu Kỳ sợ họ Sái làm hại nên nương nhờ Lưu Bị.
(11) Lỗ cảo là một loại lụa do nước Lỗ thời xưa làm ra, rất mỏng. Câu này ý nói: binh mạnh mà đánh nhiều, mệt mỏi thì uy thế cũng suy, nỏ đã hết lực thì mũi tên không thể xuyên nổi tấm lụa mỏng như Lỗ cảo.
(12) Lưu Biểu mất, Sái Mạo lập Lưu Tông làm Kinh Châu mục. Năm 208, Tào Tháo kéo quân tới Kinh Châu, Lưu Tông ra hàng.
(13) Trương Chiêu, tự Tử Bố, là danh sĩ của Đông Ngô. Tuy trong trận Xích Bích ông chủ trương đầu hàng nhưng công lao của ông trong quá trình xây dựng nước Ngô vẫn rất lớn, không thể phủ nhận.
(14) "Cô" từ khiêm xưng của các quân chủ thời xưa, ý nói mình ít tài, kém đức.
(15) Chu Du, tự Công Cẩn, Đại Đô đốc của Đông Ngô, là một nhà quân sự danh tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông phò tá hai đời chúa Tôn Sách và Tôn Quyền. Vợ Tôn Sách, Đại Kiều, và vợ của Chu Du, Tiểu Kiều là hai chị em, cũng là hai bậc giai nhân thời ấy.
Nhà thơ Đỗ Mục thời Đường, trong bài "Xích Bích hoài cổ" có hai câu:
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng Tước xuân thâm tỏa Nhị Kiều
(Gió Đông nếu chẳng vì Công Cẩn
Đồng Tước đêm xuân khóa Nhị Kiều)
Hai câu thơ này chính là nguồn cảm hứng để La Quán Trung hư cấu chuyện Gia Cát Lượng mượn thơ "Đồng Tước Đài phú" của Tào Thực khích Chu Du trong "Tam Quốc diễn nghĩa". Trên thực tế, sau trận Xích Bích thì Tào Tháo mới cho xây Đồng Tước Đài và lúc đó Tào Thực mới làm thơ.
(16) Nhị Viên tức chỉ anh em Viên Thiệu, Viên Thuật.
Viên Thiệu, tự Bản Sơ, là một thế lực quân phiệt lớn ở Hà Bắc, bị Tào Tháo đánh bại trong trận Quan Độ.
Viên Thuật là em của Viên Thiệu, tự Công Lộ. Năm 197, ông xưng đế, nhưng chỉ trị vì hai quận Cửu Giang và Lư Giang. Về sau ông bị Tào Tháo tiêu diệt.
Lữ Bố, tự Phụng Tiên, là một viên tướng có sức mạnh hơn người. Sau khi giết Đổng Trác, ông chiếm đóng Từ Châu, cuối cùng cũng bị thua dưới tay Tào Tháo.
(17) Nguyên Biểu là tên tự của Tần Tùng, đúng ra là Văn Biểu, ở đây Tư Mã Quang chép nhầm. Tần Tùng là thượng khách của Tôn Sách, sau trở thành một trọng thần của Đông Ngô.
(18) Tức Trình Phổ, một tướng lĩnh Đông Ngô, làm quan dưới ba đời Tôn Kiên, Tôn Sách, Tôn Quyền.
(19) Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", La Quán Trung hư cấu chuyện Quan Vũ tha Tào Tháo ở Hoa Dung Đạo, để báo ơn Tào Tháo từng hậu đãi trước kia.
(20) Tề Hoàn Công là một trong "Ngũ bá" thời Xuân Thu, được danh thần Quản Trọng phò tá nên nước Tề hùng mạnh, uy thế rất lớn. Mùa thu năm 651 trước Công Nguyên, Tề Hoàn Công họp chư hầu ở Quỳ Khâu, ông tỏ ra kiêu ngạo, khiến nhà Chu và các chư hầu thấy bất mãn. Đến cuối đời, ông tin dùng gian thần, lúc lâm bệnh thì bị chúng bỏ đói cho tới chết.